Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Hai, 25/04/2022, 07:55 (GMT+7)
Nghệ thuật đánh trận then chốt trong Chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 1972

Chiến dịch tiến công Bắc Tây Nguyên năm 1972, mà trực tiếp là trận Đắk Tô - Tân Cảnh giành thắng lợi, góp phần làm thay đổi cục diện chiến trường Tây Nguyên theo hướng có lợi cho ta. Đây là trận đánh có hiệu suất chiến đấu cao, với nhiều nét nghệ thuật chỉ đạo, điều hành tác chiến chiến dịch đặc sắc; trong đó, nghệ thuật đánh trận then chốt mở đầu Chiến dịch là nét nổi bật.

Cuối năm 1971, quân địch nhận định, Bắc Tây Nguyên sẽ là hướng tiến công chủ yếu của ta trong năm 1972, chính vì vậy, chúng đã điều Lữ đoàn dù số 2 thuộc lực lượng tổng dự bị chiến lược từ Sài Gòn lên Tây Nguyên, lập tuyến phòng thủ mới tại khu vực phía Tây sông Pô Cô, hòng ngăn chặn ta từ xa và sẵn sàng bẻ gãy các đợt tiến công vào thị xã Kon Tum. Để giữ vững mục tiêu chủ yếu (thị xã Kon Tum), quân địch tiến hành xây dựng thế trận phòng ngự liên hoàn dọc trục Đường 14 từ Đắk Tô, Đắk Lắk đến Quảng Đức và trên các trục đường nhánh 18, 15, 21, 7, với tuyến phòng thủ phía Tây sông Pô Cô cùng 03 cụm phòng ngự Đắk Tô - Tân Cảnh, thị xã Kon Tum và thị xã Pleiku; trong đó Đắk Tô - Tân Cảnh và thị xã Kon Tum là 02 cụm phòng ngự mạnh1.

Về phía ta, để phối hợp với hướng tiến công chủ yếu trong Cuộc tiến công chiến lược năm 1972, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương chỉ đạo quân và dân Tây Nguyên mở chiến dịch tiến công Bắc Tây Nguyên, nhằm “tiêu diệt một bộ phận quan trọng chủ lực Quân đoàn 2 và lực lượng tổng dự bị quân đối phương, giải phóng vùng Đắk Tô - Tân Cảnh, thị xã Kon Tum,…”2. Thực hiện quyết tâm của Trung ương, Bộ đã huy động lực lượng, phương tiện tương đương 01 quân đoàn tham gia Chiến dịch. Qua nghiên cứu tình hình, Bộ Tư lệnh chiến dịch xác định, trận tiến công Đắk Tô - Tân Cảnh là trận then chốt mở đầu và tổ chức triển khai công tác chuẩn bị, thực hành chiến dịch. Sau hơn 10 giờ chiến đấu quyết liệt, quân và dân ta đã tiêu diệt hoàn toàn cụm phòng ngự Đắk Tô - Tân Cảnh của địch, tạo thời cơ phát triển Chiến dịch xuống phía Nam thị xã Kon Tum. Thắng lợi trận tiến công Đắk Tô - Tân Cảnh được tạo nên bởi nhiều yếu tố, với nhiều nét nghệ thuật độc đáo; trong đó nổi bật là:

1. Lựa chọn chính xác mục tiêu, hướng tiến công. Trước khi Chiến dịch nổ ra, các cụm quân địch ở khu vực Bắc Tây Nguyên đều là những cụm phòng ngự mạnh, với hệ thống công sự được xây dựng kiên cố, nhưng thế bố trí của chúng từ thị xã Pleiku qua thị xã Kon Tum đến Đắk Tô - Tân Cảnh lại là thế trận thiên về chiều dọc, chiều ngang hẹp nên dễ bị chia cắt và không chi viện được cho nhau khi bị tiến công. Chính vì vậy, để bảo vệ các mục tiêu chủ yếu, địch đã tổ chức tuyến phòng ngự vòng ngoài ở phía Tây Đường 14 và Tây sông Pô Cô kết hợp với 03 cụm phòng ngự Đắk Tô - Tân Cảnh, thị xã Kon Tum và Pleiku hình thành thế trận phòng ngự liên hoàn. Nắm chắc ý đồ của địch, nhất là thế trận phòng ngự của chúng, Bộ Tư lệnh chiến dịch lựa chọn Đắk Tô - Tân Cảnh là mục tiêu đánh trận then chốt mở đầu. Việc lựa chọn này thể hiện tầm nhìn, tư duy nhạy bén, sáng tạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh chiến dịch; bởi, trong 03 cụm phòng ngự trên thì cụm phòng ngự Kon Tum là quan trọng và mạnh nhất, cụm phòng ngự Pleiku nằm sâu trong hậu phương của địch. Nếu tiến công hai cụm phòng ngự này thì ta phải đột phá vào trung tâm phòng ngự mạnh, khả năng giành thắng lợi không cao. Mặt khác, khi ta tiến công thị xã Kon Tum thì quân địch từ Pleiku và Đắk Tô - Tân Cảnh sẽ cơ động về ứng cứu, nếu ta đánh thị xã Pleiku thì công tác bảo đảm sẽ gặp nhiều khó khăn. Còn Đắk Tô - Tân Cảnh cũng là cụm phòng ngự mạnh nhưng lại gần hậu phương Chiến dịch nên ta có điều kiện tiến hành các mặt bảo đảm. Hơn nữa, đội hình phòng ngự của địch kéo dài theo trục Đường 14, nên ta có thể chia cắt, bao vây, cô lập Đắk Tô - Tân Cảnh với thị xã Kon Tum, Pleiku sau đó tập trung lực lượng tiêu diệt cụm phòng ngự này.

Bên cạnh việc xác định chính xác mục tiêu tiến công, hướng tiến công cũng được Bộ Tư lệnh Chiến dịch sáng suốt lựa chọn. Nhận thấy quân địch vẫn tập trung sức mạnh ở hướng Tây và Bắc Đắk Tô - Tân Cảnh, hướng Đông mặc dù đặt Sở Chỉ huy Sư đoàn 22 ngụy nhưng chúng vẫn lơ là phòng ngự. Vì vậy, Bộ Tư lệnh Chiến dịch quyết định tập trung lực lượng, phương tiện đánh vào Đông Đắk Tô - Tân Cảnh, nơi hiểm yếu nhất của đối phương. Thực tiễn cho thấy, việc Bộ Tư lệnh Chiến dịch quyết định tiến công Đắk Tô - Tân Cảnh từ phía Đông, nơi phòng ngự sơ hở, mỏng yếu nhất của địch đã tạo bất ngờ lớn, nhanh chóng tiêu diệt sở chỉ huy địch, khiến chúng kinh hoàng, không kịp trở tay, dẫn đến cụm phòng ngự Đắk Tô - Tân Cảnh bị thất thủ trong thời gian rất ngắn.

2. Nghi binh lừa địch, tạo lập thế trận có lợi. Với quyết tâm giành thắng lợi trận then chốt mở đầu Đắk Tô - Tân Cảnh, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện nhiều biện pháp nghi binh, tạo lập thế trận có lợi trước khi tiến công. Theo đó, để thu hút quân địch về phía Kon Tum, tạo điều kiện cho các đơn vị tham gia đánh Đắk Tô - Tân Cảnh có thời gian làm công tác chuẩn bị, Bộ Tư lệnh Chiến dịch chỉ đạo lực lượng Công binh cùng lực lượng vũ trang địa phương làm 02 con đường cho xe cơ giới “vừa giả, vừa thật” ở sát nách thị xã Kon Tum. Hoạt động nghi binh này khiến quân địch tưởng ta chuẩn bị đánh Kon Tum thật, nên đã điều Lữ đoàn dù và Liên đoàn biệt động 22 ngụy ra ngăn chặn. Như vậy, thông qua việc làm đường nghi binh, ta không chỉ điều được lực lượng chủ lực và lữ dù địch ra khỏi công sự, mà còn giam chân hai đơn vị này, làm cho chúng không thể tập trung lực lượng, phương tiện trong việc đối phó khi ta đánh Đắk Tô - Tân Cảnh. Ngoài ra, đây cũng là thời cơ thuận lợi để ta làm một con đường nối từ Đường 14 vào phía Đông Tân Cảnh, đưa lực lượng tiến công trên hướng chủ yếu áp sát mục tiêu.

Cùng với việc nghi binh, lừa dụ địch ra ngoài công sự để tiêu diệt, giam chân, ta còn tiến hành chia cắt địch ở Đắk Tô - Tân Cảnh với thị xã Kon Tum và Pleiku. Theo đó, ta sử dụng 02 trung đoàn bộ binh cùng với lực lượng vũ trang địa phương đánh phá giao thông, chặn cắt địch trên Đường 14 ở phía Bắc (đoạn Võ Định) và phía Nam (đoạn Chư Thoi) thị xã Kon Tum; đồng thời, tổ chức chặn đánh, tiêu hao, tiêu diệt địch trên Đường 19 đoạn An Khê. Sư đoàn 320 tổ chức tiến công tiêu diệt địch tại các điểm cao 1015, 1049,… chọc thủng tuyến phòng thủ phía Tây sông Pô Cô, bao vây Võ Định. Chính các hoạt động trên của quân và dân Bắc Tây Nguyên đã tạo thế trận có lợi cho các đơn vị tiến công Đắk Tô - Tân Cảnh; bởi, Sư đoàn 23 ngụy bị giam chân ở Chư Thoi, Sư đoàn dù (thiếu) của địch phải co về bảo vệ thị xã Kon Tum, khu vực Đắk Tô - Tân Cảnh chỉ còn Sư đoàn 22 ngụy (thiếu) bị bao vây, không có lực lượng tiếp ứng.

Như vậy, với việc nghi binh, lừa dụ địch ra khỏi công sự để tiêu hao, tiêu diệt và giam chân đã tạo điều kiện thuận lợi và tạo lập được thế trận linh hoạt cho các lực lượng tiến công Đắk Tô - Tân Cảnh. Đó là sự kết hợp giữa vây hãm với đột phá, giữa tiến công chính diện với vu hồi, đây cũng là nét nghệ thuật quân sự đặc sắc về nghi binh, lừa địch và tạo lập thế trận đánh trận then chốt mở đầu chiến dịch.

3. Xác định cách đánh phù hợp, nắm chắc thời cơ tiến công tiêu diệt địch. Đắk Tô - Tân Cảnh là cụm phòng ngự mạnh với hệ thống công sự, trận địa vững chắc, đội hình phòng ngự hoàn chỉnh, do một sư đoàn (thiếu) ngụy đảm nhiệm, lại được chi viện hỏa lực mạnh, có phòng tuyến Tây sông Pô Cô bảo vệ vòng ngoài và cụm phòng ngự Kon Tum, Pleiku sẵn sàng chi viện. Để tiêu diệt được cụm phòng ngự này đòi hỏi phải có cách đánh phù hợp và xác định đúng thời cơ tiến công. Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá đúng tình hình các mặt, nhất là phản ứng của địch khi bị tiến công và khả năng của ta, Bộ Tư lệnh Chiến dịch chủ trương tiêu diệt cụm phòng ngự Đắk Tô - Tân Cảnh bằng cách đánh hiệp đồng binh chủng. Trước hết, ta tổ chức lừa, dụ, điều địch ra ngoài công sự, đánh tiêu hao, tiêu diệt, bao vây, chia cắt, các cụm phòng ngự, tạo lập thế trận có lợi, sau đó tập trung lực lượng, phương tiện đột phá vào trung tâm cụm phòng ngự Đắk Tô - Tân Cảnh. Đây là cách đánh khoa học, phù hợp với điều kiện thực tiễn, bởi Chiến dịch được tăng cường một số binh khí kỹ thuật có uy lực lớn và lần đầu tiên trên chiến trường Tây Nguyên ta sử dụng xe tăng vào chiến đấu. Thực tiễn Chiến dịch đã chứng minh, với các hoạt động tác chiến nghi binh, chia cắt địch trên Đường 14, 19 linh hoạt, táo bạo và hiệu quả, ta đã tiêu diệt một loạt cứ điểm, phá vỡ tuyến phòng ngự vòng ngoài, tiêu hao địch ở Tây sông Pô Cô và Bắc Võ Định. Cùng lúc đó, địch quyết định điều Sư đoàn dù về Bình Long do biết Bắc Tây Nguyên không phải là hướng tiến công chính của ta trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, khiến cụm phòng ngự Đắk Tô - Tân Cảnh bị cô lập hoàn toàn. Chớp thời cơ và với cách đánh hiệp đồng binh chủng, Bộ Tư lệnh chiến dịch sử dụng lực lượng pháo cao xạ khống chế đường không, pháo binh bắn phá mạnh vào trung tâm phòng ngự khiến quân địch trong căn cứ Đắk Tô - Tân Cảnh hoang mang, khả năng chiến đấu sa sút. Dưới sự chi viện của hỏa lực pháo binh, sáng ngày 24/4/1972, bộ binh, xe tăng ta nhanh chóng đột phá thẳng vào Sở chỉ huy Sư đoàn 22, Trung đoàn 42 và trận địa pháo binh địch ở căn cứ 42 Tân Cảnh. Một cánh quân khác đột phá tiến công căn cứ Trung đoàn 47 địch ở sân bay Đắk Tô 2. Sau hơn 10 giờ chiến đấu, đến 11 giờ ngày 24/4/1972, ta đã làm chủ hoàn toàn cụm phòng ngự Đắk Tô - Tân Cảnh.

Như vậy, sau một thời gian tổ chức các hoạt động nghi binh tạo thế, trận then chốt mở đầu Chiến dịch Bắc Tây Nguyên đã giành thắng lợi, căn cứ Đắk Tô - Tân Cảnh bị tiêu diệt, cụm phòng ngự phía Bắc Kon Tum sụp đổ nhanh chóng. Đây là thắng lợi có ý nghĩa quan trọng, góp phần tạo cục diện mới, có lợi cho ta trên chiến trường Tây Nguyên. Thắng lợi đó để lại nhiều bài học quý về nghệ thuật chỉ đạo, điều hành tác chiến chiến dịch, nhất là nghệ thuật đánh trận then chốt mở đầu, cần được nghiên cứu, phát triển và vận dụng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Đại tá, ThS. PHẠM ĐỨC TRƯỜNG, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam
_________________

1 - Tại Đắk Tô - Tân Cảnh, lực lượng địch có Sở chỉ huy Sư đoàn 22, Trung đoàn 42 và 47;…, tại Kon Tum có Sư đoàn dù (thiếu), 02 liên đoàn biệt động quân và một số đơn vị.

2 - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam – Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954 - 1975, Tập VII, Nxb CTQG, H. 2013, tr. 99.

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định thành lập Quân tình nguyện tại Lào, đánh dấu sự phát triển mới của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào; đồng thời, khẳng định đường lối, quan điểm đúng đắn của Đảng ta trong thực hiện nghĩa vụ quốc tế.