Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Năm, 22/06/2017, 08:36 (GMT+7)
Nghệ thuật đánh trận then chốt Đắc Tô - Tân Cảnh trong chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 1972

Cuối tháng 3-1972, bằng nhiều trận đánh kế tiếp nhau, quân ta đã giành thắng lợi to lớn trong Chiến dịch tiến công Bắc Tây Nguyên. Trong đó, trận then chốt tiêu diệt gọn cụm cứ điểm phòng ngự kiên cố của địch ở Đắc Tô - Tân Cảnh đã giáng một đòn chí tử vào quân đội Sài Gòn, làm thay đổi cục diện chiến trường Tây Nguyên, với nhiều nét nghệ thuật đắc sắc.

Khu Đài tưởng niệm chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh tại Trung tâm thị trấn Đăk Tô, tỉnh Kon Tum. (Ảnh: TTXVN)

Thực hiện kế hoạch Xuân Hè năm 1972, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chỉ đạo Mặt trận Tây Nguyên mở Chiến dịch tiến công Bắc Tây Nguyên, nhằm phối hợp với hướng tiến công chiến lược Trị - Thiên và miền Đông Nam Bộ đánh địch trên toàn chiến trường miền Nam. Đây là hướng phối hợp rất quan trọng của cuộc tiến công chiến lược năm 1972, nhằm tiêu diệt nhiều sinh lực địch, tạo hành lang nối thông giữa Mặt trận Trị - Thiên, Tây Nguyên với miền Đông Nam Bộ. Trước khi Chiến dịch nổ ra, ở Bắc Tây Nguyên, địch hình thành 03 cụm phòng ngự: Đắc Tô - Tân Cảnh, thị xã Kon Tum và Plâyku với 27 nghìn quân chủ lực và hàng chục nghìn quân địa phương. Trong đó, riêng lực lượng ở cụm Đắc Tô - Tân Cảnh, địch bố trí sở chỉ huy (nhẹ) Sư đoàn 22, các trung đoàn bộ binh 42, 47, Trung đoàn thiết giáp 14, 02 tiểu đoàn pháo binh và 02 tiểu đoàn bảo an. Đây là cụm phòng ngự nòng cốt, mạnh nhất của địch ở khu vực này.

Trước tình hình đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Chiến dịch chủ trương: khéo léo nghi binh lôi kéo quân địch ra dãy điểm cao phía Tây sông Pô Cô và Võ Định để tiêu diệt, tạo điều kiện cho Sư đoàn 2 (thiếu), Trung đoàn 66 và lực lượng tăng cường đánh trận then chốt tiêu diệt cụm cứ điểm Đắc Tô - Tân Cảnh - nơi mạnh nhất, nhưng hiểm yếu của địch. Quyết định đó là đúng đắn, táo bạo và làm cho địch bất ngờ, trở tay không kịp. Chính vì thế, sau hơn 10 giờ chiến đấu quyết liệt, quân ta đã tiêu diệt, bắt và thu giữ nhiều loại vũ khí, trang bị của địch1, tạo thời cơ thuận lợi cho Chiến dịch phát triển xuống phía Nam, tiến công thị xã Kon Tum. Thắng lợi của trận then chốt Đắc Tô - Tân Cảnh được thể hiện ở một số nội dung chủ yếu sau:

1. Lựa chọn chính xác hướng tiến công chủ yếu, gây bất ngờ đối với địch, tạo điều kiện tiêu diệt mục tiêu chủ yếu nhanh. Địch phòng ngự ở Đắc Tô - Tân Cảnh với lực lượng rất lớn, công sự vững chắc, hỏa lực mạnh, đặc biệt là căn cứ 42 - Tân Cảnh. Do đó, khi đánh, ta phải có hỏa lực vượt trội để chế áp chúng liên tục, bằng sức mạnh hiệp đồng binh chủng, tập trung tiêu diệt mục tiêu chủ yếu, tiến tới tiêu diệt toàn bộ quân địch. Bộ Tư lệnh Chiến dịch nghiên cứu đánh giá đúng tình hình, nắm chắc đội hình phòng ngự của địch. Ở đây, địch tổ chức thành nhiều cứ điểm với công sự vững chắc để bảo vệ căn cứ 42 - Tân Cảnh. Phía Bắc là quận lỵ Đắc Tô; phía Tây là căn cứ Đắc Tô 2 và Plây Cần; phía Tây Bắc là cứ điểm Đồi Tranh và một số cứ điểm khác; phía Nam, địch chiếm giữ một số điểm cao khống chế. Đặc biệt, trong căn cứ 42 - Tân Cảnh, chúng tập trung phần lớn xe tăng, thiết giáp, tạo nên khu phòng ngự cứng để bảo vệ sở chỉ huy Sư đoàn 22 từ phía Tây và Bắc. Như vậy, nơi đề phòng chủ yếu của địch là phía Bắc và Tây, nơi sơ hở của chúng là phía Đông. Nếu ta chọn hướng tiến công chủ yếu từ phía Bắc hoặc Tây để đánh vào mục tiêu chủ yếu, thì gần hậu phương Chiến dịch, lại có Đường 18 và Đường 14 nên rất thuận lợi cho cơ động lực lượng, nhưng các hướng đó khó có thể giữ được yếu tố bí mật, vì phải tiến công qua nhiều căn cứ, cứ điểm và nơi tập trung lớn lực lượng, hỏa lực địch, sự đề phòng rất cao. Như vậy, trận đánh sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí có thể thất bại. Còn nếu ta chọn hướng tiến công chủ yếu từ phía Đông thì giữ được yếu tố bí mật, có thể nhanh chóng đánh vào mục tiêu chủ yếu, nhưng hướng đó lại có núi cao án ngữ, hạn chế đến việc cơ động, triển khai lực lượng, nhất là đối với các phương tiện cơ giới. Để giải quyết mâu thuẫn đó, Bộ Tư lệnh Chiến dịch chọn phía Đông làm hướng tiến công chủ yếu, mặc dù sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng nếu ta lợi dụng sự hiểm trở của rừng núi, bí mật mở đường cơ động cho cơ giới thì sẽ tạo ra hướng tiến công rất hiểm, địch sẽ bị bất ngờ. Hơn nữa, ở hướng Đông của căn cứ Tân Cảnh, do địa bàn hiểm trở nên địch có phần chủ quan, bố trí lực lượng đối phó sơ sài, ta có điều kiện tập trung lực lượng áp đảo đối phương ở nơi hiểm yếu. Vì thế, việc chọn hướng tiến công này sẽ tạo nhiều thuận lợi để ta tiêu diệt cụm quân địch, hạn chế thương vong cho bộ đội, đồng thời bảo đảm yếu tố bất ngờ, chắc thắng. Thực tế Chiến dịch đã chứng minh, sau khi ta bí mật mở đường từ phía Tây qua phía Đông để đưa xe tăng, pháo xe kéo vào triển khai sát địch, chúng không phát hiện được, chỉ khi ta tiến công vào các mục tiêu trong căn cứ 42 - Tân Cảnh, lúc đó “cố vấn Mỹ mới giật mình không hiểu xe tăng từ đâu tới”2.

2. Khéo tạo lập thế trận ban đầu có lợi, vững chắc, đưa địch vào thế bị động, cô lập. Thực hiện quyết tâm đánh trận then chốt tiêu diệt cụm phòng ngự địch ở Đắc Tô - Tân Cảnh, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã sáng tạo nhiều biện pháp nghi binh và đánh địch để tạo lập thế trận ban đầu có lợi. Theo đó, để thu hút đội dự bị chiến lược của địch về phía Kon Tum, tạo sơ hở ở hướng Đắc Tô - Tân Cảnh, Bộ Tư lệnh Chiến dịch làm hai con đường cơ giới vừa giả, vừa thật ở Tây - Bắc thị xã Kon Tum. Hoạt động đó đã buộc địch phải điều 02 lữ đoàn dù thuộc lực lượng tổng dự bị chiến lược và Liên đoàn biệt động 22 ra chặn phá. Lợi dụng địch bị thu hút vào khu vực thị xã Kon Tum, ta bí mật làm gấp một con đường quân sự ở hướng Đông cụm cứ điểm Đắc Tô - Tân Cảnh, hướng vào Đường 14 để đưa lực lượng tiến công trên hướng chủ yếu vào vị trí triển khai, sẵn sàng tiến công địch như dự kiến. Vì vậy, với một đội hình lớn, gồm: Sư đoàn 2 (Quân khu 5), Trung đoàn 66, Tiểu đoàn đặc công của B3, cùng các lực lượng pháo binh, cao xạ và xe tăng của ta cơ động từ phía Tây, vòng về phía Đông Tân Cảnh, bí mật tạo thế tiến công vững chắc trên hướng chủ yếu. Để nghi binh, ta tổ chức nhiều trận đánh vòng ngoài, thiết lập thế trận. Đặc biệt, đã khôn khéo sử dụng Sư đoàn 320 tiêu diệt gọn 01 tiểu đoàn địch chiếm giữ Điểm cao 1.049 và đánh bại nhiều lần phản kích của chúng, giữ vững điểm cao này, tạo thế cắt đôi thế trận địch ở Bắc Tây Nguyên, cô lập cụm phòng ngự Đắc Tô - Tân Cảnh. Cùng với đó, để vây hãm Sư đoàn 22 địch trong khu vực diễn ra trận đánh, ta tiến hành cắt đứt Đường 14 từ Bắc Kon Tum đến Tân Cảnh (đoạn Võ Định) và từ Bắc thị xã Plâyku đến Nam Kon Tum (đoạn Chư Thoi). Đồng thời, bộ đội địa phương và dân quân du kích còn tổ chức một tuyến đánh ngăn chặn, tiêu hao địch trên Đường 19 (đoạn An Khê). Do đó, khi địch phát hiện ta tiến công ở Đắc Tô - Tân Cảnh thì chúng cũng không thể điều lực lượng từ nơi khác đến chi viện. Bởi, tất cả các hướng đến đó đều bị ta khống chế, địch ở Đắc Tô - Tân Cảnh hoàn toàn bị cô lập. Đây thực sự là nét độc đáo về nghệ thuật tạo lập thế trận ban đầu để đánh trận then chốt, giành thắng lợi.

3. Vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu, nhanh chóng tiêu diệt địch. Nằm ở phía Bắc thị xã Kon Tum 60 km, cụm căn cứ Đắc Tô - Tân Cảnh không chỉ là trung tâm chỉ huy tập đoàn phòng ngự địch, mà còn là nơi xuất phát các cuộc hành quân, hòng đánh phá các cơ sở kháng chiến và tuyến vận tải chiến lược của ta ở vùng ngã ba biên giới. Đây còn là nơi đặt sở chỉ huy Sư đoàn 22, Trung đoàn 42 ngụy và khu cố vấn Mỹ, nên có quân số đông, hỏa lực mạnh, công sự trận địa cấu trúc kiên cố, phức tạp. Vì thế, để tiêu diệt nhanh gọn cụm cứ điểm này, đòi hỏi phải vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu, nhất là sử dụng sức mạnh hiệp đồng binh chủng. Theo đó, để bảo đảm thắng lợi cho trận then chốt, Bộ Tư lệnh Chiến dịch quyết định tập trung nhiều binh, hỏa lực, nhất là pháo binh, pháo phòng không xe kéo, tên lửa chống tăng nhằm khống chế ngay từ đầu các trận địa hỏa lực của địch. Đặc biệt, lần đầu tiên ta sử dụng tên lửa chống tăng B72 tại chiến trường, tiêu diệt nhiều xe tăng địch, làm cho chúng vô cùng hoang mang. Khi hỏa lực địch cơ bản bị khống chế, các mũi tiến công của bộ binh kết hợp với xe tăng nhanh chóng phá vật cản, tiêu diệt hỏa điểm, ổ đề kháng của địch, đánh thẳng vào mục tiêu đảm nhiệm, tiêu diệt địch, làm chủ trận địa.

Quá trình tiến công, ta vận dụng linh hoạt các thủ đoạn chiến đấu để tiêu diệt địch. Bằng thủ đoạn bao vây, chia cắt, nên ngay từ đầu ta trói chặt địch trong các cứ điểm, không cho chúng chi viện, hỗ trợ nhau. Khi thực hành đột phá vào các mục tiêu, cùng bộ binh, ta tận dụng hỏa lực mạnh, vỏ thép dày, cơ động nhanh của xe tăng, hình thành các mũi chia cắt địch ra từng mảng, kết hợp với thọc sâu, đánh thẳng vào mục tiêu chủ yếu và các mục tiêu quan trọng. Mặc dù địch lợi dụng cả hầm ngầm, sử dụng đạn hóa học,… để co cụm, chống trả quyết liệt, nhưng bằng việc vận dụng linh hoạt, phù hợp các thủ đoạn chiến đấu, ta làm chủ trận đánh, tiêu diệt toàn bộ quân địch.

Thực tế đã chứng minh, ngay từ chiều tối hôm trước (ngày 23-4-1972), pháo binh ta bắn khống chế: sở chỉ huy Sư đoàn 22 ngụy, trận địa pháo, phá hủy hoàn toàn kho đạn, kho xăng và trung tâm truyền tin của căn cứ. Đòn tiến công hỏa lực mạnh đã cắt đứt hệ thống thông tin chỉ huy, làm cho địch rối loạn đội hình, tạo điều kiện cho Tiểu đoàn 7 và 8 cùng xe tăng thọc sâu đánh chiếm sở chỉ huy Sư đoàn 22, Trung đoàn 42, trận địa pháo binh địch, làm chủ hoàn toàn căn cứ 42 - Tân Cảnh. Các hướng khác cũng nhanh chóng tiêu diệt Trung đoàn 47 ngụy, đánh chiếm căn cứ Đắc Tô 2, quân lỵ Đắc Tô, v.v. Như vậy, bằng việc vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu, chỉ trong thời gian ngắn, ta đã tiêu diệt, bắt sống gần 01 sư đoàn địch cùng nhiều phương tiện chiến tranh của chúng.

Thắng lợi của trận then chốt Đắc Tô - Tân Cảnh trong Chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 1972 vẫn còn nguyên giá trị, cần tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Đại tá, TS. NGUYỄN VĂN LƯỢNG, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam

______________

1 - Gồm: Sở chỉ huy Sư đoàn 22, Trung đoàn 42, Trung đoàn 47, 01 tiểu đoàn của Trung đoàn 41, Tiểu đoàn dù số 9 thuộc Lữ đoàn dù số 3, 01 trung đoàn thiết giáp, 02 tiểu đoàn pháo binh và một số đơn vị bảo an; bắt 1.700 tên; thu 04 xe tăng M41, 05 xe M113, 20 khẩu pháo loại 105mm và 155mm; phá huỷ nhiều vũ khí, trang bị, bắn rơi 02 máy bay.

2 - Báo Diễn đàn thông tin quốc tế, ngày 26-7-1972.

Ý kiến bạn đọc (0)

"Sự kiện Vịnh Bắc Bộ" năm 1964 và bài học Chiến thắng trận đầu của quân, dân miền Bắc
Ngày 05-8-1964, với việc dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, đế quốc Mỹ đã phát động cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân, hòng đè bẹp ý chí chiến đấu của nhân dân Việt Nam. Song, chúng đã bị quân và dân miền Bắc giáng trả những đòn thích đáng, với những nét nghệ thuật đặc sắc.