Thứ Bảy, 23/11/2024, 04:08 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam
Chiến dịch Hiệp Đức - Đồng Dương năm 1965 của quân và dân ta trên chiến trường Quân khu 5 bước đầu đã tiêu diệt được một bộ phận quan trọng quân ngụy và quân Mỹ ở vùng giáp ranh giữa miền núi và đồng bằng. Thắng lợi của Chiến dịch góp phần tạo chuyển biến mới trong thế tiến công chiến lược; đồng thời, khẳng định bước phát triển về nghệ thuật đánh điểm, vây điểm, diệt viện.
Năm 1965, với mưu đồ dùng sức mạnh quân sự nhanh chóng giành thắng lợi trên chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ quyết định thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Đây là bước leo thang mới, rất nguy hiểm, thể hiện bản chất hiếu chiến của một đế quốc đầu sỏ trong chiến tranh Việt Nam. Thực hiện mưu đồ đó, chúng tăng cường một số đơn vị tinh nhuệ, thiện chiến cùng các phương tiện chiến tranh hiện đại, có uy lực mạnh, sức công phá lớn cho các căn cứ quân sự Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Quy Nhơn và Cam Ranh. Tuy nhiên, sau Chiến dịch Plây Me, quân địch trên chiến trường Quân khu 5 bị ta cô lập, buộc phải co cụm trong các căn cứ, chi khu, quận lỵ. Để đề phòng ta tiến công, hằng ngày, chúng đưa quân ra xung quanh các căn cứ, tổ chức đánh phá và ngăn chặn lực lượng ta. Trên địa bàn Hiệp Đức - Đồng Dương và các huyện Quế Sơn, Thăng Bình, Tam Kỳ, Tiên Phước, quân địch bố trí một số đơn vị chủ lực thiện chiến1 cùng lực lượng bảo an, dân vệ, biệt kích và các phương tiện chiến đấu hiện đại nhằm bảo đảm an toàn cho các căn cứ quân sự và quận lỵ Hiệp Đức (Quảng Nam).
Về phía ta, nhận thấy quân địch trên chiến trường Quân khu 5 đang hoang mang, dao động, nếu ta đẩy mạnh các hoạt động phá kìm kẹp, phá ấp chiến lược, tiến công căn cứ, tiêu diệt một số đơn vị chủ lực thì quân viễn chinh Mỹ sẽ trực tiếp tham chiến, khi đó ta có điều kiện tiêu diệt. Với chủ trương sau khi kết thúc các chiến dịch tại địa bàn rừng núi sẽ đẩy mạnh các hoạt động quân sự tại vùng giáp ranh giữa miền núi và đồng bằng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 quyết định mở chiến dịch Hiệp Đức - Đồng Dương, nhằm tiêu diệt một bộ phận quân chủ lực địch, đẩy mạnh các hoạt động chiến tranh du kích, hình thành các vành đai diệt Mỹ, mở rộng vùng nông thôn. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Chiến dịch, quân và dân Quân khu 5 đã hoàn thành mục tiêu chiến dịch đề ra. Trong một thời gian ngắn, với ba đợt tác chiến, ta đã tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch2, bước đầu đánh thắng quân viễn chinh Mỹ trên vùng giáp ranh, tạo chuyển biến chiến lược trên chiến trường theo hướng có lợi cho ta; đồng thời, khẳng định bước trưởng thành về vận dụng nghệ thuật tác chiến chiến dịch của bộ đội chủ lực; trong đó, nổi bật là nghệ thuật đánh điểm, vây điểm, diệt viện.
1. Lựa chọn chính xác mục tiêu đánh điểm, vây điểm, diệt viện. Trong tác chiến, việc lựa chọn chính xác khu vực, mục tiêu tiến công tiêu diệt địch, thể hiện khả năng nghiên cứu, đánh giá đúng tình hình địch, địa hình khu vực tác chiến của người chỉ huy và cơ quan, phát huy được sức mạnh tổng hợp, sở trường của các lực lượng tham gia chiến đấu; đồng thời, khoét sâu vào điểm yếu của địch, làm cho chúng lúng túng, bị động đối phó. Chiến dịch Hiệp Đức - Đồng Dương là chiến dịch đầu tiên ta sử dụng lực lượng cấp sư đoàn chủ lực đánh tập trung với đối tượng cả quân Mỹ và quân ngụy. Theo đó, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã tổ chức nắm, phân tích, đánh giá chính xác âm mưu, thủ đoạn đối phó của địch, địa bàn tác chiến, từ đó lựa chọn mục tiêu, xác định phương châm: đánh điểm, vây điểm, diệt viện phù hợp; trong đó, lấy diệt viện là chính. Để bảo đảm đánh chắc thắng trận đầu, Bộ Tư lệnh Chiến dịch quyết định tiến công quận lỵ Hiệp Đức và vây đồn Việt An để “khêu ngòi”, nhằm kéo quân địch đến chi viện, ứng cứu, qua đó có điều kiện tiêu diệt lớn quân địch ngoài công sự. Quyết định này là hoàn toàn chính xác, bởi Hiệp Đức là khu vực nằm ngoài cùng trong tuyến phòng thủ của địch trên Đường 16, có vị trí quan trọng tại địa bàn Quảng Nam, vì thế, khi Hiệp Đức bị tiến công chắc chắn địch sẽ tăng cường lực lượng đến chi viện, ứng cứu, giải tỏa. Việt An là căn cứ khá kiên cố, nằm án ngữ ngã ba đường từ Hà Lam đi Hiệp Đức và Việt An đi Tam Kỳ, nếu mất Việt An địch sẽ bị chia cắt chiến trường, không thể kiểm soát được Hiệp Đức. Đây là hai mục tiêu then chốt, quan trọng với địch, nhưng lại nằm trên hướng tiến công chủ yếu của Chiến dịch, nếu ta tiến công và bao vây hai mục tiêu này chắc chắn sẽ kéo được viện binh địch đến để tiêu diệt.
Thực tiễn Chiến dịch cho thấy, Bộ Tư lệnh lựa chọn quân lỵ Hiệp Đức làm mục tiêu tiến công mở đầu là hoàn toàn chính xác, bởi chỉ sau hơn 01 giờ tiến công, ta đã làm chủ quận lỵ Hiệp Đức và ngay sau khi mất quận lỵ quan trọng này, quân địch buộc phải tăng viện hòng đánh chiếm lại Hiệp Đức. Chính hoạt động đó của địch đã tạo cơ hội để các đơn vị phục kích tiêu diệt địch tăng viện bằng đường không tại Đồi Sơn và Đồi Tranh. Bước sang đợt 2, Bộ Tư lệnh Chiến dịch quyết định vây đồn Việt An để buộc quân địch phải tăng viện ứng cứu. Đúng như dự đoán, sau 12 ngày bị bao vây, quân địch tổ chức một chiến đoàn đến giải vây cho Việt An. Việc quân địch tổ chức lực lượng giải vây cho Việt An đã tạo thời cơ để ta tiêu diệt gần hết Tiểu đoàn 11 biệt động quân của chúng. Như vậy, với việc lựa chọn chính xác mục tiêu tiến công đầu tiên là quận lỵ Hiệp Đức và đồn Việt An để “khêu ngòi”, ta đã buộc quân địch phải tăng viện ứng cứu bằng cả đường không và đường bộ, qua đó tạo thời cơ diệt viện, hoàn thành mục tiêu Chiến dịch đề ra.
2. Vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu. Trong tác chiến chiến dịch, đánh điểm, vây điểm là hoạt động tạo ra tình huống và phản ứng dây chuyền buộc quân địch phải cơ động ứng cứu và khi đó thời cơ diệt viện sẽ xuất hiện, ta có điều kiện tiêu diệt lớn quân địch ngoài công sự, hoàn thành mục tiêu đề ra. Muốn đánh điểm, vây điểm, diệt viện có hiệu quả, ngoài việc nắm chắc âm mưu, thủ đoạn đối phó của địch, người chỉ huy chiến dịch còn phải vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu trong từng trận đánh và trên từng địa bàn tác chiến. Trong chiến dịch Hiệp Đức - Đồng Dương, bên cạnh việc lựa chọn chính xác khu vực, mục tiêu đánh điểm, vây điểm, diệt viện, Bộ Tư lệnh Chiến dịch còn vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu, nổi bật là: tiến công, tập kích, phục kích, vận động tập kích, vu hồi,… qua đó đẩy địch vào thế bị động, lúng túng, buộc chúng phải đánh theo cách đánh của ta.
Khi bắt đầu Chiến dịch, Bộ Tư lệnh đã sử dụng hình thức cường tập để đánh chiếm quận lỵ Hiệp Đức, tiếp theo sử dụng Tiểu đoàn 90, đại đội súng máy phòng không 12,7 mm phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương tổ chức phục kích địch đổ bộ đường không xuống khu vực Đồi Sơn và Đồi Tranh khi chúng tổ chức tái chiếm Hiệp Đức. Cũng trong đợt 1 của Chiến dịch, khi ta không thực hiện được ý định đánh trực thăng viện của địch ở Điểm cao 230 và Hoa Quế, Bộ Tư lệnh đã sử dụng toàn bộ Trung đoàn 1 tập kích địch tại Đồi Tranh và khu vực lân cận. Trong đợt 2, khi ta vây đồn Việt An, địch lập tức tổ chức một chiến đoàn cơ động đến hòng chi viện, giải tỏa cho cứ điểm này. Nắm chắc ý định và đội hình hành quân của địch, ta đã sử dụng Tiểu đoàn 70 phục kích tiêu diệt toàn bộ Tiểu đoàn biệt động quân 11 của chúng trên đường hành quân, lực lượng viện binh còn lại buộc phải cơ động về Đồng Dương, co cụm tại khu vực cầu Ông Triệu. Thời cơ chiến dịch xuất hiện, Bộ Tư lệnh chuyển từ phục kích sang tập kích khiến quân địch không kịp trở tay và chỉ sau hơn 01 giờ chiến đấu, ta đã tiêu diệt một bộ phận quan trọng bao gồm cả chỉ huy Trung đoàn 5 của địch, làm chủ khu vực Đồng Dương. Đợt 3 của Chiến dịch, thực hiện chủ trương tránh đối đầu trực tiếp với địch, ta tổ chức vu hồi đánh vào bên sườn, phía sau lưng địch. Khi địch thực hiện cuộc hành quân từ Cẩm Long đi Cẩm Khê, Trung đoàn 1 tiến hành vận động tập kích vào đội hình hành quân, tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch.
3. Tổ chức, sử dụng lực lượng hợp lý. Tổ chức sử dụng lực lượng đánh điểm, vây điểm, diệt viện là một nghệ thuật của người chỉ huy trong tác chiến, nhất là khi phải đương đầu với đối phương có ưu thế hơn cả về lực lượng và phương tiện. Trong đánh điểm, vây điểm để diệt viện, lực lượng thường được chia thành hai bộ phận: bộ phận đánh điểm hoặc vây điểm và bộ phận diệt viện. Nếu tổ chức, sử dụng lực lượng hợp lý thì sẽ đạt hiệu suất chiến đấu cao và ngược lại, nếu sử dụng lực lượng đánh điểm hoặc vây điểm quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức mạnh của lực lượng diệt viện. Nếu sử dụng lực lượng đánh điểm hoặc vây điểm quá ít sẽ không tạo được áp lực lớn, không khống chế được quân địch, dẫn đến chúng không tổ chức lực lượng ứng cứu, giải tỏa, khi đó ta không đạt được mục đích diệt viện, không hoàn thành mục tiêu đề ra.
Thực tiễn Chiến dịch đã chứng minh, khi tiến công Hiệp Đức, Bộ Tư lệnh đã sử dụng 02 tiểu đoàn phối hợp với lực lượng phòng không để đánh địch ở Đồi Sơn và khu vực hành chính quận lỵ Hiệp Đức, lực lượng đặc công tiến công địch tại cứ điểm Đồi Tranh, lực lượng vũ trang Quế Sơn đánh địch ở Núi Lớn. Với việc tổ chức, sử dụng lực lượng hợp lý, cho nên sau hơn 01 giờ nổ súng, ta làm chủ quận lỵ Hiệp Đức. Sau khi mất Hiệp Đức, chúng điều 02 tiểu đoàn tăng viện ứng cứu, tuy nhiên, Bộ Tư lệnh Chiến dịch lại chỉ sử dụng Tiểu đoàn 40, đại đội súng máy phòng không 12,7 mm và một phần lực lượng khác để đánh viện nên không tiêu diệt được nhiều quân địch tăng viện. Bước vào đợt 2 của Chiến dịch, rút kinh nghiệm từ việc sử dụng lực lượng trong đợt 1, Bộ Tư lệnh đã sử dụng: 01 tiểu đoàn (Tiểu đoàn 60) và 03 trung đội du kích vây đồn Việt An; 03 tiểu đoàn (40, 70, 90) đánh viện binh; tổ chức 02 trận địa hỏa lực tại khu vực Tây Nam và Đông Bắc Việt An để khống chế đồn và bắn máy bay địch, bảo vệ đội hình chiến đấu. Do đó, chỉ sau 02 giờ chiến đấu, ta tiêu diệt toàn bộ Tiểu đoàn biệt động 11 của địch ứng cứu cho Việt An, lực lượng tăng viện còn lại buộc phải co cụm về Đồng Dương, tạo điều kiện cho Sư đoàn 2 đánh trận then chốt quyết định giành thắng lợi.
Chiến dịch Hiệp Đức - Đồng Dương bước đầu tiêu diệt hiệu quả bộ phận quan trọng quân Mỹ và quân ngụy ở vùng giáp ranh, góp phần mở rộng vùng giải phóng và tạo chuyển biến mới trong thế tiến công chiến lược trên chiến trường miền Nam. Thắng lợi của Chiến dịch để lại nhiều bài học quý, nhất là nghệ thuật đánh điểm, vây điểm, diệt viện, cần được nghiên cứu, vận dụng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Thượng tá, TS. BÙI ĐĂNG LONG, Học viện Lục quân _______________
1 - Gồm: 06 tiểu đoàn bộ binh, 01 chi đoàn thiết giáp, 02 tiểu đoàn pháo binh, v.v.
2 - Tiêu diệt 03 tiểu đoàn, 01 đại đội biệt kích, 09 đại đội, 10 trung đội bộ binh, đánh thiệt hại 02 tiểu đoàn và 02 đại đội, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 3.000 tên địch, bắn rơi 39 máy bay, thu nhiều vũ khí, trang bị, v.v.
Chiến dịch Hiệp Đức - Đồng Dương,nghệ thuật đánh điểm,vây điểm,diệt viện
Nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh trong Chiến dịch tiến công Tây Sơn Tịnh năm 1966 21/11/2024
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào 29/10/2024
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 - nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng 24/10/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Bu Prăng - Đức Lập năm 1969 27/09/2024
Nghệ thuật chỉ đạo của Đảng về tạo và nắm thời cơ, giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 19/08/2024
Nghệ thuật đánh trận then chốt quyết định trong Chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức năm 1974 15/07/2024
Nhà Lý kết hợp tiến công quân sự với biện pháp ngoại giao để kết thúc chiến tranh, kiến tạo hòa bình 24/06/2024
Chiến dịch Long Khánh năm 1969 - nét đặc sắc của nghệ thuật tập kích 04/06/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Trung - Hạ Lào năm 1954 22/04/2024
Nét nổi bật về nghệ thuật đánh trận mở đầu trong Chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 1954 15/02/2024
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 - nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh trong Chiến dịch tiến công Tây Sơn Tịnh năm 1966