Thứ Sáu, 22/11/2024, 17:17 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam
Trong chiến dịch tiến công Đồng Xoài năm 1965, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu, giáng cho quân địch một đòn chí mạng, góp phần làm thay đổi cục diện chiến trường và tác động trực tiếp làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của chúng. Thắng lợi của Chiến dịch đánh dấu bước phát triển và sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo nghệ thuật “đánh điểm, diệt viện” trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Để cứu vãn chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” khỏi thất bại, tháng 3/1965, quân địch tăng cường lực lượng chiếm đóng một số khu vực có giá trị tại Bình Long, Phước Long, Bình Dương1, nhằm tạo thế và lực mới, tiếp tục thực hiện chương trình “bình định nông thôn”, tiến tới giành lại quyền chủ động trên chiến trường. Với mưu đồ đó, cùng với xây dựng Bình Long, Phước Long và Bắc Bình Dương thành khu vực phòng ngự vững chắc, quân địch còn tổ chức xây dựng chi khu Đồng Xoài (còn gọi là Đôn Luân - thuộc tỉnh Phước Long) thành căn cứ quân sự mạnh, nơi xuất phát các cuộc hành quân càn quét và đánh phá vào khu vực phòng ngự của ta dọc biên giới Việt Nam - Campuchia. Theo đó, chúng chia chi khu Đồng Xoài thành các khu vực phòng ngự và tổ chức xây dựng hệ thống công sự kiên cố. Tại đây, chúng còn bố trí một số đơn vị chủ lực mạnh cùng nhiều loại vũ khí, trang bị hiện đại2.
Về phía ta, trước những thắng lợi liên tiếp của quân và dân miền Nam, Trung ương Đảng chủ trương xây dựng, phát triển bộ đội chủ lực mạnh, nhằm đáp ứng yêu cầu chiến trường, thực hiện các đòn đánh chiến lược, tiêu diệt quân chủ lực địch, hỗ trợ nhân dân đấu tranh chính trị và chống phá địch bình định. Thực hiện chủ trương này, mùa hè năm 1965, Trung ương Cục và Quân ủy Miền quyết định mở chiến dịch tiến công Đồng Xoài với mục đích tiêu diệt một bộ phận sinh lực quan trọng của địch, hỗ trợ nhân dân đẩy mạnh chiến tranh du kích, phá ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng, nối liền các căn cứ Miền với Nam Tây Nguyên, làm cơ sở mở tuyến vận tải chiến lược từ miền Bắc vào miền Đông Nam Bộ. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Cục và Quân ủy Miền, trực tiếp là Đảng ủy, Bộ Tư lệnh chiến dịch, với 03 đợt tiến công, quân và dân ta đã tiêu diệt lớn sinh lực địch3, góp phần đẩy mạnh phong trào du kích chiến, mở rộng vùng nông thôn và làm thất bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của chúng. Thắng lợi của Chiến dịch đánh dấu bước trưởng thành về trình độ tổ chức, chỉ huy, khả năng tác chiến tập trung của bộ đội ta; trong đó, sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo nghệ thuật “đánh điểm, diệt viện” vào thực tiễn chiến dịch là một trong những nét nghệ thuật đặc sắc.
1. Tập trung ưu thế về lực lượng. Trong tác chiến nói chung, tác chiến chiến dịch nói riêng, “đánh điểm, diệt viện” là sự kết hợp các biện pháp chiến dịch, hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu, nhằm kéo địch ra khỏi căn cứ, buộc địch đến khu vực ta lựa chọn để tiêu diệt, bằng các hình thức tác chiến phù hợp. Đây là một trong những phương pháp tác chiến yêu cầu, đòi hỏi cao, được sử dụng khi ta chưa đủ khả năng đột phá, tiêu diệt lớn quân địch phòng ngự trong công sự và lấy tiêu diệt sinh lực địch ngoài công sự là chính; hoặc, khi ta có lực lượng mạnh, nhưng tránh phải đột phá không cần thiết, giảm tiêu hao về lực lượng, phương tiện và ta có thể lấy ít địch nhiều, thực hiện “công ở chỗ không có thành, đánh ở chỗ không có luỹ, chiến ở nơi không có trận” để tiêu diệt địch và giữ gìn, phát triển lực lượng ta. Nếu tập trung lực lượng, phương tiện “đánh điểm” hiệu quả thì sẽ kéo được quân địch đến ứng cứu, giải tỏa, khi đó sẽ xuất hiện thời cơ tốt để “diệt viện”. Phương pháp tác chiến này được sử dụng khá phổ biến trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhưng chủ yếu ở quy mô cấp chiến thuật và có nhiều trận đạt hiệu suất chiến đấu cao. Trong chiến dịch tiến công Đồng Xoài, nghệ thuật “đánh điểm, diệt viện” được quân chủ lực Miền phát triển từ quy mô chiến thuật lên chiến dịch, theo yêu cầu tác chiến và điều kiện thực tế chiến trường. Việc phát triển, vận dụng linh hoạt, sáng tạo nghệ thuật “đánh điểm, diệt viện” giúp quân chủ lực Miền cùng các lực lượng giành thắng lợi khi tiến công các chi khu quân sự vững chắc và tiêu diệt lớn quân địch chi viện, ứng cứu, giải tỏa.
Quán triệt sâu sắc phương châm “đánh chắc thắng” và thực hiện “đánh điểm, diệt viện”, lấy đánh địch ứng cứu giải tỏa bằng đường bộ và đổ bộ đường không là chủ yếu, nên trong Đợt 1 của Chiến dịch, Bộ Tư lệnh đã tập trung phần lớn lực lượng để tiến công các chi khu quân sự vững chắc của địch. Theo đó, Chiến dịch sử dụng Trung đoàn 271 phối hợp với bộ đội chủ lực Quân khu 6 và các đơn vị binh chủng tiến công thị xã Phước Long; Trung đoàn 272 nổ súng tiến công chi khu quân sự Phước Bình. Với quyết tâm đánh thắng trận đầu, nên chỉ trong thời gian ngắn ta đã diệt gọn chi khu Phước Bình và chiếm một phần thị xã Phước Long, buộc quân địch phải đổ bộ đường không xuống Bắc Phước Long và Nam Phước Bình để ứng cứu, tạo thời cơ cho Trung đoàn 272 vận động tiến công tiêu diệt. Để chúng chủ quan, khinh suất - điều kiện tiên quyết cho ta lừa, nhử vào thế trận đã bày sẵn, Bộ Tư lệnh Chiến dịch chỉ đạo các lực lượng anh dũng chiến đấu, nhưng thật khéo léo rút khỏi chi khu Phước Bình, bên cạnh đó duy trì áp lực thật cao ở thị xã Phước Long. Chính các hoạt động đó đã buộc quân địch phải đưa lực lượng từ Phước Bình lên Phước Long theo cả đường không và đường bộ để ứng cứu, qua đó tạo thời cơ để Trung đoàn 273 tiêu diệt một lực lượng của Trung đoàn 48 địch. Bước vào Đợt 2 của chiến dịch, ta vẫn sử dụng phương thức “đánh điểm, diệt viện” và tập trung lực lượng cho trận then chốt. Để tiêu diệt chi khu Đồng Xoài và buộc quân địch phải cơ động lực lượng ứng cứu, Bộ Tư lệnh Chiến dịch sử dụng 01 trung đoàn tăng cường, 01 tiểu đoàn pháo binh Miền cùng các đơn vị binh chủng tiến công chi khu quân sự này. Với việc tập trung ưu thế về lực lượng và vận dụng cách đánh công kiên, nên căn cứ quân sự Đồng Xoài nhanh chóng bị tiêu diệt, buộc quân địch phải đổ bộ đường không xuống đồn điền Thuận Lợi để cứu viện, từ đó mở ra cơ hội để Trung đoàn 271 tiêu diệt Tiểu đoàn 1 thuộc Chiến đoàn 7 của địch ở đồn điền Thuận Lợi và các lực lượng đánh địch ở sân bay Thuận Lợi.
Như vậy, với việc tập trung ưu thế về lực lượng trong đánh điểm - tiến công tiêu diệt chi khu quân sự vững chắc, bám trụ sau đó lại rút lui, ta đã thành công về nghệ thuật “câu viện”, điều địch ra khỏi công sự và khiến địch có tâm lý chủ quan, tạo cơ hội, thời cơ có một không hai tập trung tiêu diệt địch tại những nơi chuẩn bị trước.
2. Vận dụng linh hoạt các hình thức tác chiến. Trong nghệ thuật “đánh điểm, diệt viện”, đánh điểm là hoạt động tạo ra tình huống, thời cơ và phản ứng dây chuyền để thực hiện mục đích tác chiến, buộc địch ứng cứu, giải tỏa, còn diệt viện được tiến hành sau khi đánh điểm có kết quả, nhưng lại là mục đích chủ yếu của trận chiến đấu hoặc chiến dịch tiêu diệt địch ngoài công sự. Vì vậy, đánh điểm ở đâu, mục tiêu nào, thời điểm nào buộc quân địch đến ứng cứu theo ý định của ta là vấn đề quan trọng, đòi hỏi phải có hình thức tác chiến phù hợp. Có giành thắng lợi trong “đánh điểm” mới đạt được mục đích diệt viện và lấy “diệt viện” làm chính mới đạt được mục đích chiến dịch. Muốn diệt viện đạt hiệu quả cao, ngoài việc nắm chắc âm mưu, ý định, thủ đoạn đối phó và dự kiến chính xác các phản ứng của địch, người chỉ huy các cấp còn phải vận dụng linh hoạt các hình thức, biện pháp tác chiến trong từng trận chiến đấu, chiến dịch và trên từng khu vực, địa bàn tác chiến.
Thực tiễn chiến dịch Đồng Xoài (năm 1965) cho thấy, để thực hiện “đánh điểm” hiệu quả, kéo được địch ra khỏi căn cứ để tiêu diệt, bên cạnh chuẩn bị tốt các phương án tác chiến, lực lượng và thế trận, Bộ Tư lệnh Chiến dịch còn chỉ đạo các đơn vị, lực lượng vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật. Trong trận Đồng Xoài, ngoài việc sử dụng hình thức công kiên tiêu diệt địch trong căn cứ, ta còn sử dụng hình thức tập kích, vận động tiến công địch đổ bộ đường không ở đồn điền và sân bay Thuận Lợi. Trong Đợt 2 của chiến dịch, bằng hình thức tập kích (vào đêm 10/7/1965), ta tiêu diệt 01 tiểu đoàn của Trung đoàn 52 địch cùng 15 xe quân sự trên Đường 15. Riêng Đợt 3, khi phát hiện địch đã thay đổi, cơ hội tổ chức đánh viện không nhiều, đêm 15/7/1965, tại điểm đóng quân dã ngoại của địch ở Bàu Bàng, Trung đoàn 272 tiến hành tập kích tiêu diệt gọn Ban Chỉ huy Chiến đoàn 7 của địch cùng Chi đoàn Thiết giáp, đánh thiệt hại nặng 01 tiểu đoàn và một số lực lượng khác khi lực lượng này thực hiện nhiệm vụ mở đường ứng cứu, giải tỏa; hay bằng hình thức công kiên, Trung đoàn 273 đã tiêu diệt được nhiều sinh lực địch ở trong cứ điểm quân sự Bù Đốp (đêm 20/7/1965). Cùng với vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật: công kiên, tập kích, phục kích, vận động tiến công trong từng trận đánh, Bộ Tư lệnh chiến dịch còn chỉ đạo các đơn vị vận dụng sáng tạo các thủ đoạn chiến đấu, như: bao vây, thọc sâu, chia cắt, kết hợp đánh vu hồi vào bên sườn, phía sau lưng địch, tiêu diệt các ổ đề kháng, lực lượng ứng cứu, giải tỏa đường bộ và đổ bộ đường không. Đây cũng là một trong những nét nghệ thuật tác chiến tiêu biểu của quân chủ lực Miền khi thực hiện “đánh điểm, diệt viện”, bảo đảm phù hợp với từng mục tiêu, từng trận chiến đấu, tiêu diệt lớn sinh lực địch cả trong và ngoài công sự, góp phần thúc đẩy chiến dịch phát triển, nhanh chóng giành thắng lợi quyết định.
Chiến dịch Đồng Xoài, tuy là chiến dịch tiến công quy mô nhỏ, nhưng lại có ý nghĩa lớn, bởi thắng lợi của Chiến dịch đã trực tiếp góp phần đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của địch. Bên cạnh đó, Chiến dịch còn đánh dấu bước trưởng thành về trình độ tổ chức, chỉ huy và khả năng tác chiến tập trung của quân chủ lực Miền; sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức tác chiến, thủ đoạn chiến đấu trong từng trận đánh. Đặc biệt nghệ thuật “đánh điểm, đánh viện” được quân và dân ta phát triển từ quy mô chiến thuật lên quy mô chiến dịch, nổi bật là sự khéo kết hợp giữa “đánh điểm” với “diệt viện”; kết hợp giữa đánh địch trong công sự với ngoài công sự; trong đó, “đánh điểm” đã thể hiện cả hai chức năng: vừa câu viện, vừa tiêu diệt sinh lực địch trong công sự vững chắc. Chiến dịch tiến công Đồng Xoài để lại nhiều bài học quý cần được nghiên cứu, vận dụng và phát triển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. v
Đại tá, PGS, TS. HOÀNG XUÂN NHIÊN - Đại tá, ThS. NGUYỄN VĂN MẠNH __________________
1 - Gồm: 03 chiến đoàn bộ binh, 02 tiểu đoàn biệt động quân, 01 tiểu đoàn dù, 02 tiểu đoàn và 07 đại đội bảo an, 21 đại đội biệt kích, 01 chi đoàn thiết giáp, v.v.
2 - Lực lượng: từ 03 đến 04 đại đội biệt kích, 01 đại đội bảo an, 01 đại đội dân vệ, 02 trung đội cảnh sát, 02 chi đội xe bọc thép, 01 trung đội pháo binh, 40 cố vấn Mỹ, v.v.
3 - Đánh thiệt hại nặng 03 tiểu đoàn bộ binh, 01 tiểu đoàn dù; 01 chi đội thiết giáp, loại khỏi vòng chiến đấu gần 4.500 tên địch, phá hủy và thu giữ nhiều phương tiện chiến tranh.
“đánh điểm,diệt viện”,nghệ thuật quân sự,chiến dịch Đồng Xoài
Nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh trong Chiến dịch tiến công Tây Sơn Tịnh năm 1966 21/11/2024
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào 29/10/2024
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 - nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng 24/10/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Bu Prăng - Đức Lập năm 1969 27/09/2024
Nghệ thuật chỉ đạo của Đảng về tạo và nắm thời cơ, giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 19/08/2024
Nghệ thuật đánh trận then chốt quyết định trong Chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức năm 1974 15/07/2024
Nhà Lý kết hợp tiến công quân sự với biện pháp ngoại giao để kết thúc chiến tranh, kiến tạo hòa bình 24/06/2024
Chiến dịch Long Khánh năm 1969 - nét đặc sắc của nghệ thuật tập kích 04/06/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Trung - Hạ Lào năm 1954 22/04/2024
Nét nổi bật về nghệ thuật đánh trận mở đầu trong Chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 1954 15/02/2024
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 - nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh trong Chiến dịch tiến công Tây Sơn Tịnh năm 1966