Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Tư, 29/02/2012, 08:36 (GMT+7)
Nghệ thuật chuyển hướng tác chiến trong Cuộc tiến công chiến lược năm 1972

 

Sau thất bại nặng nề trên chiến trường miền Nam, Mỹ nguỵ điên cuồng mở rộng chiến tranh ra toàn cõi Đông Dương bằng các cuộc “hành binh” quy mô lớn, tập trung đánh phá vùng đồng bằng đông dân ở miền Trung, Nam Bộ và một số khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi, nhằm đẩy lùi lực lượng chủ lực của ta ra xa các trung tâm đầu não, các địa bàn chiến lược của chúng, giành lại quyền chủ động trên chiến trường. Ngoài ra, chúng còn huy động lực lượng lớn không quân, lục quân đánh phá ác liệt Đường mòn Hồ Chí Minh, hòng chặn đứng nguồn chi viện của hậu phương lớn miền Bắc XHCN cho tiền tuyến lớn miền Nam…

Trước tình hình đó, tháng 8-1971, Bộ Chính trị ra Nghị quyết mở Cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên các hướng: Đông Nam Bộ (hướng chủ yếu), Tây Nguyên, Trị - Thiên (hướng phối hợp quan trọng), trong thế tiến công rộng khắp trên toàn chiến trường miền Nam, nhằm tiêu diệt lớn quân địch, mở rộng vùng giải phóng, giữ vững quyền chủ động chiến lược. Bộ Chính trị chỉ rõ, trên chiến trường miền Nam, ta sẽ đánh địch ở cả 3 vùng (nông thôn đồng bằng, đô thị và miền núi) bằng ba đòn tiến công chiến lược: đòn thứ nhất của bộ đội chủ lực; đòn thứ hai của quần chúng nhân dân ở các vùng nông thôn đồng bằng quan trọng; đòn thứ ba kết hợp chặt chẽ đấu tranh quân sự, chính trị và ngoại giao. Thực hiện chủ trương trên, đầu tháng 3-1972, các đơn vị chủ lực tham gia tiến công trên các hướng1 đã lần lượt, bí mật vào vị trí tập kết và thực hiện công tác chuẩn bị về mọi mặt theo kế hoạch. Nhưng qua phân tích, đánh giá tình hình, ta nhận thấy: địch vẫn giữ thế bố trí lực lượng mạnh ở hai đầu và tăng quân ra các vùng biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia, hòng bịt kín hành lang phía Tây, đánh phá các cơ sở hậu cần của ta; đồng thời, chúng cho rằng, ta chỉ có thể mở những đợt hoạt động tác chiến vừa và nhỏ trên hướng Tây Nguyên và đánh phá bình định ở vùng nông thôn đồng bằng. Theo đó, chúng tổ chức phòng thủ ở các khu vực Trị - Thiên (trọng điểm là Quảng Trị), Tây Nguyên, Khu 5, Nam Bộ (trọng yếu là Sài Gòn). Với nghệ thuật nghi binh sắc sảo, tài tình2, ta đã làm cho địch xác định nhầm hướng tiến công chủ yếu của Cuộc tiến công là Tây Nguyên. Bởi vậy, chúng đưa lực lượng dự bị chiến lược ở Trị - Thiên về bảo vệ Tây Nguyên, nên mặt trận Trị - Thiên rơi vào chủ quan, sơ hở.

Chớp thời cơ đó, Thường vụ Quân uỷ Trung ương quyết định chuyển hướng tiến công phối hợp Trị - Thiên thành hướng tiến công chủ yếu, thay hướng miền Đông Nam Bộ. Đồng thời, mở 3 chiến dịch tiến công quy mô lớn: Chiến dịch Trị - Thiên trên hướng chủ yếu, Chiến dịch Bắc Tây Nguyên và Chiến dịch Bắc Bình Định trên hướng phối hợp quan trọng. Đây là quyết định sáng suốt, nhạy bén, đúng thời cơ, sát tình hình, tạo thuận lợi cho ta phát huy tối đa ưu thế trên chiến trường Trị - Thiên - nơi mà bộ đội và nhân dân có truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất, tích luỹ được nhiều kinh nghiệm trong Cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968), Chiến dịch Đường số 9 - Nam Lào, lại là địa bàn liền kề hậu phương lớn miền Bắc XHCN; đồng thời, gây khó khăn cho địch trong ứng cứu, tăng viện vì không có lực lượng dự bị chiến lược, thiếu phòng bị… Mặt khác, Trị - Thiên gần những trung tâm chính trị, căn cứ quân sự lớn của Mỹ, nguỵ3, “cán soong” của Đường mòn Hồ Chí Minh, cửa ngõ của tuyến vận tải chiến lược Bắc - Nam… Chọn Trị - Thiên làm hướng tiến công chiến lược chủ yếu, tức là ta càng có điều kiện để khoét sâu điểm yếu chí tử của địch. Trị - Thiên bị tiến công, sẽ là nhân tố tác động mạnh đến tinh thần quân địch và cục diện trên toàn chiến trường miền Nam. Xuất phát từ vị trí, vai trò là hướng tiến công chiến lược chủ yếu, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nên Bộ Tổng tư lệnh quyết định tổ chức Sở chỉ huy tiền phương để trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy Chiến dịch.

Sự chuyển hướng tác chiến trong Cuộc tiến công chiến lược năm 1972 là nét đặc sắc của nghệ thuật chỉ đạo chiến lược của Đảng. Nó thể hiện tầm tư duy, tài thao lược của Quân uỷ Trung ương trên cơ sở phân tích, đánh giá khách quan, khoa học tình hình mọi mặt về ta - địch, nhất là tầm quan trọng chiến lược của địa bàn Trị - Thiên. Ngay từ tháng 6-1971, Nghị quyết Quân uỷ Trung ương đã nhận định: Trị - Thiên tuy là hướng phối hợp quan trọng nhưng lại gần miền Bắc, có điều kiện bảo đảm tiếp nhận hậu cần; vì vậy, phải gấp rút chuẩn bị để có thể đánh lớn khi cần thiết hoặc có lợi4. Nhờ đó, khi Trị - Thiên chuyển thành hướng tiến công chiến lược chủ yếu, Mặt trận này đã nhanh chóng tiếp nhận một số lượng lớn binh lực, hoả lực, vật chất hậu cần, kỹ thuật, tạo nên một quả đấm mạnh bằng các đơn vị chủ lực, trang bị vũ khí, kỹ thuật hiện đại, sức cơ động cao. Đây là một chiến dịch tiến công quy mô lớn; trong đó, ta đã sử dụng lực lượng lớn chưa từng có, gồm: 6 sư đoàn chủ lực, 8 trung đoàn pháo binh, 2 trung đoàn xe tăng, 2 trung đoàn pháo cao xạ, 8 tiểu đoàn tên lửa phòng không có điều khiển và 1 trung đoàn hải quân. Ngày 30-3-1972, với sức mạnh vượt trội, lại đảm bảo được yếu tố bí mật, bất ngờ, trận “Bão táp 1” - mở màn chiến dịch - với hơn 250 khẩu pháo bắn phá mãnh liệt, dồn dập vào các căn cứ chủ yếu, các trận địa pháo của địch trên toàn tuyến tiến công, đã nhanh chóng đè bẹp tinh thần chiến đấu, sức mạnh của vũ khí địch, tạo điều kiện thuận lợi cho bộ binh, cùng với xe tăng ta đột phá nhanh, đập tan toàn bộ công sự, vật cản ở các căn cứ, các khu vực phòng ngự của địch. Đây là bước phát triển mới, hết sức sáng tạo trong nghệ thuật chiến dịch của Quân đội ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trị - Thiên bị đánh bất ngờ, Mỹ - nguỵ vội vàng tung toàn bộ lực lượng dự bị chiến lược và điều quân ở các chiến trường khác (Tây Nguyên) về ứng cứu. Điều đó lại tạo thuận lợi cho Chiến dịch Bắc Tây Nguyên, Bắc Bình Định đẩy mạnh hoạt động tác chiến mở vùng, mở mảng. Theo đó, cả 3 chiến dịch trong Cuộc tiến công chiến lược đã phối hợp nhịp nhàng, làm chủ hoàn toàn, buộc địch phải hành động theo ý định của ta; trong đó, Chiến dịch Trị - Thiên do ta tập trung lực lượng mạnh, tổ chức đánh hiệp đồng quân binh chủng, quy mô lớn, thu hút địch nên đã tiêu diệt khối lượng lớn binh lực, hoả lực của địch.

Cuộc tiến công chiến lược năm1972 nói chung, Chiến dịch Trị - Thiên nói riêng đã hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chiến lược đề ra, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị, chuẩn bị sẵn sàng phối hợp cùng các lực lượng tại chỗ tiến công giải phóng Thừa Thiên. Cuộc tiến công chiến lược của ta đã làm cho Mỹ - nguỵ hoàn toàn bất ngờ cả về chiến lược, chiến dịch và chiến thuật, buộc địch phải phân tán lực lượng, thụ động đối phó và chịu những thiệt hại nặng nề. Thắng lợi đó đã giáng một đòn mạnh vào Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ và đặt nó trước nguy cơ phá sản hoàn toàn. Cuộc tiến công chiến lược năm 1972 đã tiêu diệt nhiều sinh lực địch5, giải phóng một vùng đất đai rộng lớn, tạo nên bước chuyển biến nhanh chóng về cục diện chiến trường, làm thay đổi tương quan so sánh lực lượng có lợi cho ta; đồng thời, mở ra thế mới cho mặt trận đấu tranh ngoại giao của ta trên trường quốc tế, tạo thuận lợi cho ta phát triển thế tiến công trong những tháng cuối năm 1972 ở cả hai miền Nam - Bắc, giành thắng lợi quyết định, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri (27-01-1973) chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Thắng lợi đó khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo kiên quyết, sáng tạo của Đảng ta trong đánh giá tình hình, chuẩn bị chiến trường, xây dựng kế hoạch tác chiến chiến lược, điều chỉnh lực lượng; trong đó, điển hình là nghệ thuật chuyển hướng tác chiến chiến lược.Những kinh nghiệm quý báu trong Cuộc tiến công chiến lược năm 1972 được Đảng ta tiếp tục kế thừa, vận dụng sáng tạo, linh hoạt, góp phần giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong tương lai (nếu xảy ra) đối với nước ta, chắc chắn sẽ hết sức ác liệt, có những phát triển mới. Đó sẽ là cuộc chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc phát triển ở trình độ cao. Với sự chuẩn bị mọi mặt ngay từ thời bình: xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, khu vực phòng thủ…, chúng ta sẽ có những thuận lợi hết sức cơ bản, nhưng đồng thời cũng có những khó khăn do địch có những phát triển mới về vũ khí trang bị, thế trận, phương thức tác chiến… Vì thế, cùng với việc đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, Quân đội nhân dân vững mạnh, chúng ta tiếp tục nghiên cứu phát triển khoa học quân sự, vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm quý trong chiến tranh giải phóng, trong đó có Cuộc tiến công chiến lược năm 1972 phù hợp với điều kiện mới để giành thắng lợi là điều hết sức quan trọng, cần thiết.

Đại tá, TS. DƯƠNG ĐÌNH LẬP

Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam

_________

1- Miền Đông Nam Bộ, lực lượng gồm 3 sư đoàn, 3 trung đoàn bộ binh, một số đơn vị binh chủng của Miền và lực lượng vũ trang địa phương; Tây Nguyên, lực lượng gồm 2 sư đoàn, 4 trung đoàn bộ binh và một số đơn vị binh chủng; Trị-Thiên, lực lượng gồm 3 sư đoàn, 2 trung đoàn bộ binh, các đơn vị binh chủng của Bộ, Quân khu Trị-Thiên và lực lượng vũ trang địa phương.

2- Ta tổ chức một lực lượng nghi binh của Sư đoàn 304 hành quân vào Tây Nguyên, hằng ngày báo cáo, chỉ thị bằng điện đài giữa các “khối” với Sư đoàn theo đúng đội hình hành quân. Địch đã theo sát bước đi của đội hình Sư đoàn 304 (giả) và sẵn sàng đối phó với hướng tiến công chủ yếu của ta ở Tây Nguyên.

3- Tập trung lực lượng chủ lực của Quân đoàn 1 tinh nhuệ của quân nguỵ, có hệ thống trận địa được xây dựng từ lâu, gần những trung tâm chính trị, căn cứ quân sự lớn của Mỹ – nguỵ (Huế, Phú Bài, Đà Nẵng…).

4- ĐCSVN – Nghị quyết Quân uỷ Trung ương, số 236.

5- Riêng mặt trận Trị - Thiên, ta đã tiêu diệt 83.790 tên, bắt sống 3.685 tên; phá huỷ và thu 1.181 xe tăng, xe bọc thép và 922 khẩu pháo, bắn rơi 765 máy bay các loại; thu 3.869 súng các loại; bắn chìm, hỏng 41 tàu xuồng; đặc biệt, đã tiêu diệt hoàn toàn Sư đoàn 3 bộ binh, Lữ đoàn đặc nhiệm Thuỷ quân lục chiến, Liên đoàn Biệt động quân số 4, 5 và 4 Thiết đoàn xe tăng, xe bọc thép…

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định thành lập Quân tình nguyện tại Lào, đánh dấu sự phát triển mới của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào; đồng thời, khẳng định đường lối, quan điểm đúng đắn của Đảng ta trong thực hiện nghĩa vụ quốc tế.