Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Năm, 13/11/2014, 09:41 (GMT+7)
Nghệ thuật chuyển hướng chiến lược của Nghĩa quân Lam Sơn (năm 1424)

Chuyển hướng chiến lược xuống phía Nam để tạo thế và lực vững chắc là quyết sách táo bạo, đúng đắn của nghĩa quân Lam Sơn. Kể từ đây, quân ta luôn giành quyền chủ động, càng đánh, càng mạnh, giành nhiều thắng lợi to lớn, đập tan ách thống trị của nhà Minh. Vì thế, sự chuyển hướng chiến lược này được coi là bước ngoặt của cuộc kháng chiến với nhiều nét nghệ thuật đặc sắc.

Tái hiện lại cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân Lam Sơn
(Nguồn: tienphong.vn)

Đến giữa năm 1424, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống quân xâm lược Minh của nhân dân ta đã phát triển từ khởi nghĩa vũ trang sang chiến tranh giải phóng. Đặc biệt, sau hơn 01 năm thực hiện chủ trương tạm thời đình chiến, giả “quy hàng” giặc, tranh thủ hòa hoãn để khẩn hoang sản xuất, tích trữ lương thảo, chiêu tập nghĩa binh, sắm sửa thêm khí giới, làm cho hoạt động của Nghĩa quân ngày càng sôi động. Tuy nhiên, để tạo bước ngoặt cho cuộc kháng chiến, Bộ Chỉ huy Nghĩa quân quyết định chuyển hướng chiến lược cho Cuộc khởi nghĩa, từ hoạt động chủ yếu ở vùng rừng núi Thanh Hóa đến địa bàn Nghệ An. Đây là sự kiện đánh dấu bước chuyển quan trọng trong toàn bộ cuộc chiến tranh, tạo ra thế và lực tổng hợp để quân ta giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn. Từ thực tiễn lịch sử, chúng tôi xin nêu một số nét đặc sắc của nghệ thuật chuyển hướng chiến lược năm 1424 của nghĩa quân Lam Sơn.

Một là, nghiên cứu đánh giá chính xác tình hình, quyết định chuyển hướng chiến lược đúng đắn, sáng tạo. Trên cơ sở phân tích, đánh giá mọi mặt, Bộ Chỉ huy Nghĩa quân nhận định: mặc dù thông qua hòa hoãn, thế và lực của ta được tăng cường hơn so với trước, nhưng về cơ bản vẫn chưa mạnh hơn địch. Trong khi đó, địa thế vùng rừng núi Thanh Hóa hẹp, bị cô lập, nên khó triển khai tác chiến quy mô lớn; việc củng cố lực lượng khi có tổn thất rất khó khăn. Về phía địch, sau khi dùng kế mua chuộc Lê Lợi không thành, chúng tăng cường củng cố đồn, trại, xây dựng thành lũy kiên cố, bổ sung quân lính, nhất là ở phủ Thanh Hóa, nhằm vừa đề phòng và ngăn chặn mọi hoạt động của Nghĩa quân, vừa hình thành thế bao vây, cô lập, uy hiếp căn cứ Lam Sơn. Lúc bấy giờ, ngoài thành Đông Quan và Nghệ An là hai căn cứ lớn nhất của địch được xây dựng để tạo thế kìm kẹp Căn cứ từ hai phía Bắc - Nam, trên địa bàn Thanh Hóa, quân Minh có thêm thành Tây Đô với 01 vệ quân đóng thường xuyên, cùng với 05 thiên hộ sở (trung hữu, trung trung, trung tiền, trung hậu và thủy quân) được bố trí xung quanh, tạo ra hệ thống phòng ngự vững chắc. Khi cần thiết chúng còn lập ra nhiều đồn khác, như: Khả Lam, Nga Lạc, Quan Du,… để trực tiếp khống chế và trấn áp Nghĩa quân. Ngoài ra, bằng âm mưu sảo quyệt, nhà Minh tìm cách dụ dỗ, uy hiếp nhà vua và các tù trưởng Ai Lao (ở vùng biên giới giáp vùng thượng du Thanh Hóa) để phá hoại mối liên kết và tương trợ với Nghĩa quân; thậm chí, chúng còn ép Vua Ai Lao phải điều quân phối hợp với quân Minh để tiến công căn cứ Lam Sơn1, v.v. Vì thế, vấn đề cấp bách đặt ra cho Nghĩa quân lúc này là: với lực lượng đã được củng cố “chúng ta sẽ đi về đâu để lo việc nước”.

Trước tình hình đó, với tầm nhìn chiến lược và sự phát hiện sắc sảo, tướng Nguyễn Chích2 đã hiến kế: “Nghệ An là nơi hiểm yếu, đất rộng, người đông… Nay trước hãy đánh lấy Trà Long chiếm giữ cho được Nghệ An để làm chỗ đất đứng chân, rồi dựa vào nhân lực tài lực đất ấy mà quay ra đánh Đông Đô thì có thể tính xong việc dẹp yên thiên hạ”3. Ý kiến đề xuất trên tuy ngắn gọn, nhưng đó là phác thảo của một kế hoạch chuyển đổi chiến lược táo bạo, có tính quyết định đến toàn bộ quá trình phát triển và thắng lợi của nghĩa quân Lam Sơn sau này, nên được Bộ Chỉ huy Nghĩa quân bàn thảo kỹ lưỡng. Chuyển hướng chiến lược vào Nghệ An, Nghĩa quân không những phá được thế bao vây, cô lập của địch mà còn chiếm giữ được địa bàn quan trọng, đông dân, nhiều của; tiến có thế đánh, lui có thể nhanh chóng củng cố được lực lượng, bảo đảm kháng chiến lâu dài. Tuy nhiên, tiến vào Nghệ An trong lúc địch đang mạnh, thành trì vững liệu có bảo đảm thành công? Nhưng, nếu chỉ bó mình trong miền thượng du Thanh Hóa thì không đáp ứng được yêu cầu phát triển của cuộc kháng chiến, còn nếu mở rộng căn cứ xuống vùng đồng bằng Thanh Hóa thì gặp phải lực lượng bố trí của địch khá mạnh mà Nghĩa quân chưa đủ sức tiêu diệt, v.v. Trên cơ sở sự phân tích khoa học và kết quả qua 05 năm quần lộn với giặc, Lê Lợi đã quyết định chuyển hướng chiến lược của cuộc kháng chiến vào Nghệ An. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh đây là quyết định đúng đắn, sáng tạo. Nhờ đó, mà quân ta càng đánh, càng mạnh, luôn giành chủ động trên chiến trường, buộc quân Minh phải đầu hàng vô điều kiện, rút quân về nước.

Hai là, thực hiện bí mật, bất ngờ, vận dụng cách đánh sáng tạo, quyết tâm chuyển hướng chiến lược thành công. Thực tế cho thấy xác định chuyển hướng chiến lược đã khó, nhưng việc thực hiện còn khó khăn gấp bội. Sau khi ta quyết định tuyệt giao với địch, chúng luôn đề cao cảnh giác, thường xuyên theo dõi nắm bắt mọi hoạt động của Nghĩa quân. Hơn nữa, sau thời gian hòa hoãn, tinh thần và trình độ chiến đấu của quân sĩ có phần bị ảnh hưởng; việc cơ động một lực lượng lớn qua chặng đường dài sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là vừa hành quân, vừa phải đánh địch phía trước, chặn viện phía sau và làm công tác bảo đảm các mặt. Trước tình hình đó, Bộ Chỉ huy đã chỉ đạo Nghĩa quân bí mật triển khai mọi công tác chuẩn bị; trong đó, chú trọng việc giáo dục tướng sĩ về tinh thần chấp hành nghiêm quân lệnh, kỷ luật, tôn trọng và bảo vệ tài sản của nhân dân. Đồng thời, giao nhiệm vụ cho Bộ Tham mưu nghiên cứu tình hình, xác định đường tiến quân, dự kiến kế hoạch công thành phía trước, chặn địch truy đuổi phía sau,… với quyết tâm phải giành cho được chiến thắng ngay từ trận đầu. Bằng nhiều biện pháp chuẩn bị tích cực, khẩn trương và tuyệt đối giữ bí mật, nên mặc dù công việc chuẩn bị đã hoàn tất nhưng địch vẫn không hề hay biết gì. Ngày 12-10-1424, Lê Lợi ra lệnh cho Nghĩa quân bất ngờ tập kích trận mở màn vào đồn Đa Căng, tiêu diệt hơn 1.000 tên địch và đánh bại quân Minh đến cứu viện. Trận mở màn thắng lợi, đã có tác dụng to lớn khích lệ, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu, tạo niềm tin tất thắng cho quân sĩ về một giai đoạn đấu tranh vũ trang mới.

Hoàn toàn bị bất ngờ khi thành Đa Căng bị hạ, quân Minh vội vàng lệnh cho quân đồn trú ở Trà Long ngăn chặn quân ta ở phía trước, đồng thời, điều động lực lượng lớn ở thành Tây Đô truy đuổi phía sau. Mục đích của địch là, đẩy Nghĩa quân vào thế tiến thoái lưỡng nan, rồi phối hợp đồng loạt tiến công từ hai phía để dễ bề tiêu diệt. Do chuẩn bị chu đáo, lại dự đoán đúng thủ đoạn của địch, nên nhân lúc trời tối, Nghĩa quân đã lựa chọn địa hình hiểm yếu của miền núi Bồ Lạp, tổ chức trận địa mai phục, sẵn sàng chờ địch đến. Chủ quan coi thường đối phương, quân địch từ hai phía ồ ạt kéo đến và lọt vào trận địa mai phục của ta. Kết quả, hơn 2.000 quân và một tướng giặc bị tiêu diệt tại trận, số còn lại buộc phải tháo chạy. Nhân đà thắng lợi, quân ta tiếp tục đẩy nhanh tốc độ hành quân và thực hành tiến công tiêu diệt gọn quân địch ở trang Trịnh Sơn - một doanh trại của địch lập ra để ngăn chặn Nghĩa quân. Qua đó, làm thất bại hoàn toàn âm mưu của quân Minh trong cuộc truy đuổi và ngăn chặn Nghĩa quân chuyển hướng chiến lược.

Ba là, phát huy thế trận chiến tranh nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp để hoàn thành nhiệm vụ chuyển hướng chiến lược. Khiếp sợ trước thất bại nặng nề ở Bồ Lạp, Trang Trịnh Sơn, quân địch không dám liều lĩnh điều quân cứu viện, mà dùng thủ đoạn thương lượng nhằm lừa gạt Nghĩa quân để giải vây cho thành Trà Long. Tương kế, tựu kế, một mặt, ta sử dụng biện pháp ngoại giao, viết thư qua lại cho địch nêu điều kiện thượng lượng, nhằm kéo dài thời gian giảng hòa để ngăn chặn viện binh của địch. Mặt khác, đối với những khu vực vừa được giải phóng, Lê Lợi ra lệnh nghiêm cấm Nghĩa quân xâm phạm đến tài sản của nhân dân; đồng thời, vỗ về các bộ lạc, khen thưởng các tù trưởng và tuyên bố tha hết tội lỗi cho những người trước đây đã lầm đường theo giặc. Vì vậy, nhân dân miền núi Nghệ An sau khi được giải phóng đã vô cùng phấn khởi, hết lòng ủng hộ, cung cấp lương thực, góp sức cùng Nghĩa quân siết chặt vòng vây, kết hợp tuyên truyền chính sách khoan hồng, kêu gọi, dụ địch ở thành Trà Long ra hàng. Bị bao vây, cô lập hoàn toàn trong hơn hai tháng, địch ở Trà Long rơi vào tình thế ngày càng khốn đốn, lương thực cạn kiệt, quân lính ốm đau, tư tưởng hoang mang cực độ, nhiều tên đã trốn ra đầu hàng Nghĩa quân. Khi được biết không có viện binh, tướng giặc ở thành Trà Long cùng quẫn và tuyệt vọng đã ra lệnh mở cửa thành đầu hàng Nghĩa quân. Chiến thắng Trà Long - một căn cứ then chốt của địch - không chỉ giúp Nghĩa quân khống chế cả miền rừng núi Nghệ An, mà còn tạo thế và lực giành thắng lợi lớn hai trận Khả Lưu, Bồ Ải, tiến tới tập hợp, thống nhất mọi lực lượng yêu nước ở Nghệ An. Để rồi, chỉ trong vòng 01 tháng, bằng việc kết hợp sức mạnh chiến đấu của Nghĩa quân với sự tham gia hưởng ứng và nổi dậy mạnh mẽ của nhân dân, hầu hết các thôn, huyện, châu thuộc phủ Nghệ An đều được giải phóng. Nhiệm vụ chuyển hướng chiến lược đã giành thắng lợi hoàn toàn. Kể từ đây, Nghĩa quân án ngữ và đứng chân trên địa bàn chiến lược rộng lớn, hình thành thế chia cắt chiến lược đối với địch; đồng thời, tạo bàn đạp tiến ra Bắc giải phóng Diễn Châu, Thanh Hóa; tiến vào Nam giải phóng Tân Bình, Thuận Hóa. Qua đó, lực lượng Nghĩa quân không ngừng được tăng cường cả về số lượng, chất lượng. Ở mỗi châu, huyện hàng ngàn trai tráng nô nức gia nhập Nghĩa quân, có gia đình, hai cha con hoặc mấy anh em cùng xin nhập ngũ. Riêng châu Ngọc Ma: Phan Liêu và Lộ Văn Luật xin đem hết lực lượng của mình tham gia khởi nghĩa; Tù trưởng Cầm Quý - tri phủ châu Ngọc Ma - đem 8.000 quân và 10 voi chiến xin theo Lê Lợi, v.v. Vậy là, một đội quân nhỏ bé ở miền núi rừng Thanh Hóa có thời điểm bị tiêu hao chỉ còn trên 100 người, tưởng chừng như phải tan rã, thế nhưng Nghĩa quân đã lớn mạnh lên đến hàng vạn người gồm cả quân thủy, quân bộ, cả voi chiến, thuyền chiến; kỹ thuật và kinh nghiệm chiến đấu cũng ngày càng được nâng cao. Nghĩa quân đã có một căn cứ địa vững chắc, một hậu phương rộng lớn với nguồn bổ sung vô tận về nhân lực, vật lực, tài lực, làm thay đổi căn bản về tương quan lực lượng giữa ta và địch, tạo ra thế và lực mới đưa Cuộc khởi nghĩa vào giai đoạn tiến công tiêu diệt địch trên phạm vi cả nước.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Minh do nhiều yếu tố hợp thành; trong đó, việc chuyển hướng chiến lược giữ vai trò quyết định. Đây là nét nghệ thuật quân sự đặc sắc của ông cha ta, rất cần được nghiên cứu và vận dụng vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Đại tá NGUYỄN VĂN SƠN, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam
__________________

1 - 02-1422, quân Minh đã ép Vua Ai Lao điều quân phối hợp tiến công cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đã làm cho Nghĩa quân bị tổn thất nặng nề, phải dời bỏ căn cứ địa ở Thanh Hóa về núi rừng Chí Linh ẩn náu.

2 - Năm 1418, Nguyễn Chích gia nhập nghĩa quân Lam Sơn, được Lê Lợi phong làm đô đốc đại phủ quản tổng đốc quân dân, tước Quan Nội hầu.

3 - Khởi nghĩa Lam Sơn (1418 - 1427), Nxb KHXH, H.1977, tr. 207 - 208.

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định thành lập Quân tình nguyện tại Lào, đánh dấu sự phát triển mới của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào; đồng thời, khẳng định đường lối, quan điểm đúng đắn của Đảng ta trong thực hiện nghĩa vụ quốc tế.