Thứ Bảy, 23/11/2024, 07:06 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam
Sau những thất bại thảm hại ở Tây Bắc, Thượng Lào, tháng 8-1953, tướng Na-va ra lệnh rút lực lượng ở một số nơi về phòng giữ vùng đồng bằng Bắc Bộ, nhằm giành lại thế chủ động chiến lược trên chiến trường chính. Thực hiện kế hoạch đó, địch đã rút bỏ Nà Sản (Sơn La), tập trung bố phòng tại Lai Châu - căn cứ cuối cùng của chúng trên chiến trường Tây Bắc. Tại đây, địch tổ chức bố trí lực lượng gồm 03 tiểu đoàn Âu Phi (tập trung ở thị xã Lai Châu) và hơn 20 đại đội ngụy Thái, do sĩ quan Pháp trực tiếp chỉ huy, thực hiện chốt giữ các điểm cao xung quanh Thị xã và đóng giữ trên 05 phân khu thuộc tỉnh Lai Châu. Về phía ta, thực hiện quyết tâm chiến lược của Tổng Quân ủy, tháng 11-1953, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định sử dụng Đại đoàn 316 tổ chức cơ động lực lượng từ Nam Hòa Bình lên vùng Tây Bắc, phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương mở chiến dịch tiến công địch, giải phóng tỉnh Lai Châu và đã giành thắng lợi lớn. Đây là chiến dịch diễn ra hết sức khẩn trương, tình thế biến động nhanh; thể hiện cuộc đấu trí, đấu lực căng thẳng giữa ta và địch; trong đó, nổi lên một số vấn đề chủ yếu về nghệ thuật chiến dịch sau:
1. Tổ chức lực lượng linh hoạt khi chuyển phương án tác chiến từ đánh địch phòng ngự là chủ yếu sang đánh địch rút chạy. Phát hiện Đại đoàn 316 đang cơ động lực lượng lên giải phóng Lai Châu, địch vội vã mở cuộc hành quân Pôn - luých rút phần lớn lực lượng của chúng ở Lai Châu về Điện Biên Phủ để tránh bị tiêu diệt. Trong đó, 03 tiểu đoàn Âu Phi cơ động bằng đường không và số lượng lớn ngụy quân (xấp xỉ 03 trung đoàn) rút chạy theo đường bộ. Trước sự thay đổi mau lẹ của tình huống chiến dịch, Bộ Tổng Tư lệnh giao nhiệm vụ cho Đại đoàn 316: “cắt bằng được con đường Lai Châu - Điện Biên Phủ, không cho địch chạy thoát về co cụm ở Mường Thanh, đồng thời nhanh chóng giải phóng Lai Châu theo kế hoạch cũ. Nếu địch bỏ chạy thì truy kích đến cùng”1. Như vậy, cùng một lúc Bộ Tổng Tư lệnh yêu cầu Đại đoàn phải thực hiện 2 nhiệm vụ: ngăn chặn tiêu diệt địch rút chạy và tiến công giải phóng tỉnh Lai Châu; trong đó, tiêu diệt địch rút chạy là nhiệm vụ trọng tâm. Do thời gian chuẩn bị ngắn, Bộ Chỉ huy Đại đoàn chỉ kịp tổ chức hội ý nhanh nhằm quán triệt mệnh lệnh chiến đấu, thông báo diễn biến về địch; trên cơ sở đó, đánh giá kết luận tình hình các mặt, kịp thời xác định quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao. Theo phân tích của Bộ Chỉ huy Đại đoàn: địch đột ngột quyết định rút bỏ Lai Châu nên tinh thần hoang mang, rối loạn, thậm chí xuất hiện tư tưởng “mạnh ai, nấy chạy”. Lực lượng chiếm đóng còn lại ở thị xã Lai Châu yếu ớt, nên chỉ cần sử dụng một lực lượng tiến công vừa đủ cũng làm chúng tan rã, còn lại tập trung lực lượng vào nhiệm vụ chủ yếu, mục tiêu chủ yếu là chặn, tiêu diệt lực lượng địch tháo chạy, không cho chúng hợp quân với lực lượng ở Điện Biên Phủ. Đây cũng là nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng trong chiến dịch Hòa Bình. Đối tượng địch rút chạy chủ yếu là quân ngụy Thái, tương đối thông thuộc địa hình khu vực; lại được địch ở Điện Biên Phủ chi viện, ứng cứu. Song, một số lớn ngụy quân đã bộc lộ hoang mang, rệu rã, lại phải rút chạy trên một chặng đường dài, địa hình rừng, núi hiểm trở, đường độc đạo. Nắm chắc tình hình trên, Ta nhận định nếu cắt đứt được con đường này, không những dễ dàng chặn, diệt địch, làm thất bại kế hoạch đưa một lực lượng lớn ngụy quân về tăng cường cho Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, mà còn tiêu diệt và làm giảm sút tinh thần chiến đấu của địch trên quy mô chiến dịch. Theo đó, Bộ Chỉ huy Đại đoàn quyết định: chuyển phương án tác chiến từ đánh địch phòng ngự là chủ yếu sang lập thế trận chốt chặn, chia cắt đánh địch rút chạy. Thực hiện quyết tâm này, Đại đoàn tổ chức lực lượng thành ba bộ phận: bộ phận tiến công giải phóng thị xã Lai Châu; bộ phận đánh địch rút chạy từ Lai Châu về Điện Biên Phủ; bộ phận sẵn sàng đánh địch tập kích vào hậu phương trực tiếp của chiến dịch; trong đó xác định bộ phận đánh địch rút chạy từ Lai Châu về Điện Biên Phủ là chủ yếu. Theo đó, Đại đoàn kịp thời giao nhiệm vụ cho các đơn vị. Tiểu đoàn 439 (Trung đoàn 98) hiệp đồng chặt chẽ với bộ phận tiền trạm Tổng cục Hậu cần dùng xe cơ giới hành quân gấp, tiến công giải phóng thị xã Lai Châu. Tiểu đoàn 938, dựa vào thế trận chiến tranh nhân dân địa phương, triển khai lực lượng bảo vệ Tuần Giáo, sẵn sàng đánh địch tập kích vào phía sau đội hình chiến dịch. Còn lại phần lớn lực lượng (Trung đoàn 174, Tiểu đoàn 215 và Trung đoàn bộ Trung đoàn 98 cùng với Đại đoàn bộ) cơ động lực lượng chặn đánh và truy kích địch rút chạy. Thực tiễn Chiến dịch đã chứng minh, việc tổ chức lực lượng chiến dịch đáp ứng yêu cầu chuyển phương án tác chiến là đúng đắn, khoa học và mang lại hiệu suất chiến đấu cao.
2. Tạo lập thế trận chốt chặn vững chắc trên các hướng. Theo mệnh lệnh mới của Bộ Tổng Tư lệnh, cùng với nhiệm vụ đánh địch phòng ngự từng cụm cứ điểm trong thị xã Lai Châu, Đại đoàn 316 phải nhanh chóng chuyển hóa thêm hình thức tác chiến mới: tạo lập thế trận chốt chặn, chia cắt và truy kích tiêu diệt địch. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này thì vấn đề chọn điểm chốt chặn của chiến dịch là rất quan trọng. Điểm chốt chặn này phải là nơi hiểm yếu, tiện cho ta triển khai lực lượng, nhưng phải bảo đảm quãng đường đủ xa để ta có thời gian cơ động đến trước địch; đồng thời, không được quá gần Điện Biên Phủ để địch có thể dễ dàng ứng cứu,… Trên cơ sở trinh sát nắm vững địa bàn, Đại đoàn đã chọn khu vực Mường Pồn - Bản Tấu làm khu vực chốt chặn, chia cắt địch. Bởi, đây là khu vực có địa hình hiểm trở, thuận lợi cho việc bố trí lực lượng bí mật, lập thế trận chốt chặn liên hoàn, vững chắc và cũng bảo đảm đủ thời gian để quân ta cơ động đuổi kịp và vượt lên trước chặn địch. Hơn nữa, ở Bản Tấu ta đã có sẵn Tiểu đoàn 888 (Trung đoàn 176) đang bám nắm địch ở Điên Biên Phủ và sẵn sàng tác chiến nếu chúng thực hành ứng cứu, giải tỏa. Theo kế hoạch đã định, khi một bộ phận của Chiến dịch phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương tiến công giải phóng thị xã Lai Châu, thì đại bộ phận lực lượng của Đại đoàn tổ chức cắt rừng, đi tắt, vượt sông Nậm Mới, băng qua đỉnh Pha Thông, chịu đói, chịu rét quyết tâm vượt lên trước địch đến các vị trí tập kết để kịp thời triển khai lực lượng chốt chặn ở các khu vực trọng điểm đã xác định. Theo đó, Trung đoàn 174 lợi dụng địa hình, triển khai lực lượng ở khu vực Mường Muôn, Mường Pồn, sẵn sàng “đón địch” từ Lai Châu chạy về. Trung đoàn 98 xuống Pu San, tận dụng các điểm cao có giá trị chiến thuật án ngữ khu vực, chuẩn bị trận địa chốt chặn và sẵn sàng đánh địch chi viện, ứng cứu từ Điện Biên Phủ lên. Tiểu đoàn 888 (Trung đoàn 176) tiếp tục thực hiện nhiệm vụ bám sát địch ở phía Him Lam - Bản Tấu và sẵn sàng hành động khi có lệnh. Như vậy, ngay từ đầu, Đại đoàn đã hình thành thế trận chốt chặn, chia cắt hai khối quân địch ở Lai Châu và Điện Biên Phủ bằng việc tổ chức lực lượng hợp lý trên các hướng. Điều đó thể hiện rõ nghệ thuật tạo thế trận chiến dịch sáng tạo, linh hoạt trong điều kiện chuyển phương án tác chiến rất khẩn trương, mau lẹ, phát huy được sức mạnh của các lực lượng, bảo đảm thuận lợi cho việc trên đánh xuống, dưới đánh lên; đồng thời, cũng là bước phát triển mới về nghệ thuật chiến dịch trong chiến dịch giải phóng Lai Châu mà các chiến dịch trước chưa có điều kiện thực hiện.
3. Vận dụng linh hoạt các thủ đoạn chiến đấu, thực hành bao vây, chia cắt tiêu diệt từng bộ phận và làm tan rã địch, giành thắng lợi quyết định. Cuộc hành binh Pôn-luých được thực thi khi ta chưa đánh Lai Châu, lực lượng địch còn nguyên vẹn, quân số đông lại có sự bảo đảm tiếp ứng của quân ở Điện Biên Phủ, nên chúng khá chủ quan trong quá trình rút chạy theo trục đường độc đạo Lai Châu - Điện Biên Phủ. Khi đến Mường Pồn, bất ngờ bị ta chặn đánh quyết liệt và vây chặt, buộc địch phải co cụm chờ lực lượng từ Điện Biên Phủ lên giải tỏa, “đón về” theo kế hoạch. Tuy nhiên, với thế trận chốt chặn được tổ chức chặt chẽ, liên hoàn của ta, quân địch cứu viện từ Điện Biên Phủ lên đã bị ta phục kích đánh diệt ở Bản Tấu, sau đó lại bị chặn đánh thiệt hại nặng không thể vượt qua điểm cao 1.168 (ở Pun San), đành lui quân về Điện Biên Phủ. Lúc này, thế trận của ta đã từng bước khép chặt, con đường huyết mạch từ Mường Pồn về Điện Biên Phủ hoàn toàn bị phong tỏa, chốt giữ, chặn đánh; lực lượng chi viện ứng cứu từ Điện Biên Phủ lên đã bị đánh bại; trong khi đó, sau khi giải phóng thị xã Lai Châu, Tiểu đoàn 439 tiếp tục truy kích địch dọc theo trục đường Lai Châu - Điện Biên Phủ làm cho địch rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, buộc phải bỏ đường chính hòng tìm đường khác xuyên rừng về Điện Biên Phủ. Nắm chắc thời cơ, các đơn vị của Đại đoàn 316 được lệnh truy kích địch trên tất cả các hướng. Với tinh thần “truy kích địch đến cùng”, các đơn vị đã tích cực, chủ động vượt qua mọi khó khăn, độc lập tác chiến, vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu, như: bao vây, chia cắt, vận động tiến công kết hợp với vừa đánh, vừa kêu gọi đầu hàng để truy kích, tiêu diệt và làm tan rã quân địch. Trải qua 12 ngày đêm liên tục tiến công, truy kích trên đoạn đường dài khoảng 300 km ở địa bàn rừng núi hiểm trở, Đại đoàn 316 đã tiêu diệt và làm tan rã hơn 20 đại đội địch, đánh thiệt hại nặng 03 tiểu đoàn, thu nhiều vũ khí, quân trang quân dụng, hoàn thành cả hai nhiệm vụ tiêu diệt địch và giải phóng đất đai; buộc chúng phải điều thêm lực lượng từ đồng bằng lên Tây Bắc xây dựng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, góp phần quan trọng phân tán khối chủ lực cơ động chiến lược của địch. Thắng lợi này là kết quả mở đầu xuất sắc của Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954.
60 năm nhìn lại, thành công nổi bật của nghệ thuật chiến dịch giải phóng Lai Châu (năm 1953) được thể hiện nổi bật ở chỗ: chủ động nắm chắc tình hình; linh hoạt chuyển phương án tác chiến; lập thế trận chốt chặn, chia cắt địch, cô lập, dồn địch lâm vào thế bị động; bố trí lực lượng ở các hướng phù hợp; thực hành tiến công, truy kích, kiên quyết tiêu diệt từng bộ phận quân địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến dịch. Thắng lợi của Chiến dịch giải phóng Lai Châu còn nguyên giá trị, cần được tiếp tục nghiên cứu, phát triển trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Đại tá DƯƠNG ĐÌNH LẬP ___________
1 - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam - Lịch sử nghệ thuật chiến dịch Việt Nam 1945 - 1975, Nxb QĐND, H. 1995, tr. 167.
Lai Châu,Chiến dịch 1953
Nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh trong Chiến dịch tiến công Tây Sơn Tịnh năm 1966 21/11/2024
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào 29/10/2024
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 - nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng 24/10/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Bu Prăng - Đức Lập năm 1969 27/09/2024
Nghệ thuật chỉ đạo của Đảng về tạo và nắm thời cơ, giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 19/08/2024
Nghệ thuật đánh trận then chốt quyết định trong Chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức năm 1974 15/07/2024
Nhà Lý kết hợp tiến công quân sự với biện pháp ngoại giao để kết thúc chiến tranh, kiến tạo hòa bình 24/06/2024
Chiến dịch Long Khánh năm 1969 - nét đặc sắc của nghệ thuật tập kích 04/06/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Trung - Hạ Lào năm 1954 22/04/2024
Nét nổi bật về nghệ thuật đánh trận mở đầu trong Chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 1954 15/02/2024
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 - nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh trong Chiến dịch tiến công Tây Sơn Tịnh năm 1966