Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Năm, 25/04/2019, 08:01 (GMT+7)
Nghệ thuật chọn hướng mở đầu tiến công chiến lược mùa Xuân năm 1975

Chọn hướng mở đầu tiến công chiến lược là vấn đề cốt lõi và quan trọng của nghệ thuật chỉ đạo, điều hành tác chiến chiến lược. Theo Xta-lin, dù ở phạm vi chiến lược, chiến dịch hay chiến thuật, “thắng lợi quyết định thường tùy thuộc vào sự lựa chọn đúng khu vực công kích”1. Trên thực tiễn, việc lựa chọn Tây Nguyên làm hướng mở đầu tiến công chiến lược mùa Xuân năm 1975 là một minh chứng tiêu biểu.

Cuối năm 1974, đầu năm 1975, cục diện chiến trường miền Nam và những nhân tố liên quan đang trên đà chuyển biến mau lẹ có lợi cho cách mạng Việt Nam. Trên khắp chiến trường, quân ta đẩy mạnh phản công, tiến công, đẩy địch vào thế phòng ngự; hoạt động mở mảng, giành đất, giành dân diễn ra khắp các địa phương, vùng giải phóng được giữ vững và mở rộng; sức mạnh của lực lượng vũ trang ba thứ quân được tăng cường, nhất là khối chủ lực. Điều đó đã làm thay đổi hẳn về thế trận chiến lược có lợi cho ta.

Về phía địch, nội bộ chính quyền Sài Gòn bị chia rẽ sâu sắc, xuất hiện ngày càng nhiều lực lượng và tổ chức chính trị, xã hội chống đối chính quyền và cá nhân tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Đặc biệt, sự viện trợ kinh tế, quân sự của Mỹ suy giảm mạnh không chỉ làm cho ngụy quyền lúng túng, bế tắc về chiến lược, mà còn khiến tinh thần và khả năng chiến đấu của Quân đội Việt Nam cộng hòa ngày càng thêm sa sút và “yếu đi toàn diện”2. Trên cơ sở nhận định, đánh giá chính xác tình hình, từ 18-12-1974 đến 08-01-1975, Bộ Chính trị họp hội nghị mở rộng, đi đến thống nhất nhận định: thời cơ lịch sử và hạ quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam; đồng thời, thông qua “Kế hoạch chiến lược sắp tới”3 do Bộ Tổng Tham mưu soạn thảo; trong đó, Tây Nguyên (trọng điểm là Nam Tây Nguyên) được chọn làm hướng mở đầu tiến công chiến lược. Đây không chỉ khẳng định sự sáng suốt, nhãn quan chiến lược sắc sảo của Đảng, mà dưới góc độ nghệ thuật quân sự, sự lựa chọn đó thực sự là một quyết định chứa đựng hàm lượng khoa học rất cao và tính thực tiễn sâu sắc; là điểm nhấn quan trọng, nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự trong cuộc Tổng Tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Điều đó được thể hiện trên một số vấn đề cơ bản sau:

Một là, chọn đúng nơi yếu nhất của địch. Vào thời điểm đó, đối phương nhận định rằng: “Yêu cầu chủ yếu của ta năm 1975 là giành hai triệu dân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và mở rộng vùng giải phóng miền núi”; “Đầu năm 1975, phương hướng tiến công của ta là đánh vào Quân khu 3, chủ yếu là Tây Ninh, nhằm lấy Tây Ninh làm thủ đô của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam”4. Vì vậy, chúng tiếp tục duy trì thế bố trí chiến lược “mạnh ở hai đầu”, tức là một đầu mạnh là Quân khu 1, để sẵn sàng đối phó với quân ta tiến công từ phía Bắc vào; đầu mạnh còn lại là khu vực Sài Gòn - Biên Hòa (Quân khu 3), nhằm bảo vệ trung tâm chính trị, cơ quan đầu não của chế độ Sài Gòn. Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng tình hình mọi mặt theo diễn biến thực tiễn trên chiến trường, cơ quan chiến lược của ta đã phát hiện ngay nhược điểm cốt yếu của địch là nhận định không đúng khả năng của ta, dẫn tới sai lầm cả về ý đồ chiến lược và thế bố trí lực lượng. Trên thực tế, đến đầu năm 1975, quân đội Sài Gòn biên chế gồm 13 sư đoàn, 18 liên đoàn biệt động quân,… và hàng vạn cảnh sát vũ trang. Trong đó, Quân khu 1 gồm 5 sư đoàn, 4 liên đoàn biệt động quân; Quân khu 2 có 2 sư đoàn, 7 liên đoàn biệt động quân; Quân khu 3 có 3 sư đoàn, 7 liên đoàn biệt động quân; Quân khu 4 có 3 sư đoàn, 18 liên đoàn bảo an. Như vậy, xét về thế trận phòng ngự chung của địch ở miền Nam, tuyến phòng ngự chiến lược Quân khu 2 (gồm Tây Nguyên và 07 tỉnh đồng bằng Trung Trung Bộ) là nơi có số lượng quân ít hơn cả, từ đó dẫn đến việc phòng bị sẽ có nhiều sơ hở mà ta có thể tận dụng.

Tây Nguyên có vị trí chiến lược quan trọng, song là địa bàn ẩn chứa những điểm yếu chí tử, do có nhiều núi cao hiểm trở, hệ thống giao thông kém phát triển. Trong khi đó, khả năng cơ động lực lượng của địch chủ yếu dựa vào một số trục đường chính. Một khi các trục đường này bị cắt và “khóa chặt” thì không chỉ Tây Nguyên bị cô lập, tách rời khỏi vùng đồng bằng Nam Trung Bộ và cả chiến trường miền Nam, mà ngay các tỉnh trên địa bàn cũng bị chia cắt. Để chi viện, ứng cứu cho Tây Nguyên, địch chỉ có thể cơ động bằng đường không và không thể ồ ạt tăng viện với số lượng lớn. Ngược lại, ta hoàn toàn có đủ khả năng và điều kiện phát huy sở trường triển khai thế trận vận động tiến công tiêu diệt từng lực lượng địch. Ngoài ra, do phán đoán ta sẽ tiến công Bắc Tây Nguyên, nên địch ở Tây Nguyên đã sử dụng phần lớn Sư đoàn 23 ngụy và các liên đoàn biệt động quân lên phòng giữ Pleiku và Kon Tum, để lộ thế trận phòng ngự ở phía Nam tương đối mỏng. Điều đó cho thấy, quyết định chọn Quân khu 2 của địch, trực tiếp là Tây Nguyên (chủ yếu Nam Tây Nguyên) làm hướng mở đầu tiến công chiến lược mùa Xuân 1975 là hoàn toàn đúng đắn, ta đã “tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu” của địch.

Hai là, lựa chọn địa bàn có thế hiểm, chia cắt, phá vỡ thế chiến lược của địch. Là địa bàn nằm giữa Quân khu 1 và Quân khu 3, Quân khu 2 của Việt Nam cộng hòa không chỉ là cầu nối chiến lược giữa trung tâm điều hành chiến tranh ở Sài Gòn với phía Bắc của địch, mà còn có quan hệ nhiều mặt với vùng hạ Lào, Đông Bắc Cam-pu-chia. Tuy chỉ là một tuyến nằm trong phạm vi Quân khu 2 ngụy, song Tây Nguyên là chiến trường hết sức lợi hại, “nắm được Tây Nguyên ta không chỉ chia cắt thế chiến lược của địch mà còn khống chế được toàn bộ chiến trường miền Nam Đông Dương”5. Trên thực tế, Mỹ - ngụy tiến hành phòng ngự chiến lược ở Tây Nguyên, nhằm biến nơi này thành khu vực án ngữ ngăn chặn ta ở phía Tây và Tây Bắc; làm cánh cửa bảo đảm an toàn cho các tỉnh miền Trung, bức bình phong che chở cho miền Đông Nam Bộ. Nếu để mất Quân khu 2, nhất là Tây Nguyên, thế chiến lược của địch sẽ bị chia cắt làm đôi, Quân khu 1 của địch bị cô lập, Quân khu 3 trực tiếp bị uy hiếp, cánh cửa miền Đông Nam Bộ sẽ mở rộng. Đối với ta, nếu làm chủ được Tây Nguyên, ta sẽ khống chế một vùng rộng lớn, bao gồm đồng bằng ven biển Nam Trung Bộ, Hạ Lào và Đông Bắc Cam-pu-chia; đồng thời, tạo được thế đứng chân vững chắc, để từ đó có thể “đánh thẳng xuống Sài Gòn - Gia Định”6.

Như vậy, ta chọn Tây Nguyên làm hướng mở đầu chiến lược, không vì lý do địch ở Quân khu 2 ít, khả năng chi viện ứng cứu cho Tây Nguyên khó khăn, mà Tây Nguyên nổi lên với thế hiểm yếu, cực kỳ quan trọng về chia cắt chiến lược. Từ đây, ta có thể cô lập lực lượng chiến lược của địch ở phía Bắc để tiêu diệt và từng bước hình thành thế bao vây Sài Gòn - cơ quan đầu não và cũng là sào huyệt cuối cùng của địch trên các hướng, thực hiện chia địch ra mà đánh, tiêu diệt từng bộ phận, tiến tới tiêu diệt hoàn toàn quân địch để giành thắng lợi. Thực tiễn cuộc Tiến công chiến lược mùa Xuân năm 1975 cho thấy, bằng đòn tiến công điểm huyệt vào Buôn Ma Thuột, chỉ trong thời gian ngắn, ta đã lần lượt đập tan tuyến phòng thủ Quân khu 2 ngụy, phá vỡ thế phòng thủ chiến lược của chúng. Quân khu 1 của địch bị cô lập và nhanh chóng thất thủ trước đòn tiến công chiến lược thứ 2 của ta. Trung tâm điều hành chiến tranh của địch tại Sài Gòn dần bị cô lập, tạo điều kiện thuận lợi cho ta tiến hành đòn quyết chiến chiến lược, kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.

Ba là, lựa chọn hướng mở đầu vào Tây Nguyên rất thuận lợi cho triển khai thế tiến công chiến lược. Trên thực tế đã có ý kiến cho rằng, nên chọn Nam Bộ (Quân khu 4 của địch) làm hướng mở đầu tiến công chiến lược, vì sức phòng thủ của địch ở đây tương đối yếu và thuận lợi phát triển chiến lược đánh thẳng vào Sài Gòn, đập tan trung tâm đầu não, buộc địch trên toàn miền Nam tự tan rã. Tuy nhiên, khả năng chi viện của Trung ương cho hướng này có hạn, do chủ yếu dựa vào tuyến vận tải đường biển, còn Đường 559 vào đến Bù Gia Mập, song ta không thể vượt qua Đồng Tháp Mười mênh mông, dày đặc kênh, rạch để đưa binh khí kỹ thuật lớn vào chiến trường. Bên cạnh đó, với địa hình đồng bằng Nam Bộ, việc triển khai thế trận đáp ứng yêu cầu tổ chức mở chiến dịch đánh tiêu diệt lớn sinh lực địch là rất khó khăn. Do vậy, mặc dù Quân khu 4 là “sân sau” của địch, song không thể lựa chọn làm hướng mở đầu tiến công chiến lược năm 1975. Trong khi đó, ở Tây Nguyên chủ yếu là rừng già kín đáo, địa bàn thuận lợi cho đánh tiêu diệt lớn sinh lực địch, vì có “dung lượng chiến trường lớn dễ triển khai binh khí kỹ thuật cho việc thực hành tác chiến hiệp đồng binh chủng hợp thành”7. Đây cũng là chiến trường ta đã có nhiều kinh nghiệm trong các lần đối đầu với địch, cả ở cấp chiến dịch, chiến thuật và rất phù hợp với sở trường tác chiến của ta. Đặc biệt, công tác chuẩn bị về lực lượng và thiết bị chiến trường của ta ở Tây Nguyên khá chu đáo, vững chắc. Nếu như đầu năm 1974 ở Tây Nguyên, khối chủ lực của ta chỉ có 02 sư đoàn bộ binh, cùng một số đơn vị chiến đấu, bảo đảm chiến đấu,... thì đến cuối năm 1974 và đầu năm 1975, Bộ Tổng Tư lệnh đã tăng cường cho Mặt trận Tây Nguyên 05 sư đoàn bộ binh, 04 trung đoàn độc lập, cùng các trung đoàn binh chủng chiến đấu, bảo đảm chiến đấu. Hệ thống giao thông được củng cố, phát triển với 700 km đường trục dọc, hơn 1.200 km đường trục ngang hòa vào mạng Đường 559, là điều kiện thuận lợi cho ta đưa vũ khí, phương tiện kỹ thuật vào chiến trường. Lượng dự trữ vật chất cho tác chiến lúc đó “được hơn 53.000 tấn, trong số đó có gần 800 tấn đạn và 28.600 tấn lương thực, thực phẩm”8.

Như vậy, từ những đặc điểm về tự nhiên và thế trận được ta tạo lập cho thấy, Tây Nguyên là địa bàn có đủ điều kiện thuận lợi nhất để triển khai thế trận tiến công chiến lược. Với thế trận chiến lược triển khai vững chắc, bí mật, khi Chiến dịch Tây Nguyên mở màn, ta đã tạo thế áp đảo địch ngay từ đầu và giáng cho chúng một đòn bất ngờ, choáng váng. Cũng với thế trận đó, đã làm bàn đạp vững chắc cho các bước phát triển tiếp theo xuống các tỉnh duyên hải miền Trung, miền Đông và Nam Bộ, nhanh chóng phá vỡ hệ thống phòng ngự của địch ở Vùng 2 chiến thuật, làm rung chuyển toàn bộ thế trận của địch trên toàn chiến trường, gây đột biến chiến tranh có lợi cho ta. Từ đó, một lần nữa khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, tài tình của Đảng; tính khoa học, đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam; cần được tiếp tục nghiên cứu, phát triển, vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thượng tá, ThS. PHẠM HỒNG THÁI, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam

_______________

1 - Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nxb QĐND, H. 2005, tr. 590.

2 - Tài liệu TW 391 - Kết luận của đồng chí Võ Nguyên Giáp tại hội nghị phổ biến Nghị quyết Quân ủy Trung ương về tình hình nhiệm vụ quân sự năm 1975, tr. 7.

3 - Bản dự thảo lần thứ 8 Kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam (số 228/Tg1).

4 - Trung tướng Hoàng Minh Thảo - Chiến dịch Tây Nguyên đại thắng, Nxb QĐND, H. 1997, tr. 29.

5 - Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng hành dinh trong mùa Xuân đại thắng, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 125.

6 - Trung tướng Hoàng Minh Thảo - Chiến dịch Tây Nguyên đại thắng, Nxb QĐND, H. 1997, tr. 17.

7 - Thượng tướng Giáo sư Hoàng Minh Thảo - Chiến đấu ở Tây Nguyên, Nxb QĐND, H. 2004, tr.157.

8 - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam - Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975, Tập 8, Nxb QĐND, H. 2013, tr. 230.

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định thành lập Quân tình nguyện tại Lào, đánh dấu sự phát triển mới của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào; đồng thời, khẳng định đường lối, quan điểm đúng đắn của Đảng ta trong thực hiện nghĩa vụ quốc tế.