Thứ Sáu, 22/11/2024, 21:27 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam
Để hiện thực hóa chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, ngay từ đầu năm 1971, đi đôi với đẩy mạnh kế hoạch bình định ở miền Nam Việt Nam, Mỹ ráo riết chuẩn bị thực hiện “các cuộc phản kích ra vòng ngoài”, nhằm mục đích lớn nhất cắt đứt tuyến vận tải chiến lược Bắc - Nam, triệt phá hậu phương chiến lược trực tiếp của ta ở chiến trường Lào và Cam-pu-chia, nhằm bóp nghẹt cuộc kháng chiến của nhân dân ta ở miền Nam và cách mạng Lào, Cam-pu-chia. Thực hiện mưu đồ đó, Mỹ - ngụy đã huy động 88 tiểu đoàn bộ binh, 15 thiết đoàn thiết giáp,… mở 03 cuộc tiến công đồng thời trên 03 hướng, đánh vào tuyến hành lang vận chuyển chiến lược Đường Trường Sơn. Trong đó, chúng tập trung một lực lượng rất lớn, gồm bộ binh, xe tăng, xe thiết giáp, máy bay1, tiến hành cuộc “Hành quân Lam Sơn 719” đánh ra Đường 9 - Nam Lào - cuộc tiến công quy mô lớn nhất, chiến dịch chủ yếu của địch.
Về ta, trên cơ sở nghiên cứu nắm chắc tình hình các mặt, nhất là âm mưu, thủ đoạn “thay đổi màu da trên xác chết” cũng như ý định về cuộc phiêu lưu quân sự mới của Mỹ - ngụy, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chỉ rõ: cuộc hành quân ra Đường 9 - Nam Lào của địch sẽ gây cho ta nhiều khó khăn, nhưng việc liều lĩnh đưa chủ lực đánh ra tuyến ngoài, lại là chiến trường rừng núi là thời cơ thuận lợi để ta tiêu diệt chúng và quyết định mở Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào, với quyết tâm trong bất cứ tình huống nào cũng phải đánh bại cuộc hành quân chiến lược của địch, bảo vệ vững chắc tuyến vận tải chiến lược. Thực hiện chỉ đạo của Trung ương Đảng, các lực lượng tham gia Chiến dịch đã chủ động chuẩn bị chu đáo, tổ chức thực hành tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, chặt chẽ, linh hoạt, sáng tạo. Sau hơn 50 ngày đêm liên tục phản công, tiến công, Chiến dịch đã thắng lợi vang dội2, để lại nhiều bài học quý; trong đó, có nghệ thuật chỉ đạo tác chiến, được thể hiện trên một số nội dung cơ bản sau.
Một là, chỉ đạo chuẩn bị sớm, chu đáo, toàn diện - điều kiện tiên quyết để Chiến dịch thắng lợi. Công tác chuẩn bị luôn giữ vị trí hết sức quan trọng đối với mọi hình thức tác chiến và càng quan trọng hơn đối với loại hình chiến dịch phản công, bởi đây là yếu tố cơ bản tạo thế chủ động và lực mạnh đánh thắng địch trong điều kiện cả địch và ta đều ở trạng thái “động”. Trong Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào, cấp chiến lược đã chỉ đạo Chiến dịch thực hiện công tác chuẩn bị từ rất sớm và chu đáo. Về chuẩn bị kế hoạch tác chiến, trên cơ sở nhận định, đánh giá đúng tình hình địch, ngay từ tháng 5-1970, Bộ Tổng Tham mưu đã soạn thảo “Phương hướng nhiệm vụ và kế hoạch tác chiến tại Trung - Nam Lào” và hướng dẫn B4, B5, Đoàn 559 chuẩn bị kế hoạch tác chiến cụ thể. Đến tháng 10-1970, Bộ Tổng Tham mưu tiếp tục hướng dẫn cơ quan tham mưu B70 chuẩn bị các kế hoạch (trong đó có kế hoạch Chiến dịch Xuân 1971 Đường 9 - Nam Lào). Đặc biệt, sau khi có Quyết tâm của Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tham mưu đã trực tiếp xây dựng kế hoạch cơ bản Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào và chỉ đạo B702 - Mặt trận Đường 9 - Nam Lào, cụ thể hóa thành kế hoạch tác chiến chiến dịch hoàn chỉnh. Công tác chuẩn bị chiến trường được chỉ đạo chặt chẽ, nhất là việc ra chỉ thị và hướng dẫn các đơn vị trinh sát, nghiên cứu chiến trường; tổ chức làm mới thêm Đường 10, củng cố Đường 16D,... kết hợp tận dụng các trục đường có sẵn, hình thành hệ thống đường liên hoàn, đáp ứng yêu cầu cơ động lực lượng, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho Chiến dịch. Mạng thông tin liên lạc được triển khai thông suốt từ Bộ đến Quân khu 5 và Đoàn 559, sẵn sàng bảo đảm cho nhiệm vụ tác chiến đánh địch ở khu vực Đường 9 - Nam Lào. Hậu cần chiến lược cũng chủ động tách các nguồn hàng từ tuyến chiến lược sang tuyến chiến dịch, bảo đảm cho 5 đến 6 vạn quân tác chiến trong thời gian 4 đến 5 tháng.
Về chuẩn bị lực lượng, Bộ Quốc phòng quyết định huy động lực lượng tương đối lớn tham gia Chiến dịch, trong đó lấy Binh đoàn 70 làm nòng cốt. Bộ Tư lệnh và Đảng ủy Mặt trận Đường 9 được thành lập với quyền hạn chỉ huy toàn bộ lực lượng tham gia Chiến dịch và tổ chức hiệp đồng với các chiến trường liên quan. Từ cuối tháng 10-1970, Tiểu đoàn 4 (Trung đoàn 24) hành quân vào khu vực Đường 9 để xây dựng hệ thống trận địa, hình thành các điểm tựa, cụm điểm tựa phòng ngự ở các điểm cao 351, 311, cầu Cha Ki. Đoàn 559 được lệnh chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng phối hợp với lực lượng cơ động của Bộ vào tác chiến. Sư đoàn 2 (thiếu) chủ lực của Quân khu 5 củng cố huấn luyện ở khu vực Đường 9. Sư đoàn 324 chủ lực của Quân khu Trị Thiên nhận lệnh ra khu vực Mường Noọng. Lực lượng Đoàn B70 tập kết ở Nam Quân khu 4, v.v. Như vậy, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tổng Tham mưu, công tác chuẩn bị cho Chiến dịch được triển khai sớm, toàn diện cả thế trận, lực lượng,… tạo điều kiện quan trọng để Chiến dịch thắng lợi lớn sau này.
Hai là, phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng cơ động với lực lượng tại chỗ, tạo sức mạnh tổng hợp đánh thắng địch có quân số đông, trang bị, phương tiện chiến tranh hiện đại. Tổ chức, sử dụng, phối hợp phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, các thứ quân ở các loại hình chiến dịch là nét nghệ thuật rất phong phú và sáng tạo của chiến tranh nhân dân Việt Nam; trong đó, lực lượng chủ lực cơ động làm nòng cốt và phát huy cao độ sức mạnh của lực lượng tại chỗ. Thực tiễn Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào cho thấy, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã thành công trong chỉ đạo, chỉ huy chặt chẽ hoạt động phối hợp tác chiến giữa lực lượng cơ động với lực lượng tại chỗ, phát huy hiệu quả sở trường tác chiến của từng lực lượng; đồng thời, tạo điều kiện để các lực lượng hỗ trợ nhau, dựa vào nhau, cùng nhau hoàn thành mục đích của Chiến dịch.
Trong thực hành Chiến dịch, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã sử dụng lực lượng tại chỗ, đánh địch ngay từ khi chúng bắt đầu triển khai đội hình tiến công và thực hiện đánh liên tục, rộng khắp, tiêu hao, sát thương từng bộ phận, bắn máy bay bay thấp, đánh phá hậu phương chiến dịch của địch,… buộc địch phải căng kéo, phân tán lực lượng đối phó, tạo điều kiện cho bộ đội chủ lực cơ động tập trung lực lượng đánh thắng các trận then chốt, tiêu diệt lớn quân địch. Chỉ tính riêng lực lượng của Đoàn 559 đã bắn rơi và phá hủy hơn 250 máy bay các loại, tiêu diệt hơn 2.000 tên địch và phá hủy hơn 30 xe quân sự. Lực lượng của B5 đẩy mạnh các hoạt động đánh địch trên đường cơ động, tập kích vào căn cứ hậu cần, sở chỉ huy của địch ở Khe Sanh, Tà Cơn, Sa Mưu, Đông Hà, Ái Tử, Cửa Việt,… gây tổn thất lớn về sinh lực và phương tiện chiến tranh, buộc chúng phải điều 02 lữ đoàn quân Mỹ và 02 tiểu đoàn pháo binh để giữ phía sau, làm giảm khả năng chi viện lực lượng và hỏa lực cho lực lượng tiến công phía trước. Ngay sau khi phát hiện chính xác ý đồ địch tiến công vào khu vực Đường 9 - Nam Lào, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã chỉ huy lực lượng chủ lực nhanh chóng cơ động vào vị trí triển khai theo quy định; triệt để tận dụng kết quả tác chiến tạo thế của lực lượng tại chỗ, thực hành phản công, tiến công địch bằng sức mạnh tác chiến hiệp đồng binh chủng, đánh thắng các trận then chốt, bẻ gãy cánh quân bảo vệ sườn phía Bắc, đập tan cánh quân bảo vệ sườn phía Nam; tập trung lực lượng lớn đánh trận then chốt quyết định vào trung tâm chỉ huy và đề kháng của chúng ở Bản Đông, đánh bại cuộc tiến công của địch.
Ba là, chỉ đạo vận dụng cách đánh sáng tạo và linh hoạt, góp phần giành thắng lợi quyết định cho Chiến dịch. Trong tác chiến chiến dịch, các hoạt động chiến thuật luôn giữ vị trí rất quan trọng, bởi đây là yếu tố trực tiếp để giành thắng lợi, đạt mục đích của chiến dịch. Trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, nghệ thuật chiến dịch đã chỉ đạo chiến thuật vận dụng nhiều cách đánh sáng tạo, lần lượt làm thất bại các thủ đoạn tác chiến, hình thức chiến thuật của địch, từng bước đẩy địch từ thế chủ động tiến công sang bị động đối phó, tạo thời cơ thuận lợi để ta thực hành phản công, chuyển từ phản công sang tiến công giành thắng lợi quyết định. Điều này được khẳng định khi Đoàn 559 đã sáng tạo lấy nhiều súng máy 12,7mm và 14,5mm dự trữ trong kho (chưa chuyển vào phía Nam) trang bị rộng rãi cho bộ đội, hình thành thế trận rộng khắp, nhiều tầng, nhiều lớp đánh máy bay lên thẳng của địch rất hiệu quả, góp phần quan trọng đánh bại chiến thuật “trực thăng vận” của chúng trong cuộc “Hành quân Lam Sơn 719”. Đối với thủ đoạn đột phá bằng xe tăng, thiết giáp theo trục Đường 9, các đơn vị của ta đã kết hợp tổ chức các điểm tựa phòng ngự trên các điểm cao 351, 311, cầu Cha Ki,… để ngăn cản, bẻ gãy các đợt tiến công của địch với sử dụng các phân đội nhỏ phục kích, đánh cắt giao thông, tập kích vào bên sườn, phía sau nhằm sát thương từng bộ phận quân địch. Đặc biệt, để đối phó với quân địch ở Bản Đông, một mặt ta tổ chức trận địa phòng ngự ở Tây Bản Đông, kiên quyết ngăn chặn không cho địch phát triển đánh chiếm Sê Pôn, kết hợp sử dụng Trung đoàn 36, một phần pháo binh Chiến dịch và đặc công bao vây, áp sát, tập kích tiêu hao, tiêu diệt địch. Mặt khác, tiếp tục tổ chức lực lượng cơ động đánh địch trên Đường 9 đoạn Lao Bảo - Bản Đông, hình thành thế chia cắt, đẩy lực lượng chủ lực địch vào thế cô lập trên từng khu vực, với phần lớn lực lượng, phương tiện bị giam chân ở Bản Đông trong điều kiện buộc phải chuyển vào phòng ngự. Từ đó, tạo thời cơ để ta chuyển sang tiến công lớn, tiêu diệt lực lượng chiến dịch của địch, giành thắng lợi quyết định.
Thắng lợi của Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu bước phát triển của nghệ thuật chiến dịch Việt Nam, trực tiếp là nghệ thuật chiến dịch phản công. Những bài học kinh nghiệm rút ra từ chiến dịch này vẫn còn nguyên giá trị, cần được kế thừa, phát triển, phù hợp với chiến tranh nhân dân, bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới.
Thượng tá, ThS. NGUYỄN TRUNG THÀNH, Khoa Chiến dịch, Học viện Quốc phòng
_____________
1 - Có thời điểm lực lượng địch lên đến 55.000 tên, gồm: 4 sư đoàn bộ binh, 02 binh đoàn cơ động ngụy Lào, 21 tiểu đoàn pháo binh, 578 xe tăng, xe thiết giáp, khoảng 1.000 máy bay các loại.
2 - Ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 21.000 tên địch; đánh thiệt hại nặng 02 lữ đoàn, 01 trung đoàn bộ binh; bắn rơi và phá hủy 556 máy bay, 528 xe tăng, xe thiết giáp, 112 khẩu pháo và súng cối; thu 02 máy bay trực thăng, 24 xe quân sự, 78 khẩu pháo, 2.000 súng bộ binh và nhiều trang thiết bị quân sự khác.
chỉ đạo tác chiến,chiến dịch phản công,Đường 9,Nam Lào
Nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh trong Chiến dịch tiến công Tây Sơn Tịnh năm 1966 21/11/2024
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào 29/10/2024
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 - nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng 24/10/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Bu Prăng - Đức Lập năm 1969 27/09/2024
Nghệ thuật chỉ đạo của Đảng về tạo và nắm thời cơ, giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 19/08/2024
Nghệ thuật đánh trận then chốt quyết định trong Chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức năm 1974 15/07/2024
Nhà Lý kết hợp tiến công quân sự với biện pháp ngoại giao để kết thúc chiến tranh, kiến tạo hòa bình 24/06/2024
Chiến dịch Long Khánh năm 1969 - nét đặc sắc của nghệ thuật tập kích 04/06/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Trung - Hạ Lào năm 1954 22/04/2024
Nét nổi bật về nghệ thuật đánh trận mở đầu trong Chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 1954 15/02/2024
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 - nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh trong Chiến dịch tiến công Tây Sơn Tịnh năm 1966