Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Năm, 05/01/2023, 07:30 (GMT+7)
Nét nổi bật về nghệ thuật quân sự trong trận Ấp Bắc năm 1963

Cách đây 60 năm, với quyết tâm “trụ bám”, đánh bại các cuộc hành quân càn quét, gom dân, lập ấp bằng chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” của Mỹ - ngụy, lực lượng vũ trang Quân khu 8 đã giáng cho địch một đòn đích đáng, làm nên chiến thắng Ấp Bắc. Đây là thắng lợi có ý nghĩa to lớn, báo hiệu sự thất bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ; đồng thời, khắc họa nhiều nét nghệ thuật quân sự đặc sắc.

Trước thắng lợi to lớn của phong trào Đồng khởi, đế quốc Mỹ buộc phải tiến hành chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” nhằm nhanh chóng dập tắt phong trào cách mạng miền Nam. Thực hiện mưu đồ đó, chúng tăng cường lực lượng ngụy quân, tăng viện trợ và đưa phương tiện chiến tranh hiện đại để mở các cuộc hành quân bằng chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” do cố vấn Mỹ chỉ huy; gom dân, lập ấp chiến lược, quyết tâm “bình định” miền Nam Việt Nam trong vòng 18 tháng. Đầu năm 1963, khi phát hiện lực lượng ta đang đứng chân ở Ấp Bắc, địch bất ngờ tổ chức cuộc hành quân càn quét,1 hòng nhanh chóng “tiêu diệt và bắt gọn Việt cộng”, dập tắt phong trào cách mạng trên địa bàn.

Về phía ta, cuối năm 1962, Bộ Chính trị ra nghị quyết về tình hình, phương hướng và nhiệm vụ công tác trước mắt của cách mạng miền Nam, trong đó xác định: “hết sức mở rộng lực lượng quân sự và chính trị, phát động du kích chiến tranh rộng khắp tiêu hao tiêu diệt nhiều sinh lực địch, đánh bại kế hoạch lập ấp chiến lược của địch, trước mắt làm thất bại kế hoạch tấn công của địch trong năm 1963, giữ vững và phát triển lực lượng của ta, mở rộng vùng căn cứ và vùng giải phóng”2. Thực hiện chủ trương trên, Trung ương cục miền Nam chỉ đạo các địa phương tích cực xây dựng xã, ấp chiến đấu, chuẩn bị trận địa công sự vững chắc, kiên quyết trụ bám, đẩy mạnh ba mũi giáp công, đánh bại âm mưu của địch.

Khẩu đội súng máy 12,7mm trong trận Ấp Bắc. Ảnh: Tư liệu

Tại Ấp Bắc, mặc dù với lực lượng ít hơn địch nhiều lần3, nhưng với tinh thần chiến đấu anh dũng, mưu trí, sáng tạo và nghệ thuật quân sự độc đáo, ta đã giáng cho địch một đòn chí mạng4, giành thắng lợi vang dội. Chiến thắng Ấp Bắc trở thành dấu mốc quan trọng trong tiến trình cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với nhiều nét nổi bật về nghệ thuật quân sự.

Một là, nắm chắc địch, làm tốt công tác chuẩn bị chiến đấu. Nắm chắc địch là yếu tố quan trọng hàng đầu, làm cơ sở để xác định chính xác quyết tâm chiến đấu, từ đó tích cực, chủ động làm tốt công tác chuẩn bị, thực hành chỉ huy chiến đấu giành thắng lợi. Để nắm chắc địch tiến công vào Ấp Bắc, chỉ huy các cấp đã phát huy vai trò của các thành phần, lực lượng, tích cực nắm địch từ xa đến gần, cả trước, trong và sau trận đánh. Nhờ nắm chắc thành phần, lực lượng, âm mưu, thủ đoạn, thấy rõ điểm mạnh và những hạn chế cốt tử của máy bay trực thăng và xe thiết giáp; dự kiến được chính xác các hướng, mũi tiến công, khu vực đổ quân của địch, ta đã xây dựng phương án chiến đấu phù hợp, dự kiến tình huống sát thực tế, kiên quyết bẻ gãy các đợt tiến công của chúng. Theo đó, ta đã lựa chọn thế đất cao liên hoàn từ Ấp Bắc đến ấp Tân Thới, bố trí Đại đội 1 (Tiểu đoàn 261) và Trung đội địa phương huyện Châu Thành đảm nhiệm phòng ngự trên hướng chủ yếu (hướng Tây và Nam), kiên quyết giữ vững khu vực Ấp Bắc, khi có điều kiện xuất kích, tiêu diệt từng bộ phận quân địch. Trên hướng thứ yếu (hướng Bắc và Tây Bắc) do Đại đội 1 (Tiểu đoàn 514) đảm nhiệm, có nhiệm vụ giữ vững khu vực ấp Tân Thới. Việc bố trí lực lượng như trên đã tạo thành thế trận hình vòng cung, bao vây toàn bộ cánh đồng rộng phía trước, nơi ta dự kiến máy bay trực thăng địch sẽ đổ quân và sử dụng xe thiết giáp cơ động tiến công vào Ấp Bắc. Vì thế, mặc dù địch huy động một lực lượng lớn gấp nhiều lần so với ta, với phương tiện chiến tranh hiện đại, được hỏa lực của không quân, pháo binh chi viện, liên tục tiến công, nhưng phải hứng chịu thất bại nặng nề.

Cùng với bố trí lực lượng một cách khoa học, ta chủ động làm tốt công tác chuẩn bị chiến đấu. Bộ Tư lệnh Quân khu 8 chỉ đạo các cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần cử những cán bộ dày dạn kinh nghiệm xuống cơ sở, trực tiếp huấn luyện chiến thuật chống càn, cách xây dựng công sự trận địa, kỹ thuật bắn máy bay trực thăng, xe thiết giáp; tổ chức học tập chính trị, xây dựng quyết tâm chiến đấu, sẵn sàng đánh bại mọi đợt tiến công của địch. Để hạn chế điểm mạnh, khoét sâu điểm yếu của địch; phát huy tốt hỏa lực, khả năng, sở trường và cách đánh của ta, các đơn vị đã dựa vào thế có lợi của địa hình, địa vật trong khu vực, nhất là tận dụng những gò đất cao, vườn cây và hệ thống bờ kênh, rạch để cải tạo và xây dựng hệ thống hầm, hào, công sự chiến đấu vững chắc, liên hoàn, hiểm hóc, có chiều sâu, ngụy trang kín đáo, tạo thế trụ lại chống càn hiệu quả. Với tinh thần “kiên quyết bám trụ, bám trụ đến cùng”, nhờ có hệ thống công sự trận địa được chuẩn bị tốt, bí mật, trên hướng phòng ngự miếu Thầy Lơ, bộ đội và du kích chờ cho địch vào thật gần, cách tiền duyên khoảng 40 m, trong tầm bắn hiệu quả của các loại hỏa lực mới bất ngờ, đồng loạt nổ súng, đạt hiệu suất chiến đấu cao. Sau ba lần tiến công không thành, địch sử dụng bom napan, bắn rốc két, đạn cháy,... hòng thiêu rụi các mục tiêu trong Ấp Bắc. Hệ thống công sự vững chắc đã chở che cho bộ đội, du kích kiên quyết bám trụ trận địa, hạn chế thương vong, giữ vững lực lượng, đội hình, tiếp tục chiến đấu, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Hai là, phát triển cách đánh hiệu quả trước chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” của địch. Thực hiên chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, địch triệt để tận dụng lợi thế về vũ khí, trang bị hiện đại, sử dụng chiến thuật “thiết xa vận”, “trực thăng vận”, mở nhiều cuộc hành quân với các thủ đoạn tác chiến “Bủa lưới, phóng lao”, “Phượng hoàng vồ mồi”,... gây nhiều tổn thất cho cách mạng miền Nam. Sau những mất mát ban đầu, quân và dân miền Nam đã phát huy ý chí kiên cường, chiến đấu anh dũng, lập nên những chiến công, bắn rơi trực thăng địch ở Nà Miêu (Trà Bồng, Quảng Ngãi), Tân Hưng Tây (Cái Nước, Cà Mau), Hưng Thạnh (Châu Thành), v.v. Tuy nhiên, vẫn chưa có những chiến thắng tạo nên chuyển biến cục diện chiến trường.

Từ những thắng lợi có tính chất “bộ phận”, Bộ Tư lệnh Quân khu 8 đã tổ chức nhiều hội nghị nhằm phát huy trí tuệ tập thể, kịp thời rút kinh nghiệm thực tiễn chống càn trước đó, tìm cách đánh bại các biện pháp chiến thuật và tiêu diệt các phương tiện chiến đấu hiện đại của địch. Đồng thời, các cấp tăng cường giáo dục, xây dựng niềm tin vào vũ khí, trang bị của ta và cách đánh máy bay trực thăng, xe thiết giáp cho bộ đội, chống tư tưởng “ngán trực thăng”, “sợ thiết giáp”, không dám trụ lại đánh các cuộc hành quân càn quét của địch. Để tiêu diệt máy bay trực thăng của địch, bộ đội và du kích được huấn luyện về phương pháp, thời cơ bắn, thành lập các “tổ săn trực thăng”, tổ chức luyện tập, rèn luyện kỹ năng thực hành bắn. Trong từng đợt chiến đấu, các đơn vị bí mật, kiên trì chờ cho những chiếc trực thăng chở quân giảm tốc độ, hạ độ cao, từ từ hạ xuống cánh đồng phía trước trận địa mới bất ngờ, đồng loạt tập trung hoả lực tiêu diệt. Kết quả ta đã bắn hạ 05 máy bay trực thăng, bắn hỏng nhiều chiếc khác. Với xe thiết giáp M.113, ta đã nghiên cứu, tìm ra điểm yếu của địch là khi thực hành chiến đấu, lái xe phải đóng nắp trước, quan sát qua kính tiềm vọng, nên tầm nhìn bị hạn chế, khó phát huy hỏa lực, hiệp đồng giữa các xe khó khăn, tốc độ chậm. Mặt khác, do khối lượng nặng, tiết diện xích nhỏ, hành trình vòng xích ngắn nên xe rất khó bám vào bờ kênh trơn trượt để lên bờ, dễ bị sa lầy khi phải di chuyển trên địa hình bùn nhão. Do vậy, ta tổ chức bố trí trận địa phục kích bí mật, phát huy lối đánh gần, dựa vào hệ thống công sự trận địa liên hoàn, vững chắc, thực hiện tốt nguyên tắc “hỏa khí phân tán, hỏa lực tập trung”, diệt 03 xe, bắn hỏng nhiều chiếc khác, bẻ gãy các đợt tiến công của địch. Đây chính là những yếu tố cơ bản giúp ta đánh bại chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” trong trận Ấp Bắc.

Ba là, phối hợp các lực lượng, phát huy sức mạnh ba mũi giáp công. Dựa vào ấp, xã chiến đấu, lực lượng vũ trang bám trụ làm nòng cốt chống địch càn quét; phát động nhân dân đấu tranh chính trị, binh vận, phát huy thắng lợi của đấu tranh quân sự là bước phát triển quan trọng của nghệ thuật kết hợp “hai chân (chính trị, quân sự), ba mũi (chính trị, vũ trang, binh vận)” trong trận Ấp Bắc. Tỉnh ủy Mỹ Tho phát động phong trào đấu tranh chính trị và binh vận rộng khắp ở các địa phương với sự tham gia đông đảo của quần chúng nhân dân. Trận đánh không chỉ diễn ra ở riêng 2 ấp của xã Tân Phú, mà mở rộng ra toàn Tỉnh, với nhiều hình thức, như: đánh đồn, bốt, đánh giao thông, bắn máy bay, kiềm chế và uy hiếp địch, phá ấp chiến lược. Trung đội trinh sát của Tỉnh đã bí mật tập kích, khống chế sân bay Thân Cửu Nghĩa. Hơn 700 quần chúng thuộc các xã Mỹ Hạnh Đông, Mỹ Hạnh Trung và Mỹ Phước Tây bao vây cụm pháo binh địch ở khu trù mật Mỹ Phước Tây, không cho chúng bắn vào xóm làng, làm gián đoạn việc chi viện bằng pháo binh của địch. Cùng thời gian đó, hơn 200 gia đình có binh sĩ tham gia cuộc hành quân càn quét vào Ấp Bắc, được cơ sở mật của ta làm binh vận, kéo lên bệnh viện thị xã đòi thăm người bị thương, biểu tình chống bắt lính, đòi chấm dứt cuộc hành quân. Hoạt động đấu tranh rộng khắp, liên tục của quần chúng đã buộc địch phải phân tán lực lượng đối phó, tạo điều kiện cho chủ lực của ta ở Ấp Bắc tập trung đánh bại các đợt tiến công của địch. Sự kết hợp chặt chẽ giữa tiến công quân sự với đấu tranh chính trị và binh vận đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, không những đánh bại cuộc hành quân của địch, mà còn bức hàng, bức rút được 45 đồn bốt, phá tan 69 ấp chiến lược, giải phóng hoàn toàn 55 xóm ấp, trở thành điển hình của chiến tranh nhân dân, xây dựng làng, xã chiến đấu, đánh thắng kế hoạch bình định, dồn dân, “lập ấp chiến lược” của Mỹ - ngụy.

Chiến thắng Ấp Bắc đã mở đầu cho việc đánh bại chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” được coi là “tân kỳ và hữu hiệu”, báo hiệu sự phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy, cổ vũ mạnh mẽ quân và dân miền Nam đẩy mạnh phong trào “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công”. Những nét nổi bật về nghệ thuật quân sự và kinh nghiệm rút ra từ thắng lợi của trận Ấp Bắc vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, phát triển trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Đại tá, TS. LÊ THANH BÀI, Viện Lịch sử Quân sự, Bộ Quốc phòng
______________

1 - Lực lượng địch gồm: 03 tiểu đoàn bộ binh của Sư đoàn 7; 01 tiểu đoàn dù; 02 đại đội biệt động quân; 03 đại đội bảo an; 03 đại đội dân vệ; 13 xe thiết giáp M.113, 13 tàu chiến, 32 máy bay, v.v.

2 - ĐCSVN – Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 23, Nxb CTQG, H. 2002, tr. 822.

3 - Gồm 02 đại đội (Đại đội 1 Tiểu đoàn 261; Đại đội 1, Tiểu đoàn 514); 01 khẩu đội Cối 60 ly; Trung đội bộ đội địa phương huyện Châu Thành - Mỹ Tho (nay thuộc tỉnh Tiền Giang), dân quân du kích xã Tân Phú, Tân Hội, Điềm Hy.

4 - Ta tiêu diệt và làm bị thương 450 tên địch (trong đó có 11 cố vấn và nhân viên kỹ thuật Mỹ), bắn rơi 05 máy bay, phá hủy 03 xe bọc thép M.113, đánh chìm 01 tàu chiến, v.v.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định thành lập Quân tình nguyện tại Lào, đánh dấu sự phát triển mới của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào; đồng thời, khẳng định đường lối, quan điểm đúng đắn của Đảng ta trong thực hiện nghĩa vụ quốc tế.