Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Năm, 20/01/2022, 07:44 (GMT+7)
Nét đặc sắc về nghệ thuật tiến công trong Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972

Sau một thời gian dài triển khai chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, đặc biệt là âm mưu “bình định” miền Nam, quân địch đã đánh chiếm được phần lớn vùng đồng bằng sông Cửu Long và khu vực Trị - Thiên, đẩy chủ lực của ta sang bên kia biên giới, kìm kẹp chính quyền cơ sở, khiến bộ đội địa phương và dân quân du kích không phát triển được. Với việc giành những lợi thế nhất định trên chiến trường, quân địch chủ quan nhận định: chương trình bình định đã giành thắng lợi, đối phương đang bị vây hãm và rơi vào thế bị động, các hoạt động năm 1972 của Cộng sản cũng không hơn gì năm 1971. Theo đó, chúng đưa ra chủ trương chiến lược cho những năm tiếp theo: tiếp tục rút quân Mỹ khỏi chiến trường miền Nam Việt Nam và tăng cường quân ngụy, đẩy mạnh thực hiện chương trình bình định, quét sạch căn cứ “lõm” của ta và kiểm soát hoàn toàn miền Nam.

Về phía ta, phát huy thắng lợi năm 1971 và để giành lại thế chủ động trên chiến trường, tạo bước chuyển biến cơ bản, tiến tới thay đổi cục diện chiến tranh, Trung ương Đảng quyết định mở Cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên các hướng: miền Đông Nam Bộ, Trị - Thiên và Tây Nguyên, trong đó, miền Đông Nam Bộ là hướng phối hợp quan trọng. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Trung ương Cục và Quân ủy Miền mở Chiến dịch Nguyễn Huệ1 trên chiến trường miền Đông Nam Bộ, nhằm tiêu diệt một bộ phận quân địch trên hướng Bắc Sài Gòn; giải phóng các tỉnh: Bình Long, Phước Long, Tây Ninh, Bình Dương; khôi phục và mở rộng địa bàn đứng chân của bộ đội chủ lực Miền để phối hợp với hướng tiến công chủ yếu Trị - Thiên; tạo điều kiện cho quân và dân đồng bằng sông Cửu Long đánh phá bình định. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Cục, Bộ Tư lệnh Miền, Chiến dịch Nguyễn Huệ đã giành được những thắng lợi quan trọng2, đáp ứng được yêu cầu chiến lược đề ra; đồng thời, đánh dấu bước phát triển về nghệ thuật tổ chức và thực hành chiến dịch của bộ đội chủ lực Miền, trong đó, nổi bật là nghệ thuật chốt kết hợp với tiến công địch ngoài công sự, được thể hiện:

Một là, dựa vào thế chốt vững chắc, tiến hành các trận cơ động tiến công phá thế địch. Ngay từ đầu, trong quyết tâm tác chiến, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã xác định: chốt trên Đường 13 là nhiệm vụ rất quan trọng, thành phần không thể thiếu trong hoạt động tác chiến chiến dịch, nhằm ngăn chặn các cuộc hành quân của địch từ Nam thị xã Bình Long, chi viện, ứng cứu cho Lộc Ninh. Theo đó, Bộ Tư lệnh Chiến dịch lựa chọn Sư đoàn 7 - đơn vị được ví như “cánh cửa thép” trong chiến thuật chốt và giành nhiều thắng lợi trên chiến trường Campuchia làm nhiệm vụ quan trọng này. Việc sử dụng đơn vị có nhiều kinh nghiệm chiến đấu thực hiện nhiệm vụ chốt trên Đường 13 thể hiện tầm nhìn, tư duy sáng tạo của Trung ương Cục, Quân ủy Miền và Bộ Tư lệnh Chiến dịch, đồng thời là nét nổi bật trong Chiến dịch Nguyễn Huệ. Bởi vì, Đường 13 là đường ngắn nhất, thuận lợi nhất mà quân địch có thể cơ động lực lượng từ phía Nam thị xã Bình Long, chi viện, ứng cứu cho Lộc Ninh. Việc tổ chức các chốt trên Đường 13 là chỗ dựa vững chắc để quân chủ lực phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương ở khu vực thị xã Bình Long tiến công các căn cứ của địch và cũng là yếu tố quan trọng khiến quân địch không dám đưa quân chi viện, ứng cứu Lộc Ninh khi cứ điểm này bị tiến công.

Thực tiễn trong Đợt 1 Chiến dịch (01/4 - 15/5/1972) cho thấy, Sư đoàn 7 đã bố trí: Trung đoàn 14 ở Tàu Ô sẵn sàng đánh địch rút chạy từ thị xã Bình Long về và từ Chơn Thành lên; Trung đoàn 12 ở khu vực Xóm Ruộng (Đông Bắc Chơn Thành) là lực lượng chốt cứng; Trung đoàn 209 là lực lượng cơ động, đứng chân ở Bàu Lông (Nam Chơn Thành), sẵn sàng đánh bại các cuộc hành quân của địch. Việc Sư đoàn 7 bố trí đội hình thành thế chân kiềng và tổ chức được các chốt trên Đường 13, tạo thế vững chắc để lực lượng cơ động của ta đánh bại cuộc tiến công của Chiến đoàn 7 ở Phù Lỗ; phục kích tiêu diệt Chiến đoàn 52 ở cầu Cần Lê khi chúng rút chạy về thị xã Bình Long; đẩy lùi cuộc tiến công của Lữ dù 1 từ Chơn Thành lên Ngọc Lầu và phá sản cuộc hành quân ứng cứu của Sư đoàn 21 ở Bắc Chơn Thành. Ngoài ra, Sư đoàn 7 còn phối hợp với Sư đoàn 5 tiến công cứ điểm Lộc Ninh - thực hiện trận then chốt mở đầu Chiến dịch; tạo điều kiện cho Sư đoàn 9 đánh thị xã Bình Long, phá thế tiến công của địch. Như vậy, chốt không có nghĩa là phòng ngự bị động đơn thuần, mà trên cơ sở thế của chốt tạo ra, lực lượng cơ động chủ động tiến công vào khu căn cứ và đội hình hành quân của địch, tạo điều kiện cho lực lượng chủ yếu thực hiện trận then chốt chiến dịch. Đây là sự phát triển sáng tạo của nghệ thuật chiến dịch mà địch không ngờ tới, dẫn đến bị động và thất bại.

Hai là, vừa chuyển hóa thế trận linh hoạt, vừa kết hợp chặt chẽ giữa chốt chính với chốt cơ động tiến công địch ngoài công sự. Mặc dù, giữ được thị xã Bình Long, nhưng quân địch vẫn rơi vào tình thế bị động đối phó. Để nhổ bật “chiếc đinh cái” trên Đường 13, đẩy ta ra xa thị xã Bình Long, địch tập trung lực lượng, phương tiện mở các cuộc hành quân lớn. Nắm chắc mưu đồ của chúng, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương và để các lực lượng có thời gian củng cố lực lượng, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã điều chỉnh phương thức hoạt động trong Đợt 2: “vây lỏng thị xã Bình Long, kiên quyết chốt chặn kết hợp tiến công tiêu diệt sinh lực địch ngoài công sự, để kìm chân và thu hút địch trên Đường 13”3. Với sự điều chỉnh phương thức hoạt động đó, một mặt ta tiếp tục phát huy chiến thuật mà Sư đoàn 7 đã sử dụng hiệu quả trong Đợt 1; mặt khác, kìm chân địch lâu dài trên Đường 13, tạo thuận lợi cho quân và dân miền Đông đánh phá bình định, quân chủ lực Miền có điều kiện phối hợp với các lực lượng trên hướng chủ yếu của cuộc tiến công chiến lược đánh địch, giành thắng lợi lớn. Theo đó, Sư đoàn 7 tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chốt trên Đường 13, nhưng không phải để phục vụ cho các đợt tiến công mà là đẩy lùi, đánh bại các cuộc hành quân, phản kích, giải tỏa Đường 13 của địch. Chính việc thay đổi nhiệm vụ chốt đã xuất hiện cách đánh chốt kết hợp với vận động tiến công - nét đặc sắc trong chiến dịch này. Vì thế, ta không những không rơi vào thế bị động phòng ngự giữ chỗ, mà còn phát huy cao độ hiệu suất chiến đấu của các chốt và lực lượng cơ động.

Để đánh bại các cuộc hành quân của địch, giữ vững chốt trên Đường 13, Sư đoàn 7 đã điều chỉnh thế trận chốt và lực lượng cơ động. Bên cạnh việc tập trung giữ vững các chốt Chiến dịch, Sư đoàn còn mở rộng địa bàn hoạt động, lập thêm các chốt cơ động ở phía Nam thị xã Bình Long, đồng thời tổ chức lực lượng tiến công vào bên sườn, phía sau đội hình hành quân của địch. Việc lập thêm các chốt cơ động trên Đường 13 đã buộc quân địch phải tăng cường lực lượng, phương tiện để tiến công vào các khu chốt và đó chính là cơ hội để ta vận động tiến công, đánh vào bên sườn, phía sau đội hình hành quân của địch. Thực tiễn khi quân địch tiến công chốt Cống Ông Tề (21/5 - 6/6/1972), Sư đoàn đã điều Trung đoàn 14 từ Tân Khai xuống phối hợp với Trung đoàn 209 phản công địch, giữ vững chốt. Khi khu chốt Tàu Ô bị vây ép mạnh (15/7 - 10/8/1972), có nguy cơ bị địch chiếm, ta đã kịp thời chuyển lực lượng chủ yếu ra phía sau lưng địch, rồi bất ngờ tiến công căn cứ Lai Khê. Cùng với đó, lực lượng cơ động của Sư đoàn 7 phối hợp với Trung đoàn 205 vận động tiến công địch trên đoạn Chơn Thành - Lai Khê, khiến quân địch không kịp trở tay. Ngoài ra, ta còn đưa lực lượng xuống khu vực Bàu Bàng lập thêm các chốt cơ động, chính các chốt này đã tiêu diệt gọn 02 tiểu đoàn biệt động quân (35 và 51) từ Biên Hòa lên chi viện và tạo thế vững chắc để các lực lượng cơ động phát triển xuống phía Nam. Như vậy, với việc chuyển hóa thế trận giữa chốt chính với chốt cơ động tiến công địch ngoài công sự, nên ta không những giữ vững chốt Chiến dịch, mà còn đánh bại mọi nỗ lực hòng mở thông Đường 13 của địch.

Ba là, vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu. Đối đầu với quân địch có ưu thế vượt trội về binh lực, hỏa lực và sức cơ động cao, đòi hỏi Bộ Tư lệnh Chiến dịch vừa phải xác định các hình thức chiến thuật phù hợp, vừa phải liên tục điều chỉnh cách đánh tại các khu chốt trên Đường 13 để đánh bại mưu đồ của địch, giữ vững chốt. Theo đó, bên cạnh cách đánh của Chiến dịch là tập trung lực lượng, phương tiện đột phá cứ điểm, đánh viện và vừa diệt điểm, vừa đánh viện, Bộ Tư lệnh Chiến dịch còn phát huy sức mạnh của các chốt nhằm tạo thế vững chắc cho lực lượng cơ động tiến công địch ngoài công sự. Tuy nhiên, trong từng trận chiến đấu, từng khu chốt, lực lượng cơ động chiến dịch đã phối hợp chặt chẽ với đơn vị bạn, lực lượng vũ trang địa phương và các chốt tổ chức chặn cắt đội hình hành quân của địch, sau đó phục kích, tập kích, vận động tiến công chính diện kết hợp vu hồi vào hai bên sườn và phía sau đội hình quân địch.

Thực tiễn trong trận tiến công chặn cuộc hành quân của Sư đoàn 21 địch mở đường lên thị xã Bình Long (từ 19 - 23/5/1972), bằng lối đánh gần, “thế cài răng lược”, Sư đoàn 7 đã phối hợp với Trung đoàn 205 bao vây, từng bước cô lập, vận động phục kích, tiêu diệt toàn bộ 01 chi đoàn thiết giáp, đánh thiệt hại nặng 01 trung đoàn địch, buộc chúng phải rút về Chơn Thành. Trong các trận phản kích địch trên Đường 13, dựa vào thế vững chắc của các chốt, lực lượng cơ động Chiến dịch thực hành tiến công chính diện kết hợp với vu hồi vào hai bên sườn và phía sau lưng địch, khiến chúng bất ngờ, không kịp đối phó. Khi quân địch tháo chạy khỏi Lộc Ninh, ta tổ chức phục kích, tiêu diệt toàn bộ Chiến đoàn 52 ở Cần Lê. Với việc vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu, ta đã tiêu diệt gọn hai cứ điểm Lộc Ninh và Xa Mát trong thời gian ngắn, chặn đứng, đánh bại các cuộc hành quân giải tỏa Đường 13 của địch.

Những thắng lợi giành được trong Chiến dịch Nguyễn Huệ không những  làm thay đổi cục diện chiến trường, tạo thế đứng chân vững chắc cho bộ đội chủ lực Miền, mà còn góp phần không nhỏ trong Cuộc tiến công chiến lược năm 1972. Thắng lợi của Chiến dịch đánh dấu bước phát triển của nghệ thuật chiến dịch tiến công trên chiến trường Nam Bộ, nhất là nghệ thuật chốt kết hợp với tiến công địch ngoài công sự - bài học quý cần được nghiên cứu, vận dụng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Đại tá, PGS, TS. NGUYỄN VĂN SÁU, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
___________________

1 - Diễn ra từ ngày 01/4/1972 đến ngày 19/01/1973.

2 - Ta đã tiêu diệt 05 chiến đoàn, 16 tiểu đoàn bộ binh, 03 trung đoàn thiết giáp, 13 đại đội pháo; đánh thiệt hại nặng 07 trung, lữ đoàn khác, loại khỏi vòng chiến đấu 01 sư đoàn, v.v.

3 - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam – Chiến dịch tiến công Nguyễn Huệ năm 1972, Nxb QĐND, H. 1988, tr. 50.

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định thành lập Quân tình nguyện tại Lào, đánh dấu sự phát triển mới của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào; đồng thời, khẳng định đường lối, quan điểm đúng đắn của Đảng ta trong thực hiện nghĩa vụ quốc tế.