Thứ Sáu, 22/11/2024, 19:41 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam
Trận phục kích Tốt Động - Chúc Động năm 1426, do nghĩa quân Lam Sơn thực hiện đã làm phá sản kế hoạch phản công chiến lược của quân xâm lược nhà Minh, làm cho chúng rơi vào thế cùng quẫn, phải cầu cứu viện binh. Đây là trận đánh điển hình với nhiều nét nghệ thuật đặc sắc về hiệu suất tiêu diệt địch trong lịch sử giữ nước của dân tộc ta.
Vào cuối năm 1426, sau những thất bại liên tiếp, quân Minh phải co về cố thủ trong thành Đông Quan để chờ cứu viện. Sau khi sang tăng viện, Vương Thông - Tổng Chỉ huy quân Minh - đã tập trung lực lượng thực hiện âm mưu phản công chiến lược, nhằm tiêu diệt lực lượng chủ lực của ta đang hoạt động xung quanh thành Đông Quan, giành thế chủ động, rồi tiến đánh cơ quan đầu não nghĩa quân Lam Sơn, dập tắt cuộc khởi nghĩa. Nắm chắc ý đồ đó, mặc dù lực lượng ít, Nghĩa quân đã phát huy cao độ thế tiến công, chủ động đánh nhiều trận, tiêu diệt lớn lực lượng địch, đặt chúng vào thế hoàn toàn bị động về chiến lược. Với trận phục kích Tốt Động - Chúc Động, Nghĩa quân đã tiêu diệt hơn 05 vạn tên địch, thu nhiều ngựa và khí giới; bẻ gãy toàn bộ cuộc phản công, buộc địch phải cố thủ trong thành Đông Quan chờ viện binh một lần nữa. Trận đánh đã để lại nhiều bài học quý về nghệ thuật phục kích tiêu diệt lớn quân địch, được thể hiện ở một số nội dung chủ yếu sau:
1. Tạo, lập thế trận phục kích chắc, hiểm, linh hoạt, thực hiện thắng lợi trận quyết chiến. Sau khi được tăng viện, lực lượng quân Minh ở khu vực thành Đông Quan lên đến hơn 09 vạn tên. Với lực lượng hùng hậu này, Vương Thông chia quân thành 03 đạo, chiếm lĩnh bến Cổ Sở, khu vực Thanh Oai và cầu Sa Đôi, tạo bàn đạp cho cuộc phản công chiến lược. Trước thế giặc mạnh, nghĩa quân Lam Sơn chủ trương: tránh chỗ mạnh của địch nhưng kiên quyết giữ vững thế tiến công, từng bước bẻ gãy các mũi tiến công của chúng, tạo lập thế trận chắc, hiểm để tiêu diệt lớn, làm phá sản kế hoạch phản công của địch. Thực hiện kế sách này, một mặt quân ta chia nhau giữ vững những nơi hiểm yếu; mặt khác, tổ chức đánh nhiều trận tiêu diệt địch ở Cổ Lãm, căn cứ Thanh Oai; uy hiếp, buộc địch phải bỏ cầu Sa Đôi rút về thành Đông Quan. Đến lúc này, thế trận phản công của địch đã bị thu hẹp, nếu muốn tiến đánh căn cứ của ta ở Cao Bộ, địch chỉ còn điểm xuất phát duy nhất từ Cổ Sở và chỉ có thể tiến quân theo hai đường: Ninh Kiều - Chúc Động - Tốt Động - Yên Duyệt - Cao Bộ; Ninh Kiều - Chúc Động - Đại Ơn - Cao Bộ. Như vậy, với các hoạt động chiến đấu tạo thế, quân ta đã hình thành thế trận phục kích chắc, hiểm và linh hoạt từ Chúc Động đến Tốt Động, nhử giặc đến để đánh trận quyết định. Đây là tài nghệ có một không hai của Bộ chỉ huy Nghĩa quân; đồng thời, là nhân tố quyết định đến thắng lợi của trận đánh. Bởi lẽ, con đường “thượng đạo” (dài khoảng 06 km) chạy ngang qua phía Tây cánh đồng Tốt Động là đường duy nhất để đạo chính binh của Vương Thông tiến quân vào phía trước căn cứ của ta. Hai bên đường có các làng xóm và những gò đất cao, tiện cho Nghĩa quân chiếm lĩnh và bí mật giấu quân. Cánh đồng Tốt Động lại khá sâu, lầy lội, cỏ lác um tùm, khi địch lọt vào đây sẽ bị ùn ứ, khó cơ động và xoay xở, tạo điều kiện cho lực lượng ta nhanh chóng đánh vào bên sườn, chia cắt đội hình, đẩy quân địch xuống khu vực lầy lội để tiêu diệt.
Trận địa thứ hai được bố trí ở Chúc Động (dưới chân núi Chúc Sơn) là nơi có địa thế hiểm yếu, lại ở gần Ninh Kiều - nơi cả hai cánh quân địch đều phải đi qua. Đồng ruộng ở đây không lầy lội như Tốt Động, nhưng có núi cao và rừng rậm, tiện cho việc giấu quân và triển khai đội hình tiến công. Theo kế hoạch tác chiến, trận địa Chúc Động có nhiệm vụ phối hợp với trận địa chính Tốt Động chia cắt đội hình địch, đánh vào hậu quân của cả hai cánh quân địch và chặn đường rút chạy về Đông Quan của chúng. Với thế trận này, Nghĩa quân đã quán triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng của Nguyễn Trãi: “Lấy yếu chống mạnh thường đánh bất ngờ, lấy ít địch nhiều hay dùng mai phục”1. Ở đây, nét đặc sắc của nghệ thuật tạo lập thế trận còn được thể hiện khi không gian từ Tốt Động đến Chúc Động đủ sức dung chứa với quy mô tới chục vạn người. Và trên thực tế, khi tiền quân của địch tiến đến cánh đồng Tốt Động thì hậu quân của chúng cũng lọt vào trận địa khóa đuôi của ta ở Chúc Động. Không chỉ dày công nghiên cứu và tạo lập thế trận tiến công, Bộ chỉ huy Nghĩa quân còn quyết định rút toàn bộ lực lượng từ Ninh Kiều về Cao Bộ. Động thái này càng kích thích Vương Thông thúc quân tiến vào địa bàn ta đã phục sẵn; khi trận đánh diễn ra, nghĩa quân Lam Sơn bất ngờ từ bốn phía đồng loạt xông ra diệt giặc, khiến quân Minh hoảng loạn, người, ngựa dẫm đạp lên nhau tháo chạy và rớt xuống cánh đồng lầy lội, tạo điều kiện cho lực lượng chủ lực của Nghĩa quân tiêu diệt. Một bộ phận địch tháo chạy theo hướng sông Ninh, hòng thoát về Đông Quan, liền bị quân ta đón lõng, truy sát, rơi xuống sông, chết đuối rất nhiều. Mô tả về trận phục kích tài tình này, Nguyễn Trãi viết trong Bình Ngô đại cáo: “Trận Ninh Kiều máu chảy thành sông, hôi tanh vạn dặm / Trận Tốt Động thây phơi đầy nội, để thối nghìn thu…”.
2. Tổ chức, sử dụng lực lượng hợp lý, thực hiện bao vây, chia cắt, tiêu diệt từng bộ phận, tiến tới tiêu diệt, đánh bại hoàn toàn cuộc tiến công của địch. Tham gia trận Tốt Động - Chúc Động, tổng số quân của ta có khoảng 01 vạn người (kể cả dân binh), còn quân Minh có hơn 09 vạn tên. So sánh lực lượng, rõ ràng địch hơn hẳn ta (địch 9, ta 1), nên Nghĩa quân không thể đối đầu trực diện với quân của Vương Thông được. Để phá thế địch và buộc chúng đánh theo cách đánh của ta, các tướng lĩnh của Nghĩa quân đã lợi dụng thế thiên hiểm của địa hình để tổ chức, sử dụng lực lượng phù hợp, nhằm “sức dùng một nửa mà công được gấp đôi”. Trên cơ sở nắm chắc ý đồ tiến quân của Vương Thông, Bộ chỉ huy Nghĩa quân chia lực lượng thành các nhóm nhỏ, gọn, bảo đảm cơ động linh hoạt, bí mật mai phục hai bên đường Tốt Động và Chúc Động để có thể nhanh chóng tiến công, chia cắt, tiêu diệt quân địch. Đồng thời, sử dụng lực lượng đủ sức để đánh chặn đầu khi đội chính binh của Vương Thông hành quân đến Tốt Động. Ở Chúc Động, Nghĩa quân bố trí một lực lượng tương đối mạnh, có thể chặt đứt đội hình hành quân của địch, làm cho chúng dồn ứ lại trong cánh đồng Tốt Động, tạo điều kiện cho lực lượng chủ lực của Nghĩa quân tiến công tiêu diệt. Như vậy, việc sử dụng lực lượng của Nghĩa quân trong trận đánh này là rất đúng đắn, khoa học và phù hợp với điều kiện quân ta phải “lấy ít địch nhiều”. Thay vì phải sử dụng lực lượng dàn trải cùng lúc đón đánh hai đạo quân (chính binh và kỳ binh của địch), Bộ chỉ huy Nghĩa quân đã sử dụng tập trung lực lượng tiêu diệt đạo quân chủ lực của Vương Thông ở thời điểm quyết định; đồng thời, bố trí lực lượng đón lõng đánh địch tháo chạy. Thực tế cho thấy, khi đạo chính binh của Vương Thông đến Tốt Động bị bộ phận chặn đầu của ta chặn đánh, quân địch hốt hoảng, đội hình rối loạn. Lực lượng chủ lực Nghĩa quân bố trí mai phục ở hai bên đường đánh mạnh, chia cắt đội hình địch, không cho chúng co cụm. Lúc này, đạo chính binh của Vương Thông như rắn mất đầu lại bị chặt ra nhiều khúc nên hầu hết bị tiêu diệt tại trận, số còn lại chạy về Chúc Động. Theo phương án đã vạch sẵn, quân ta từ hai bên núi Chúc Sơn xông ra chặn đánh quyết liệt. Như vậy, mặc dù quân số ít hơn địch nhiều lần nhưng do Nghĩa quân biết tận dụng thế thiên hiểm của địa hình, tổ chức, sử dụng lực lượng hợp lý nên đã tạo được sức mạnh lớn, đánh bại cuộc tiến công của Vương Thông.
3. Linh hoạt, sáng tạo trong “tương kế, tựu kế” đưa địch vào thế bị động để tiêu diệt. Sau khi chuẩn bị trận địa phục kích, Bộ chỉ huy Nghĩa quân liên tục theo dõi nắm chắc âm mưu, hành động các đạo quân của Vương Thông. Qua khai thác tù binh và trinh sát nắm địch, Nghĩa quân đã biết được ý đồ của Vương Thông chia lực lượng làm hai mũi tạo thành hai gọng kìm, hòng bao vây và tiêu diệt toàn bộ lực lượng Nghĩa quân ở Cao Bộ. Chúng thống nhất lấy tiếng pháo hiệu làm hiệu lệnh để hiệp đồng hai cánh quân tiến gấp để đánh kẹp lại. Phân tích kế hoạch tiến công của địch, chỉ huy Nghĩa quân quyết định “tương kế, tựu kế” - dùng ngay mưu kế của địch để đánh địch. Đúng như dự kiến, rạng sáng ngày 07-11-1426, Vương Thông cho đại quân xuất phát. Hai đạo chính binh và kỳ binh lần lượt vượt qua cầu Ninh Giang, tiến về Cao Bộ; trong đó, đạo chính binh theo đường “thượng đạo” tiến nhanh về phía Cao Bộ. Đạo quân này di chuyển ồ ạt, phô trương thanh thế để uy hiếp, hòng thu hút quân ta về phía trước mà quên đề phòng phía sau. Khi đạo chính binh địch đi qua địa phận Tốt Động, cũng là lúc đạo kỳ binh của chúng qua hết cầu Ninh Giang. Lúc đó, Nghĩa quân nổ pháo, cả hai cánh quân địch đều tưởng là pháo lệnh của mình, xô nhau tiến gấp để mau chóng thực hiện mệnh lệnh tiến công. Vậy là cả hai cánh quân địch đã “bí mật” tiến quân một cách dễ dàng vào trận địa phục kích của ta. Về phía quân ta, theo kế hoạch đã thống nhất, khi nghe pháo lệnh thì “vẫn bí mật nằm im”. Lúc này địch càng chủ quan, cho rằng kế hoạch của chúng hoàn toàn bí mật và sẽ đánh úp được Nghĩa quân. Khi cả hai cánh quân của địch đã lọt vào trận địa mai phục, lực lượng Nghĩa quân phục sẵn ở các vị trí đồng loạt xông ra đánh quyết liệt. Bị đánh bất ngờ từ các mặt, đội hình địch rối loạn, tan vỡ. Nghĩa quân vừa tiến công, vừa đánh trống hò reo, phóng hỏa đốt các gò có nhiều lau, sậy, làm cho địch hoảng loạn và mất chỗ co cụm. Quân ta xông ra chém giết, hàng vạn tên địch phải bỏ mạng, lực lượng tàn quân còn lại cố mở đường máu chạy thoát thân về phía sông Ninh, lại gặp lực lượng Nghĩa quân mai phục ở Chúc Động đánh rất mạnh nên quân Minh tiếp tục bị tiêu diệt. Như vậy, việc giữ bí mật và lợi dụng mưu kế của địch để đánh địch đã tạo yếu tố bất ngờ, làm cho địch không kịp trở tay, khi bị ta tiến công, đội hình rối loạn, mất ý chí chiến đấu ngay từ đầu trận đánh. Ngược lại, với Nghĩa quân, chủ động lừa dụ địch vào thế trận đã chuẩn bị sẵn và trúng kế của ta nên tinh thần chiến đấu của binh sĩ rất cao, tạo thành thế mạnh áp đảo quân địch ngay từ đầu để giành thắng lợi.
Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra) nghệ thuật quân sự và vũ khí, trang bị có sự phát triển mới. Tuy nhiên, những bài học kinh nghiệm về nghệ thuật tạo lập thế trận chắc, hiểm, linh hoạt; tổ chức, sử dụng lực lượng hợp lý, “tương kế, tựu kế”,… trong kháng chiến chống quân Minh ở thế kỷ XV của dân tộc ta, điển hình là trận Tốt Động - Chúc Động vẫn còn nguyên giá trị và cần được tiếp tục phát huy trong điều kiện mới.
Đại tá, ThS. MAI VĂN QUANG, Thiếu tá, ThS. VŨ BÌNH TUYẾN, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam ___________________________
1 - Nguyễn Trãi Toàn tập, Nxb Khoa học xã hội, H. 1969, tr. 65.
Trận Tốt Động,Chúc Động
Nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh trong Chiến dịch tiến công Tây Sơn Tịnh năm 1966 21/11/2024
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào 29/10/2024
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 - nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng 24/10/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Bu Prăng - Đức Lập năm 1969 27/09/2024
Nghệ thuật chỉ đạo của Đảng về tạo và nắm thời cơ, giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 19/08/2024
Nghệ thuật đánh trận then chốt quyết định trong Chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức năm 1974 15/07/2024
Nhà Lý kết hợp tiến công quân sự với biện pháp ngoại giao để kết thúc chiến tranh, kiến tạo hòa bình 24/06/2024
Chiến dịch Long Khánh năm 1969 - nét đặc sắc của nghệ thuật tập kích 04/06/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Trung - Hạ Lào năm 1954 22/04/2024
Nét nổi bật về nghệ thuật đánh trận mở đầu trong Chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 1954 15/02/2024
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 - nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh trong Chiến dịch tiến công Tây Sơn Tịnh năm 1966