Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Sáu, 27/11/2015, 17:27 (GMT+7)
Nét đặc sắc của Nghệ thuật tác chiến trận Ia Đrăng năm 1965

Vào cuối năm 1965, trên chiến trường miền Nam, quân và dân ta mở nhiều chiến dịch, trận đánh trực tiếp với quân Mỹ và giành thắng lợi vang dội. Trong đó, trận Ia Đrăng là một trong những thắng lợi điển hình với nhiều nét nghệ thuật đặc sắc, góp phần khẳng định, bộ đội ta có đủ khả năng tiêu diệt từng đơn vị quân Mỹ, làm chuyển biến cuộc chiến tranh.

Mỹ đổ quân xuống thung lũng Ia Đrăng tháng 11-1965 (Ảnh tư liệu)

 Với cách đánh “vây điểm, diệt viện”, cuối tháng 10-1965, trong khuôn khổ Chiến dịch Plây-me, quân ta đã vây ép đồn Plây-me, tiêu diệt đồn Chư Ho, buộc địch phải điều một chiến đoàn bộ binh cùng Chiến đoàn thiết giáp số 3 ngụy ứng cứu nhưng cũng bị lực lượng của ta đánh bại. Đòn đau này đã kích thích tính kiêu ngạo của quân Mỹ khi lần đầu tiên chúng xuất hiện ở Tây Nguyên. Tiếp đó, ngày 14-11-1965, Lữ đoàn 3 kỵ binh Mỹ dùng máy bay lên thẳng đổ quân xuống thung lũng Ia Đrăng (cách đồn Plây-me 25 km về phía Tây) nhằm đánh đòn bất ngờ vào sau lưng đội hình các đơn vị chủ lực ta. Đây cũng là tình huống nằm trong ý định của ta nhằm đưa bộ đội chủ lực trực tiếp đương đầu với quân Mỹ để tìm hiểu khả năng tác chiến của chúng và xây dựng cách đánh Mỹ cho bộ đội. Vì thế, trận Ia Đrăng đã diễn ra liên tục nhiều giờ, cả ngày lẫn đêm hết sức ác liệt, dưới các loại hỏa lực bom và đạn pháo của Mỹ. Tuy nhiên, bằng quyết tâm cao, thế trận vững chắc, hiểm hóc và cách đánh linh hoạt, táo bạo dũng mãnh, quân ta tiêu diệt gần hết một tiểu đoàn và đánh thiệt hại nặng một tiểu đoàn khác của Lữ đoàn 3 kỵ binh không vận Mỹ, buộc chúng phải tháo chạy khỏi thung lũng Ia Đrăng. Đây là trận đầu tiên của Quân đội ta tiêu diệt gần hết tiểu đoàn quân Mỹ trên chiến trường miền Nam, mở ra khả năng ta có thể thắng Mỹ trong điều kiện chúng có ưu thế về lực lượng, trang bị và cơ động, với nhiều nét nghệ thuật đặc sắc, được thể hiện ở một số nội dung sau:

1. Khôn khéo điều dụ quân Mỹ đến địa bàn có lựa chọn để hình thành trận then chốt, tiêu diệt lớn quân địch. Ngay từ khi quân Mỹ ồ ạt nhảy vào miền Nam, ta đã tích cực tìm hiểu quy luật hoạt động, thủ đoạn đối phó của chúng; từ đó, đánh giá đúng những chỗ mạnh của địch là: quân đông, hỏa lực mạnh, sức cơ động cao, khả năng tiếp tế hậu cần dồi dào…; đồng thời, thấy rõ những điểm yếu chí tử của chúng là tinh thần chiến đấu kém, ngại đánh gần, ỷ lại hỏa lực, chưa quen khí hậu, thời tiết, v.v. Vì thế, việc điều dụ quân Mỹ vào các địa bàn rừng núi lựa chọn, xa căn cứ của chúng, nhằm hạn chế mặt mạnh, khoét sâu điểm yếu để đánh thắng các trận then chốt là vấn đề rất quan trọng. Tuy nhiên, với một đội quân nhà nghề, khả năng thay đổi tương quan lực lượng và phương thức tác chiến nhanh, có nhiều phương tiện trinh sát hiện đại thì việc điều dụ địch theo ý định của ta đòi hỏi rất công phu. Thực tiễn trận Ia Đrăng cho thấy, khi viện binh ngụy (cơ động giải tỏa đồn Plây-me) bị ta đánh thiệt hại nặng, Mỹ đã cho đổ quân xuống Bầu Cạn và Plâyngo (cách Plây-me 10 km về phía Tây) để thăm dò, thừa cơ đánh úp chủ lực ta. Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên quyết định chọn thung lũng Ia Đrăng làm điểm quyết chiến với quân Mỹ. Đây là khu vực có nhiều suối và rừng rậm, cách xa hậu phương địch, lại nằm sát vùng căn cứ của ta, nên rất thuận lợi cho tác chiến. Song, nếu ta cứ vây ép đồn Plây-me theo cách cũ và chờ đợi thì sẽ không dụ được quân Mỹ vào nơi đã lựa chọn. Trên cơ sở phân tích tình hình các mặt, nhất là bản tính hung hăng, kiêu ngạo, đòi “tìm, diệt” chủ lực Việt cộng của quân Mỹ, ta đã bí mật sử dụng lực lượng đặc công tập kích phủ đầu Sở Chỉ huy hành quân Lữ kỵ binh không vận số 3 Mỹ ở Bầu Cạn; đồng thời, điều Trung đoàn 33 (đang vây ép đồn Plây-me) cơ động về khu vực Ia Đrăng. Đây là hành động “nhất cử, lưỡng tiện”, vừa để nhử địch vào khu vực ta đã chuẩn bị trước, vừa có thể tập trung lực lượng để đánh trận then chốt quyết định. Đúng như dự đoán của ta, sau khi “phát hiện” chủ lực của đối phương, quân Mỹ đã đổ hai tiểu đoàn xuống bãi đáp Ia Đrăng và bị ta vây đánh liên tục. Rơi vào thế bất lợi, không được sự chi viện của hỏa lực trực tiếp, địch đã bị ta tiêu diệt gần hết một tiểu đoàn và một tiểu đoàn khác bị đánh thiệt hại nặng. Thậm chí, để cứu nguy cho đám tàn quân đang mắc kẹt tại Ia Đrăng, địch đã phải sử dụng cả máy bay chiến lược B.52 dội bom và bắn 4.000 quả đạn pháo tầm xa nhưng cũng không xoay chuyển được tình thế. Như vậy, việc điều dụ quân Mỹ - đối tượng có tiềm lực quân sự hùng hậu vào địa bàn lựa chọn để đánh trận then chốt quyết định, lần lượt tiêu diệt từng đơn vị đại đội, tiểu đoàn địch là một trong những nét nghệ thuật đặc sắc của trận Ia Đrăng.

2. Tạo lập thế trận vững chắc, linh hoạt, có chiều sâu, sẵn sàng đánh bại chiến thuật mới của quân Mỹ. Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá về địch và căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa bàn tác chiến, ta dự đoán thế nào quân Mỹ sẽ lợi dụng ưu thế vượt trội về trang bị kỹ thuật, nhất là khả năng cơ động bằng đường không để thực hiện chiến thuật “nhảy cóc sâu”, “quây vùng rộng” hòng vu hồi, tập kích vào bên sườn, phía sau các đơn vị bộ đội chủ lực. Vì thế, ngay từ khi chuẩn bị cho Chiến dịch Plây-me nói chung, trận then chốt quyết định Ia Đrăng nói riêng, ta đã chủ động tạo lập thế trận liên hoàn, vững chắc, có chiều sâu nhằm hạn chế và vô hiệu hóa biện pháp tác chiến này của địch. Theo đó, thay vì bố trí đội hình tập trung, đón lõng,… có tính ổn định như trước đây vẫn làm, ta chủ trương bố trí các lực lượng chủ yếu (gồm các trung đoàn: 320, 33 và 66) đứng ngoài vòng vu hồi chiến dịch của địch, làm lực lượng cơ động linh hoạt đánh địch đổ bộ trên các hướng. Đồng thời, tổ chức bố trí các bộ phận làm nhiệm vụ nghi binh, kiềm chế, thu hút địch trên từng khu vực và có lực lượng luân phiên làm nhiệm vụ dự bị. Với thế trận này, nếu địch liều lĩnh đổ bộ vào bất cứ khu vực nào ở Ia Đrăng cũng đều bị đánh, từ trước mặt, sau lưng hoặc bên sườn. Không những thế, cách bố trí này còn tạo thuận lợi cho các đơn vị chủ động phối hợp, chi viện lẫn nhau trong suốt quá trình tác chiến; khi cần thiết vẫn có thể dễ dàng tập trung lực lượng đánh tiêu diệt lần lượt từng đại đội, tiểu đoàn quân Mỹ, giành thắng lợi.

Thực tế trận Ia Đrăng đã chứng minh, ngày 14-11-1965, ngay khi Tiểu đoàn 1 thuộc Trung đoàn Kỵ binh bay số 7 Mỹ đổ quân xuống Ia Đrăng, chưa kịp lùng sục đã bị quân ta chặn đánh quyết liệt, thiệt hại nặng nề. Để cứu nguy cho đơn vị này, Tướng Oét-mo-len quyết định đổ thêm 1 tiểu đoàn kỵ binh bay xuống Ia Đrăng và lợi dụng sức cơ động của trực thăng để triển khai đội hình tiến công vào khu vực trú quân của Trung đoàn 66. Tuy nhiên, địch mới tiến được gần 100 m thì bị quân ta chặn đánh từ các hướng, buộc chúng phải co cụm chống đỡ. Không để địch kịp trở tay, củng cố, ngay trong đêm, với thế bố trí linh hoạt, bộ đội ta đã chiếm lĩnh các vị trí bao vây quân Mỹ từ hướng Bắc và Tây Bắc; đồng thời, bố trí lực lượng đón lõng ở hướng Tây và Tây Nam, thực hiện vây chặt và tập trung lực lượng tiêu diệt từng bộ phận quân địch, khiến 1 tiểu đoàn quân Mỹ gần như bị tiêu diệt hoàn toàn.

Nét đặc sắc của nghệ thuật tạo lập thế trận tác chiến trong trận này còn được thể hiện, khi gặp địch đổ bộ bất ngờ, ta đã bình tĩnh chuyển hóa thế trận, hình thành thế cài xen với quân Mỹ, làm cho chúng không phát huy được ưu thế hỏa lực và các loại phương tiện kỹ thuật hiện đại. Thậm chí, trong cơn nguy khốn, chúng đã phải sử dụng hơn 100 lần/chiếc máy bay chiến lược B.52 ném bom rải thảm ngay trên đầu quân Mỹ. Sau này, chính Tướng Oét-mo-len đã phải thú nhận rằng: “Vì không còn cách nào khác, Lữ đoàn 3 (của ông ta) đang nguy khốn”.

3. Vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu để tiêu diệt từng đại đội, tiểu đoàn quân Mỹ. Ở cấp độ chiến dịch, trận Ia Đrăng nằm trong khuôn khổ Chiến dịch Plây-me nhưng lại là trận đầu bộ đội chủ lực ta trực tiếp tác chiến với quân Mỹ, nên về thực chất, đó là sự  đối đầu cả về chiến dịch, chiến thuật giữa ta và địch. Trong trận chiến đấu này, do quán triệt và nắm vững mục đích của trận đánh là “tiêu diệt sinh lực quân Mỹ là chính” và phương hướng tác chiến cơ bản là “đánh địch ngoài công sự” nên ta đã vận dụng sáng tạo và linh hoạt các hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu có hiệu quả. Nổi bật là các hình thức, như: vận động tiến công, phục kích, tập kích, truy kích, đánh địch đổ bộ bằng máy bay lên thẳng, đánh gặp gỡ (tao ngộ chiến), v.v. Điều đáng nói là, các hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu, như: đánh gần, đánh đêm, thọc sâu, chia cắt, vu hồi,…  được bộ độ ta vận dụng nhuần nhuyễn, sáng tạo, phù hợp với từng tình huống của trận đánh, khiến địch bất ngờ, mất dần thế chủ động ban đầu và nhanh chóng bị tiêu diệt. Điển hình là, trận đánh ngày 16-11-1965, bằng chiến thuật vận động tiến công, Tiểu đoàn 7 (Trung đoàn 66) đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 200 tên địch (thuộc Tiểu đoàn 2 kỵ binh bay Mỹ), ban đêm lợi dụng ánh sáng của đèn dù, pháo sáng, chiến sĩ ta với lưỡi lê tuốt trần, đã băng qua rừng le và cỏ lau rập rạp để tiếp cận, đánh gần, tiêu diệt nhiều địch hơn. Nét sáng tạo trong tác chiến ở đây còn được thể hiện khi bộ đội ta thực hiện hiệp đồng chiến đấu ban đêm theo tiếng súng. Trên thực tế, nhiều cán bộ, chiến sĩ bị lạc trong rừng đều nhằm hướng súng nổ của ta để lao đến phối hợp, khiến quân Mỹ bị bất ngờ, không kịp trở tay. Không chỉ tiến công, truy kích địch tháo chạy, bằng chiến thuật tập kích, một bộ phận của Trung đoàn 33 còn bí mật đánh úp các bãi đáp trực thăng và trận địa pháo địch ở Tây Bắc suối Ia Mơ, phá hủy 3 pháo lớn và 7 máy bay lên thẳng, làm cho tình hình quân Mỹ ở Ia Đrăng vốn đã khốn đốn lại càng thảm hại hơn. Sau trận quyết chiến ở thung lũng Ia Đrăng, nhiều chuyên gia quân sự Mỹ phải cay đắng thừa nhận: ở Việt Nam, quân Mỹ đã có trong tay những vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại và hoàn hảo mà các nhà chỉ huy quân sự nhiều nước chỉ giám ước ao! Nhưng khi giao chiến với chủ lực đối phương thì lại mất quyền chủ động ngay từ đầu và phải đánh theo cách đánh của họ.

50 năm đã trôi qua nhưng chiến công đặc biệt xuất sắc của trận Ia Đrăng vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của quân và dân cả nước. Trận đánh đã để lại nhiều nét nghệ thuật đặc sắc cho kho tàng Nghệ thuật Quân sự Việt Nam. Đây là những bài học quý, cần tiếp tục được nghiên cứu, phát triển và vận dụng vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

NGUYỄN ĐỒNG 

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định thành lập Quân tình nguyện tại Lào, đánh dấu sự phát triển mới của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào; đồng thời, khẳng định đường lối, quan điểm đúng đắn của Đảng ta trong thực hiện nghĩa vụ quốc tế.