Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Ba, 28/09/2021, 06:29 (GMT+7)
Một số chỉ đạo chiến lược của Đảng đối với cách mạng miền Nam trong năm 1971

Năm 1971, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, quân và dân ta đã đánh bại các cuộc hành quân lớn, đập tan kế hoạch “bình định”, làm thất bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của địch, tạo thế và lực cho cách mạng miền Nam. Lịch sử đã lùi xa 50 năm, nhưng sự chỉ đạo đó vẫn còn nguyên giá trị cần nghiên cứu vận dụng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Bước sang năm 1971, địch tổ chức các cuộc hành quân quy mô lớn đánh ra vòng ngoài, như: Lam Sơn 719 đánh vào khu vực Đường 9 - Nam Lào; Toàn Thắng 1/71 NB đánh lên vùng Đông Bắc Campuchia; Quang Trung 4 tiến công từ Bắc Kon Tum ra khu vực ngã ba biên giới,… với hy vọng cắt đứt hành lang tuyến vận tải chiến lược, đánh phá hậu phương lớn của ta ở Trung, Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia, cô lập hoàn toàn chiến trường miền Nam Việt Nam. Cùng với đó, chúng tiếp tục đẩy mạnh kế hoạch bình định, ra sức dồn quân bắt lính, dồn dân lập ấp,… từng bước làm suy yếu cuộc kháng chiến của quân và dân miền Nam, hoàn thành cơ bản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”.

Về phía ta, lường trước khả năng quân địch sẽ mở các cuộc hành quân lớn vào mùa khô năm 1970 - 1971 và đẩy mạnh kế hoạch bình định, Trung ương Đảng đã có chỉ đạo chiến lược, nhằm đánh bại mưu đồ của địch, thay đổi cục diện chiến trường. Thực hiện chủ trương đó, Quân ủy Trung ương và Trung ương Cục miền Nam đã chỉ đạo quân, dân miền Nam xây dựng kế hoạch tác chiến, chuẩn bị lực lượng, phương tiện và chiến trường, phối hợp chặt chẽ với quân và dân hai nước bạn Lào, Campuchia, sẵng sàng đánh bại các cuộc hành quân của địch; đồng thời, xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng, đẩy mạnh đấu tranh quân sự, chính trị, binh vận, đập tan kế hoạch bình định của chúng. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, quân và dân ta đã giành thắng lợi lớn trên chiến trường miền Nam năm 1971, tạo tiền đề tiến lên giành thắng lợi quyết định năm 1972. Sự lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược đó, được thể hiện trên một số vấn đề cơ bản sau:

1. Kiên quyết đẩy mạnh tiến công quân sự đánh bại các cuộc hành quân của địch

Với quyết tâm “đánh bại chính sách Việt Nam hóa chiến tranh của đế quốc Mỹ, phải đánh mạnh thắng to về quân sự”1, Trung ương Đảng đã chỉ thị cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng mở các chiến dịch phản công nhằm đánh bại các cuộc hành quân của địch trong năm 1971. Giành thắng lợi ta sẽ tiêu diệt được một bộ phận lớn sinh lực địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, đẩy địch vào thế bị động, tạo thuận lợi cho phong trào đấu tranh của cách mạng miền Nam. Thực hiện quyết tâm đó, ta tiến hành mở Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào nhằm đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn 719 - cuộc hành quân có quy mô lớn nhất của địch. Để bảo đảm đánh bại cuộc hành quân này, cùng với việc tổ chức điều chỉnh lực lượng, phương tiện2, xây dựng thế trận chiến dịch, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật và củng cố mạng lưới giao thông, ta còn phối hợp chặt chẽ với quân và dân nước bạn Lào anh em, tích cực, chủ động làm tốt công tác tổ chức, chuẩn bị tác chiến. Sau 52 ngày, đêm chiến đấu dũng cảm, kiên cường, ta đã kết thúc thắng lợi Chiến dịch, tiêu diệt gọn nhiều đơn vị tinh nhuệ thuộc lực lượng dự bị chiến lược của địch. Đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn 719, đạt được ý nghĩa hết sức quan trọng cả về chính trị và quân sự, làm thất bại những nỗ lực cao nhất của quân địch trong chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và mở ra triển vọng đánh bại chiến lược này, bảo vệ an toàn, thông suốt hành lang tuyến vận tải chiến lược Bắc - Nam.

Cùng với mở Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, ta tổ chức chiến dịch phản công quy mô lớn ở Đông Nam Bộ và Đông Bắc Campuchia để giáng cho quân địch một đòn quyết định. Theo đó, Bộ Chỉ huy Miền đã sử dụng hầu hết các đơn vị chủ lực trên chiến trường miền Nam cùng các đơn vị binh chủng và lực lượng tại chỗ ở các khu căn cứ Đông Bắc Campuchia. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền, quân dân miền Nam đã cùng quân dân Campuchia đánh bại cuộc hành quân Toàn Thắng 1/71 NB, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh3. Hòa chung với chiến thắng Đường 9 - Nam Lào và Đông Bắc Campuchia, trên chiến trường Tây Nguyên, ta cũng giành thắng lợi quan trọng, khi đánh bại cuộc hành quân Quang Trung 4 của địch. Việc quân và dân ta trên chiến trường miền Nam cùng với quân và dân hai nước bạn Lào, Campuchia đánh bại các cuộc hành quân lớn của địch trong thời gian ngắn, thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, tài tình của Trung ương Đảng, sự phát triển lớn mạnh của bộ đội chủ lực trong tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, mở ra điều kiện, thời cơ mới có lợi cho cách mạng ba nước Đông Dương, thúc đẩy phong trào đấu tranh cách mạng ở miền Nam, nhất là phong trào chống phá bình định.

2. Kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự, chính trị, binh vận và chống phá bình định

Cùng với chỉ đạo đánh bại các cuộc hành quân, Trung ương còn chỉ đạo Quân ủy, Bộ Chỉ huy Miền và các khu, tỉnh miền Nam nắm thời cơ khi chủ lực địch phân tán, “đẩy mạnh tấn công và nổi dậy, đập tan kế hoạch bình định của địch, hướng trọng điểm nhằm vào đồng bằng Nam Bộ, vùng xung quanh Sài Gòn và biên giới Việt Nam - Campuchia, đi đôi với việc diệt Mỹ - ngụy”4. Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, quân và dân miền Nam phối hợp với bộ đội chủ lực đẩy mạnh chiến tranh nhân dân địa phương, nhất là chiến tranh du kích, kiên quyết đánh phá bình định của địch, khôi phục và mở rộng vùng giải phóng, phục hồi và phát triển lực lượng, kết hợp làm công tác binh vận. Tại các tỉnh Tây Ninh, Long An, Bà Rịa,… lực lượng vũ trang tổ chức các hoạt động tiến công quân sự nhằm vào chủ lực địch, táo bạo thọc sâu đánh vào các huyện lỵ do địch kiểm soát để hỗ trợ cho quần chúng đấu tranh chính trị. Được sự hỗ trợ đắc lực của bộ đội chủ lực, phong trào chiến tranh du kích, xây dựng, bảo vệ và mở rộng vùng căn cứ, vùng giải phóng phát triển mạnh mẽ. Nhiều huyện đã mở được các vùng lõm chính trị, lõm du kích,… tạo thế liên kết, hỗ trợ bộ đội chủ lực đứng chân, chuẩn bị lực lượng, phương tiện tổ chức những trận chống địch gom dân, lập ấp và chống càn. Thắng lợi của phong trào chống phá bình định tại các tỉnh Tây Ninh, Long An, Bà Rịa là động lực, cơ sở để quân và dân các tỉnh Nam Bộ nghiên cứu, phát triển, vận dụng trong đấu tranh chống phá bình định tại địa phương mình. Nổi lên là quân, dân Phân khu Thủ Dầu Một - Biên Hòa và các khu vực ngoại vi Sài Gòn - Gia Định đã vận dụng kinh nghiệm đấu tranh của các tỉnh bạn, tiến hành đánh phá bình định, kiên quyết phá lỏng, phá rã thế kìm kẹp của địch trên diện rộng; đồng thời, xây dựng lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị, làm cơ sở để từng bước mở mảng, mở vùng. Đặc biệt, Thành ủy Sài Gòn - Gia Định còn thu gọn hai trung đoàn chủ lực (Quyết Thắng và 268) thành các tiểu đoàn mạnh đưa về các huyện phối hợp với du kích, xây dựng và mở rộng cơ sở cách mạng, vừa bí mật tiêu diệt các toán địch, vừa hỗ trợ nhân dân đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ.

Thắng lợi trên các mặt trận quân sự và chống phá bình định đã thúc đẩy phong trào đấu tranh chính trị và binh vận ở nhiều nơi. Hàng vạn đồng bào lao động, học sinh, sinh viên Sài Gòn xuống đường biểu tình, rải truyền đơn, đốt xe quân sự của địch, trương và hô vang khẩu hiệu: đả đảo Ních xơn, Nguyễn Văn Thiệu; còn Thiệu còn chiến tranh, v.v. Quân, dân Bến Tre đã vận động một số binh lính địch trở về với nhân dân, một số đồn thì án binh bất động và chấp nhận các điều kiện của ta. Đối với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, mặc dù bị quân địch đánh phá hết sức ác liệt, nhưng quân và dân tại đây đã chủ động khắc phục khó khăn, đẩy mạnh tiến công quân sự kết hợp với đấu tranh chính trị, từng bước đánh bại kế hoạch bình định của địch, giành lại chính quyền. Có thể nói, với việc phân tích chính xác tình hình các mặt, Trung ương Đảng đã đề ra nhiệm vụ, yêu cầu và bước đi cụ thể, chỉ đạo quân, dân miền Nam vận dụng linh hoạt, sáng tạo phương châm chiến lược, sách lược đấu tranh, đó là đấu tranh quân sự kết hợp với đấu tranh chính trị, binh vận, từ đó tạo ra cao trào, thế trận tiến công mới, làm thay đổi cục diện chiến trường, phá sản chương trình bình định của địch ở cả ba vùng chiến lược.

3. Phát huy tinh thần đoàn kết quốc tế, đặc biệt là sự phối hợp chiến đấu giữa quân và dân ba nước Đông Dương

Để đánh bại hoàn toàn chiến lược “dùng người Đông Dương đánh người Đông Dương” của địch, buộc đế quốc Mỹ phải rút quân khỏi bán đảo Đông Dương, Trung ương đã chỉ đạo “quân và dân ta luôn kề vai sát cánh với nhân dân hai nước Lào và Campuchia anh em, tăng cường đoàn kết liên minh chiến đấu của nhân dân ba nước Đông Dương”5. Theo đó, quân, dân miền Nam Việt Nam phối hợp chặt chẽ với quân, dân hai nước Lào và Campuchia đẩy mạnh các hoạt động tiến công quân sự trên các chiến trường Trung, Hạ Lào, Đông Bắc và miền Trung Campuchia. Với phương châm “Đông Dương là một chiến trường”, “chung chiến hào đánh Mỹ”, bộ đội ta cùng với lực lượng vũ trang Pathét Lào và Quân đội Campuchia mở chiến dịch tiến công giải phóng Cánh Đồng Chum - Long Chẹng; tiến công địch ở cao nguyên Boloven (Hạ Lào); giải phóng Xaravan và Sa Teng; giành thắng lợi ở Đông Bắc Campuchia và phản công đánh bại cuộc hành quân Chenla 2 tại Côngpông Thom. Những thắng lợi vang dội đó thể hiện tinh thần đoàn kết quốc tế to lớn, là chiến công chung, thắm tình đoàn kết chiến đấu keo sơn, gắn bó của quân và dân ba nước Đông Dương. Đồng thời, khẳng định đường lối đoàn kết quốc tế cao cả của Đảng ta là hoàn toàn đúng đắn, sáng tạo trong việc chống kẻ thù chung, giải phóng dân tộc.

Những chỉ đạo chiến lược của Trung ương Đảng đối với cách mạng miền Nam trong năm 1971 là bài học quý cả về lý luận và thực tiễn, cần được nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Thượng tá, ThS. ĐẶNG VĂN CỪ, Trường Sĩ quan Lục quân 1
_________________

1 - ĐCSVN – Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 32, Nxb CTQG, H. 2004, tr. 126.

2 - Lực lượng tham gia gồm: 05 sư đoàn (304, 308, 320, 324, 2); lực lượng tại chỗ của Mặt trận B4, B5, Đoàn 559 và các đơn vị binh chủng: Pháo binh, Công binh, Đặc công, Tăng thiết giáp, v.v.

3 - Loại khỏi vòng chiến đấu hơn 27.000 tên, bắt hơn 700 tên; thu hơn 2.000 khẩu súng và hơn 300 tấn đạn; phá hủy nhiều phương tiện quân sự, v.v.

4 - ĐCSVN – Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 32, Nxb CTQG, H. 2004, tr. 267.

5 - ĐCSVN – Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 32, Nxb CTQG, H. 2004, tr. 196 - 197.

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định thành lập Quân tình nguyện tại Lào, đánh dấu sự phát triển mới của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào; đồng thời, khẳng định đường lối, quan điểm đúng đắn của Đảng ta trong thực hiện nghĩa vụ quốc tế.