Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Năm, 03/05/2012, 15:03 (GMT+7)
Mấy vấn đề về nghệ thuật chỉ huy và tổ chức thực hành tác chiến trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Chiến cuộc Đông - Xuân 1953 - 1954 mà đỉnh cao là Chiến dịch Điên Biên Phủ, đập tan Tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của quân viễn chinh Pháp tại lòng chảo Điện Biên Phủ, tạo điều kiện để ta giành thắng lợi tại Hội nghị Giơ-ne-vơ. Chiến thắng lẫy lừng Điện Biên Phủ đã ghi vào lịch sử dân tộc trang vàng chói lọi, như Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa ở thế kỷ XX; là “tiếng chuông báo tử của chủ nghĩa thực dân”; đồng thời, là niềm hy vọng, ngọn cờ cổ vũ phong trào đấu tranh giải phóng của các dân tộc thuộc địa trên thế giới.

Sau gần tám năm xâm chiếm lại nước ta một lần nữa (1945 - 1953), thực dân Pháp không những chưa thôn tính được Việt Nam, mà còn bị lâm vào thế “tiến thoái, lưỡng nan”. Trước tình thế đó, Chính phủ Pháp vội vàng điều tướng Na-va (giỏi nhất của Pháp lúc bấy giờ) sang Đông Dương. Vừa đến Việt Nam, chưa kịp nghiên cứu tình hình, dựa vào kinh nghiệm “dày dạn” trận mạc, Na-va đã vội vạch ra Kế hoạch tác chiến mang tên mình, với ý đồ chiến lược: tổ chức phòng ngự ở miền Bắc, bình định miền Nam, rồi nhanh chóng chuyển sang tiến công tiêu diệt lực lượng chủ lực của ta ở miền Bắc, giành thắng lợi về quân sự, buộc Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà phải đàm phán theo những điều kiện có lợi cho Pháp. Kế hoạch này là sự nỗ lực tối đa của quân Pháp với sự hỗ trợ can thiệp của Mỹ. Chính phủ Pháp hy vọng từ đó sẽ giành được thắng lợi quyết định. Trước tình hình đó, nhiệm vụ của quân và dân ta là phải phá tan kế hoạch Na-va, làm thất bại cố gắng cuối cùng, cao nhất của Pháp - Mỹ. Điều đó cũng có ý nghĩa quyết định về mặt chiến lược để đưa cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi. Cuối tháng 9-1953, tại căn cứ địa Việt Bắc, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp bàn Kế hoạch Quân sự Đông - Xuân 1953 - 1954; trong đó, đã phân tích rõ kế hoạch Na-va có thể gây cho ta những khó khăn mới, nhưng bản thân nó là một sản phẩm bị động, chứa đựng nhiều mâu thuẫn, nhược điểm không thể khắc phục. Từ đó, ta quyết định sử dụng lực lượng chủ lực cơ động tiến công trên những hướng địch sơ hở, những hướng địch có thể đánh sâu vào vùng tự do của ta; đồng thời, đẩy mạnh chiến tranh du kích ở khắp các chiến trường sau lưng địch và tích cực chuẩn bị mọi mặt sẵn sàng đánh lớn với phương châm “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”.

alt
Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp theo dõi chiến dịch Điện Biên Phủ (Ảnh tư liệu)
 

Điểm mấu chốt quan trọng nhất trong “Kế hoạch tác chiến Na-va” là, địch tập trung xây dựng một lực lượng cơ động chiến lược để chủ động thực hiện những đòn đánh làm xoay chuyển tình thế. Nhưng ngay sau đó, do phát hiện ta liên tục đưa quân lên Tây Bắc1, Na-va tỏ ra bị động, lúng túng, nên đã vội vã triệu tập ngay các sĩ quan cao cấp về họp tại đại bản doanh của mình ở Hà Nội. Tại cuộc họp này, chúng quyết định ngày 20-11-1953 sẽ mở cuộc hành binh không vận, đưa quân xuống Điện Biên Phủ, nhằm chiếm lấy địa bàn chiến lược này để yểm trợ cho Lai Châu, bảo vệ Thượng Lào, làm căn cứ đánh vào sau lưng ta khi chuyển sang tiến công miền Bắc; đồng thời, quyết định tăng thêm binh lực (chiếm tới 4% tổng số quân viễn chinh của Pháp ở Đông Dương), xây dựng Điên Biên Phủ thành Tập đoàn cứ điểm mạnh. Đây là “canh bạc” cuối cùng với “khoản đặt” sinh tử của Na-va và quân Pháp (lời của Na-va). Điện Biên Phủ trở thành nơi tập trung lực lượng tinh nhuệ nhất, mà chúng gọi là “pháo đài bất khả xâm phạm”, một “siêu Nà Sản”, một “Nà Sản luỹ thừa 10”, để giao chiến, nghiền nát khối chủ lực cơ động của ta; đồng thời, là nơi diễn ra cuộc đọ sức quyết liệt giữa địch và ta, quyết định số phận của Kế hoạch Na-va.

Đối với ta, điểm cốt yếu trong Kế hoạch chiến lược Đông - Xuân 1953 - 1954 là khắc phục mọi khó khăn, sử dụng mọi biện pháp, huy động tới mức cao nhất mọi tiềm lực; trong đó, chú trọng phát huy sức mạnh tổng hợp của các đơn vị quân chủ lực để đánh địch. Bằng sự mưu trí, linh hoạt, sáng tạo, ta đã điều các khối quân cơ động của địch về các trận địa phục kích được ta chuẩn bị trước để tiêu diệt. Bộ Chính trị và Tổng Quân uỷ giao cho Bộ Tổng Tư lệnh trực tiếp hoạch định, vạch kế hoạch tác chiến, chỉ đạo. Chỉ huy Chiến dịch do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh, kiêm Bí thư Đảng uỷ Chiến dịch. Cán bộ cơ quan của Bộ Tư lệnh Chiến dịch cũng được lựa chọn từ Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần. Cách thức tổ chức Bộ Tư lệnh Chiến dịch như vậy sát hợp với thực tế, bảo đảm công tác chỉ huy, điều hành thống nhất, chặt chẽ giữa các chiến trường; bởi đây là chiến dịch có ý nghĩa “quyết chiến chiến lược”, gồm nhiều lực lượng tham gia, lại diễn ra trên cả chiến trường chính Bắc Bộ, mà trọng tâm là địa bàn Điện Biên Phủ. Tại Hội nghị phổ biến Kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953 - 1954 (cuối tháng 11-1953), bằng sự phân tích khoa học, sắc sảo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp xác định: tình hình chiến trường lúc này về cơ bản có lợi cho ta. Ngày 05-12-1953, địch bắt đầu triển khai xây dựng những cứ điểm đầu tiên trong Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, cũng chính là lúc ta hạ quyết tâm mở Chiến dịch “quyết chiến chiến lược”; đồng thời, hình thành thế bao vây chiến dịch2.

Theo kế hoạch tiến công Điện Biên Phủ, lúc đầu ta dự kiến “đánh nhanh, giải quyết nhanh”, trong khoảng hai ngày, ba đêm, khi địch chưa kịp củng cố trận địa, chưa tăng thêm quân; đồng thời, sử dụng nghệ thuật đột phá kết hợp với thọc sâu vào tuyến phòng ngự, nơi đặt sở chỉ huy, trận địa pháo và bố trí lực lượng dự bị của địch. Nhưng qua nghiên cứu, đánh giá tình hình một cách khách quan, toàn diện, Bộ Tư lệnh Chiến dịch nhận thấy tương quan so sánh lực lượng toàn Chiến dịch đã thay đổi, không có lợi cho ta, do địch đã kịp thời củng cố công sự, trận địa, còn ta chưa có nhiều kinh nghiệm đánh tập đoàn cứ điểm. Do vậy, Bộ Tư lệnh Chiến dịch quyết định chuyển phương án tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”; khi thời cơ xuất hiện, nhanh chóng tổng công kích tiêu diệt toàn bộ quân địch để giành thắng lợi quyết định. Theo đó, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã chỉ đạo toàn quân tổ chức quán triệt sâu sắc phương châm tác chiến mới, làm cho cán bộ, chiến sĩ thấu hiểu chủ trương của trên, không ngại khó khăn, gian khổ, hăng hái thực hiện nhiệm vụ, xây dựng trận địa xuất phát tiến công, cơ sở để thực hiện tốt phương châm “đánh chắc, tiến chắc”. Thực hiện phương châm này, ta có nhiều thuận lợi: có điều kiện nghiên cứu sâu về địch; đồng thời, có thời gian để chuẩn bị chu đáo mọi mặt, chủ động chọn mục tiêu tiến công, vừa đánh vừa rút kinh nghiệm. Với nghệ thuật đánh “bóc vỏ” (tiêu diệt địch vòng ngoài, rồi tiến đánh vào vòng trong), ta đã tạo ra ưu thế lớn hơn địch không chỉ về binh lực mà cả về hoả lực. Bên cạnh thế trận bao vây, ta còn thiết lập được hệ thống chiến hào dài hàng trăm ki-lô-mét ngày càng ken dày và siết chặt từng phân khu, từng cụm cứ điểm, thậm chí từng cứ điểm địch. Mọi kế hoạch từ “Diều hâu” đến “Chim ưng”, “Chim biển”, kể cả kế hoạch tháo chạy lúc đầu khỏi “Xê-nô-phôn” của địch đều không thể thực hiện được, vì thế trận bao vây khép kín của ta. Có thể thấy, trận địa tiến công và bao vây, chia cắt trong Chiến dịch tiến công Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã phát huy tác dụng to lớn. Ta đã hạn chế được chỗ mạnh của địch về máy bay, pháo binh, tạo điều kiện cho đơn vị lớn vận động tiếp cận; từng bước “trói chặt địch lại” để lần lượt tiêu diệt từng bộ phận quân địch. Nhờ đó, ta càng đánh càng mạnh, càng khoét sâu điểm yếu cơ bản của địch (thiếu lương thực, thực phẩm, thuốc men, tinh thần chiến đấu bị giảm sút nghiêm trọng).

Một vấn đề khó khăn lớn nhất được Bộ Tư lệnh Chiến dịch trăn trở là làm sao để có thể bảo đảm cung cấp lương thực, thực phẩm và đạn dược cho gần chục vạn người trong thời gian dài giữa vùng rừng núi, xa hậu phương? Kẻ địch cũng biết khó khăn này của ta nên đã sử dụng nhiều lực lượng biệt kích, thám báo theo dõi các tuyến đường tiếp tế rồi thông báo cho máy bay đánh phá. Tin tưởng vào ý chí quyết tâm, chủ động vượt khó, tự lực, tự cường của quân và dân ta, ngày 19-4-1954, Bộ Chính trị đã chỉ thị: toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ nhất định phải đem toàn lực, làm mọi việc cần thiết để chi viện Điện Biên Phủ, mọi việc chưa cần kíp đều hoãn lại; cán bộ các ngành, các cấp ở Trung ương phải về các địa phương huy động nhân lực, vật lực. Thực hiện chỉ thị trên, từng đoàn tân binh náo nức lên đường, toàn bộ phương tiện (thông tin, xe đạp thồ, thuyền mảng, gùi gánh, ngựa thồ, ô tô…) huy động được đều tham gia bảo đảm yêu cầu của Chiến dịch. Cùng với lượng vật chất khổng lồ được huy động, hàng vạn công văn, tài liệu, thư báo, đặc biệt là tin thắng lợi của các chiến trường khác, của các cuộc đấu tranh thực hiện chính sách ruộng đất cũng được đưa lên mặt trận Điện Biên Phủ, trở thành nguồn cổ vũ, động viên lớn đối với Chiến dịch. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các chiến trường trên cả nước thể hiện quyết tâm và sức mạnh to lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang ngày đêm hướng về Điện Biên Phủ với ý chí “đập tan Kế hoạch Na-va”, theo khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Trong Chiến dịch Điên Biên Phủ, cách đánh là vấn đề hàng đầu, là biểu hiện tập trung nhất trong cuộc đấu trí - đấu lực trên chiến trường, nhưng còn biết bao yếu tố vật chất và tinh thần khác tác động trực tiếp đến sự thành công của Chiến dịch. Có nhiều yếu tố tại chỗ, ngoài tầm lo toan của hậu phương, mà Bộ Tư lệnh và các cơ quan Chiến dịch phải xử trí trong quá trình chuẩn bị và thực hành tác chiến. Do Chiến dịch kéo dài, ác liệt, tiêu hao vật chất lớn, nên bộ đội phải đương đầu với những khó khăn về hậu cần, thời tiết, quân số và sức chiến đấu. Vì thế, một số hiện tượng không bình thường bắt đầu xuất hiện trong việc chấp hành nhiệm vụ chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ. Trước tình hình đó, cấp uỷ, chỉ huy các cấp đã tiến hành thắng lợi công tác tuyên truyền, giáo dục, đấu tranh khắc phục tư tưởng tiêu cực, mỏi mệt, sợ gian khổ, ác liệt, kéo dài, nâng cao quyết tâm chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ… Đó là nhân tố quyết định đưa Chiến dịch đến toàn thắng. Có thể xem đây là một điển hình, một thành công lớn về nghệ thuật tiến hành công tác đảng - công tác chính trị trong lịch sử chiến đấu của Quân đội ta.

Chiến dịch lịch sử Điên Biên Phủ toàn thắng sau 56 ngày đêm (từ ngày 13-3 đến ngày 07-5-1954) tiến công quyết liệt. Ta đã tiêu diệt và bắt toàn bộ quân địch (khoảng 16.000 tên), kể cả Bộ Chỉ huy Tập đoàn cứ điểm, thu toàn bộ vũ khí và trang bị của chúng. Thắng lợi của Chiến dịch là kết quả trực tiếp, cao nhất của chiến cuộc Đông - Xuân 1953 - 1954, đỉnh cao của 9 năm kháng chiến thần thánh của dân tộc ta. Điện Biên Phủ trở thành biểu tượng trí tuệ, sức mạnh và văn hoá quân sự, niềm tự hào của mọi thế hệ người Việt Nam. Chiến thắng Điện Biên Phủ không những để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý về tư tưởng chiến lược tiến công, “nhỏ thắng lớn, thô sơ thắng hiện đại”, nghệ thuật tổ chức và phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, nghệ thuật chỉ huy và tổ chức tiến hành tác chiến chiến dịch..., mà còn chứng minh rằng: bằng cách đánh sáng tạo của chiến tranh nhân dân Việt Nam, mặc dù không có máy bay, xe tăng, rất ít pháo cỡ lớn, lại xa căn cứ hậu phương, nhưng ta vẫn giành chiến thắng. Những kinh nghiệm của Chiến dịch Điên Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị đối với chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong tương lai (nếu xảy ra). Vấn đề đặt ra là, chúng ta phải biết kế thừa và phát triển những kinh nghiệm phong phú đó một cách sáng tạo vào những điều kiện hoàn cảnh mới./.

Đại tá, PGS, TS. DƯƠNG ĐÌNH QUẢNG

Học viện Quốc phòng

_______

1 - Lần 1, ngày 17-11-1953; lần 2, đầu tháng 12-1953.

2 - 1 trung đoàn của Đại đoàn 308 tiến lên chốt ở Pom Lót, chặn đường Điện Biên sang Thượng Lào; Đại đoàn 316 sau khi truy kích địch trên đường Lai Châu - Điện Biên, tổ chức lực lượng chốt chặn từ Mường Muôn, Mường Phồn đến Pu San và bám địch ở Him Lam, Bản Tấu.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định thành lập Quân tình nguyện tại Lào, đánh dấu sự phát triển mới của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào; đồng thời, khẳng định đường lối, quan điểm đúng đắn của Đảng ta trong thực hiện nghĩa vụ quốc tế.