Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Tư, 10/10/2018, 13:33 (GMT+7)
Lực lượng vũ trang Hà Nội bảo vệ vững chắc Thủ đô những ngày đầu giải phóng

Thủ đô Hà Nội những ngày đầu giải phóng gặp muôn vàn khó khăn, thử thách. Trong bối cảnh ấy, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng, trực tiếp là của Thành ủy, Ủy ban Quân chính Hà Nội1, lực lượng vũ trang Thủ đô không ngừng phát triển, bảo vệ vững chắc trái tim của Tổ quốc, góp phần quan trọng đưa Thủ đô vươn lên mạnh mẽ, xứng đáng với niềm tin yêu của cả nước.

Cách đây 64 năm, Thủ đô Hà Nội được giải phóng trong niềm hân hoan của quân và dân cả nước. Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương khác, Hà Nội phải gánh chịu chồng chất những khó khăn, thách thức do hậu quả của cuộc chiến tranh để lại. Nền kinh tế ốm yếu, què quặt; công nghiệp kém phát triển; nông nghiệp đình đốn; hệ thống giao thông (đường bộ, đường sắt) nhiều nơi hư hỏng nặng. Hơn 07 vạn người dân không có việc làm, hàng nghìn người tàn tật, cơ nhỡ và trẻ em mồ côi không nơi nương tựa; nạn đói xảy ra trầm trọng. Tình hình an ninh, trật tự diễn biến phức tạp, nhiều tệ nạn xã hội, như: nghiện hút, cờ bạc, mại dâm, trộm cắp,... ngang nhiên hoạt động, gây nhức nhối trong xã hội. Nghiêm trọng hơn là lực lượng ngụy quân, nhân viên ngụy quyền, bọn mật vụ, gián điệp, chỉ điểm do địch cài lại đẩy mạnh các hoạt động phá hoại sự ổn định về chính trị, xã hội, gây tâm lý chiến tranh, gieo rắc hoang mang làm nhân dân không yên tâm sản xuất, giảm niềm tin với chính quyền cách mạng, v.v. Trước tình hình đó, ngày 17-10-1954, Ban Chấp hành Đảng bộ Hà Nội họp đề ra 05 công tác lớn; trong đó, nhiệm vụ giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và nhanh chóng khôi phục các mặt sinh hoạt bình thường của nhân dân là 2 công tác chủ yếu, cấp thiết2. Cùng với các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể và nhân dân Thủ đô, lực lượng vũ trang Hà Nội đã bắt tay ngay vào nhiệm vụ mới với tinh thần quyết tâm cao, nhanh chóng phát triển lực lượng, phát huy vai trò nòng cốt, bảo vệ cơ quan đầu não của Trung ương, Thành phố, các cơ sở sản xuất và công cuộc lao động hòa bình của nhân dân, tạo điều kiện để Thủ đô phát triển. Điều đó, được thể hiện qua các nội dung cơ bản sau:

1. Đẩy mạnh củng cố, kiện toàn tổ chức, phát triển lực lượng, đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài. Đây là vấn đề tiên quyết, cơ sở nền tảng bảo đảm cho việc hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ chính trị trên giao. Vì thế, sau khi hoàn thành nhiệm vụ tiếp quản, cơ quan quân sự Thành phố được chấn chỉnh lại cho phù hợp tình hình; Ban Chỉ huy Mặt trận nhanh chóng được củng cố cùng các cơ quan, như: Ban Tham mưu, Ban Chính trị, Ban Cung cấp và phát triển thêm Tiểu Ban tổ chức dân quân, tự vệ và Tiểu Ban huấn luyện. Đối với Ban Chỉ huy quân sự Ngoại thành, tổ chức thành 4 Quận đội (Quảng Bá, Cầu Giấy, Ngã Tư Sở, Quỳnh Lôi) và một số xã thuộc huyện Gia Lâm. Đây là cơ sở quan trọng để lực lượng vũ trang Hà Nội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tiến hành hiệu quả các nhiệm vụ chính trị.

Nhằm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ cấp ủy, chính quyền và các mục tiêu ở cơ sở, lực lượng dân quân, tự vệ Thành phố được củng cố và mở rộng. Trước tình hình kẻ địch trà trộn chống phá, việc kết nạp đội viên mới được các cấp ủy, chính quyền địa phương và các nhà máy, xí nghiệp,... tiến hành thận trọng, chặt chẽ; được tổ chức chấn chỉnh, củng cố, rèn luyện qua thực tiễn, nên lực lượng dân quân, tự vệ Hà Nội không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Trước ngày tiếp quản Thủ đô, toàn Thành phố chỉ có 2.900 đội viên, nhưng sau tiếp quản đã phát triển lên 3.800 đội viên và đến năm 1957 đã là 5.900 đội viên; trong đó, đảng viên chiếm 23%, nhiều đảng viên ưu tú được cử đảm nhiệm vai trò lãnh đạo, chỉ huy. Nhờ đó, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với dân quân tự vệ không ngừng được tăng cường; công tác đảng, công tác chính trị được đẩy mạnh, nhất là ở cấp cơ sở. Việc giáo dục lập trường giai cấp, giáo dục truyền thống được đặt ra tích cực; truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm, tinh thần “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh” được khơi dậy và nhấn mạnh đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ trước yêu cầu mới. Như vậy, trong điều kiện khó khăn về mọi mặt, lực lượng vũ trang Hà Nội đã nhanh chóng được kiện toàn cả về tổ chức biên chế và đẩy mạnh phát triển về số lượng, chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

2. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, phát huy vai trò nòng cốt bảo vệ Thủ đô, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Sau năm 1954, miền Bắc được giải phóng, Trung ương Đảng, Chính phủ về lại Thủ đô Hà Nội để lãnh đạo đất nước. Sự phát triển của Thủ đô có vai trò chiến lược đặc biệt quan trọng, tác động đến toàn bộ công cuộc xây dựng ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Do vậy, Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia; trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học, đối ngoại của cả nước, mà còn trở thành mục tiêu chính trong toàn bộ âm mưu phá hoại miền Bắc xã hội chủ nghĩa của kẻ thù. Vì thế, công tác bảo vệ Thủ đô giữ vị trí trọng yếu trong thực hiện hai chiến lược cách mạng: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Thấu suốt và cụ thể hóa nhiệm vụ đó của cách mạng, lực lượng vũ trang Hà Nội tiếp tục xây dựng vững mạnh toàn diện; chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị bộ đội chủ lực đóng quân trên địa bàn, thống nhất xây dựng phương án chiến đấu bảo vệ vững chắc Thủ đô trong mọi tình huống. Trong thế trận tác chiến phòng thủ chung trên địa bàn, lực lượng vũ trang Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với Đại đoàn 350 bảo vệ các cơ quan Trung ương, các đại sứ quán nước ngoài, các mục tiêu quan trọng, như: sân bay, nhà ga, cầu Long Biên, nhà máy điện, Đài phát thanh, v.v. Đồng thời, phối hợp với 02 Trung đoàn Pháo cao xạ 681 và 685 thuộc Đại đoàn 367 bảo vệ vùng trời Thủ đô. Cùng với đó, các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang Hà Nội còn trực tiếp đảm nhiệm bảo vệ cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, các cơ sở nhà máy, xí nghiệp, đường phố, thôn, xã, v.v. Ở tất cả các nơi đó, nhất là các mục tiêu quan trọng đều được các lực lượng quân đội, công an phối hợp cùng lực lượng tự vệ và công nhân tổ chức canh gác. Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang thường xuyên nêu cao cảnh giác, sẵn sàng ứng phó với những diễn biến có thể xảy ra, kiên quyết bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền và thành quả cách mạng. Đặc biệt, với việc Đại đoàn 350 phối hợp cùng lực lượng vũ trang Thủ đô bảo vệ an toàn thắng lợi sự kiện có ý nghĩa chính trị đặc biệt chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ về lại Thủ đô đã không chỉ củng cố niềm tin vững chắc của nhân dân Hà Nội đối với chính quyền và lực lượng vũ trang cách mạng, sự thán phục của bạn bè quốc tế, mà còn khẳng định khả năng bảo vệ vững chắc Thủ đô trong mọi tình huống của bộ đội, dân quân tự vệ, công an và nhân dân Hà Nội.

Phát huy vai trò nòng cốt trong bảo đảm trật tự xã hội, lực lượng vũ trang Thủ đô đã chủ động tham mưu và tổ chức thực hiện có hiệu quả việc trấn áp tội phạm trên địa bàn; hỗ trợ chính quyền cơ sở tập trung giáo dục, cải tạo một số lưu manh đầu sỏ; trừng trị bọn phá hoại,… góp phần làm cho nạn trộm cắp giảm hẳn. Đồng thời, tích cực tham gia công tác vận động những sĩ quan, binh lính bỏ hàng ngũ địch ở lại Thành phố tự giác ra trình diện để được hưởng chính sách khoan hồng; giúp đỡ các nhà máy, xí nghiệp thanh lọc, sử dụng làm việc đối với các viên chức cũ; phát hiện, thu hồi vũ khí, đạn dược, vật liệu nổ của địch khi rút đi để lại. Nét nổi bật về phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang Hà Nội trong giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội còn được thể hiện khi Mặt trận Hà Nội và Đại đoàn 350 cử 300 cán bộ quân sự cùng với lực lượng Công an tham gia thực hiện có hiệu quả công tác đăng ký, quản lý hộ khẩu trên toàn địa bàn. Thông qua đó, đã phát hiện hàng chục tổ chức phản động, hàng trăm tên tay sai phản động và gián điệp cùng vũ khí, điện đài, tài liệu do địch cài lại; bắt giữ và trả về các tỉnh những tên địa chủ, cường hào gian ác chạy trốn ra Hà Nội, làm trong sạch địa bàn, kịp thời triệt phá âm mưu phá hoại sự ổn định an ninh chính trị của kẻ địch. Những hoạt động tích cực đó của bộ đội, công an, dân quân, tự vệ đã góp phần quan trọng làm thay đổi cục diện an ninh, trật tự Thủ đô so với thời gian trước đó; tình trạng đe dọa an ninh trên các mặt, lĩnh vực hầu như được chấm dứt, cuộc sống mới ở Hà Nội được khởi sắc, đồng bào phấn khởi chung tay xây dựng Thủ đô của nước Việt Nam mới.

3. Tích cực tham gia cùng với nhân dân Thủ đô thực hiện thắng lợi chủ trương phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đây là nhiệm vụ quan trọng góp phần xây dựng Thành phố ngày càng vững mạnh, đồng thời là điều kiện, tiền đề để bảo vệ vững chắc Thủ đô trong điều kiện đất nước vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh tàn khốc. Theo đó, lực lượng vũ trang Thủ đô đã tích cực tham gia mọi hoạt động nhằm giúp đỡ nhân dân nhanh chóng phục hồi sản xuất, ổn định đời sống, góp phần khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh. Các đội viên tự vệ trong các nhà máy, xí nghiệp cùng với công nhân tích cực lao động, giữ vững nhịp độ sản xuất bảo đảm các nhu cầu về điện, nước, giao thông,... cho người dân ngay sau khi Thành phố được tiếp quản. Trên các mặt hoạt động kiến thiết, xây dựng Thủ đô, lực lượng vũ trang Hà Nội đã dấy lên khí thế thi đua sôi nổi; nhiều phong trào thi đua lao động được phát động, nhiều gương điển hình tiên tiến là dân quân tự vệ phát huy tinh thần vượt khó, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong bất cứ hoàn cảnh nào. Điển hình như: tự vệ Nguyễn Hữu Được (Nhà máy ô tô Hòa Bình) có 05 năm liền đạt chiến sĩ thi đua, một trong 05 kiện tướng có năng suất lao động cao của Nhà máy; 80% số chiến sĩ thi đua và cá nhân xuất sắc Nhà máy Diêm Thống nhất là tự vệ; hàng nghìn dân quân xã Cổ Nhuế cùng bộ đội chủ lực xung phong lên công trường Thụy Phương nhận làm những phần việc khó khăn nhất, v.v.

Tháng 10-1955, Thành ủy chỉ đạo tiến hành cải cách ruộng đất ở ngoại thành, chia ruộng đất cho nhân dân lao động, tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp phát triển. Ban Chỉ huy Mặt trận Hà Nội và Đại đoàn 350 cử nhiều cán bộ, chiến sĩ về ngoại thành tham gia, cùng nông dân đánh đổ giai cấp địa chủ, cường hào, xóa bỏ vĩnh viễn quyền chiếm hữu ruộng đất của giai cấp phong kiến và bọn tay sai bán nước để bước đi trên con đường sản xuất mới. Cùng với đó, lực lượng vũ trang Thủ đô luôn kề vai sát cánh cùng nhân dân trong công tác phòng, chống thiên tai, lụt, bão, đào mương chống hạn, bảo vệ đê điều, bảo vệ công cuộc lao động xây dựng Thành phố. Hình ảnh lực lượng vũ trang Thủ đô với những phẩm chất cao đẹp đã để lại trong lòng người dân Hà Nội những ấn tượng sâu sắc không thể phai mờ. Nhân dân càng thấy rõ vai trò của lực lượng vũ trang cách mạng trong kháng chiến cũng như trong hòa bình và kiến thiết đất nước.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng lực lượng vũ trang Thủ đô đã thực hiện tốt chức năng của mình, góp phần bảo vệ vững chắc Hà Nội trong những ngày đầu mới giải phóng. Ngày nay, Hà Nội - trái tim của cả nước vẫn sẽ là mục tiêu chủ yếu trong chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ mà các thế lực thù địch nhằm tới. Để bảo vệ vững chắc Thủ đô trong điều kiện mới, lực lượng vũ trang Hà Nội cần thường xuyên đề cao cảnh giác, kiên định trong cuộc đấu tranh với những âm mưu, thủ đoạn chống phá mới của địch. Đồng thời, biết dựa chắc vào dân, tìm nguồn sức mạnh từ nhân dân, xây dựng khối đoàn kết quân, dân vững bền dưới sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

HÀ THÀNH
_________

1 - Ngày 4-11-1954 Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội thành lập thay thế Ủy ban Quân chính Hà Nội.

2 - Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội - Lịch sử lực lượng vũ trang Thủ đô (1945 - 2010) - Nxb QĐND, H. 2013, tr. 182.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định thành lập Quân tình nguyện tại Lào, đánh dấu sự phát triển mới của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào; đồng thời, khẳng định đường lối, quan điểm đúng đắn của Đảng ta trong thực hiện nghĩa vụ quốc tế.