Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Tư, 18/07/2018, 06:47 (GMT+7)
Kinh nghiệm rút ra từ việc sử dụng lực lượng Tăng thiết giáp trong chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh 1968

Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh Xuân - Hè 1968 là chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, dài ngày đầu tiên trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và cũng là lần đầu tiên ta sử dụng 1 tiểu đoàn xe tăng lội nước (PT-76) - Tiểu đoàn Tăng 198 thuộc Trung đoàn xe tăng 203, tham gia chiến đấu trong đội hình binh chủng hợp thành. Mặc dù ra quân lần đầu, nhưng Bộ đội Tăng thiết giáp đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần quan trọng cùng các đơn vị binh chủng hợp thành thực hiện tốt mục đích tác chiến của Chiến dịch. Đó là, tiêu diệt địch và làm chủ các cụm cứ điểm: Huội San, Làng Vây, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị của Chiến dịch bước vào vây hãm Tà Cơn, buộc quân Mỹ ở tuyến phòng thủ Đường 9 phải điều lực lượng cơ động ra tăng viện, ứng cứu, góp phần chia lửa cho Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt trên chiến trường miền Nam trong Tết Mậu Thân 1968. Theo kế hoạch hiệp đồng, Mặt trận Đường 9 - Khe Sanh phải nổ súng đánh địch trước Tết Mậu Thân 1968 từ 10 đến 15 ngày, tạo điều kiện cho quân, dân toàn Miền đồng loạt tiến công và nổi dậy vào đúng đêm Giao thừa Tết Nguyên đán. Vì thế, việc sử dụng lực lượng Tăng thiết giáp đánh những trận quan trọng trong một chiến dịch quy mô lớn thể hiện nghệ thuật phối hợp, hiệp đồng công phu, tài giỏi của Bộ Tư lệnh Chiến dịch, khiến quân địch hoàn toàn bất ngờ và nhanh chóng bị tiêu diệt.

Tượng đài chiến thắng Làng Vây. (Ảnh: dulich.quangtri.gov.vn)

Đặc biệt, trong tiến công vào cụm cứ điểm Làng Vây, sau khi hoàn thành công tác chuẩn bị (vào khoảng 23 giờ 30 phút ngày 06-02), ta đã sử dụng pháo binh chế áp, kết hợp với bộ binh, đặc công và xe tăng tiến công từ 3 hướng: phía Nam là hướng chủ yếu, phía Tây là thứ yếu và phía Đông Bắc là hướng phối hợp. Đến 03 giờ 30 phút ta hoàn toàn đánh chiếm xong các khu vực. Kết quả, diệt được 400, bắt sống 253 tên địch, thu toàn bộ vũ khí, trang bị, giải phóng khu vực Đường 9 từ Cà Lu đến biên giới Việt - Lào, tạo thế vây hãm Tà Cơn và đánh địch phản kích. Đây là một sự kiện lịch sử làm nức lòng quân và dân cả nước, bởi lần đầu tiên, trong trận then chốt chiến dịch, ta sử dụng xe tăng tiến công địch phòng ngự trong công sự vững chắc, khiến kẻ địch bàng hoàng, khiếp sợ. Sự kiện này, không những mở đầu cho truyền thống “Đã ra quân là đánh thắng” của Binh chủng Tăng thiết giáp, mà còn đem lại kinh nghiệm quý để sử dụng lực lượng xe tăng đạt hiệu quả tốt nhất cho các chiến dịch và trận đánh sau này.

1. Chuẩn bị chu đáo mọi mặt, bảo đảm cho lực lượng Tăng thiết giáp giành thắng lợi trong từng trận đánh, chiến dịch. Đây là nội dung rất quan trọng đối với các lực lượng nói chung, lực lượng Tăng thiết giáp nói riêng. Bởi, thực hiện tốt điều này sẽ bảo đảm cho các đơn vị bước vào chiến đấu thuận lợi, chỉ huy, hiệp đồng chiến đấu nhịp nhàng, ăn khớp, phát huy được tinh thần tích cực, chủ động, mưu trí, linh hoạt của cán bộ, chiến sĩ và sức mạnh của mọi loại vũ khí tiêu diệt địch, giảm bớt thương vong, tổn thất. Tính đến khi ta mở chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, Binh chủng Tăng thiết giáp đã ra đời được gần 10 năm. Đây là khoảng thời gian quý giá để Binh chủng tích cực, chủ động trong xây dựng và phát triển lực lượng, xác định quyết tâm, sẵn sàng lên đường chiến đấu. Cán bộ, chiến sĩ Binh chủng đã được huấn luyện chuyên môn, kỹ thuật sát với thực tiễn chiến đấu trên chiến trường, nhất là được huấn luyện tác chiến hiệp đồng với các lực lượng bộ binh, pháo binh, công binh và diễn tập thực nghiệm cách đánh của Tăng thiết giáp trong đội hình tác chiến binh chủng hợp thành. Nhờ đó, năng lực tổ chức chỉ huy, hiệp đồng tác chiến của binh chủng hợp thành và Bộ đội Tăng thiết giáp được nâng lên, đáp ứng với đòi hỏi của nhiệm vụ tác chiến trên chiến trường. Tuy vậy, trước khi bước vào từng trận đánh, chiến dịch, việc sử dụng Tăng thiết giáp cần có bước chuẩn bị trực tiếp, chu đáo mọi mặt cả về con người, tình trạng vũ khí, trang bị kỹ thuật, phương án tác chiến, cơ động, v.v. Vì thế, ngay sau khi nhận nhiệm vụ đánh Làng Vây, các phân đội xe tăng phối hợp với bộ binh, công binh đi trinh sát địa hình, xác định mục tiêu tiến công, đường hướng vận động cho xe tăng.

Qua nghiên cứu ta thấy, có thể đưa xe tăng cơ động trên hướng đột phá chủ yếu theo sông Sê Pôn, rồi đi tiếp theo một con suối cạn sẽ dễ dàng đánh vào cứ điểm từ phía Nam. Tuy nhiên, lòng sông Sê Pôn ở khu vực này rất phức tạp, có chỗ nông, có chỗ lại rất sâu và nhiều đá ngầm. Để bảo đảm cơ động thuận lợi, lực lượng công binh đã phải san lấp hàng trăm mét khối đất, đá, thu dọn hàng nghìn tảng đá mồ côi, làm bằng phẳng khoảng 4 km lòng sông để xe có thể di chuyển được bằng bánh xích. Để khắc phục tình trạng xe máy hư hỏng nhiều trong quá trình hành quân, chiến đấu, thợ sửa chữa xe tăng đã có sáng kiến chuyển những mảnh xích còn dùng được từ phải qua trái và ngược lại, lắp xen kẽ mảnh xích hỏng với mảnh xích lành, hoặc dồn góp khí tài, phụ tùng của những xe hỏng nhiều cho xe hỏng ít với mong muốn có nhiều xe tham gia chiến đấu, hệ số kỹ thuật cao nhất. Từng phân đội, kíp xe được cấp phát quân tư trang cần thiết cùng thuốc chữa bệnh, cứu thương và lương thực, thực phẩm đủ cơ số; tổ chức tốt việc bảo đảm hậu cần theo xe để tiện việc sinh hoạt, nghỉ ngơi, đáp ứng yêu cầu chiến đấu liên tục, dài ngày, v.v.

2. Triệt để phát huy sức mạnh đột kích, uy lực thọc sâu của Tăng thiết giáp ở thời điểm và thời cơ quyết định. Trong chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, với ưu thế về hỏa lực mạnh, sức cơ động cao và khả năng tự bảo vệ tốt, lực lượng Tăng thiết giáp đã phát huy được sức mạnh đột kích, hiệp đồng chặt chẽ cùng bộ binh và các đơn vị bạn nhanh chóng làm chủ chiến trường, tiêu diệt gọn từng bộ phận, tiến tới tiêu diệt toàn bộ quân địch. Trong trận đánh cụm cứ điểm Huội San, nhằm đánh đòn phủ đầu mạnh, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã sử dụng Đại đội xe tăng 3 của Tiểu đoàn 198, phối thuộc cho bộ binh tiến công cứ điểm Tà Mây - điểm đánh có tính chất khêu ngòi chiến dịch. Trong trận đánh này, Bộ đội xe tăng đã cùng các lực lượng khác trong đội hình binh chủng hợp thành hoàn thành tốt nhiệm vụ, làm chủ hoàn toàn trận đánh chỉ sau 2 giờ chiến đấu.

Trong trận then chốt tiêu diệt cụm cứ điểm Làng Vây, Chiến dịch đã sử dụng toàn bộ Tiểu đoàn xe tăng 198 thực hiện nhiệm vụ dẫn dắt bộ binh xung phong, đột phá đánh chiếm đầu cầu, phát triển tiến công địch trên cả 3 hướng, tập trung đánh chiếm mục tiêu chủ yếu là sở chỉ huy địch. Lợi dụng lúc pháo bắn chuẩn bị đợt 1, xe tăng từ vị trí tập kết chiến đấu cơ động vào khu vực đợi thời cơ. Khi pháo bắn chuẩn bị đợt cuối, xe tăng từ vị trí đợi thời cơ tiến vào tuyến triển khai chiến đấu, sử dụng 2-3 xe tăng đi trước dùng hỏa lực diệt các lô cốt, ụ súng để chi viện cho bộ binh, công binh mở đường qua vật cản. Trên các hướng tiến công, xe tăng của ta bất chấp mọi sự ngăn cản của địch, đã cùng với bộ binh xung phong vào trong cụm cứ điểm địch. Trận đánh diễn ra ác liệt. Địch lợi dụng lô cốt, hầm ngầm để chống cự nhưng nhờ có hỏa lực mạnh, vỏ thép dày, sức đột kích cao của xe tăng làm cho chúng mất khả năng chống đỡ. Từ hướng Nam, Đại đội xe tăng 9 sau khi nghiền nát chướng ngại vật đã khéo léo kết hợp với xung lực uy hiếp địch, yểm trợ cho Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 1 (Sư đoàn 325) đánh địch. Bộ đội ta xung phong đánh chiếm từng khu vực mục tiêu, cuối cùng đánh thẳng vào sở chỉ huy và khu cố vấn Mỹ ở cao điểm 320. Hướng Đường 9, Đại đội xe tăng 3 phối hợp cùng Trung đoàn 24 (Sư đoàn 304) cũng nhanh chóng tiến vào chiếm khu vực phía Tây. Trận chiến đấu hiệp đồng binh chủng, có xe tăng tham gia, tiến công vào căn cứ kiên cố của địch đã giành thắng lợi giòn giã, góp phần phá vỡ một mảng tuyến phòng ngự Đường số 9 của địch, phối hợp kịp thời với các chiến trường trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân dân ta Tết Mậu Thân 1968.

3. Phải luôn giữ được yếu tố bí mật, bất ngờ. Đây là nhân tố tiên quyết trong quyết định sử dụng xe tăng trong chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh của Bộ Tư lệnh Chiến dịch, bởi trên chiến trường quân địch có ưu thế về hỏa lực chống tăng, cả từ trên không lẫn dưới mặt đất. Cuộc hành quân của Bộ đội Tăng thiết giáp từ Xuân Mai (Hòa Bình) vào đến chiến trường Khe Sanh (Quảng Trị) vô cùng vất vả do phải đảm bảo tuyệt đối bí mật. Xe tăng thường khởi hành vào 6 giờ chiều, đi đêm phải dùng đèn rùa, quầng sáng chỉ khoảng 10 m, đến 3 giờ sáng phải dừng lại tìm chỗ trú quân. Khi đến cách vị trí trú quân khoảng 3- 4 km, hai chiếc xe đi sau cùng bao giờ cũng phải kéo cành cây để xóa dấu vết. Suốt cuộc hành quân gần 1.000 km, Bộ đội Tăng thiết giáp luôn phải đảm bảo bí mật không những với trang bị trinh sát của địch mà cả với dân do sợ có biệt kích, thám báo trà trộn. Nhờ giữ được bí mật, nên khi ta sử dụng một đại đội xe tăng trong đội hình binh chủng hợp thành tiến công cứ điểm Tà Mây đã khiến cho quân địch hoàn toàn bị bất ngờ, dẫn đến hoảng loạn và nhanh chóng tan rã. Sau đó, để chuẩn bị cho trận đánh cụm cứ điểm Làng Vây, yếu tố bí mật, bất ngờ cho xe tăng tiếp tục được đề cao. Bộ đội Tăng thiết giáp có sáng kiến dùng bè mảng chở xe tăng (đã tắt máy) xuôi dòng sông Sê Pôn về ban đêm để tiếp cận trận địa. Do không tạo ra tiếng ồn và ánh sáng, nên dù địch có phương tiện trinh sát hiện đại, cả trên không và mặt đất, cũng không thể nào phát hiện ra xe tăng ta đang trên đường cơ động. Trong những ngày chờ lệnh xuất kích, trú trên đồi cây non mọc xen kẽ cỏ tranh chỉ che lấp được bánh xích và cách địch không xa, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 9 đã đan sọt đựng những vầng cỏ tranh lớn xếp lên xe tăng để ngụy trang. Ngay cả khi thực hiện công việc bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, nhất là thay bánh đỡ nặng và chốt xích, bộ đội cũng phải sử dụng nhiều biện pháp như dùng dép cao su đệm vào vị trí búa gõ để giảm bớt tiếng ồn. Nhờ đó, mặc dù địch từng dự đoán là ta sẽ tiếp tục sử dụng xe tăng trong trận đánh Làng Vây và ráo riết lùng sục, tìm kiếm, nhưng các lực lượng không quân, thám báo của chúng cũng không thể nào phát hiện được trận địa tập kết xe tăng của ta. Trong thực hành tác chiến, ta chọn thời cơ xuất kích vào ban đêm cùng với việc đưa xe tăng vào tham gia chiến đấu trên hướng đột phá chủ yếu từ hướng Nam có địa hình phức tạp địch không ngờ tới cũng tạo điều kiện để giữ bí mật, an toàn cho tới khi nổ súng.

Việc lần đầu tiên ta sử dụng một tiểu đoàn xe tăng PT-76 làm lực lượng đột kích, thọc sâu trong chiến dịch tiến công Đường 9 - Khe Sanh không những gây được tiếng vang lớn, tạo niềm tin vào Bộ đội Tăng thiết giáp trong tác chiến hiệp đồng binh chủng mà còn khẳng định: chiến trường miền Nam có thể sử dụng được xe tăng và lực lượng Tăng thiết giáp có vị trí hết sức quan trọng trong các chiến dịch tiến công. Đây cũng là cơ sở thực tiễn đầu tiên, đặt nền móng cho sự hình thành nghệ thuật sử dụng lực lượng Tăng thiết giáp làm một trong những lực lượng chủ yếu của những chiến dịch tiến công trong chiến tranh giải phóng và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc sau này.

Hà Thành

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định thành lập Quân tình nguyện tại Lào, đánh dấu sự phát triển mới của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào; đồng thời, khẳng định đường lối, quan điểm đúng đắn của Đảng ta trong thực hiện nghĩa vụ quốc tế.