Thứ Bảy, 23/11/2024, 19:01 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam
Ngày 20-7-1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết. Đây là thắng lợi to lớn của cách mạng nước ta, buộc Chính phủ Pháp phải cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Tướng Pháp Đen-thây (bên trái) và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu ký Hiệp định Giơ-ne-vơ tháng 7-1954. (Ảnh tư liệu)
1. Tư thế của người chiến thắng
Sau một thời gian đối đầu căng thẳng trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, các nước lớn đại diện cho hai phe bắt đầu thỏa hiệp, muốn giải quyết các xung đột và chiến tranh bằng thương lượng hòa bình. Ngày 25-01-1954, tại Béc-lin, Hội nghị ngoại trưởng các nước Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp đã thống nhất thỏa thuận về triệu tập hội nghị quốc tế Giơ-ne-vơ để giải quyết vấn đề Triều Tiên và lập lại hòa bình ở Đông Dương. Tuy nhiên, do cuộc chiến đấu ở Điện Biên Phủ chưa kết thúc, nên Pháp vẫn nuôi ảo mộng giành được một thắng lợi về quân sự, tạo thế mạnh để dễ bề thương lượng, tìm lối thoát danh dự ra khỏi vũng lầy chiến tranh ở Đông Dương. Vì thế, mặc dù quân Pháp tại Điện Biên Phủ đang nguy kịch, nhưng các nước phương Tây vẫn chưa chấp nhận sự tham gia Hội nghị của đại diện Việt Nam dân chủ cộng hòa - nhân tố quyết định đến nền hòa bình ở Đông Dương. Chỉ đến khi Quân đội nhân dân Việt Nam mở đợt tiến công cuối cùng vào Điện Biên Phủ và trước thất bại không thể cứu vãn, ngày 02-5-1954, Anh, Mỹ, Pháp mới vội vàng chấp nhận sự có mặt chính thức của Việt Nam dân chủ cộng hòa tại Hội nghị. Điều đó cho thấy, thắng lợi to lớn của quân và dân ta trên chiến trường Điện Biên Phủ là nhân tố quyết định đưa phái đoàn của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà đến bàn Hội nghị, trực tiếp đàm phán với Pháp thay vì Chính phủ bù nhìn Việt Nam như ý đồ trước đó của Anh, Pháp, Mỹ. Ngày 08-5-1954, đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn, bước vào hội nghị với tư thế đại biểu một dân tộc vừa chiến thắng. Đoàn đại biểu Pháp do ngoại trưởng Bi-đôn dẫn đầu, thông báo tin quân Pháp thất trận ở Điện Biên Phủ và đề nghị về nguyên tắc một cuộc tổng ngừng chiến ở Đông Dương.
Đối với Pháp, thất bại ở Điện Biên Phủ làm tiêu tan cố gắng lớn nhất của giới cầm quyền, làm cho họ không còn hy vọng vào một thắng lợi bằng quân sự trên chiến trường. Trong khi đó, phong trào phản chiến ở Pháp ngày càng dâng cao, buộc Chính phủ của Thủ tướng La-ni-en phải từ bỏ chủ trương thương lượng trên thế mạnh. Nội bộ giới cầm quyền Pháp càng thêm chia rẽ, lục đục, đấu tranh gay gắt với nhau. Mặc dù có sự cản trở của phái chủ chiến, nhưng ngày 10-3-1954, Quốc hội Pháp vẫn thông qua nghị quyết hoan nghênh Hội nghị Giơ-ne-vơ để tìm giải pháp hòa bình, chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương. Như vậy, so với những năm đầu chiến tranh, ý chí xâm lược của thực dân Pháp đã bị đánh bại, thái độ của giới cầm quyền Pháp buộc phải thay đổi. Họ cần đàm phán để kết thúc chiến tranh, tìm lối ra trong danh dự. Hai đồng minh quan trọng của Việt Nam là Liên Xô và Trung Quốc, xuất phát từ lợi ích dân tộc của mỗi nước, đang theo đuổi xu thế hòa hoãn, muốn kết thúc cuộc chiến tranh ở Đông Dương để cùng tồn tại hòa bình.
Về phía ta, mặc dù thời điểm và kế hoạch họp bàn tại Giơ-ne-vơ về lập lại hòa bình ở Đông Dương đã được ấn định trước và hoàn toàn độc lập với chiến sự đang diễn ra tại Đông Dương, nhưng trên chiến trường, cuộc kháng chiến của nhân dân ba nước Đông Dương đang trên đà thắng lợi, nhất là thắng lợi to lớn trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã mang lại những điều kiện thuận lợi cho Đoàn đại biểu Chính phủ ta trên bàn Hội nghị. Trong bối cảnh đó, Đảng ta nhận định, tuy xu thế và triển vọng của chiến tranh có lợi cho nhân dân ba nước Đông Dương, nhưng chưa phải là tuyệt đối. Sau thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân ta chưa thể giải phóng ngay đồng bằng Bắc Bộ. Kéo dài cuộc kháng chiến gian khổ, nhân dân ta phải chịu tổn thất, hy sinh nhiều hơn, trong lúc Mỹ lợi dụng thất bại nặng nề của Pháp để can thiệp trắng trợn hơn vào Đông Dương, hòng biến nơi đây thành thuộc địa và căn cứ quân sự của chúng. Nếu đế quốc Mỹ trực tiếp tham gia chiến tranh thì so sánh lực lượng giữa ta và địch có khả năng thay đổi không có lợi cho cách mạng. Căn cứ vào điều kiện cụ thể của cuộc kháng chiến, cũng như so sánh lực lượng giữa ta và Pháp trong cuộc chiến tranh và từ thực trạng mối quan hệ giữa các nước lớn tham dự Hội nghị, nhất là giữa Trung Quốc, Liên Xô với Việt Nam lúc đó, Đảng ta đã chủ trương dùng phương pháp thương lượng để lập lại hòa bình ở Đông Dương. Đồng thời, quyết định phương châm, sách lược đấu tranh của ta trong giai đoạn mới là: chĩa mũi nhọn đấu tranh vào đế quốc Mỹ và các phần tử hiếu chiến Pháp, phá tan âm mưu kéo dài và mở rộng chiến tranh của Mỹ ở Đông Dương; củng cố hòa bình và thống nhất, hoàn toàn độc lập và thực hiện dân chủ trong toàn quốc.
2. Hòa bình, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ cho ba nước Đông Dương
Thực hiện chủ trương đẩy mạnh tiến công trên mặt trận ngoại giao, phối hợp với cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 để nhanh chóng chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, Đoàn đại biểu Việt Nam dân chủ cộng hòa tại Hội nghị Giơ-ne-vơ đã kiên quyết và kiên trì đấu tranh với Pháp và Mỹ. Một mặt, ta phê phán mạnh mẽ thái độ ngoan cố của Pháp và mưu đồ phá hoại Hội nghị của Mỹ. Mặt khác, ta khôn khéo chủ động đề xuất phương án giải quyết từng vấn đề bất đồng, như: đường ranh giới tập kết; tổng tuyển cử ở Việt Nam; kiểm soát quốc tế và thời hạn Pháp rút quân với tinh thần thúc đẩy Hội nghị thành công. Trải qua 75 ngày đấu trí căng thẳng giữa các bên, với 31 phiên họp, trong đó có 7 phiên toàn thể và 24 phiên họp cấp trưởng đoàn, ngày 21-7-1954, các văn bản chính của Hội nghị Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết1. Tuy kết quả của Hội nghị Giơ-ne-vơ không phản ánh đầy đủ những thắng lợi của nhân dân ta trên chiến trường và những yêu cầu do đoàn đại biểu của ta đưa ra, nhưng Hiệp định đã góp phần quan trọng chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ở Đông Dương. Chính phủ Pháp phải thừa nhận nền độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương, trong đó có Việt Nam, được thể hiện ở một số nội dung cơ bản sau:
- Các bên tham dự Hội nghị cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của các nước Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; cam kết không can thiệp vào công việc nội bộ của ba nước đó.
- Ngừng bắn đồng thời ở Việt Nam và trên toàn Đông Dương, lập lại hòa bình trên toàn Đông Dương.
- Thực hiện tập kết, chuyển quân theo khu vực và thời gian quy định. Ở Việt Nam, lấy vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) làm giới tuyến quân sự tạm thời cùng với một khu phi quân sự ở hai bên giới tuyến. Quân đội nhân dân Việt Nam tập kết ở phía Bắc, Quân đội Liên hiệp Pháp tập kết ở phía Nam vĩ tuyến 17; thời hạn di chuyển hoàn toàn lực lượng hai bên không vượt quá 300 ngày. Ở Lào, lực lượng kháng chiến tập kết ở hai tỉnh Sầm Nưa và Phông-xa-lì. Ở Cam-pu-chia, lực lượng kháng chiến phục viên tại chỗ. Vĩ tuyến 17 ở Việt Nam chỉ là ranh giới quân sự tạm thời, không phải là đường biên giới về chính trị, lãnh thổ. Sau 02 năm, quân Pháp phải rút hết khỏi Việt Nam và nhân dân Việt Nam sẽ thực hiện tổng tuyển cử thống nhất nước nhà.
- Cấm việc đưa quân đội, nhân viên quân sự, vũ khí nước ngoài vào các nước Đông Dương. Các nước Đông Dương không được tham gia bất cứ khối liên minh quân sự nào và không để cho nước khác dùng lãnh thổ của mình vào việc gây chiến tranh hoặc phục vụ cho mục đích xâm lược.
- Không phân biệt đối xử, không trả thù những người đã cộng tác với bên này hoặc bên kia trong thời gian chiến tranh.
- Trách nhiệm thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ thuộc về những người ký Hiệp định và những người kế nhiệm.
Đây là thắng lợi to lớn của cách mạng ba nước Đông Dương; là cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng để nhân dân ta ra sức đấu tranh, củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, độc lập và dân chủ trong toàn quốc. Cần thấy rằng, đàm phán hòa bình tại Hội nghị Giơ-ne-vơ (năm 1954) chủ yếu diễn ra giữa Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa và Chính phủ Pháp, nhưng lại chịu sự tác động, thỏa hiệp, dàn xếp của các nước lớn. Vì thế, việc Hiệp định quy định Quân đội Pháp buộc phải rút hết khỏi Việt Nam là một thắng lợi quan trọng, quyết định việc hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc. Ngày 22-7-1954, trong Lời kêu gọi sau khi Hội nghị Giơ-ne-vơ thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Hội nghị Giơ-ne-vơ đã kết thúc. Ngoại giao ta đã thắng lợi to,... Chúng ta giành được thắng lợi to lớn”2. Nhân sự kiện này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra Lời kêu gọi gửi đồng bào, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ toàn quốc, khẳng định: “Đạt được Hiệp định nói trên là một thắng lợi vĩ đại của nhân dân và quân đội ta... Đó là kết quả của chín năm kháng chiến của đồng bào toàn quốc từ Nam ra Bắc,... Thắng lợi của ta cũng chính là thất bại của chủ nghĩa thực dân xâm lược muốn nô dịch nhân dân Đông Dương; thất bại của đế quốc Mỹ đang âm mưu biến Đông Dương thành thuộc địa và căn cứ chiến lược của Mỹ, thất bại của bọn tay sai đế quốc Mỹ và thực dân hiếu chiến Pháp, can tâm bán nước cho kẻ địch bên ngoài”3. Cùng với Chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ đã kết thúc cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của dân tộc Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược; giải phóng hoàn toàn miền Bắc, tạo điều kiện xây dựng miền Bắc thành hậu phương vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một Hội nghị quốc tế với sự tham gia của các nước lớn đã công nhận các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam. Nếu trước đây, tại Hiệp định Sơ bộ năm 1946, Pháp chỉ công nhận Việt Nam là một quốc gia tự do nằm trong khối Liên hiệp Pháp, thì tại Hội nghị này, trước sự đấu tranh kiên quyết của ta, Pháp buộc phải công nhận Việt Nam là một quốc gia độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Điều đó tạo cơ sở pháp lý để nhân dân ta tiếp tục đấu tranh cho một nước Việt Nam độc lập và thống nhất hoàn toàn.
Như vậy, với đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo, tiêu biểu là đường lối kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao, chúng ta đã giành được thắng lợi to lớn. Trong đó, cuộc đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Giơ-ne-vơ để lại nhiều bài học quý. Đó là các bài học về phát huy tinh thần độc lập, tự chủ trong đàm phán ngoại giao; về kết hợp sức mạnh tổng hợp giữa đấu tranh chính trị - quân sự - ngoại giao, tận dụng tốt nhất những thắng lợi trên chiến trường để tạo thế mạnh trên bàn Hội nghị. Đó còn là bài học kiên quyết đấu tranh, không khoan nhượng trước những đòi hỏi vô lý của đối phương,... Những bài học này, không chỉ được vận dụng thành công trong Hội nghị Pa-ri (năm 1973) mà còn có giá trị thực tiễn cao trong công cuộc xây dựng vào bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
1 - Khung pháp lý của hiệp định gồm: các Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia; các phụ bản và bản đồ về khu vực tập kết, chuyển quân, ranh giới quân sự tạm thời và khu phi quân sự, Bản tuyên bố cuối cùng của Hội nghị; các công hàm trao đổi giữa Phó Thủ tướng Việt Nam dân chủ cộng hòa Phạm Văn Đồng và Thủ tướng Pháp M. Phơ-răng.
TS. NGUYỄN BÌNH, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh _____________________
1- Khung pháp lý của hiệp định gồm: các Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia; các phụ bản và bản đồ về khu vực tập kết, chuyển quân, ranh giới quân sự tạm thời và khu phi quân sự, Bản tuyên bố cuối cùng của Hội nghị; các công hàm trao đổi giữa Phó Thủ tướng Việt Nam dân chủ cộng hòa Phạm Văn Đồng và Thủ tướng Pháp M. Phơ-răng.
2- Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 9, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 1.
3- ĐCSVN - Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 15, Nxb CTQG, H. 2001, tr. 233.
Hiệp định,Giơ-ne-vơ
Nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh trong Chiến dịch tiến công Tây Sơn Tịnh năm 1966 21/11/2024
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào 29/10/2024
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 - nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng 24/10/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Bu Prăng - Đức Lập năm 1969 27/09/2024
Nghệ thuật chỉ đạo của Đảng về tạo và nắm thời cơ, giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 19/08/2024
Nghệ thuật đánh trận then chốt quyết định trong Chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức năm 1974 15/07/2024
Nhà Lý kết hợp tiến công quân sự với biện pháp ngoại giao để kết thúc chiến tranh, kiến tạo hòa bình 24/06/2024
Chiến dịch Long Khánh năm 1969 - nét đặc sắc của nghệ thuật tập kích 04/06/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Trung - Hạ Lào năm 1954 22/04/2024
Nét nổi bật về nghệ thuật đánh trận mở đầu trong Chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 1954 15/02/2024
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 - nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh trong Chiến dịch tiến công Tây Sơn Tịnh năm 1966