Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Sáu, 30/05/2014, 08:52 (GMT+7)
Giáo dục ý thức quốc phòng dưới thời Lý, Trần, Lê
Hình chiến binh thời Trần trên gốm.

Trong lịch sử giữ nước của dân tộc, nhân dân ta thường xuyên phải đương đầu với các thế lực ngoại xâm có tiềm lực kinh tế, quân sự hơn ta gấp nhiều lần. Mặc dù vậy, tổ tiên ta đã luôn biết phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, thực hiện “Cử quốc nghênh địch”, “Bách tính giai binh” để chống kẻ thù xâm lược, giành thắng lợi vẻ vang. Trong đó, triều đại Lý đánh tan 30 vạn quân xâm lược Tống (1075 - 1077), triều đại Trần ba lần đánh bại đế quốc Nguyên - Mông (1258, 1285, 1288), triều đại Lê 10 năm kháng chiến lật đổ ách thống trị của nhà Minh (1418 - 1427) giành độc lập, tự do cho dân tộc là những triều đại tiêu biểu, đã viết nên những trang sử vàng chói lọi. Sự thật là những chiến công trên không tự nhiên mà có. Đây là kết quả của công cuộc chuẩn bị đất nước lâu dài ngay từ thời bình, là tổng hợp các nhân tố; trong đó, giáo dục ý thức quốc phòng cho nhân dân mà các triều đại Lý, Trần, Lê đã thực hiện đóng vai trò rất quan trọng. Bài viết xin nêu một số nét tiêu biểu về giáo dục ý thức quốc phòng dưới thời Lý, Trần, Lê (chỉ đề cập đến triều Lê sơ).

1. Giáo dục nâng cao tinh thần cảnh giác, trách nhiệm giữ nước cho toàn dân ngay từ thời bình. Lịch sử giữ nước của dân tộc ta đã để lại kinh nghiệm, đồng thời cũng khẳng định một vấn đề có tính quy luật là: phải chuẩn bị đất nước ngay từ lúc nước chưa nguy để sẵn sàng đối phó với các cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù; trong đó, giáo dục ý thức quốc phòng là vấn đề quan trọng. Ý thức rõ điều đó, các triều đại Lý, Trần, Lê luôn quan tâm đến việc giáo dục, xây dựng cho nhân dân, binh sĩ tinh thần cảnh giác trước âm mưu xâm lược của kẻ thù. Dưới thời nhà Lý, Triều đình đã có nhiều chỉ dụ đối với các địa phương vùng biên ải phải nêu cao cảnh giác, tổ chức tuần phòng để nắm chắc tình hình biên ải và hồi báo cho Triều đình. Nhờ đó, khi nhà Tống tập trung quân gần biên giới nước ta (năm 1075) đã bị Lý Thường Kiệt phát hiện, chủ động đánh trước, phá tan âm mưu xâm lược của địch. Bên cạnh đó, bằng nhiều nội dung, hình thức, biện pháp giáo dục phong phú, sinh động và sáng tạo, như: thơ, ca, truyền thuyết, văn hóa truyền miệng rất dễ nhớ, dễ thuộc, dễ đi vào lòng người cũng góp phần giáo dục, tuyên truyền trong nhân dân niềm tự hào, lòng tự tôn dân tộc, tinh thần quật cường, ý chí quyết tâm đánh giặc bảo vệ giang sơn xã tắc. Các áng văn thơ thời Lý, Trần, Lê, như: “bài thơ Thần” của Lý Thường Kiệt, “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn, “Tụng giá hoàn kinh sư” của Trần Quang Khải, “Phú Bạch Đằng giang” của Trương Hán Siêu, “Đại Cáo Bình Ngô” của Nguyễn Trãi,… đã có sức lan tỏa sâu, rộng trong nhân dân. Qua đó, làm cho người dân hiểu rõ, nếu để kẻ thù cướp nước, dày xéo quê hương thì không chỉ mất nước, mà còn mất cả tổ tiên, gia đình, nền văn hóa dân tộc; khi đó, người dân phải chịu cảnh sống nô lệ, lầm than, tủi nhục. Vì vậy, “quốc gia hữu sự, thất phu hữu trách”, mỗi khi bị kẻ thù xâm lăng thì giữ nước là nhiệm vụ thiêng liêng của mỗi người dân, “muôn người như một xem việc nước như việc nhà”, coi việc bảo vệ độc lập, chủ quyền là công việc của bản thân mình. Ở thời Lê, ngoài “Đại Cáo Bình Ngô”, “Trung quân từ mệnh tập” và nhiều áng văn thơ, Nguyễn Trãi còn là tác giả cuốn “Dư địa chí” - một công cụ quan trọng để giáo dục tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc. Đây không những là tác phẩm địa lý đầu tiên bao quát toàn bộ đất nước, mà còn là tác phẩm đặc sắc viết về bản đồ của nước Việt ta qua lịch sử và tình trạng hiện tại để giáo dục cho nhân dân Đại Việt thêm yêu Tổ quốc mình, nhắc nhở mọi người cảnh giác trước âm mưu xâm lược của các thế lực ngoại bang.

2. Thông qua các hoạt động lễ hội gắn với các nhân vật anh hùng dân tộc để giáo dục nâng cao ý thức quốc phòng. Đây là một hình thức giáo dục mang tính cộng đồng cao, là một nét đẹp của văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu của đông đảo người dân. Trong lễ hội làng xã mọi người cảm nhận được sự cố kết cộng đồng, gắn bó trong quan hệ làng nước chống chọi với thiên nhiên, giặc giã để tồn tại, phát triển; đồng thời, xây dựng nên những tình cảm mới giúp họ hoàn thiện những phẩm chất tốt đẹp của con người. Đây còn là dịp tốt để xây đắp nền văn hóa, không gian văn hóa giàu bản sắc và thực hành giao lưu văn hóa,… Các triều đại Lý, Trần, Lê đều có quy ước, định lệ cho các địa phương về xây dựng đền, miếu để thờ phụng các anh hùng có công với đất nước, với dân tộc1; đồng thời, đã gắn giáo dục ý thức quốc phòng với các lễ hội làng xã. Đó cũng là hình thức sáng tạo, hiệu quả mang đậm truyền thống nhân văn của dân tộc. Thông qua lễ hội, một mặt, để ghi công, tôn vinh và bày tỏ lòng tri ân những người đã chiến đấu, hy sinh vì dân vì nước trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập dân tộc; mặt khác, tạo ra không gian hoạt động cho nhân dân, như: tái hiện lại những sự kiện về gương các anh hùng, hội thi kéo co, đấu vật, đua ngựa, đua thuyền, bắn cung,… Việc làm ấy vừa nêu cao tinh thần thượng võ, vừa tuyên truyền, giáo dục, xây dựng ý thức quốc phòng toàn dân mang đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Chính nhờ việc giáo dục ý thức quốc phòng trong các lễ hội, đã làm chuyển biến tích cực nhận thức của nhân dân (nhất là đồng bào ở các vùng biên ải) luôn nêu cao truyền thống yêu nước, tinh thần bất khuất, kiên quyết bảo vệ độc lập dân tộc. Vì thế, mặc dù không được tập trung huấn luyện quân sự, nhưng khi đất nước bị xâm lược, “trăm họ” nhất tề đứng lên chiến đấu bằng mọi thứ vũ khí có trong tay, để bảo vệ “giang sơn, bờ cõi”.

3. Giáo dục, huấn luyện nâng cao ý chí, bản lĩnh, trình độ tác chiến cho quân sĩ và tướng lĩnh chỉ huy. Dưới thời Lý, Trần, Lê, các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện quân sĩ được vận dụng khá linh hoạt. Tùy theo điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, các triều đại đã vận dụng các phương pháp giáo dục, huấn luyện quân sự phù hợp, nhằm nâng cao ý chí và khả năng chiến đấu cho quân và dân. Trong đó, đã kết hợp phương pháp trí dục với phương pháp đức dục trong lĩnh vực quân sự; gắn giáo dục chính trị - tinh thần với huấn luyện chiến thuật, kỹ thuật chiến đấu. Đồng thời, các nhà lãnh đạo quân sự ở từng triều đại rất coi trọng phương pháp thực hành chỉ huy, các hoạt động chiến đấu, thao tác sử dụng vũ khí cho tướng sĩ, như: luyện tập trận đồ, hiệp đồng tác chiến, tập dượt cung tên, cưỡi ngựa, đấu gươm, luyện tập thủy chiến, đánh thành, tập kích, tiến công và mai phục, v.v.

Để giáo dục xây dựng tinh thần, ý chí, bản lĩnh chiến đấu cho quân sĩ, những người đứng đầu các vương triều Lý, Trần, Lê đã thể hiện rõ năng lực vừa là người lãnh đạo, chỉ huy vừa là những nhà giáo dục có uy tín, như: Lý Nhân Tông, Lý Thường Kiệt (thời Lý), Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão (thời Trần), Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Lê Thánh Tông (thời Lê),... Họ vừa biết khích lệ lòng yêu nước ở binh lính, vừa thực hiện thưởng phạt nghiêm minh trong quân đội. Dưới thời nhà Trần, với cương vị là Quốc Công Tiết chế, Hưng Đạo Vương rất coi trọng việc giáo dục, huấn luyện tướng sĩ, coi đó là nền tảng để tạo nên sức mạnh của quân đội. Trong đó, Ông đề ra yêu cầu cao về phẩm chất, năng lực của người làm tướng, về nghệ thuật tác chiến, tinh thần “đồng cam, cộng khổ”, lòng trung quân, ái quốc và tinh thần quả cảm, quyết chiến, quyết thắng,… Ở thời Lê, sau khi kháng chiến chống quân Minh thắng lợi, Nguyễn Trãi luôn chủ trương răn dạy tướng sĩ: phải sống theo đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, không được lãng quên truyền thống, tổ tiên.

Cùng với đó, các triều đại Lý, Trần, Lê còn chú trọng biên soạn hệ thống tài liệu giáo dục quân sự, giáo dục quốc phòng cho quân đội và toàn dân, nổi bật là: Binh thư yếu lược (thời Trần), Bình Ngô Sách (thời Lê). Đặc biệt, năm 1465, vua Lê Thánh Tông đã cho ban bố điều lệnh huấn luyện chiến đấu của từng binh chủng; trong đó, bộ binh có 42 điều, thủy binh có 31 điều, kỵ binh có 27 điều và tượng binh có 22 điều,… Các tài liệu này đã góp phần tạo ra hệ thống tri thức, kinh nghiệm phong phú về nghệ thuật tác chiến, xây dựng lực lượng vũ trang gồm nhiều thứ quân; về giữ mối bang giao để giữ yên bờ cõi, làm cơ sở để nâng cao hiệu quả giáo dục ý thức quốc phòng.

Về hình thức tổ chức giáo dục quân sự dưới thời Lý, Trần, Lê cũng rất đa dạng. Ngoài các trường học có tính chất chính quy do nhà nước tổ chức, như: Quốc Học viện, Giảng võ đường, các triều đại còn khuyến khích mở các trường tư, lò luyện, các lớp học theo môn phái võ thuật khác nhau. Dưới thời Lý, năm 1170 đã lập Xạ đình ở phía Nam kinh thành làm nơi luyện tập bắn cung và cưỡi ngựa, tập trận pháp cho quân sĩ. Thời Trần, năm 1253, Giảng võ đường được thành lập làm trung tâm giáo dục, đào tạo tướng sĩ. Ở thời Lê, hằng năm, vào mùa xuân, quân đội thường trực phải tập trung ở các lộ hoặc về kinh thành để tham gia huấn luyện, diễn tập.

Như vậy, công tác giáo dục ý thức quốc phòng ngay trong thời bình được các nhà lãnh đạo, chỉ huy dưới các triều đại Lý, Trần, Lê thường xuyên coi trọng, sửa sang và đạt hiệu quả tích cực. Thực tiễn cho thấy, theo tiến trình lịch sử, trình độ, quy mô của hệ thống giáo dục quốc phòng đã từng bước được nâng cao, ngày càng quy củ, chặt chẽ. Các nội dung giáo dục huấn luyện đã phản ánh rõ nét tính chất sơ khai của nền quốc phòng toàn dân, tự vệ và chính nghĩa trong nền văn hiến dân tộc. Các phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục đạt tới trình độ khá cao, được vận dụng hết sức linh hoạt, phù hợp với hoàn cảnh, đặc điểm của từng triều đại, góp phần tạo ra khả năng, tiềm lực quốc phòng vững chắc, sẵn sàng đáp ứng khi có chiến tranh xâm lược. Nhờ đó, các triều đại Lý, Trần, Lê đã xây dựng nước ta trở thành quốc gia cường thịnh ở vùng Đông Nam Á thời bấy giờ.

Phát huy truyền thống giáo dục, xây dựng ý thức quốc phòng toàn dân của tổ tiên vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc ngày nay, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả giáo dục quốc phòng - an ninh bằng các hình thức phương pháp phong phú nhằm không ngừng nâng cao cảnh giác cách mạng cho mọi cán bộ, đảng viên và người dân để chủ động đấu tranh làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự nghiệp đổi mới đất nước, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội, góp phần tăng cường quốc phòng - an ninh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Đại tá, TS. PHẠM MINH THỤ

Học viện Chính trị
_________

1 - Các vua triều Lý cho dựng đền thờ Hai Bà Trưng và các nữ tướng, đền thờ Phùng Hưng, Lý Thường Kiệt,… Thời Trần, sau khi Trần Hưng Đạo mất, vua Anh Tông đã cho lập đền thờ Ông ở Vạn Kiếp, v.v.

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định thành lập Quân tình nguyện tại Lào, đánh dấu sự phát triển mới của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào; đồng thời, khẳng định đường lối, quan điểm đúng đắn của Đảng ta trong thực hiện nghĩa vụ quốc tế.