Thứ Bảy, 23/11/2024, 09:31 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam
Độc lập, tự do luôn là mục tiêu, khát vọng của cả nhân loại. Đối với Việt Nam, đó còn là ý chí, khí phách được hun đúc trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” tạo nên nguồn sức mạnh to lớn để nhân dân ta “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược của nhân dân Việt Nam là cuộc đụng đầu lịch sử. Vào giai đoạn quyết liệt của cuộc chiến, ngày 17-7-1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước, trong đó khẳng định: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Đây là tư tưởng vĩ đại của Người - vị lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam - là tư tưởng, ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và đó cũng là chân lý của thời đại. Vì thế, tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã động viên mạnh mẽ lòng yêu nước, dũng khí cách mạng của nhân dân ta, thúc giục quân và dân cả nước vượt mọi gian khổ, hy sinh, “đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Từ thực tiễn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cho thấy, tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” đã trở thành một trong những động lực chủ yếu đưa cuộc chiến đầy khó khăn, gian khổ đến thắng lợi hoàn toàn và giá trị của nó được biểu hiện trên các nội dung cơ bản sau:
1. Sau năm 1954, mặc dù giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhưng đất nước ta vẫn phải tạm thời chia cắt làm hai miền: miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, miền Nam còn nằm dưới ách thống trị của kẻ thù; do đó, vấn đề độc lập, tự do đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải tiếp tục đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đặc biệt, khi đế quốc Mỹ trực tiếp đem quân tham chiến ở miền Nam (năm 1965), leo thang đánh phá miền Bắc thì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, của dân tộc bị đe dọa nghiêm trọng. Hơn lúc nào hết, khát vọng về độc lập, tự do cho Tổ quốc, cho nhân dân ta càng cháy bỏng hơn. Tuy nhiên, việc Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam cũng khiến một số cán bộ, đảng viên và nhân dân nảy sinh tư tưởng ngại gian khổ, ác liệt, băn khoăn, do dự: làm thế nào để đánh được Mỹ, thắng Mỹ. Trên thế giới, nhiều chính phủ và những chính khách có tên tuổi tỏ ra lo ngại cho Việt Nam. Họ khuyên ta không nên đối đầu với Mỹ - một siêu cường chưa từng thua trận bao giờ, v.v. Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố đanh thép: “… Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do.”1
Như vậy, tư tưởng trên của Người đã khẳng định điều thiêng liêng nhất, quý giá nhất của mỗi người, mỗi dân tộc và nhân loại là độc lập, tự do. Có độc lập, tự do thì sẽ có tất cả; trái lại, nếu không có độc lập, tự do thì sẽ không có bất cứ thứ gì. Thực tiễn lịch sử nhân loại, lịch sử Việt Nam cho thấy, một đất nước không thể phồn vinh, nhân dân không thể có hạnh phúc nếu đất nước, dân tộc đó không có độc lập, tự do. Giá trị tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước còn được thể hiện khi khẳng định quyền được sống, được mưu cầu hạnh phúc trong một nước độc lập, tự do là vô cùng quý giá, thiêng liêng, không ai có thể tự cho mình quyền can thiệp, xâm hại nền độc lập của một quốc gia có chủ quyền. Thực hiện tư tưởng đó, nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã vùng lên dám đánh, quyết tâm đánh Mỹ và biết thắng giặc Mỹ xâm lược. Với lòng quyết tâm sắt đá, tinh thần chủ động, sáng tạo, quân và dân ta đã đánh thắng quân Mỹ ngay từ trận đầu (Núi Thành, Ba Gia, Plây-me,…) đến các chiến dịch lớn, các cuộc phản công chiến lược mà đỉnh cao là thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đã kết thúc thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đất nước ta được độc lập, nhân dân ta thực sự giành được tự do.
2. Chiến tranh là cuộc thử thách khắc nghiệt, toàn diện đối với mọi quốc gia, dân tộc. Đối với Việt Nam, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước càng là một thử thách đặc biệt quan trọng, bởi chúng ta phải đương đầu với một kẻ thù tàn bạo, có tiềm lực kinh tế, quân sự và phương tiện chiến tranh hiện đại nhất thế giới, hơn ta gấp nhiều lần2. Vì thế, muốn giành được thắng lợi, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, chúng ta không thể ngồi yên chờ đợi vận may, càng không thể chờ vào sự ban ơn của các thế lực đế quốc. Nói cách khác, để giải phóng dân tộc, nhân dân ta phải tự lực, tự cường, bằng sức lực của mình là chủ yếu, kết hợp với sức mạnh của thời đại để đánh thắng kẻ thù. Đây là một trong những giá trị cốt lõi của tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thực hiện chủ trương đó, ngay khi bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng ta đã xác định và lãnh đạo cả nước thực hiện đồng thời hai chiến lược cách mạng: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc (mang tính quyết định) và cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam. Theo đó, ở miền Bắc, Đảng ta vừa tập trung thực hiện cải tạo xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân, vừa chú trọng củng cố quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, tạo nền tảng vững chắc để bảo vệ miền Bắc và chi viện đắc lực tiền tuyến lớn miền Nam. Tính đến giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh, miền Bắc đã xây dựng được lực lượng vũ trang hùng hậu3, đáp ứng yêu cầu của chiến trường miền Nam và đánh bại các cuộc tập kích đường không chiến lược của Mỹ, bảo vệ vững chắc miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Trên chiến trường miền Nam, quân và dân ta vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, vừa sản xuất, vừa chiến đấu và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; thực hiện tiến công địch trên cả ba vùng chiến lược, bằng ba mũi giáp công, kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị. Do vậy, phong trào đấu tranh của quân và dân miền Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ, càng đánh càng mạnh, càng đánh càng phát triển và trưởng thành, gây cho địch nhiều tổn thất; thực hiện giành thắng lợi từng bước đến thắng lợi hoàn toàn. Ngoài ra, chúng ta còn triệt để tranh thủ sự ủng hộ cả về vật chất và tinh thần của cộng đồng quốc tế và của các dân tộc tiến bộ trên thế giới để tạo sức mạnh chiến thắng kẻ thù. Như vậy, với tư tưởng tự lực, tự cường; từ sức mạnh nội lực của cả nước là chính, chúng ta đã không ngừng tạo ra sức mạnh tổng hợp, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại đánh thắng đế quốc Mỹ, giành lại độc lập, tự do cho đất nước và dân tộc.
3. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giá trị của tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” còn tạo luồng sinh khí mới, động viên, quy tụ sức mạnh của cả nước, tạo sức mạnh tổng hợp để chiến thắng giặc Mỹ xâm lược. Ngay sau Lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên toàn miền Bắc, công tác chỉ đạo của Đảng, Nhà nước được chuyển hướng cho phù hợp với thời chiến. Các cấp, ngành, lực lượng được bố trí, sắp xếp hết sức linh hoạt, bảo đảm sẵn sàng cơ động chiến đấu và chi viện cho các chiến trường. Khắp nơi trên miền Bắc, phong trào thi đua yêu nước vì miền Nam ruột thịt được dấy lên sôi nổi, như các phong trào: “Ba đảm đang” (trong phụ nữ), “Ba sẵn sàng” (trong thanh niên), “Ba quyết tâm” (trong trí thức), v.v. Hàng triệu thanh niên nam, nữ tình nguyện tòng quân; hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, cựu binh xin tái ngũ. Hằng ngày, trên đồng ruộng, nông dân thực hiện khẩu hiệu “tay cày, tay súng”; trong hầm mỏ, nhà máy, xí nghiệp, công nhân thực hiện khẩu hiệu “tay súng, tay búa”, không ngừng nâng cao năng suất lao động. Từ Tây Bắc, Việt Bắc đến đô thị và đồng bằng, những đoàn quân nườm nượp tiến về tiền tuyến lớn. Ở miền Nam, hưởng ứng Lời kêu gọi của Người, 14 triệu nhân dân quyết tâm: thà chết chứ nhất định không chịu làm nô lệ. Dù địch có được 5 hay 50 vạn quân, dù trang bị bằng thứ vũ khí gì, chúng ta cũng luôn quyết tâm đánh bại chúng, đánh cho đến khi không còn tên xâm lược nào trên đất nước ta. Như vậy, tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xuất hiện rất kịp thời, khi mà quân và dân cả nước đang rất cần một tư tưởng để thống nhất hành động. Tư tưởng đó đã hiệu triệu và lôi cuốn đồng bào cả nước, quy tụ tiềm lực mọi mặt của nước nhà, tạo nên sức mạnh tổng hợp chưa từng có, hơn hẳn để chiến thắng đội quân viễn chinh của Mỹ cũng như lực lượng ngụy quân, ngụy quyền tay sai. Không những vậy, tư tưởng đó còn tác động đến toàn bộ các dân tộc yêu chuộng hoà bình trên thế giới (kể cả nhân dân Mỹ) hết lòng ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân ta.
Tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” đã trở thành chân lý của thời đại; là thứ giá trị nhất mà nhân dân ta phải luôn giành và giữ lấy bằng sức mạnh của cả dân tộc. Đồng thời, chân lý đó đã khẳng định một điều hiển nhiên trong lịch sử: không có độc lập thì đương nhiên sẽ không bao giờ có được tự do; chỉ khi nước nhà được độc lập, thì tự do mới đến với nhân dân. Ngày nay, trong công cuộc đổi mới của đất nước, chúng ta tiến hành hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng với nhiều khó khăn, thách thức mới; cho nên, cần quán triệt sâu sắc tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” để luôn luôn chủ động trong bảo vệ nền độc lập và quyền tự do thiêng liêng nhất của dân tộc.
Đại tá, TS. NGUYỄN THÀNH HỮU - Thượng tá NGUYỄN VĂN SỬ
____________________
1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 15, Nxb. CTQG, H. 2011, tr.131.
2 - Mỹ đã chi trực tiếp cho cuộc chiến tranh ở Việt Nam tới gần 700 tỉ USD (nếu tính cả chi phí gián tiếp thì lên tới gần 1.000 tỉ USD), gấp gần 3 lần số tiền chi trong Chiến tranh thế giới hai và gấp 20 lần chi cho cuộc chiến tranh ở Triều Tiên; huy động tới 70% lục quân, 60% lính thuỷ đánh bộ, 40% hải quân và 60% không quân của nước Mỹ; với hơn 6,5 triệu lượt thanh niên trực tiếp tham gia chiến tranh cùng với 22.000 xí nghiệp quốc phòng trên nước Mỹ trực tiếp phục vụ chiến tranh ở Việt Nam; sử dụng 15 triệu tấn bom đạn các loại cùng hàng chục triệu lít chất độc màu da cam ném và phun rải xuống chiến trường Việt Nam. Trong chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, bình quân mỗi người dân phải chịu 45,5 kg bom đạn, cứ 01 km2 phải chịu 06 tấn bom đạn.
3 - Trong tháng 3-1967, ta đã thành lập các binh chủng: Đặc công; Ra-đa, Tên lửa, Không quân; Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc. Tháng 10 - 1973 thành lập Quân đoàn 1, tháng 5 - 1974 thành lập Quân đoàn 2, tháng 7 - 1974 thành lập Quân đoàn 4.
Hồ Chí Minh,quý hơn độc lập,tự do
Nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh trong Chiến dịch tiến công Tây Sơn Tịnh năm 1966 21/11/2024
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào 29/10/2024
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 - nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng 24/10/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Bu Prăng - Đức Lập năm 1969 27/09/2024
Nghệ thuật chỉ đạo của Đảng về tạo và nắm thời cơ, giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 19/08/2024
Nghệ thuật đánh trận then chốt quyết định trong Chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức năm 1974 15/07/2024
Nhà Lý kết hợp tiến công quân sự với biện pháp ngoại giao để kết thúc chiến tranh, kiến tạo hòa bình 24/06/2024
Chiến dịch Long Khánh năm 1969 - nét đặc sắc của nghệ thuật tập kích 04/06/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Trung - Hạ Lào năm 1954 22/04/2024
Nét nổi bật về nghệ thuật đánh trận mở đầu trong Chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 1954 15/02/2024
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 - nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh trong Chiến dịch tiến công Tây Sơn Tịnh năm 1966