Thứ Bảy, 23/11/2024, 22:20 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam
Sáng ngày 19-9-1954, nói chuyện với các cán bộ Đại đoàn 308 ở Đền Hùng (Phú Thọ), Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: bộ đội ta tuy đánh giặc giỏi, nhưng phải được lòng dân, được nhân dân tin cậy mới là quan trọng,… và Người nói: “Bác cháu ta gặp nhau ở đây tuy tình cờ nhưng lại rất có ý nghĩa. Ngày xưa, các vua Hùng đã có công dựng nước, ngày nay Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”1. Lời dạy của Bác tuy dung dị nhưng vô cùng sâu sắc, là sự khái quát cao nội dung cơ bản, xuyên suốt toàn bộ tiến trình lịch sử Việt Nam. Đây là sự ghi nhận về công lao to lớn dựng nước và giữ nước của Tổ tiên, dân tộc; là sự nhắc nhở trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta về sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, giữ gìn và bảo vệ Tổ quốc (BVTQ); thể hiện sự kế thừa và phát triển tư tưởng chỉ đạo chiến lược đặc sắc, một bài học kinh nghiệm quý báu, đã trở thành quy luật của dân tộc ta - “Dựng nước đi đôi với giữ nước”. Câu nói đó của Bác, không chỉ là lời giáo huấn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 308, mà còn là Mệnh lệnh của Lãnh tụ tối cao, “Người cha thân yêu của lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân” với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.
Thấm nhuần lời dạy của Bác, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và công cuộc xây dựng và BVTQ, Quân đội ta đã vượt qua mọi thử thách, hoàn thành tốt chức năng “đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất”. Gắn liền với sự nghiệp cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự giúp đỡ, đùm bọc của nhân dân, Quân đội ta đã cùng nhân dân cả nước lập nên những kỳ tích, xây đắp nên truyền thống đáng tự hào, được nhân dân đặt tên gọi trìu mến “Bộ đội Cụ Hồ”. Quá trình đó, được thể hiện qua một số nội dung sau.
Một là, Quân đội ta đã phát huy tốt vai trò là lực lượng nòng cốt, cùng toàn dân tiến hành bảo vệ miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, để hoàn thành chức năng “đội quân chiến đấu”, Quân đội nhân dân (QĐND) phát triển vượt bậc về xây dựng lực lượng. Trong đó, không chỉ phát triển về số lượng, mà quan trọng là phát triển về quy mô tổ chức: các binh đoàn chiến lược, các quân đoàn 1, 2, 3, 4 được xây dựng (1973 - 1975); các quân, binh chủng, như: Không quân, Cao xạ, Tên lửa, Ra-đa, Thiết giáp, Đặc công, Pháo binh, Công binh, Thông tin,… (1964 - 1967) phát triển nhanh. Cùng với đó, biên chế và vũ khí, trang bị được tăng cường, xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật được coi trọng đẩy mạnh,… Những nỗ lực trên thể hiện sâu sắc sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân, tạo nên sức mạnh chiến đấu mới cho QĐND. Ở miền Nam, giữa tháng 02-1961, các lực lượng cách mạng được thống nhất thành Quân Giải phóng miền Nam; đồng thời, tích cực xây dựng LLVT, nhất là xây dựng bộ đội chủ lực, lực lượng chủ lực Miền, quân khu. Từ các trận Ấp Bắc, Núi Thành, Vạn Tường và bước đầu thực hiện thắng lợi các chiến dịch quy mô vừa và nhỏ, như: Bình Giã, Đồng Xoài, Ba Gia,… Quân đội ta đã cùng với toàn dân xây dựng ý chí quyết tâm dám đánh Mỹ và biết đánh thắng Mỹ. Ở miền Bắc, với tầm nhìn chiến lược và chủ động chuẩn bị xây dựng thế trận phòng thủ, ta đã đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, quân và dân hai miền Nam - Bắc, lần lượt đánh bại các chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh” mà đế quốc Mỹ đã thực hiện trên chiến trường miền Nam nước ta. Kế thừa, vận dụng phát triển nghệ thuật quân sự truyền thống Việt Nam và quán triệt sâu sắc đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, Quân đội đã phối hợp chặt chẽ với dân quân, du kích và nhân dân; kết hợp chặt chẽ đánh nhỏ, đánh vừa, đánh lớn; giữa tác chiến của binh đoàn chủ lực với LLVT địa phương; giữa tiến công và nổi dậy. Trong đó, tác chiến của các binh đoàn chủ lực, bằng các chiến dịch quy mô lớn mang tính quyết định, nổi bật là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đưa non sông về một mối. Bên cạnh đó, Quân đội ta đã sát cánh chiến đấu cùng các LLVT cách mạng và nhân dân yêu nước Lào và Cam-pu-chia, góp phần xây dựng cơ sở cách mạng và LLVT của bạn, cùng với bạn từng bước đẩy mạnh chiến tranh cách mạng. Trải qua hơn 20 năm vừa chiến đấu, vừa xây dựng trong cuộc chống Mỹ, cứu nước, Quân đội ta đã ghi tiếp vào lịch sử của mình một chiến công hiển hách: cùng toàn dân đánh thắng kẻ thù xâm lược có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh nhất thời đại, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, làm tròn nghĩa vụ quốc tế với hai nước bạn Lào và Cam-pu-chia.
Sau khi giành độc lập, thống nhất, cả nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và BVTQ. Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, Quân đội ta đã thực hiện tốt nhiệm vụ trung tâm thường xuyên là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; tổ chức bố trí lại lực lượng trên phạm vi cả nước, nhất là tăng cường lực lượng phòng thủ trên các hướng chiến lược, khu vực quan trọng, vùng biển, đảo và biên giới đất liền, các trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa. QĐND tiếp tục được xây dựng theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, bảo đảm đủ sức làm nòng cốt cho toàn dân trong sự nghiệp BVTQ, sẵn sàng đánh bại chiến tranh xâm lược ở mọi quy mô, hình thức; trước hết và thường xuyên chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Việc kết hợp kinh tế với quốc phòng; xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) vững chắc được Quân đội thực hiện có hiệu quả với vai trò là lực lượng nòng cốt. Công tác đối ngoại quốc phòng trong bối cảnh hội nhập quốc tế được mở rộng, đã góp phần thiết thực BVTQ từ xa.
Hai là, QĐND tích cực tham gia vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Ngay sau cuộc kháng chiến chống Pháp, thực hiện chủ trương của Đảng về giảm quân số và xây dựng miền Bắc XHCN, ngày 23-8-1956, Cục Nông Binh được thành lập theo Quyết định của Bộ Quốc phòng; đồng thời, điều chuyển gần 08 vạn cán bộ, chiến sĩ Quân đội sang làm nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế. Lực lượng này đã cùng cán bộ một số ngành kinh tế nhà nước tổ chức thành các đơn vị sản xuất kinh tế (cấp sư đoàn, trung đoàn) tham gia khôi phục kinh tế đất nước bị chiến tranh tàn phá, xây dựng các cơ sở kinh tế, như nhà máy tại Thái Nguyên, Việt Trì, Quảng Ninh; công trình Đại thủy nông Bắc Hưng Hải; xây dựng 29 nông trường khắp miền Bắc, từ Mộc Châu (Sơn La), Nghĩa Lộ, Than Uyên (Yên Bái), Đoan Hùng (Phú Thọ), Đồng Giao (Ninh Bình); khai hoang lấn biển trồng cói, nuôi trồng thủy sản ở Thái Bình, Thanh Hóa đến các nông trường Đông Hiếu, Tây Hiếu (Nghệ An) và Lệ Thủy, (Quảng Bình),… Những nhà máy, công trình, nông trường mà Quân đội tham gia xây dựng, không những làm khởi sắc miền Bắc XHCN, mà còn hình thành những cơ sở kinh tế quốc phòng, sẵn sàng chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam.
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 15 (khóa II) Về tăng cường đoàn kết, kiên quyết đấu tranh giữ vững hòa bình, thực hiện thống nhất nước nhà, Quân đội đã cùng với nhân dân miền Bắc tập trung chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. Theo đó, Bộ Quốc phòng đã bàn giao 29 nông trường do Quân đội xây dựng với 153.025 ha đất và gần 04 vạn cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên sang Bộ Nông Nghiệp quản lý. Đồng thời, chuyển hướng nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế sang quy mô và hình thức rộng hơn, gắn với xây dựng hậu phương chiến tranh trên cả nước mà trọng tâm là xây dựng hậu phương tại chỗ trên chiến trường miền Nam. Lực lượng lao động sản xuất tại các đơn vị đã tham gia xây dựng căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần tại chỗ trên các vùng chiến lược, nhất là ở Khu 5, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ. Đến những năm cuối của cuộc chiến tranh chống Mỹ, Bộ Quốc phòng còn đưa 20 trung đoàn sản xuất từ miền Bắc, với quân số gần 40.000 người và các loại vũ khí, trang bị cần thiết, vào xây dựng căn cứ hậu phương tại chỗ ở miền Nam (đến cuối năm 1974 đã có 15 trung đoàn đứng chân hoạt động ở Tây Nguyên, 05 trung đoàn hoạt động ở vùng Bãi Cát Tiên thuộc miền Đông Nam Bộ). Các căn cứ này vừa tổ chức sản xuất hậu cần cung cấp cho chiến trường, vừa là lực lượng chuẩn bị cho kinh tế quốc doanh khi miền Nam được giải phóng.
Bước sang thời kỳ xây dựng và BVTQ, Bộ Quốc phòng đã chủ động đề xuất với Đảng, Nhà nước các chủ trương, giải pháp để chuyển một phần lực lượng quân đội sang làm nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế. Sau khi Tổng cục Xây dựng kinh tế được thành lập, theo Nghị định 59/NĐ-CP của Chính phủ, đã có 28 vạn cán bộ, chiến sĩ sang làm nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế. Trong đó, lấy Bộ đội Trường Sơn làm nòng cốt (với gần 05 vạn quân), cùng với lực lượng các tổng cục, quân khu, được tổ chức thành 06 binh đoàn và 12 trung đoàn sản xuất kinh tế. Các đơn vị này đã tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh; đồng thời, triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng kinh tế trên mọi miền đất nước, chủ yếu là miền núi, vùng biên giới, ven biển. Trong đó, trọng tâm là thực hiện các chương trình, dự án kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, như: xây dựng đường tàu thống nhất Bắc - Nam, đường Trường Sơn Đông; khai hoang, xây dựng các khu kinh tế mới ở Tây Nguyên và vùng cực Nam Trung Bộ; khai hoang, phục hóa, mở rộng đất sản xuất nông nghiệp ở Đông Nam Bộ, khu vực Đồng Tháp Mười; quai đê lấn biển, mở rộng đất trồng lúa, cói, nuôi trồng thủy sản ở đồng bằng Bắc Bộ; khai khoáng ở Quảng Ninh, Lạng Sơn,… Sự tham gia tích cực của Quân đội trong lĩnh vực này không chỉ nhằm phát triển kinh tế, ổn định và nâng cao đời sống nhân dân, mà còn tạo thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc. Chính vì vậy, khi xảy ra chiến tranh ở biên giới Tây Nam và phía Bắc, các công trường, nhà máy, xí nghiệp, nông trường, lâm trường của Quân đội là những đơn vị đầu tiên trở lại đội ngũ cầm súng chiến đấu đánh trả quân xâm lược trên tuyến đầu Tổ quốc, ngay những ngày đầu, trong những giờ, phút đầu tiên. Hiện nay, nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội có sự phát triển cả về quy mô, phạm vi và phương thức hoạt động. Trong đó, đã chú trọng việc kiện toàn, bố trí, sắp xếp lực lượng phù hợp với nhiệm vụ Quân đội trong tình hình mới; hình thành các loại hình hoạt động: xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng, phát triển các doanh nghiệp quân đội, lực lượng thường trực tham gia lao động sản xuất,…
Cùng với đó, Quân đội còn thực hiện hoàn thành xuất sắc chức năng của “đội quân công tác”. Tích cực tham gia có hiệu quả công tác vận động quần chúng, giúp nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo,… Đặc biệt, thông qua các hoạt động nổi bật, như: rà phá bom, mìn, vật liệu nổ, khắc phục hậu quả sau chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra (lụt, bão, cháy rừng,… tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn),… càng góp phần làm sáng ngời phẩm chất và hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân.
60 năm đã qua, nhưng lời căn dặn của Bác Hồ đối với cán bộ Đại đoàn 308 ở Đền Hùng vẫn còn nguyên giá trị. Lời dạy đó của Người, được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội luôn khắc ghi trong tâm khảm và coi đó là Mệnh lệnh thiêng liêng, tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt đối với Quân đội và dân tộc. Thực hiện lời dạy của Bác, QĐND nguyện phát huy bản chất, truyền thống, cùng toàn Đảng, toàn dân quyết tâm thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
HÀ THÀNH _______
1 - Sự nghiệp và tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb QĐND, H. 2002, tr. 472.
Lời Bác dạy,dựng nước,giữ nước
Nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh trong Chiến dịch tiến công Tây Sơn Tịnh năm 1966 21/11/2024
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào 29/10/2024
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 - nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng 24/10/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Bu Prăng - Đức Lập năm 1969 27/09/2024
Nghệ thuật chỉ đạo của Đảng về tạo và nắm thời cơ, giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 19/08/2024
Nghệ thuật đánh trận then chốt quyết định trong Chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức năm 1974 15/07/2024
Nhà Lý kết hợp tiến công quân sự với biện pháp ngoại giao để kết thúc chiến tranh, kiến tạo hòa bình 24/06/2024
Chiến dịch Long Khánh năm 1969 - nét đặc sắc của nghệ thuật tập kích 04/06/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Trung - Hạ Lào năm 1954 22/04/2024
Nét nổi bật về nghệ thuật đánh trận mở đầu trong Chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 1954 15/02/2024
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 - nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh trong Chiến dịch tiến công Tây Sơn Tịnh năm 1966