Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Chủ Nhật, 27/01/2013, 10:00 (GMT+7)
Đoàn kết chiến đấu giữa quân, dân tỉnh Quảng Trị với tỉnh Sa-va-na-khét và Sa-la-van (Lào) – biểu tượng của tình hữu nghị Việt - Lào

Tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước luôn bảo đảm thông suốt, vững chắc do nhiều nguyên nhân; trong đó, sự phối hợp chiến đấu bảo vệ tuyến đường phía Tây Trường Sơn của quân, dân tỉnh Quảng Trị và hai tỉnh Sa-va-na-khét, Sa-la-van của nước bạn Lào có ý nghĩa quan trọng.

Đồng chí Sa Mạn thay mặt Bộ chỉ huy tối cao Pa-thét Lào trao cờ cho Quân tình nguyện Việt Nam trong dịp tổng kết hoàn thành nhiệm vụ chiến dịch 1972. Ảnh tư liệu
 

Để kịp thời chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, tháng 5-1959, Trung ương Đảng, Bác Hồ quyết định mở tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn. Theo đó, tuyến vận tải Đông Trường Sơn đã sớm khai thông. Nhưng chẳng được bao lâu, địch đã phát hiện và cho không quân đánh phá dữ dội, hòng ngăn chặn nguồn cung cấp từ hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam. Vì thế, việc tập kết hàng hóa, vũ khí, súng đạn của ta gặp nhiều khó khăn, có lúc bị đình trệ.

Trước tình hình đó, Trung ương Đảng chủ trương: một mặt, kiên quyết giữ vững tuyến đường phía Đông Trường Sơn; mặt khác, chỉ đạo Đoàn 559 phối hợp với tỉnh Quảng Trị nghiên cứu địa hình, xác định các nhánh phát triển tuyến vận tải chiến lược sang phía Tây dãy Trường Sơn. Quán triệt chủ trương của Trung ương Đảng và Bác Hồ, tỉnh Quảng Trị cùng Ban Cán sự miền Tây Trị - Thiên chủ động liên hệ và tổ chức cuộc họp với đồng chí Khăm Xeng - cán bộ quân sự Trung ương Đảng nhân dân Lào (nay là Đảng nhân dân cách mạng Lào) và đại diện lãnh đạo các huyện dọc tuyến đường phía Tây: Mường Noòng, Xê Pôn, Xù Muồi, tạo được sự thống nhất cao trong việc mở tuyến vận tải sang phía Tây dãy Trường Sơn. Việc mở cung đường phía Tây dãy Trường Sơn và các đường nhánh nối giữa Đông và Tây Trường Sơn lúc bấy giờ gặp nhiều khó khăn do mùa mưa, đèo cao, vực sâu, phải bảo đảm bí mật... nên mọi công việc phải dùng sức người là chủ yếu. Được sự giúp đỡ tận tình của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các bộ tộc Lào anh em, nhất là nhân dân ở các địa phương tuyến đường đi qua (bản Xa Lu, Bốc Đan tỉnh Sa-la-van; Xa Đu - Mường Phìn, Đen-vi-lay - Mường Noòng, Bản Đôn, Xa-ki-xin, Đen-sa-van, Bản Túp - Xê Pôn... tỉnh Sa-va-na-khét) các đơn vị thuộc Đoàn 559 đã vượt qua mưa rừng, thác lũ, đào đắp, vận chuyển hàng vạn mét khối đất đá để san đường, mở lối, nối thông tuyến đường phía Tây Trường Sơn.

Mở đường đã khó, nhưng bảo vệ và bảo đảm cho các chuyến hàng tiếp tục vào Nam còn khó khăn, phức tạp hơn nhiều. Tháng 02-1961, để cắt đứt tuyến đường Trường Sơn, quân đội Mỹ cấu kết với phái Phu-mi-nô-xa-vẳn mở nhiều cuộc càn quét vào khu căn cứ của ta ở Tây Trường Sơn. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, lực lượng vũ trang Quảng Trị đã tích cực phối hợp với Mặt trận Lào yêu nước (tỉnh Sa-va-na-khét, Sa-la-van) tổ chức đánh địch khắp nơi, làm cho chúng thiệt hại nặng nề, giữ vững vùng căn cứ cách mạng Đông, Tây Trường Sơn. Các đơn vị làm tốt công tác dân vận nên đã huy động được nhiều tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên dân tộc Pa Cô, Vân Kiều tham gia gùi, thồ, nhiều chuyến hàng năng suất lên đến 90 - 100 kg; thậm chí nhiều em nhỏ 13, 14 tuổi cũng tình nguyện lên mặt đường gùi thồ hàng hóa giúp cán bộ, chiến sĩ. Khi Tuyến đường gặp khó khăn do thời tiết hoặc bị địch đánh phá hư hỏng, bà con nhân dân Xê Pôn, Mường Noòng (Sa-va-na-khét), Xù Muồi (Sa-la-van) còn tự tháo dỡ nhà cửa, lấy gỗ lót đường, thông xe, thông tuyến; nhường bữa cho bộ đội, dân công; đưa thương binh, bệnh binh về nhà chăm sóc, cứu chữa. Nhờ đó, tuyến đường Đông - Tây Trường Sơn luôn được giữ vững, vũ khí, khí tài vẫn được vận chuyển cung cấp cho các chiến trường.

Ngày 05-9-1962, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ Vương quốc Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Đầu năm 1963, Vua Lào Xri-xa-vang Vát-tha-na dẫn đầu Đoàn đại biểu Hoàng gia Lào thăm Việt Nam. Trong buổi chiêu đãi, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Hai dân tộc Việt và Lào sống bên nhau trên cùng một dải đất, cùng có chung một dãy núi Trường Sơn. Hai dân tộc chúng ta đã nương tựa vào nhau, giúp đỡ lẫn nhau như anh em. Trải qua nhiều năm đấu tranh gian khổ và anh dũng, nhân dân hai nước chúng ta đã giành độc lập, đã làm chủ đất nước của mình. Ngày nay chúng ta lại đang giúp đỡ nhau để xây dựng một cuộc sống mới. Tình nghĩa láng giềng anh em Việt - Lào thật là thắm thiết không bao giờ phai nhạt được”1. Tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc, hai nhà nước tiếp tục được khẳng định và nâng lên tầm cao mới là cơ sở để phát huy sức mạnh toàn dân bảo vệ, vận chuyển hàng hóa qua Trường Sơn vào chiến trường miền Nam, chiến trường Trung và Hạ Lào.

Năm 1967, Mỹ, ngụy lập Hàng rào điện tử Mắc-na-ma-ra án ngữ một vùng rộng lớn từ Cửa Việt đến Hướng Hoá; đồng thời, tăng cường nhiều đơn vị thiện chiến đến Quảng Trị hòng thiết lập bộ máy cai trị, dựng đồn bốt. Tuyến đường (Đông và Tây) Trường Sơn liên tục bị địch pháo kích, oanh tạc bằng máy bay, trong đó có cả máy bay B.52. Trước tình hình đó, quân dân ba tỉnh: Quảng Trị, Sa-va-na-khét, Sa-la-van cùng Đoàn 559 chủ động, linh hoạt, sáng tạo mở thêm nhiều đường mới, hình thành các binh trạm để tiếp nhận và vận chuyển hàng hóa theo cung đường phía Tây Trường Sơn. Các địa phương cũng phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực tổ chức nhiều trận đánh, tiêu diệt nhiều sinh lực địch và làm thất bại âm mưu của chúng. Nổi bật là các trận tiến công vào Đầu Mầu, Tân Lâm, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Đông Hà... làm cho quân Mỹ vô cùng khiếp đảm, kinh sợ.

Năm 1968, Mỹ, ngụy dồn sức đánh phá hòng quyết cắt đứt tuyến vận tải Trường Sơn của ta. Từ ngày 19-4-1968, chúng cho máy bay trực thăng đổ quân xuống thung lũng A Sầu (địa bàn thuộc Binh trạm 42, căn cứ Hậu cần của Đoàn 559), Đờ-ru Đốc (địa bàn Binh trạm 44) đánh chiếm các vị trí này. Chúng đã bị các đơn vị bộ đội chủ lực của Quân khu Trị - Thiên, Đoàn 559 phối hợp với bộ đội Pa-thét Lào đánh cho thiệt hại nặng nề, buộc phải rút khỏi địa bàn. Tuyến vận tải Trường Sơn và các binh trạm của Đoàn 559 được bảo vệ an toàn. Đến năm 1971, Mỹ, ngụy mở cuộc hành binh “Lam Sơn 719” với ý đồ tiến công tiêu diệt lực lượng của ta từ Đông Hà lên Khe Sanh qua Xê Pôn, cắt đứt hoàn toàn tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, quân và dân Quảng Trị kiên cường bám trụ, phối hợp với bộ đội chủ lực, quân và dân Sa-va-na-khét, Sa-la-van liên tục tiến công đánh bại cuộc hành binh đầy tham vọng của địch. Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào năm 1971 là biểu hiện rực rỡ của Liên minh chiến đấu giữa quân, dân Quảng Trị và quân, dân Sa-va-na-khét, Sa-la-van. Ngày 01-4-1972, căn cứ Dốc Miếu - “con mắt thần” “bất khả xâm phạm” của địch đã bị phá nát, kết thúc 5 năm tồn tại của hệ thống phòng thủ được coi là mạnh nhất của quân đội Mỹ trên chiến trường Việt Nam. Chiến lược chia cắt “Đường Hồ Chí Minh”, ngăn chặn sự tiếp tế của miền Bắc đối với chiến trường miền Nam và chiến trường Lào của địch đã bị phá sản hoàn toàn. Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh vẫn kiên cường, đứng vững để vận chuyển những chuyến hàng “nặng trĩu” nghĩa tình từ hậu phương miền Bắc vào tiền tuyến miền Nam.

Năm 1974, tình hình cách mạng của Việt Nam và Lào chuyển biến mau lẹ, ở thế thắng, thế đi lên. Để phục vụ cho kế hoạch mở cuộc Tổng tiến công chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, việc cung cấp vật chất hậu cần - kỹ thuật, nhất là vũ khí, đạn dược và nhiên liệu bảo đảm cho các binh đoàn chủ lực chiến đấu trên các chiến trường trở nên vô cùng cấp thiết; trong đó, việc xây dựng tuyến đường ống dẫn nhiên liệu từ miền Bắc vào sâu các chiến trường miền Nam có ý nghĩa quan trọng. Quân và dân ba tỉnh Quảng Trị, Sa-va-na-khét, Sa-la-van lại hăng hái bước vào trận chiến đấu mới, vừa làm tốt việc bảo vệ an toàn tuyến đường Trường Sơn và tuyến đường ống dẫn dầu, vừa hăng hái tham gia vận chuyển hàng hóa, vũ khí, khí tài cho chiến trường miền Nam, Lào và Cam-pu-chia. Để bảo vệ an toàn tuyến vận tải Trường Sơn, quân và dân Quảng Trị, Sa-va-na-khét, Sa-la-van đã không quản gian lao thử thách, với tinh thần “sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Tất cả để giải phóng quê hương Việt – Lào”, đã kề vai, sát cánh bên nhau, đượm tình đồng chí anh em, chiến đấu và giành chiến thắng. Trong cuộc chiến đấu này đã có hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, nhân dân của quê hương Quảng Trị, Sa-va-na-khét, Sa-la-van anh dũng hy sinh cho tuyến đường Trường Sơn thông suốt, vì nền độc lập dân tộc của hai nước Việt - Lào. Quân, dân Quảng Trị, Sa-va-na-khét, Sa-la-van có quyền tự hào đã đóng góp xứng đáng công sức và trí tuệ của mình bảo vệ tuyến vận tải chiến lược: Đường Trường Sơn, Đường Hồ Chí Minh – con đường huyền thoại./.

Đại tá HỒ THANH TỰ

Ủy viên Ban TVTU, Chỉ huy trưởng BCHQS tỉnh Quảng Trị

 

______________

1- Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 1996, tr. 37.

 
Ý kiến bạn đọc (0)

"Sự kiện Vịnh Bắc Bộ" năm 1964 và bài học Chiến thắng trận đầu của quân, dân miền Bắc
Ngày 05-8-1964, với việc dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, đế quốc Mỹ đã phát động cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân, hòng đè bẹp ý chí chiến đấu của nhân dân Việt Nam. Song, chúng đã bị quân và dân miền Bắc giáng trả những đòn thích đáng, với những nét nghệ thuật đặc sắc.