Chủ Nhật, 24/11/2024, 01:00 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam
Trận Chương Dương - Thăng Long “... thu phục được kinh thành là chiến công to nhất lúc bấy giờ”1 của nhà Trần, góp phần đặc biệt quan trọng vào thắng lợi cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông xâm lược lần thứ hai (năm 1285). Trận đánh để lại nhiều bài học về nghệ thuật quân sự, đặc biệt là nghệ thuật điều, dụ địch.
Lược đồ diễn biến Cuộc kháng chiến lần thứ Hai chống quân Nguyên năm 1285 (Ảnh tư liệu)
Thực hiện ý đồ phản công chiến lược của Bộ Thống soái nhà Trần, tháng 5-1258, Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật và các tướng lĩnh khác đem quân tiến ra Bắc trong điều kiện hai tập đoàn quân lớn của địch (Thoát Hoan và Toa Đô) không thể chi viện, phối hợp được với nhau và sức chiến đấu của chúng đã sa sút nặng. Trước tiên, ta tiêu diệt một số đồn địch dọc sông Hồng như: A Lỗ, Tây Kết, Hàm Tử,... tạo bàn đạp để tiến lên giải phóng Thăng Long. Địch đóng tại Thăng Long với lực lượng còn tương đối mạnh (khoảng 10 vạn quân), ngoài ra còn một số đồn trại đóng tại các làng xung quanh Kinh thành; trong đó có đồn Chương Dương chúng tập trung lực lượng thủy binh để bảo vệ phía Nam Thăng Long. Ta xác định, mục tiêu chủ yếu là giải phóng Thăng Long; nhưng nếu đánh thẳng vào đó, thì khó có thể giải quyết được và sẽ tổn thất nhiều, ảnh hưởng tới toàn cục nên nhà Trần quyết định đánh Chương Dương. Với khí thế áp đảo, quân sĩ nhà Trần cùng dân binh các lộ đã phối hợp chiến đấu anh dũng, nhanh chóng hạ đồn Chương Dương, thu nhiều thuyền bè và quân lương của địch; đồng thời, tổ chức trận mật phục đoạn Chương Dương - Thăng Long. Sau khi đồn Chương Dương bị hạ, quân địch từ Thăng Long kéo ra hòng tiêu diệt chủ lực ta, chiếm lại mục tiêu đã mất. Để cho địch cơ động đến gần Chương Dương, quân dân nhà Trần bất ngờ tiến ra chặn đầu, khóa đuôi, dồn địch vào trận địa phục kích, nhanh chóng hình thành nhiều mũi, hướng, tiêu diệt phần lớn lực lượng địch, còn lại số ít tháo chạy về Thăng Long. Thừa thắng, quân sĩ nhà Trần tập trung toàn bộ lực lượng bao vây chặt và liên tục tiến đánh Thăng Long. Trước sức tiến công mãnh liệt của ta, địch không chống đỡ nổi, buộc phải tháo chạy qua sông Hồng sang vùng Kinh Bắc; kinh thành Thăng Long được giải phóng. Như vậy, để tiến đánh và làm chủ Thăng Long, nhà Trần đã đánh Chương Dương để “khêu ngòi”, kéo lực lượng địch ở Kinh thành ra ngoài tiêu diệt, đẩy chúng vào thế bất lợi, từ đó nhanh chóng bao vây, đánh chiếm Thăng Long. Đó là nét đặc sắc về nghệ thuật điều, dụ địch của quân, dân nhà Trần; nghệ thuật đó nổi bật trên một số nội dung chủ yếu sau:
1. Chủ động tạo và tận dụng thời cơ để điều, dụ địch. Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá chính xác tình hình mọi mặt, nhà Trần đã quyết định chọn Chương Dương làm mục tiêu khêu ngòi để điều, dụ địch; vì Thăng Long là cơ quan đầu não của quân xâm lược, lực lượng đồn trú ở đây còn mạnh. Ngoài ra, chúng còn bố trí các tuyến canh phòng cẩn mật, từ xa, trong đó căn cứ Chương Dương là tiền đồn ở phía Nam. Sau khi không thực hiện được mưu đồ quyết chiến với quân chủ lực của nhà Trần để kết thúc chiến tranh, đạo quân xâm lược rút về đồn trú ở Thăng Long và một số khu vực xung quanh để củng cố lực lượng, chờ viện binh. Nhưng, chúng đã bị quân, dân nhà Trần bao vây, cô lập, lương thực cạn kiệt, bệnh dịch hoành hành. Mặt khác, lại bị quân của Triều đình và dân binh ở các lộ đánh khắp nơi, làm cho địch suy yếu cả về thế và lực. Các yếu tố đó đã tạo ra thời cơ thuận lợi để quân, dân nhà Trần thực hiện trận đánh quyết định giải phóng Thăng Long, đưa vua tôi nhà Trần trở về Kinh thành. Trong lúc địch chú trọng tổ chức lực lượng phòng, giữ hướng Bắc, nhằm nối thông với chính quốc, sẵn sàng đón chi viện, nên phía Nam có phần sơ hở. Nắm chắc thời cơ đó, quân chủ lực của nhà Trần chọn Chương Dương làm mục tiêu và bất ngờ tiến đánh, làm cho chúng choáng váng, không kịp chống đỡ. Mất Chương Dương - một căn cứ rất quan trọng ở hữu ngạn sông Hồng, buộc địch phải điều quân tới hòng chiếm lại. Như vậy, ta đã điều, dụ quân địch hành động theo ý định của mình. Khi địch tập trung lực lượng đi ứng cứu Chương Dương, chỉ để lại một phần lực lượng ở lại Thăng Long. Như vậy, địch bộc lộ hai điểm yếu: 1. Bộc lộ lực lượng trên đường đi ứng cứu Chương Dương. 2. Lực lượng ở Thăng Long còn ít. Đây là thời cơ thuận lợi để ta phục kích đánh địch trên đường ứng cứu, chi viện và bao vây, cô lập, tiến đánh Thăng Long. Từ thực tế trên cho thấy, trong tác chiến, việc tạo thời cơ và nắm thời cơ có vai trò rất quan trọng, thậm chí là quyết định một trận đánh, một chiến dịch và có thể là một cuộc chiến tranh. Vì thế, người chỉ huy phải nắm chắc thời cơ do cấp trên và các lực lượng khác tạo ra; đồng thời, chủ động tạo ra thời cơ của trận đánh.
2. Chọn mục tiêu đánh khêu ngòi, điều, dụ địch đến khu vực tác chiến theo ý định của ta. Nghiên cứu, đánh giá đúng tình hình khu vực Thăng Long, nên quân, dân nhà Trần quyết định chọn căn cứ Chương Dương làm mục tiêu đánh khêu ngòi. Đây là quyết định đúng đắn, sáng tạo và chính xác của nhà Trần. Vì địch ở phía Bắc chủ yếu đồn trú dọc theo các tuyến đường, bên kia sông Hồng. Bộ phận chủ yếu của quân xâm lược đóng quân trong thành Thăng Long và các làng xung quanh, tạo thành lực lượng phòng ngự trực tiếp bên trong. Số còn lại, chúng bố trí một số đồn lũy ở phía ngoài, dọc sông Hồng, trong đó có căn cứ Chương Dương. Nếu ta đánh vào các căn cứ ở phía Bắc sông Hồng, khả năng ứng cứu của địch là rất ít, vì phải vượt sông rất phức tạp. Hơn nữa, Chương Dương là căn cứ duy nhất còn lại nằm ở hữu ngạn sông Hồng, cách Thăng Long khoảng 20 km về phía Nam. Bởi vậy, để bảo vệ phía Nam Thăng Long, quân địch bắt buộc phải giữ bằng được căn cứ này làm lá chắn. Mất Chương Dương, thành Thăng Long sẽ hở sườn phía Nam, không có lực lượng bảo vệ từ xa, rơi vào thế cô lập, phạm vi chiếm đóng của chúng bị thu hẹp. Đặc biệt, Chương Dương lại là một căn cứ thủy binh quan trọng của địch, nếu lực lượng này bị tiêu diệt đồng nghĩa với việc Thoát Hoan mất đi một bộ phận thủy binh tinh nhuệ, các hoạt động tác chiến tiếp theo sẽ gặp không ít khó khăn. Hơn nữa, đánh Chương Dương, nhà Trần có thời gian triển khai cả bộ binh và thủy binh; đồng thời, chủ lực ta ở đó sẽ là “miếng mồi ngon” để dụ địch đến quyết chiến. Vì vậy, Chương Dương bị đánh, khả năng địch đưa lực lượng tinh nhuệ từ Thăng Long ra ứng cứu là rất cao. Thực tế cho thấy, khi ta đánh Chương Dương, Thoát Hoan lập tức điều lực lượng thiện chiến từ Thăng Long ra chi viện, hòng chiếm lại Chương Dương. Như vậy, do chọn mục tiêu khêu ngòi chính xác, nên đã buộc địch phải điều quân đến chi viện, tạo điều kiện để ta tiêu diệt lớn quân địch trên đường cơ động. Từ đó cho thấy, để chọn mục tiêu khêu ngòi chính xác, cần nghiên cứu, đánh giá rất kỹ và sát thực những điểm mạnh, điểm yếu trên tất cả các mặt về thế và lực của địch liên quan trực tiếp tới mục tiêu ta lựa chọn. Đồng thời, cần xem xét mục tiêu khêu ngòi phải có giá trị, đó là khi ta vây hoặc đánh sẽ tác động mạnh mẽ tới toàn bộ lực lượng địch ở mục tiêu chủ yếu mà ta cần kéo chúng ra ngoài để tiêu diệt, làm giảm sức mạnh của địch, đẩy chúng vào thế hoàn toàn bị động. Giải quyết mục tiêu đó không phải là mục đích chính, mà chỉ là một biện pháp thu hút địch để đánh mục tiêu chủ yếu.
3. Tạo lập thế trận có lợi tiêu diệt địch. Có thể nói, thực hiện kế “Điệu hổ ly sơn” - điều, dụ lực lượng cơ động thiện chiến của địch ra khỏi Thăng Long để tiêu diệt, đồng thời làm giảm sức mạnh của chúng ở đó là một việc rất khó. Song, quân, dân nhà Trần đã làm được, điều, dụ được địch vào nơi đã chuẩn bị trước thế trận để tiêu diệt. Cùng với đó, quân dân nhà Trần lại tổ chức tiến công liên tục vào các căn cứ của địch ở khắp nơi, gây cho chúng nhiều tổn thất nặng nề về nhân lực, vật lực. Đặc biệt, sau khi các căn cứ: A Lỗ, Tây Kết, Hàm Tử bị ta tiêu diệt, lực lượng, sức mạnh của địch đã giảm sút đáng kể, tinh thần quân, tướng hoang mang, dao động; trong khi đó, khí thế, tinh thần chiến đấu chống ngoại xâm của quân, dân nhà Trần lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Cùng với việc tận dụng thế trận chiến lược tạo ra, nhà Trần đã tạo lập thế trận trực tiếp để tiêu diệt địch, bằng việc tổ chức những trận đánh nhỏ rộng khắp xung quanh Thăng Long để quấy rối, gây tư tưởng hoang mang, bất ổn, làm phân tán địch về các hướng khác. Đồng thời, quân dân nhà Trần đã tập trung lực lượng đủ mạnh, bí mật triển khai đội hình bao vây, cô lập và tổ chức nhiều hướng, mũi tiến công tiêu diệt địch ở Chương Dương. Đây là trận đánh có giá trị cao về nghệ thuật tạo, lập thế trận điều, dụ địch. Khi địch bị tiêu diệt ở Chương Dương, ngoài việc thu thuyền, bè và quân lương của địch, ta đã mở toang cánh cửa phía Nam Thăng Long, giành thế chủ động tiến công và đưa địch vào thế bị động chống đỡ, buộc chúng phải điều viện quân. Để phục kích tiêu diệt lực lượng cơ động ứng cứu của địch, quân sĩ nhà Trần đã lợi dụng sự kín đáo, che chắn của các làng, xóm và địa hình, địa vật trong khu vực gần Chương Dương, bí mật xây dựng trận địa phục kích, triển khai lực lượng thành các bộ phận nhỏ, gọn, bảo đảm cơ động linh hoạt, có thể nhanh chóng tiến công tiêu diệt địch. Khi lực lượng cứu viện của địch lọt vào trận địa phục kích, quân nhà Trần nhanh chóng khóa đuôi, chặn đầu, cô lập địch ở trận địa. Các hướng, mũi ở hai bên sườn đồng loạt tiến công mãnh liệt vào đội hình quân địch, xé chúng ra thành từng bộ phận nhỏ để dễ dàng tiêu diệt. Nên chỉ trong thời gian ngắn, ta đã tiêu diệt một lực lượng lớn quân địch, chỉ còn một bộ phận nhỏ thoát chết, tháo chạy về Thăng Long. Thắng lợi trên cho thấy, để nâng cao hiệu quả trận đánh, thì việc quan trọng hàng đầu là phải thiết lập được thế trận bất ngờ, hiểm hóc, vững chắc.
Ngày nay, nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc có sự phát triển về lý luận, song nghệ thuật điều, dụ địch trong trận Chương Dương - Thăng Long năm xưa vẫn còn nguyên giá trị, cần tiếp tục được nghiên cứu, phát triển và vận dụng một cách linh hoạt, phù hợp với từng tình huống cụ thể.
Đại tá, TS. HOÀNG XUÂN NHIÊN, Học viện Quốc phòng __________________
1 - Hà Văn Tấn, Phạm Thị Tâm - Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ XIII, Nxb QĐND, H. 2003, tr. 251.
Điều,dụ địch,nghệ thuật quân sự
Nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh trong Chiến dịch tiến công Tây Sơn Tịnh năm 1966 21/11/2024
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào 29/10/2024
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 - nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng 24/10/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Bu Prăng - Đức Lập năm 1969 27/09/2024
Nghệ thuật chỉ đạo của Đảng về tạo và nắm thời cơ, giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 19/08/2024
Nghệ thuật đánh trận then chốt quyết định trong Chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức năm 1974 15/07/2024
Nhà Lý kết hợp tiến công quân sự với biện pháp ngoại giao để kết thúc chiến tranh, kiến tạo hòa bình 24/06/2024
Chiến dịch Long Khánh năm 1969 - nét đặc sắc của nghệ thuật tập kích 04/06/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Trung - Hạ Lào năm 1954 22/04/2024
Nét nổi bật về nghệ thuật đánh trận mở đầu trong Chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 1954 15/02/2024
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh trong Chiến dịch tiến công Tây Sơn Tịnh năm 1966