Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Hai, 12/11/2012, 14:44 (GMT+7)
Đấu tranh cùng tồn tại hòa bình – kế sách giữ nước lâu dài của các triều đại phong kiến Việt Nam

Từ thuở lập quốc, các tộc người Việt (Âu Việt và Lạc Việt) đã được thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất giàu tài nguyên, có vùng đồng bằng trù phú. Phía Đông nước ta là biển, không những thuận lợi cho giao thương buôn bán với các nước trong và ngoài khu vực mà còn có thể quai đê lấn biển, mở rộng bờ cõi... Trong quá trình quản lý đất nước, các triều đại Phong kiến Việt Nam (PKVN) đã tận dụng những lợi thế đó, nhưng đồng thời, cũng phải chủ động vượt qua khó khăn của một nước liên tục bị thiên tai tàn phá, đặc biệt là sự xâm lược của phong kiến phương Bắc và sự quấy nhiễu, cướp phá thường xuyên của các thế lực thù địch phía Tây và Nam đất nước. Với ý chí tự lực tự cường của dân tộc, các triều đại PKVN đã thực hiện rất nhiều biện pháp, hình thức đấu tranh phong phú, đa dạng để tồn tại và phát triển, xây dựng quốc gia độc lập, thống nhất, không bị đồng hóa; trong đó, “đấu tranh cùng tồn tại hòa bình” là một trong các kế sách giữ nước được áp dụng có hiệu quả qua nhiều triều đại và trở thành một phương thức để giữ nước, dựng nước của dân tộc. Điều đó được thể hiện ở một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, tranh thủ thời gian hòa bình để xây dựng đất nước vững mạnh về mọi mặt. Trong lịch sử của dân tộc, các triều đại PKVN luôn phải dựa vào sức mạnh nội sinh để dựng nước và giữ nước. Ý thức sâu sắc điều đó, các triều đại PKVN đã nhất quán tư tưởng chỉ đạo và thực hiện các giải pháp nhằm giữ vững ổn định tình hình trong nước, tạo lập môi trường hòa bình để xây dựng đất nước mạnh giàu. Từ thời nước Văn Lang, Âu Lạc sơ khai cho đến các triều đại: Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần,… đều tận dụng triệt để thời gian hòa bình để “an dân, phục quốc”; thậm chí có triều đại còn soạn, bàn, lập kế hoạch xây dựng non sông, đất nước ngay ở giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh. Cùng với đó, nhà nước PKVN thường xuyên chăm lo, xây dựng và củng cố khối đoàn kết toàn dân tộc, coi đây là yếu tố quyết định đến sự hưng thịnh, tồn vong của nước nhà. Trước hết, tập trung tạo sự hòa thuận trong nội bộ triều đình. Vua quan gạt bỏ lợi ích riêng, thù riêng, xóa bỏ hiềm khích, bất đồng, đặt quyền lợi dân tộc làm trọng, vì nước mà tạo dựng thành khối thống nhất “vua tôi đồng lòng” gánh vác non sông. Thứ hai, xây dựng quân đội – lực lượng nòng cốt bảo vệ đất nước thành một khối thống nhất cả về ý chí và hành động. Những người đứng đầu các triều đại PKVN thường là những hào kiệt, trung quân, ái quốc, văn võ song toàn, có khả năng “giơ gậy làm cờ, bốn phương tập hợp” quần chúng. Họ biết “lo cái lo của quân sĩ, đau cái đau của quân sĩ”, đồng cam, cộng khổ, nhường cơm, sẻ áo... cứu đỡ cho quân sĩ trong lúc khó khăn, nguy hiểm. Họ có khả năng nắm bắt tâm tư, tình cảm, giải quyết thấu đáo các mối quan hệ giữa chỉ huy và binh sĩ, tạo dựng tinh thần “chia ngọt, xẻ bùi” giữa các binh sĩ với nhau... Chính vì lẽ đó, nhiều triều đại PKVN đã xây dựng được quân đội có kỷ luật chặt chẽ, nghiêm minh, thống nhất từ trên xuống dưới; khi ra trận “tướng sĩ một lòng phụ tử”, gan dạ chiến đấu không sờn lòng. Thứ ba, xây dựng mối đoàn kết gắn bó giữa triều đình với các địa phương trên mọi miền đất nước, đặc biệt là với các địa phương vùng sâu, vùng xa. Các triều đại PKVN thường lựa chọn những tướng giỏi, hiểu tiếng, hiểu người các dân tộc trong nước, có khả năng tập hợp dân chúng, cử về các địa phương kết mối giao hảo anh em với các “đạo”, “chúa” ở xa, thuyết phục họ một lòng, một dạ phục vụ triều đình, tránh việc đòi “cát cứ”. Nhiều người đứng đầu nhà nước PKVN song song với việc ban hành những chính sách rất nhân văn, như: quan tâm chăm sóc những người nghèo đói lưu lạc, giúp họ an cư lạc nghiệp..., còn coi trọng, xây dựng, ban hành những quy định rất ngặt nghèo nhằm nghiêm trị những kẻ cố tình gây chia rẽ đoàn kết dân tộc. Do đó, khối cộng đồng các tộc người Việt ngày càng được củng cố chặt chẽ, bền vững, tạo thành sức mạnh “vô địch” phòng, chống thiên tai, ngoại xâm bảo vệ đất nước.

Cũng nhờ biết động viên sức mạnh của sự đoàn kết, tình yêu quê hương, đất nước, các triều đại PKVN đã xây dựng được hệ thống đê (điển hình là đê Cơ Xá, Đỉnh Nhĩ dài hơn 2.500 km - công trình trị thủy đầu tiên, đầy sáng tạo của dân tộc ta) ngăn sóng, chống lũ và tưới tiêu cho các cánh đồng. Nhờ đó, việc trồng cây lúa nước của nhân dân ta gặp rất nhiều thuận lợi, bớt phụ thuộc vào thiên nhiên như trước đây; đời sống vật chất của nhân dân từng bước được cải thiện. Để nâng cao đời sống văn hóa - tinh thần cho nhân dân, các triều đại PKVN đã cho xây dựng nhiều công trình có giá trị văn hóa - nghệ thuật tiêu biểu, như: vạc Phổ Minh, tháp Bảo Thiên, chuông Quy Điền và tượng Quỳnh Lâm (được gọi là tứ đại khí). Cùng với việc phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, các triều đại PKVN còn chú trọng sắm sửa vũ khí, tích trữ lương thảo, tổ chức luyện tập võ nghệ cho quân sĩ, soạn thảo Binh thư yếu lược... Những thành tựu tiêu biểu trên không những đã góp phần củng cố được sức mạnh bên trong, mà còn tạo thế và lực của đất nước, cho phép ngăn đe, đẩy lùi nhiều cuộc chiến tranh, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, là cơ sở để nhà nước PKVN trường tồn.

Hai là, mở rộng bang giao thân thiện, giữ mối hòa hiếu với các quốc gia láng giềng. Trên cơ sở sức mạnh chính trị, kinh tế, văn hóa và quân sự của đất nước…, các triều đại PKVN thực thi chính sách đối ngoại linh hoạt, mềm dẻo, khôn khéo, nhưng hàm chứa tinh thần quật cường, cứng rắn, kiên quyết không để mất “một thước núi, một tấc sông” của ông cha; không để ô nhục quốc thể, tổn hại thanh danh của dân tộc mà vẫn giữ được mối hòa hiếu bền lâu. Thực hiện chủ trương trên, các triều đại PKVN đã nhiều lần chủ động cử sứ thần mang theo những sản vật quý (sừng tê giác, ngà voi, đồi mồi, châu báu), thậm chí cử cả những nho sĩ, thầy thuốc giỏi sang phục vụ “thiên triều”, v.v, với mục đích tối thượng là nhằm tránh một cuộc chiến tranh có thể bất lợi cho dân tộc. Ngay cả khi vừa giành thắng lợi oanh liệt đánh tan 29 vạn quân Mãn Thanh tại Ngọc Hồi - Đống Đa (năm 1789), để tránh “oán cừu”, Hoàng đế Quang Trung đã viết thư cho vua nhà Thanh “xin được sánh duyên cùng một nàng công chúa Bắc quốc và xin hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây làm đất đóng đô… được vua Càn Long chuẩn tấu”1. Với những biện pháp ngoại giao mềm dẻo, khéo léo và linh hoạt như vậy, các triều đại PKVN đã xây dựng được mối giao hảo láng giềng thân thiện với các nước lân bang (nhất là với nhà nước phong kiến phương Bắc), góp phần đẩy lùi và ngăn chặn các cuộc chiến tranh, vừa giữ vững hòa bình, ổn định, tạo điều kiện, thời cơ để nhân dân ta xây dựng non sông, đất nước ngày càng vững mạnh, hùng cường.

Ba là, vừa đánh, vừa đàm để ít bị tổn thất sinh linh nhất, tránh họa về sau. Trong lịch sử, các triều đại phong kiến phương Bắc thường lấy cớ “trả nợ oán thù xưa” để tiến hành chiến tranh xâm lược đối với nước ta. Với tầm nhìn chiến lược và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh sắc sảo, những người đứng đầu nhà nước PKVN luôn xác định phương sách chỉ đạo các cuộc kháng chiến là sẵn sàng đánh, đánh đến thắng lợi hoàn toàn. Đó là quan điểm nhất quán của dân tộc ta, nhằm kiên quyết quét sạch bóng quân thù ra khỏi bờ cõi, dập tắt ý chí xâm lược của chúng. Tuy nhiên, tùy vào tình hình cụ thể, sau mỗi trận đánh thắng (có thể là tiêu diệt lực lượng quan trọng, thậm chí tiêu diệt toàn bộ quân xâm lược, thu hồi đất đai), nhà nước PKVN lại chủ động tiến hành các hoạt động ngoại giao, đàm phán, “cầu hòa”; mục đích là làm cho kẻ địch không bị mất mặt, thua nhưng vẫn còn cái “danh dự” là nước lớn (nhà Trần, nhà Tây Sơn). Cũng có khi ta đã tiêu diệt được đạo quân chủ lực, tinh nhuệ, xương sống của đoàn quân xâm lược, đặt bộ phận còn lại của chúng vào nguy cơ bị tiêu diệt, nghĩa quân đã gửi tối hậu thư buộc chúng phải nhanh chóng lui quân (nhà Lý, nhà Lê). Trong điều kiện thắng lợi của trận đánh không mang tính quyết định, một số người đứng đầu nhà nước PKVN đã chủ động đàm phán, tạm hòa hoãn, tạo điều kiện, thời gian để chuẩn bị cho những trận đánh tiếp theo thắng lợi giòn giã hơn. Mục đích của việc vừa đánh, vừa đàm hay đánh xong rồi đàm là nghệ thuật kết hợp đúng đắn ý chí kiên cường, bất khuất và tầm nhìn chiến lược. Đó cũng là sự thể hiện lòng yêu chuộng hòa bình thiết tha của các triều đại PKVN. Điều này đã được thể hiện sâu sắc trong lời nói của Nguyễn Trãi với Lê Lợi và các tướng lĩnh Nghĩa quân sau khi diệt xong viện binh địch tại Chi Lăng - Xương Giang trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược: “Tình hình quân giặc trong lúc này, mình phá vào sào huyệt ăn gan uống máu để rửa mối thù sâu không phải là một sự khó khăn. Nhưng thần trộm e như vậy sẽ kết mối thù với triều Minh quá sâu. Vì sự trả thù, vì sự vớt lấy thể diện của một nước lớn, Minh chúa tất lại phái binh sang, như thế cái vạ binh đao biết đến bao giờ cho dứt được, chi bằng ta nên thừa lúc này, kẻ thù lâm vào thế cùng mà cùng họ hòa hiếu để tạo phúc cho cả sinh linh hai nước”2.

Phương thức “Đấu tranh cùng tồn tại hòa bình” được các triều đại PKVN thực hiện rất thành công. Nhờ đó, nhiều thời kỳ, nhân dân ta đã được hưởng nền thái bình vài trăm năm. Kế sách đó tiếp tục được Đảng và Nhà nước ta kế thừa, phát huy trong điều kiện mới. Trước xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng; những lợi ích của các quốc gia, dân tộc, khu vực đan xen, tác động và phụ thuộc lẫn nhau hơn bao giờ hết, thì việc “giữ vững môi trường hòa bình, thuận lợi cho đẩy mạnh CNH,HĐH, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ”3 là vấn đề mang tính nguyên tắc, quốc sách để giữ nước trường tồn cùng thời gian.

NGUYỄN KHẮC LUYỆN

Trường Sĩ quan Lục quân 1

 

                  

1 - Bách khoa tri thức phổ thông, Nxb Văn hóa Thông tin, H. 2000, tr. 265.

2 - Phan Huy Lê, Phan Đại Doãn - Khởi nghĩa Lam Sơn và phong trào giải phóng đất nước vào đầu thế kỷ XV,Nxb KHXH, H. 1969, tr. 240.

3 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 236.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

"Sự kiện Vịnh Bắc Bộ" năm 1964 và bài học Chiến thắng trận đầu của quân, dân miền Bắc
Ngày 05-8-1964, với việc dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, đế quốc Mỹ đã phát động cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân, hòng đè bẹp ý chí chiến đấu của nhân dân Việt Nam. Song, chúng đã bị quân và dân miền Bắc giáng trả những đòn thích đáng, với những nét nghệ thuật đặc sắc.