Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Hai, 05/08/2019, 15:54 (GMT+7)
Đánh thắng trận đầu - nét đặc sắc của nghệ thuật tác chiến phòng không

Đánh thắng trận tập kích đường không đầu tiên của đế quốc Mỹ ra miền Bắc là chiến công vang dội, khẳng định sự trưởng thành vượt bậc của lực lượng Phòng không, nổi bật là nghệ thuật tác chiến phòng không, cơ sở, nền tảng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, buộc đế quốc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân.

Sau khi dựng lên “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, ngày 05-8-1964, đế quốc Mỹ đã sử dụng 64 lần/chiếc máy bay của hải quân từ 02 tàu sân bay Con-xtê-lây-sân (Constellation) và Tai-cơn-đơ-rô-gơ (Ticonderoga) tiến hành cuộc tập kích đường không đầu tiên vào miền Bắc mang tên “Mũi tên xuyên” (Pierce Arrow), tập trung đánh phá 04 khu vực: cảng Gianh (Quảng Bình), Vinh – Bến Thủy (Nghệ An), Lạch Trường (Thanh Hóa), Bãi Cháy (Quảng Ninh). Trong đó, mục tiêu đánh phá chủ yếu là: các căn cứ hải quân, trận địa phòng không và các cơ sở hậu cần, kỹ thuật của ta ở ven biển từ Quảng Bình trở ra.

Trước hành động ngông cuồng, trắng trợn, liều lĩnh của đế quốc Mỹ, quân và dân miền Bắc (nòng cốt là lực lượng phòng không ba thứ quân) đã kiên cường, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, bắn rơi 08 máy bay, bắt 01 giặc lái và bắn hỏng một số chiếc,… lập nên chiến công vang dội đi vào lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước như một sự kiện tiêu biểu cho ý chí quyết chiến, quyết thắng, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam. Chiến thắng trận đầu trên mặt trận đối không đã góp phần cổ vũ mạnh mẽ khí thế đánh Mỹ, củng cố vững chắc niềm tin vào thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà; đồng thời, để lại nhiều bài học quý về nghệ thuật tác chiến phòng không vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Một là, tích cực, chủ động xây dựng, phát triển lực lượng phòng không ba thứ quân, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tác chiến. Trên cơ sở nghiên cứu, nắm chắc tình hình các mặt, nhất là đánh giá chính xác bản chất hiếu chiến và âm mưu leo thang mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc của đế quốc Mỹ, nên ngay từ những năm đầu thập niên 60, Đảng ta đã xác định: “trong khi đẩy mạnh xây dựng chủ nghĩa xã hội và chi viện cho miền Nam, quân, dân miền Bắc phải không ngừng tăng cường tiềm lực quốc phòng, sẵn sàng đối phó với khả năng đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh xâm lược ra cả nước”1. Nếu điều đó xảy ra, vấn đề khó khăn nhất đối với quân, dân miền Bắc là phải đối phó với một loại hình chiến tranh mới - chiến tranh phá hoại bằng không quân; đối tượng tác chiến, gồm nhiều kiểu, loại máy bay hiện đại vào bậc nhất thế giới của Mỹ ở thời điểm đó. Trong khi vũ khí, trang bị kỹ thuật phòng không của ta (lúc bấy giờ) vô cùng hạn chế, chỉ có khả năng đánh máy bay địch ở tầm thấp, một phần ở tầm trung, chưa có tên lửa và máy bay để đánh địch ở tầm cao.

Để đối phó thắng lợi loại hình chiến tranh này, Trung ương Đảng và Chính phủ đã kịp thời đề ra chủ trương, đường lối lãnh đạo phát triển phương thức chiến tranh nhân dân trên mặt trận đối không, chỉ đạo chặt chẽ công tác phòng không nhân dân ở các cấp, từ Trung ương đến địa phương. Trong đó, chú trọng công tác động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân vượt mọi khó khăn, nêu cao ý chí chiến đấu, sẵn sàng đập tan mọi hành động khiêu khích và phá hoại của đế quốc Mỹ khi chúng xâm phạm vùng trời miền Bắc; đồng thời, tập trung xây dựng, phát triển lực lượng phòng không ba thứ quân làm nòng cốt cho toàn dân bắn máy bay Mỹ.

Nhất quán với tư tưởng chỉ đạo và đường lối của Đảng, tháng 7-1963, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định về Công tác phòng không nhân dân. Đến tháng 01-1964, Bộ Tổng Tham mưu được sự ủy nhiệm của Chính phủ đã triệu tập Hội nghị Phòng không nhân dân toàn miền Bắc bàn cách đối phó với âm mưu tiến công đường không của địch. Theo đó, Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng phòng không ba thứ quân khẩn trương kiện toàn tổ chức biên chế, đẩy mạnh phát triển lực lượng2. Công tác huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật phòng không cho các lực lượng được tiến hành chặt chẽ; các cuộc luyện tập về báo động phòng không và diễn tập chống địch tập kích đường không,… được tổ chức ở một số thị xã, thị trấn, mục tiêu quan trọng. Vì vậy, chiến thắng trận đầu không phải là ngẫu nhiên, mà là kết quả của quá trình chuẩn bị toàn diện, khẩn trương, trọng tâm là xây dựng, phát triển lực lượng phòng không ba thứ quân làm nòng cốt. Mặc dù, trận chiến đấu trên không, địch hoàn toàn chủ động về thời gian, mục tiêu, hướng tiến công, quy mô, lực lượng và các thủ đoạn kỹ thuật, chiến thuật đánh phá, vậy mà, trong Cuộc tập kích này, không quân Mỹ đã hoàn toàn bị bất ngờ, bởi sức phản công mãnh liệt, hiệu quả của lực lượng phòng không hùng hậu - điều chúng không bao giờ nghĩ tới.

Hai là, dự kiến chính xác khu vực, mục tiêu đánh phá của địch; tổ chức, sử dụng lực lượng, bố trí đội hình chiến đấu linh hoạt, khoa học, hình thành thế trận phòng không nhân dân liên hoàn, vững chắc, hiểm hóc. Nghiên cứu, dự kiến chính xác khu vực, mục tiêu đánh phá của không quân địch là một nội dung quan trọng, yếu tố tiên quyết để giành thắng lợi trong tác chiến phòng không. Bởi lẽ, chỉ khi nào xác định đúng khu vực, mục tiêu đánh phá của địch, thì lúc đó ta sẽ dự kiến được hướng, đường bay, thủ đoạn đánh phá của chúng. Trên cơ sở đó, người chỉ huy hạ quyết tâm, tổ chức, sử dụng lực lượng, bố trí đội hình chiến đấu sẵn sàng đón, đánh địch đạt hiệu suất cao.

Xuất phát từ các hoạt động khiêu khích của tàu chiến và lực lượng không quân hải quân của Mỹ, Bộ Tổng Tư lệnh đã dự đoán các căn cứ hải quân, trận địa phòng không và các cơ sở hậu cần, kỹ thuật của ta ở ven biển miền Bắc sẽ là mục tiêu đánh phá đầu tiên của địch. Vì vậy, cùng với bố trí lực lượng bảo vệ các mục tiêu ở trong nội địa, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh đã chỉ đạo Quân chủng Phòng không - Không quân tổ chức, sử dụng lực lượng bảo vệ chặt chẽ, an toàn các mục tiêu ven biển. Cụ thể, Quân chủng Phòng không - Không quân sử dụng Trung đoàn ra-đa 290 quản lý vùng trời Khu 4; Trung đoàn 291 quản lý vùng trời đồng bằng Bắc Bộ và hướng Đông - Đông Nam Hà Nội; Trung đoàn 292 quản lý vùng trời phía Tây và Tây Nam Hà Nội. Ngoài nhiệm vụ quan sát, phát hiện mục tiêu trên không, các đơn vị ra-đa còn được trang bị súng máy phòng không 12,7mm, 14,5mm để chiến đấu, tự bảo vệ mình. Hệ thống vọng quan sát mắt được triển khai rộng khắp, chú trọng xung quanh các mục tiêu trọng yếu. Các trung đoàn pháo phòng không được bố trí hợp lý, trực tiếp bảo vệ mục tiêu trọng yếu, ven biển. Trong đó, Tiểu đoàn pháo phòng không 217 (Trung đoàn 240) bảo vệ khu vực Hòn Gai (Quảng Ninh) cơ động 03 đại đội pháo 88mm điều chỉnh đội hình chiến đấu “ôm sát” mục tiêu bảo vệ; đồng thời, bố trí xen kẽ với 01 đại đội súng máy 14,5mm ở khu vực Hà Tu, dãy núi Bài Thơ để đón lõng đường bay của địch từ biển vào đánh phá Bãi Cháy; Trung đoàn 240 bảo vệ khu vực Vinh - Bến Thủy (Nghệ An). Quân chủng Hải quân chuyển trạng thái sẵn sàng sang thời chiến, thành lập Sở Chỉ huy tiền phương ở cảng Gianh; điều chuyển một số tàu tuần tiễu ở phía Bắc tăng cường vào phía Nam; các phân đội tàu tuần tiễu ở vùng biển Quân khu 4 rời cảng ra các khu neo đậu và luân phiên hoạt động tuần tra các vùng biển của ta. Các tàu phóng lôi, các đơn vị pháo bờ biển đều trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Ngoài ra, lực lượng dân quân, tự vệ bắn máy bay bằng súng bộ binh được triển khai phục kích ở các khu vực dự kiến địch bay qua, sẵn sàng đón lõng đánh địch.

Như vậy, với việc tổ chức, sử dụng lực lượng, bố trí đội hình chiến đấu linh hoạt, khoa học, quân, dân miền Bắc đã tạo ra hệ thống lưới lửa phòng không dày đặc, nhiều tầng, nhiều lớp, cả trên bộ, trên sông, trên biển, hình thành thế trận “thiên la, địa võng” khiến cho địch bay vào đánh phá đã khó, bay ra còn khó khăn hơn. Đây là bước phát triển mới về nghệ thuật tác chiến phòng không, nguyên nhân quan trọng góp phần làm nên chiến công đánh thắng trận đầu.

Ba là, tổ chức chỉ huy, hiệp đồng chặt chẽ, phát huy sở trường của từng lực lượng và các loại vũ khí, tạo sức mạnh tổng hợp đánh trả hiệu quả các đợt tiến công đường không của không quân Mỹ. Qua nghiên cứu cho thấy, các đợt tập kích đường không của địch thường tiến hành ồ ạt và rất nhanh, thời cơ phát hiện để bắn máy bay địch rất ngắn, nên Bộ Tổng Tham mưu đã sớm chỉ đạo quân, dân miền Bắc, nòng cốt là lực lượng phòng không tập trung xây dựng thế trận phòng không nhân dân liên hoàn, vững chắc, hiểm hóc chống địch tiến công đường không; Quân chủng Phòng không - Không quân, Quân chủng Hải quân và các địa phương ven biển tổ chức hiệp đồng tác chiến “tay đôi”, “tay ba”. Nội dung hiệp đồng tập trung vào việc thống nhất bố trí các trận địa phòng không bảo vệ các căn cứ hải quân, căn cứ hậu cần, kỹ thuật dọc bờ biển từ Quảng Bình tới Quảng Ninh; tổ chức trinh sát, thông báo, báo động trên không, thời cơ nổ súng, mục tiêu bắn,... cho lực lượng phòng không quốc gia, phòng không hải quân và các đơn vị phòng không địa phương. Thực tiễn chứng minh, do công tác tổ chức, chỉ huy, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng phòng không, nên khi những chiếc máy bay đầu tiên bay vào đánh phá khu vực Vinh - Bến Thủy, thì Đại đội ra-đa 14 (Trung đoàn ra-đa 290) đã kịp thời phát hiện và thông báo, báo động cho các lực lượng hỏa lực phòng không đánh trả ngay từ những giây, phút đầu tiên. Đồng thời, cũng do công tác tổ chức, chỉ huy, hiệp đồng tác chiến phòng không chặt chẽ, thống nhất, nên lực lượng phòng không ba thứ quân miền Bắc đã phát huy tối đa hiệu quả tính năng các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật, từ pháo phòng không, súng máy phòng không đến súng bộ binh, ở các trận địa trên bờ, trên tàu, trên các hướng, đường bay đều bắn rơi máy bay Mỹ. Trước sự thất bại nặng nề và không đạt được mục đích đánh phá, đế quốc Mỹ buộc phải kết thúc sớm cuộc tập kích.

Thời gian đã trôi qua hơn nửa thế kỷ, nhưng bài học về nghệ thuật đánh thắng trận đầu của Bộ đội Phòng không trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cần được tiếp tục nghiên cứu, kế thừa, phát triển, đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Đại tá, ThS. PHẠM ĐỨC TRƯỜNG, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam
_____________

1 - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam - Chiến tranh nhân dân đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Tập II, Nxb QĐND, H.1983, tr.10.

2 - Tính đến giữa năm 1964, ta đã xây dựng, phát triển được 12 trung đoàn Pháo Cao xạ (gồm 81 đại đội), 03 trung đoàn ra-đa phòng không; phòng không địa phương có: 02 trung đoàn, 12 tiểu đoàn Pháo Phòng không 57mm và 37mm, 12 đại đội súng máy phòng không và hằng nghìn tổ, đội bắn máy bay tầm thấp bằng súng bộ binh của lực lượng dân quân, tự vệ.

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định thành lập Quân tình nguyện tại Lào, đánh dấu sự phát triển mới của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào; đồng thời, khẳng định đường lối, quan điểm đúng đắn của Đảng ta trong thực hiện nghĩa vụ quốc tế.