Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Hai, 16/06/2014, 16:18 (GMT+7)
Cuộc vận động “Rèn luyện cán bộ, chấn chỉnh quân đội” trong kháng chiến chống Pháp

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thấy “Muốn kháng chiến thành công phải có lực lượng vũ trang hùng hậu”. Vì thế, đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, lấy bộ đội chủ lực làm nòng cốt là vấn đề được Đảng ta hết sức coi trọng.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh sinh hoạt với lớp chỉnh huấn chính trị của cán bộ các đơn vị
miền Nam tập kết ra miền Bắc.
 (Ảnh tư liệu)

Thực hiện mưu đồ trở lại xâm lược nước ta lần thứ 2, sau khi chiếm đóng Thủ đô Hà Nội, thực dân Pháp mở rộng phạm vi chiếm đóng ở đồng bằng, trung du và bao vây căn cứ địa Việt Bắc. Chúng tập trung quân Âu - Phi, xây dựng lực lượng cơ động tiến hành càn quét, tiêu diệt lực lượng du kích, chuẩn bị tiến công lớn tiêu diệt quân chủ lực của ta. Trước tình hình đó, Đảng ta chủ trương “rút dần các đại đội độc lập trở về với chủ lực ở những nơi đã có thể rút mà không hại đến phong trào du kích trong địa phương”1 và nâng cao trình độ, khả năng tác chiến nhằm phát triển chiến tranh du kích lên chiến tranh chính quy, thực hiện tiêu hao, tiêu diệt lớn quân địch. Theo đó, ngày 21-5-1949, Trung ương Đảng ra Chỉ thị mở Cuộc vận động Rèn luyện cán bộ, chấn chỉnh Quân đội (Rèn cán, chỉnh quân). Đây là Cuộc vận động lớn, được các đơn vị trong toàn quân hưởng ứng sôi nổi, rộng khắp, tạo bước chuyển biến quan trọng trong xây dựng lực lượng vũ trang chính quy - nhân tố quan trọng giành thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược với nhiều nét tiêu biểu, đặc sắc.

Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm đến công tác xây dựng đội ngũ cán bộ và đã có nhiều hình thức, biện pháp để rèn luyện, bồi dưỡng đội ngũ này. Ngay sau khi Chỉ thị về Cuộc vận động được ban hành, Tổng Chính ủy mở Cuộc vận động “Rèn luyện đảng viên, chấn chỉnh tổ chức” trong Quân đội. Theo đó, nhiều lớp bồi dưỡng chỉnh đốn tác phong, rèn luyện tính đảng, tính giai cấp, đạo đức cách mạng, phương pháp lãnh đạo trong sinh hoạt ở chi bộ và tổ đảng được triển khai thực hiện. Trong đó, đảng viên được học tập các tài liệu: “Cộng sản sơ giải”, “Đảng là gì”, “Điều lệ Đảng”, “Công tác chi bộ”, “Sửa đổi lối làm việc”, “Vệ quốc quân người công dân tiên phong”,… Lần đầu tiên những hình thức học tập, rèn luyện thiết thực, cụ thể về công tác Đảng và đảng viên được triển khai sâu rộng đến các cấp trong toàn quân; nhờ đó đã tạo chuyển biến quan trọng về xây dựng bản lĩnh chính trị, lập trường giai cấp và năng lực lãnh đạo của đội ngũ cán bộ. Trong Hội nghị “Rèn cán, chỉnh quân” do Bộ Tổng Tư lệnh tổ chức với thành phần tham dự là cán bộ trung cấp, cao cấp thuộc các liên khu, đơn vị, cơ quan, nhà trường, chiến trường, các đại biểu được học tập, quán triệt về tình hình, nhiệm vụ kháng chiến; phương pháp tổ chức chỉ huy, quản lý bộ đội và một số vấn đề về chiến thuật. Trong đó, vấn đề quan trọng được Hội nghị tập trung làm rõ là tiến lên chiến tranh chính quy, vận động chiến và sự phối hợp binh chủng trong tác chiến tập trung quy mô lớn. Để có thêm luận cứ khoa học vững chắc, Bộ Tổng Tư lệnh còn kịp thời tổ chức các hội nghị tổng kết kinh nghiệm chiến dịch (chiến dịch Đường số 4 và chiến dịch Sông Lô năm 1949) nhằm bổ sung kiến thức quân sự, kinh nghiệm về phương pháp tổ chức, chỉ huy tác chiến cấp chiến thuật và chiến dịch; đánh địch vận động, phòng ngự trong địa bàn đô thị có công sự vững chắc; hiệp đồng giữa bộ binh với pháo binh, giữa bộ đội chủ lực với bộ đội địa phương và dân quân du kích. Đặc biệt, Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn thuộc Bộ Quốc phòng và các trường quân chính liên khu được mở rộng cả về quy mô tổ chức và chương trình đào tạo, nhất là những phân khoa mới đào tạo cán bộ cho các binh chủng. Các lớp đào tạo cán bộ Pháo binh, Thông tin, Hành chính, Mật mã, Giáo viên quân chính, Chính trị viên trung đội,... đã thu hút hàng ngàn cán bộ về học tập, góp phần quan trọng nâng cao trình độ, kiến thức và tạo nguồn bổ sung cán bộ cho các chiến trường. Ngoài ra, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ đạo các đơn vị lựa chọn những cán bộ có phẩm chất chính trị, năng lực tổ chức lãnh đạo, chỉ huy để cử đi học tập, đào tạo ở nước ngoài.

Đi đôi với xây dựng, rèn luyện cán bộ, việc tập trung chấn chỉnh, củng cố tổ chức, biên chế Quân đội cũng được Đảng ta hết sức coi trọng. Từ giữa năm 1949 đến đầu năm 1950, ta chủ trương rút các đại đội độc lập, hoạt động phân tán cùng với các tiểu đoàn tập trung thành lập các trung đoàn, đại đoàn chủ lực trực thuộc Bộ Tổng chỉ huy. Đây là chủ chương đúng, kịp thời, phù hợp với sự phát triển của Quân đội nhân dân cũng như yêu cầu nhiệm vụ của cuộc kháng chiến. Theo đó, Trung đoàn Sông Lô, chủ lực Liên khu 10 và Trung đoàn Cao - Bắc - Lạng được củng cố về tổ chức, bổ sung vũ khí, trang bị thành Trung đoàn 209 và Trung đoàn 174. Các trung đoàn: 88, 102 lần lượt được thành lập và tái lập, làm cơ sở để hình thành đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội ta - Đại đoàn 308 (tháng 8-1949). Tại các liên khu, việc xây dựng các trung đoàn chủ lực cũng được gấp rút thực hiện, bảo đảm mỗi liên khu có từ 02 đến 03 trung đoàn. Riêng ở Nam Bộ, do điều kiện đặc thù nên ta chỉ tổ chức một số tiểu đoàn chủ lực trực thuộc Bộ Tư lệnh Nam Bộ, còn các khu, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, củng cố các tiểu đoàn, trung đoàn địa phương. Đến đây, về cơ bản lực lượng vũ trang ba thứ quân đã được hình thành rõ rệt: cấp Bộ và liên khu có bộ đội chủ lực; cấp tỉnh, huyện có bộ đội địa phương; xã, thôn, ấp có dân quân du kích, bảo đảm cho ta có thể kết hợp chặt chẽ tác chiến du kích với tác chiến chính quy, tạo cơ sở vững chắc cho giai đoạn tổng phản công giành thắng lợi.

Cùng với đó, Tổng Chính ủy và Bộ Tổng Tư lệnh đã thực hiện nhiều chủ trương, biện pháp trong giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự cho bộ đội. Thông qua việc học tập các tài liệu, như: kháng chiến nhất định thắng lợi, phương châm chiến lược, chiến thuật của giai đoạn mới, đề cương dân chủ mới, những bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những nhiệm vụ lớn của lực lượng vũ trang (đại đội độc lập, võ trang tuyên truyền, luyện quân lập công, rèn cán, chỉnh quân,...) đã góp phần quan trọng củng cố, giữ vững và không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, quyết tâm giết giặc lập công của cán bộ, chiến sĩ. Trước mỗi nhiệm vụ chiến đấu, công tác,… bộ đội đều được quán triệt, giáo dục thông suốt ý nghĩa, mục đích cũng như những thuận lợi, khó khăn đặt ra để xác định rõ tư tưởng, xây dựng quyết tâm phấn đấu vượt qua. Các đơn vị còn chú trọng giáo dục truyền thống của đơn vị, của Quân đội và dân tộc, những gương chiến đấu dũng cảm, nhất là tin chiến thắng còn nóng hổi trên chiến trường để cổ vũ tinh thần chiến đấu của bộ đội. Nét nổi bật trong giáo dục chính trị tư tưởng ở các đơn vị là thành lập “Tổ chức Hội đồng binh sĩ” làm cơ sở đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “mở rộng dân chủ, đề cao kỷ luật”. Thông qua hoạt động của “ngày dân chủ”, chiến sĩ đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến chân thực về huấn luyện, tác chiến và cấp dưỡng ở đơn vị. Trong những buổi “bình cán”, nhiều khuyết điểm của cán bộ được quần chúng thẳng thắn phê bình, những hiện tượng tiêu cực cũng được đưa ra đấu tranh phê phán. Qua đó, đã tạo ra bầu không khí dân chủ trong đơn vị; mối quan hệ giữa cán bộ với chiến sĩ ngày càng bền chặt như anh em một nhà, góp phần củng cố, tăng cường đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, tạo sức mạnh tổng hợp trong các đơn vị.

Trước yêu cầu mới, các đơn vị đã tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật cho bộ đội. Về kỹ thuật, các đơn vị đã tập trung huấn luyện cho bộ đội thuần thục kỹ thuật chiến đấu cơ bản, như: bắn súng, đâm lê, ném lựu đạn; kỹ thuật vận động trên các loại địa hình, nhất là địa hình rừng núi; kỹ thuật đào công sự, đánh bộc phá; đồng thời, sáng tạo ra nhiều vũ khí tự tạo và cách đánh địch hiệu quả. Về chiến thuật, đi sâu vào huấn luyện hiệp đồng chiến đấu giữa bộ binh với các binh chủng khi tập kích đồn, bốt, tháp canh, cứ điểm; chú trọng phương pháp chiến thuật phục kích vào đội hình địch trên các tuyến đường giao thông. Tăng cường huấn luyện thông tin liên lạc, bảo đảm hiệp đồng giữa các lực lượng trong chiến đấu; giữa mặt trận chính diện với mặt trận sau lưng địch,… Trong quá trình huấn luyện, các cơ quan, đơn vị đã vận dụng nhiều nội dung, hình thức, biện pháp phong phú, sáng tạo, vừa nâng cao trình độ, kỹ năng chiến đấu, vừa tập trung giải đáp những khó khăn, vướng mắc do thực tiễn chiến trường đặt ra. Qua đó, sáng tạo phát triển nhiều cách đánh mới; xây dựng nhiều kế hoạch, phương án huấn luyện sát hợp làm cơ sở để nâng cao trình độ tác chiến vận động và hiệp đồng giữa các lực lượng, giữa bộ binh, pháo binh, công binh, thông tin lên một bước mới.

Sau Cuộc vận động “Rèn luyện cán bộ, chấn chỉnh Quân đội”, các đơn vị trong toàn quân đã có sự trưởng thành về mọi mặt; nhất là, trình độ tác chiến chính quy. Các vấn đề về kỹ thuật chiến đấu cơ bản, chiến thuật đánh vận động phục kích, diệt cứ điểm, chống càn quét từng bước được bổ sung và nâng cao. Từ đánh nhỏ lẻ, binh lực phổ biến cấp đại đội đã từng bước tiến lên đánh tập trung cấp tiểu đoàn, trung đoàn với quy mô tác chiến ngày càng lớn, thậm chí ở một số chiến dịch ta đã sử dụng lực lượng một số trung đoàn, tác chiến dài ngày trên địa bàn rộng, xa căn cứ hậu phương. Đó là bước tiến quan trọng của Quân đội ta trong quá trình phát triển từ nhỏ đến lớn, từ chiến tranh du kích lên chiến tranh chính quy; thực hiện kết hợp chiến tranh chính quy với chiến tranh du kích; bảo đảm càng đánh càng mạnh, càng trưởng thành càng thắng lớn, giành thắng lợi từng bước tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn. Đây là bài học quý, có tính thực tiễn cao, nên rất cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo vào xây dựng Quân đội nhân dân hiện nay.

Thượng tá, ThS. PHẠM ĐỨC TRƯỜNG, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam
_________________

 1 - ĐCSVN - Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 10,  Nxb CTQG, H. 2001, tr. 87.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định thành lập Quân tình nguyện tại Lào, đánh dấu sự phát triển mới của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào; đồng thời, khẳng định đường lối, quan điểm đúng đắn của Đảng ta trong thực hiện nghĩa vụ quốc tế.