Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Năm, 13/09/2012, 15:46 (GMT+7)
Cuộc đọ sức quyết liệt và nghệ thuật giành thắng lợi trong tác chiến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972


Quân Giải phóng chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972. (Ảnh tư liệu).
 

Cuộc tiến công chiến lược năm 1972 mà Chiến dịch tiến công Trị - Thiên là hướng chủ yếu (từ ngày 30-3 đến ngày 27-6-1972) đã chọc thủng tuyến phòng thủ mạnh nhất của địch, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị. Nguy cơ Thừa Thiên - Huế bị tiến công là khó tránh khỏi, nhất là vào thời điểm nhạy cảm, khi mà cuộc đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Pa-ri giữa ta và Mỹ đang đi đến hồi quyết định. Vì thế, Mỹ - nguỵ quyết tâm chiếm lại1, còn ta thì kiên quyết giữ. Thành Cổ Quảng Trị đã trở thành nơi đọ sức quyết liệt, toàn diện giữa ta và địch. Trong cuộc đọ sức quyết liệt đó, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và sự chỉ đạo sâu sát của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Chiến dịch cùng với tinh thần chiến đấu hy sinh dũng cảm, quên mình và cách đánh sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ, Thành Cổ không những đã đứng vững dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù, mà còn đẩy Mỹ mắc sai lầm tiếp theo là mở Cuộc tập kích đường không bằng máy bay chiến lược B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng; kết cục là phải chuốc lấy thất bại thảm hại. Cuộc chiến đấu kiên cường trong suốt 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972 đã góp phần cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của toàn dân, toàn quân, uy hiếp tinh thần chiến đấu của Mỹ - nguỵ và tiếp tục duy trì thế mạnh của ta trên bàn đàm phán ở Pa-ri, tạo thời cơ chín muồi cho trận “quyết chiến chiến lược” mùa Xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đó chính là nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh tài tình của Đảng ta; được thể hiện ở những nội dung chủ yếu sau:

1. Về quân sự. Đây là thời điểm “bước ngoặt” có tính quyết định của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Mỗi một sự kiện trên chiến trường trong thời điểm này đều tác động trực tiếp đến kết quả Hội nghị Pa-ri, nhất là tại Quảng Trị – một địa bàn chiến lược có ý nghĩa quan trọng, quyết định đến sự tồn vong của chính quyền Sài Gòn. Mất Quảng Trị, ngày 03-5-1972, Thiệu đã điều động lực lượng tổng dự bị chiến lược tinh nhuệ nhất (gồm 5 lữ đoàn, trung đoàn) từ Sài Gòn, Đà Nẵng ra Huế, đưa lực lượng phòng thủ ở đây lên tới 4 sư đoàn. Ngày 13-6-1972, Bộ Chỉ huy quân viễn chinh Mỹ ở Sài Gòn hứa “tăng viện và hỗ trợ tối đa về hoả lực của cả Không quân, Hải quân và Pháo binh”. Chính phủ Hoa Kỳ công khai tuyên bố “Trừ vũ khí nguyên tử chiến thuật, Mỹ sẽ không hạn chế việc sử dụng Không lực Hoa Kỳ trên toàn Đông Dương”2. Thiệu điều Ngô Quang Trưởng, viên tướng giỏi nhất của Quân đội Sài Gòn ra làm Tư lệnh Quân khu và Quân đoàn 1. Mỹ đưa Tướng Uây-en sang thay Tướng A-bram. Chúng tập trung củng cố tuyến phòng thủ dọc sông Mỹ Chánh, mở cuộc hành quân “Lam Sơn 72”, với lực lượng gồm: sư đoàn dù, sư đoàn lính thủy đánh bộ và quân biệt động; sử dụng hơn 200 lần chiếc máy bay B-52, hơn 300 lần chiếc máy bay chiến thuật, hơn 21 nghìn viên đạn pháo lớn; trung bình mỗi ngày gần 4 nghìn tấn bom đạn, hơn 200 tấn đạn pháo các loại. Với một khối lượng lớn bom đạn như vậy, một hãng thông tin phương Tây đưa tin: “ở Quảng Trị đang xảy ra động đất”. Mặc dù Mỹ - ngụy tổ chức nhiều đợt tiến công với nhiều hình thức, thủ đoạn, nhưng chúng vẫn không thực hiện được mục tiêu tái chiếm Thành Cổ, ngoài một số vị trí đã chiếm được từ ngày 5-7 là Nam và Bắc sông Mỹ Chánh, đoạn từ Đường số 1 ra biển, huyện Hải Lăng, La Vang.

Về phía ta, Chiến dịch phòng ngự Quảng Trị do Thiếu tướng Trần Quý Hai, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng làm Tư lệnh, Trung tướng Song Hào, Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị làm chính ủy, Bí thư Đảng ủy Mặt trận. Để bảo vệ Thành Cổ, ta đã điều 2 sư đoàn bộ binh (325, 312), Trung đoàn 27 và 6 trung đoàn bộ binh độc lập; 3 trung đoàn pháo binh, 4 trung đoàn pháo cao xạ, Trung đoàn Tên lửa Phòng không 236, Trung đoàn Thiết giáp 203, 2 trung đoàn Công binh, 5 tiểu đoàn đặc công vào Quảng Trị, kết hợp với sự tham gia của lực lượng vũ trang trên địa bàn. Đặc biệt, được sự chỉ đạo sâu sát của Bộ Quốc phòng, ngay sau khi giải phóng Thị xã Quảng Trị, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã phân tích tình hình, kịp thời bố trí lại lực lượng, xây dựng thế trận phòng thủ “liên hoàn, vững chắc, có chiều sâu”. Trong chỉ đạo, điều hành Chiến dịch, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã phát huy tối đa vai trò của từng lực lượng; tổ chức hiệp đồng tác chiến chặt chẽ giữa các đơn vị, nhất là với Tỉnh uỷ Quảng Trị để chỉ đạo lực lượng vũ trang địa phương phối hợp tác chiến, vận chuyển thương binh, tiếp tế hậu cần, kỹ thuật cho bộ phận chốt giữ. Trong chiến đấu, các đơn vị đã vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật (phòng ngự trận địa, phòng ngự khu vực), chủ động, tích cực đánh địch từ vòng ngoài, bên sườn, phía sau đội hình, đẩy lùi nhiều đợt tiến công của chúng. Dưới mưa bom, bão đạn khốc liệt của kẻ thù, các đơn vị bộ đội đã chiến đấu vô cùng dũng cảm, kiên cường bám trụ, chốt giữ, giành giật với địch từng mét chiến hào, từng đống đổ nát; mưu trí, linh hoạt, phát hiện và tiêu diệt nhiều sinh lực địch, thậm chí tiêu diệt cả những bộ phận nhỏ, lẻ, bí mật lẻn vào bằng đường hầm hòng cắm cờ trên Thành Cổ. Qua gần 3 tháng chiến đấu anh dũng, kiên cường, các lực lượng đã hoàn thành nhiệm vụ chiến lược được giao, làm thất bại ý đồ nhanh chóng “tái chiếm Thành Cổ” của Mỹ - nguỵ, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ đấu tranh chính trị, ngoại giao.

2. Về chính trị. Tác chiến bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị là một cuộc đấu trí quyết liệt giữa ta và địch. Trong điều kiện địch lâm vào khó khăn là Thượng viện Mỹ thông qua đề nghị bổ sung, yêu cầu Tổng thống rút toàn bộ quân Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam trong vòng 9 tháng, lại bị mất trên 80% tỉnh Quảng Trị. Để cứu vãn tình thế, Tổng thống Mỹ thành lập Nhóm nghiên cứu đặc biệt do Cố vấn Kít-xinh-giơ điều hành và Tổng thống trực tiếp chỉ đạo. Hằng ngày, Nhóm này phải tổng hợp tình hình báo cáo chiến sự với Tổng thống hoặc Hội đồng An ninh quốc gia, kèm theo kiến nghị phương sách đối phó; đồng thời, điều quân, đổi tướng, tăng thêm vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại. Thiệu thì cách chức Tư lệnh Hoàng Xuân Lãm, bỏ tù Chuẩn tướng Vũ Văn Giai, mục đích vừa cảnh cáo, răn đe, vừa tăng sức mạnh, khích lệ tinh thần quân lính. Chúng còn đưa ra rất nhiều hình thức treo giải hậu hĩnh đối với bộ phận, cá nhân cắm được cờ lên Thành Cổ. Vì thế, quân địch chiến đấu rất ngoan cố và liều lĩnh, sử dụng mọi thủ đoạn nhằm thực hiện cho được mục tiêu đề ra.

Trước âm mưu và thủ đoạn ngoan cố của địch, Bộ Chính trị hạ quyết tâm giữ Thị xã và Thành Cổ bằng mọi giá, nhằm làm hậu thuẫn cho Hội nghị Pa-ri. Theo đó, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã tổ chức quán triệt, giáo dục nhiệm vụ, làm cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức rõ ý nghĩa quan trọng của Chiến dịch; từ đó, xây dựng ý chí quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, ác liệt, dài ngày; kiên cường bám trụ, chiến đấu bảo vệ chốt, khu vực chốt, giữ vững Thành Cổ. Bộ Tư lệnh Chiến dịch còn phát huy tinh thần sáng tạo của các cấp để xây dựng cách đánh thích hợp, vừa để bảo vệ mình, vừa để tiêu diệt địch, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chiến lược. Trong quá trình tác chiến, Quân uỷ Trung ương, Bộ Tư lệnh Chiến dịch luôn theo sát bộ đội, nắm chắc diễn biến từng trận đánh, kịp thời gửi thư động viên: “Các đồng chí hết sức khẩn trương. Phải đi thật nhanh, đến thật sớm và đầy đủ, bảo đảm bí mật, an toàn. Vào đến nơi là chiến đấu được ngay, đánh thắng ngay từ trận đầu. Miền Bắc XHCN giao cho các đồng chí trách nhiệm trọng đại mang sức mạnh của hậu phương ra tiền tuyến đánh thắng quân thù”3; đồng thời, gửi điện chỉ đạo, biểu dương khen thưởng: “Các đồng chí phải giữ Thành Cổ Quảng Trị bằng bất cứ giá nào”4 và “… Kiên quyết giữ vững Quảng Trị là nhiệm vụ có ý nghĩa quyết định lúc này. Bộ Chỉ huy Mặt trận tin tưởng các đồng chí sẽ làm tròn nhiệm vụ vẻ vang này”5. Mặt khác, Bộ còn điều động các sư đoàn bộ binh (304, 308, 320, 325, 312) vào chiến đấu bảo vệ Quảng Trị; một mặt, để tăng sức chiến đấu; mặt khác, khắc phục tâm lý căng thẳng, mệt mỏi kéo dài của bộ đội. Bởi vậy, bộ đội khi được điều động vào chiến đấu bảo vệ Thành Cổ đều xác định rõ quyết tâm “Đơn vị còn thì Quảng Trị còn”. Khâm phục tinh thần đó của các chiến sĩ bảo vệ Thành Cổ, tờ Phố Uôn đã viết: “Kỷ luật, lý tưởng và tinh thần coi thường cái chết đã kết hợp với nhau như thế nào mà khiến các chiến sĩ Việt cộng xông lên dưới mưa bom B52? Không có một nhà phân tích nào ở Mỹ đi đến một giải thích đầy đủ”.

3. Về ngoại giao. Vào thời điểm bấy giờ, cuộc đọ sức để “cắm cờ” và “chống cắm cờ” trên Thành Cổ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tác động trực tiếp đến thắng lợi trên mặt trận ngoại giao và trở thành cuộc đấu trí trực tiếp giữa hai Bộ Chỉ huy đối địch: một bên là Nhà Trắng và Sài Gòn, một bên là Hà Nội. Cuộc đàm phán tại Pa-ri bắt đầu ngày 13-5-1968 đã kéo sang năm thứ tư nhưng chưa ngã ngũ, do Mỹ - nguỵ cố tình tìm cách dây dưa, trì hoãn, vừa để kéo dài thời hạn, tìm thời điểm có lợi, vừa cố gắng tạo một thắng lợi áp đảo hòng “đàm phán trên thế mạnh”. Để thực hiện mưu đồ đó, Mỹ - nguỵ đã nhiều lần tổ chức tiến công hòng “tái chiếm Thành Cổ” để ép ta trên bàn ngoại giao; nhưng chúng đều bị ta đánh thiệt hại nặng, thậm chí phải rút sư đoàn dù về phía sau để chấn chỉnh đội hình. Không thực hiện được lời hứa của Thiệu trên Đài truyền hình, đã có thời điểm chúng hạ mục tiêu từ “tái chiếm” xuống thành “chiến công tiêu biểu” là bí mật, lẻn vào cắm cờ trên Thành Cổ để khuếch trương trên bàn ngoại giao, dù đó chỉ là chiến công “ảo”. Thực hiện nhiều thủ đoạn, biện pháp nhưng cũng không đạt được mục tiêu, chúng lại chuyển sang diễn những trò lừa bịp mà dư luận cho là “đáng hổ thẹn” trong lịch sử “ngoại giao” của chế độ Sài Gòn6.

Với ta, chủ trương giữ Thành Cổ với khả năng tối đa là quyết định cần thiết và sáng suốt; bởi mỗi thắng lợi ở Quảng Trị lúc này cũng chính là thắng lợi của đấu tranh ngoại giao. Thực hiện chủ trương đó, yêu cầu chốt giữ Thành Cổ là xuyên suốt, đặc biệt hết sức chú ý các ngày 01, 04-8 (là hai ngày có các cuộc gặp lại giữa các đoàn đàm phán ở Hội nghị Pa-ri). Theo đó, từ cấp chiến lược, chiến dịch đến cấp chiến thuật đều tăng cường công tác trinh sát nắm địch. Một mặt, để chúng ta sớm phát hiện được âm mưu, thủ đoạn của địch, kịp thời chỉ đạo, tổ chức các đơn vị triển khai thế trận tiêu diệt, tiêu hao sinh lực địch, nhất là tên cầm cờ, giữ vững Thành Cổ; mặt khác, ngăn chặn các hành vi khác của địch, như: quay phim, chụp ảnh làm bằng chứng giả… Sự tỉnh táo trên cơ sở thấu triệt mối quan hệ giữa nhiệm vụ quân sự và nhiệm vụ ngoại giao đã được các đơn vị chốt giữ thực hiện tốt trong suốt quá trình Chiến dịch.

Thành Cổ Quảng Trị đứng vững trong mưa bom, bão đạn 81 ngày đêm là bằng chứng hùng hồn cho sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Cùng với thắng lợi của các mặt trận khác, ta đã tranh thủ được sự ủng hộ to lớn của các tổ chức quốc tế (tháng 7-1972, Hội nghị 27 Đảng Cộng sản họp ở Pa-ri; tháng 8-1972, Hội nghị 50 nước “không liên kết” họp ở Gioóc-giơ-tao... đều ra tuyên bố phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ, ủng hộ cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Việt Nam), góp phần giành thắng lợi trên mặt trận đấu tranh ngoại giao. 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị cần được ghi nhận và tri ân trong lịch sử dân tộc. Đó không chỉ là bản anh hùng ca về lòng dũng cảm, mà còn là biểu hiện nổi bật của trí thông minh, sáng tạo về cách đánh giặc của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, cần được kế thừa, phát huy trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Thiếu tướng, GS. BÙI PHAN KỲ

                  

1 - Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố trên Đài truyền hình Sài Gòn: Sẽ chiếm lại Quảng Trị làm cho tình hình toàn bộ trở lại như trước ngày 29 tháng 3 với thời hạn: cắm cờ lên Thành Cổ trong tháng 7, lấy lại tỉnh Quảng Trị trước tháng 9 nhằm "đàm phán trên thế mạnh" tại hội nghị Pa-ri.

2 - Peter Dale Scoll - Con đường bí mật dẫn tới cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai, Nxb Boobbs - Marill Company. New Yook. 1972.

3 - Bộ Quốc phòng, VLSQSVN - Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam (1944-1975), Nxb QĐND, H. 2005, tr. 664.

4 - Bộ Quốc phòng, VLSQSVN - Tổng kết tác chiến bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972, Nxb QĐND, H. 2006, tr. 44.

5 - Sđd, tr. 47.

6 - Tối 25-7, Đài phát thanh Sài Gòn tường thuật: “Quân dù mũ nồi đỏ đã tràn vào chiếm được thành Quảng Trị, họ đang chuẩn bị ngày mai long trọng làm lễ kéo cờ trong Thành Cổ”; đồng thời, dùng trực thăng đưa một đoàn cố vấn Mỹ, phóng viên báo chí tới bức tường đổ của Nhà thờ Trầm Lý (cách Thị xã 3 km về phía Đông) để quay phim, chụp ảnh.

 

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định thành lập Quân tình nguyện tại Lào, đánh dấu sự phát triển mới của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào; đồng thời, khẳng định đường lối, quan điểm đúng đắn của Đảng ta trong thực hiện nghĩa vụ quốc tế.