Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Hai, 10/10/2016, 08:03 (GMT+7)
“Chúng chí thành thành” - quan điểm chủ đạo trong sự nghiệp bảo vệ nền độc lập dân tộc thời nhà Trần

Lòng dân là sức mạnh nội sinh của mỗi quốc gia, dân tộc. Với quan điểm nhất quán: lòng dân là bức tường thành vững chắc nhất trong sự nghiệp giữ nước của dân tộc, nhà Trần đã phát huy cao nhất sức mạnh từ nhân dân - sức mạnh lòng dân - nhờ đó đã ba lần đánh bại đạo quân xâm lược Nguyên - Mông hùng mạnh nhất bấy giờ, bảo vệ vững chắc nền độc lập, tự chủ của nước nhà. Vấn đề lòng dân luôn quan trọng, có ý nghĩa và giá trị xuyên xuốt, cần được nghiên cứu vận dụng vào thực tiễn hiện nay.

Vào nửa đầu thế kỷ XIII, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta bị uy hiếp nghiêm trọng bởi âm mưu thôn tính, xâm lược của đế quốc Nguyên - Mông. Khi ấy, những đạo kỵ binh viễn chinh Mông Cổ đã chinh phục, nô dịch nhiều nước từ châu Âu đến châu Á. “Giấc mơ” một đế quốc Nguyên - Mông rộng lớn từ bờ Hắc Hải đến bờ Thái Bình Dương được giai cấp quý tộc phong kiến Mông Cổ từng bước thiết lập. Tiến hành chiến tranh xâm lược nước ta, đế quốc Nguyên - Mông coi Đại Việt nhỏ bé chỉ là “bọ ngựa” trước cỗ xe xâm lược khổng lồ của chúng. Sứ giả Mông Cổ ngang nhiên đòi vua nhà Trần phải mở đường cho chúng đi qua để thôn tính các nước khác ở Đông Nam Á. Sự hợm hĩnh coi Đại Việt như nước vô chủ của Sứ thần Nguyên - Mông, như kẻ bề trên “…đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn tấc lưỡi cú diều mà lăng nhục triều đình, ỷ cái thân dê chó mà bắt nạt tể phụ. Thác lệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa để thỏa lòng tham khôn cùng, giả hiệu Vân Nam vương mà thu bạc vàng, để vét của kho có hạn,…”1.

Trước nguy cơ Tổ quốc bị xâm lăng, vua tôi nhà Trần quyết tâm kháng chiến. Khi được vua vời hỏi “Nên hòa hay đánh?”, Trần Thủ Độ - người có công lớn trong gây dựng cơ nghiệp nhà Trần - đã nói với vua Trần Thái Tông: “Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo”. Thậm chí, khi địch đem 50 vạn quân tiến hành cuộc xâm lược nước ta lần hai (năm 1285), Trần Quốc Tuấn, người thống lĩnh quân đội nhà Trần khảng khái trước vua Trần: “Bệ hạ chém đầu thần trước rồi hãy hàng”. Hay như tướng Trần Bình Trọng, dù bị sa vào tay giặc vẫn hiên ngang: “Thà làm ma nước Nam chứ không làm vương đất Bắc” khi bị dụ hàng. Quyết tâm kháng chiến của triều đình đã khơi dậy tinh thần chiến đấu của toàn dân tộc.

Hội nghị Diên Hồng là đỉnh cao của việc phát huy trí tuệ toàn dân, thể hiện sâu sắc quan điểm “chúng chí thành thành” mà nhà Trần đã dày công xây dựng, vun đắp ngay từ những ngày đầu kế tục triều Lý trong vai trò lãnh đạo đất nước và phát huy tới tầm cao trong cả ba cuộc kháng chiến. Những tiếng hô “quyết đánh” của các bô lão đã vang lên ở Điện Diên Hồng vào mùa Đông Giáp Thân (1285) là tiếng nói của cả dân tộc. Hội nghị lịch sử đó đã thể hiện quyết tâm kháng chiến sắt đá của toàn dân trước kẻ thù xâm lược.

Trong bối cảnh đó, quân Nguyên - Mông không chỉ đọ sức với quân đội nhà Trần mà phải đương đầu với toàn thể nhân dân Đại Việt. Khi tiến vào nước ta, quân địch đã rất bất ngờ khi thấy ở khắp nơi đều treo những tấm biển hiệu lệnh ghi rõ: tất cả các quận, huyện trong nước, nếu có giặc ngoài đến, phải liều chết mà đánh, nếu sức không địch nổi thì cho phép lẩn tránh vào rừng núi, không được phép đầu hàng. Với một lòng yêu nước nồng nàn, nhân dân cả nước đã thực hiện triệt để mệnh lệnh kháng chiến của triều đình. Toàn dân đã thực hiện kế “Thanh dã”, cất giấu lương thực, thực phẩm, để vườn không, nhà trống, khiến quân địch khốn đốn vì không kiếm được lương ăn. Trong khi đó, nhân dân lại tích cực giúp đỡ quân đội nhà Trần về mọi mặt. Lực lượng chiến đấu chống quân xâm lược Nguyên - Mông không chỉ có các sắc quân của triều đình, các đội quân của các vương hầu, quý tộc mà còn có những đội dân binh - tổ chức quân sự của nông dân trong các làng xã. Giặc đi đến đâu cũng gặp phải sự đánh trả quyết liệt của nhân dân, bằng các phương pháp đánh gần, đánh liên tục ngày đêm, đánh khi địch không ở trên yên ngựa. Trong ba cuộc kháng chiến giữ nước thiêng liêng dưới triều Trần, nhân dân các dân tộc thiểu số miền núi đã sát cánh cùng nhân dân miền xuôi chiến đấu. Những trận tập kích của các đội dân binh do các thủ lĩnh Hà Đặc, Hà Chương, Nguyễn Thế Lộc chỉ huy đã làm cho kẻ thù thất điên, bát đảo. Những đội dân binh đó chẳng những đã chiến đấu và chiến đấu thắng lợi ở các địa phương, mà còn phối hợp với quân chủ lực của triều đình trong những cuộc phản công lớn, như các đội dân binh dưới sự chỉ huy của Trần Thông, Nguyễn Khả Lạp, Nguyễn Truyền,… đã kéo về tham gia giải phóng Thăng Long trong cuộc kháng chiến năm 1285.

Lập nên chiến công lẫy lừng, ba lần đánh bại quân Nguyên - Mông xâm lược, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc của nhà Trần do nhiều nguyên nhân; trong đó, nguyên nhân chủ yếu là đã nêu cao và thực hành thắng lợi quan điểm, tư tưởng “chúng chí thành thành”. Quan điểm, tư tưởng này không chỉ được đề cao trong thời chiến, mà còn được kiến tạo, không ngừng bồi đắp ngay trong thời bình và được biểu hiện ở các nội dung cơ bản sau:

Trước hết, các vua nhà Trần rất thân dân và gần dân. Theo sử sách chép lại, sau khi thắng giặc: vua Trần Nhân Tông từng ngự chơi bên ngoài, giữa đường, hễ gặp gia đồng của vương hầu thì tất gọi tên chúng mà hỏi: “Chủ mày ở đâu”, rồi răn các vệ sĩ không được thét đuổi. Đến khi về cung, vua bảo tả hữu rằng: ngày thường thì có thị vệ tả hữu, khi quốc gia lâm hoạn nạn thì chỉ có bọn chúng có mặt. Do đó, vua thường vi hành về những vùng quê hẻo lánh, để giảng kinh Phật, cứu khó, độ nghèo cho dân. Thông qua đó, nhà vua luôn thấu suốt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; đồng thời, thấy rõ những việc làm sai trái của các quan lại địa phương và có biện pháp xử phạt kịp thời. Sau những ngày tháng chiến tranh, loạn lạc, nhân dân gặp lụt lội, hạn hán, các vua Trần luôn kịp thời xuống chiếu, ban hành nhiều chính sách hợp với lòng dân, khoan thư sức dân, nhằm cứu giúp họ trong cơn hoạn nạn. Việc đó không chỉ củng cố lòng tin, sự đồng thuận của dân chúng đối với triều đình, mà còn góp phần điều chỉnh quan hệ hòa hữu, tương thân, tương ái trong các giai tầng xã hội. Khi dân lâm cảnh “thủy, hỏa, đạo, tặc”, có người cho đó là việc nhỏ, nhưng với vua Trần Minh Tông thì lại coi là việc hệ trọng. Vua thân chinh đến xem xét các nơi bị lũ lụt; trực tiếp đốc thúc việc đắp đê và cho rằng “sửa đức chính không gì lớn hơn việc đó”.

Hai là, các vua Trần coi trọng chăm lo đến đời sống của nhân dân. Dân Đại Việt khi ấy chủ yếu sống bằng nghề nông; vì thế, các vua Trần rất chú trọng đến việc khuyến nông để chăm lo đời sống dân chúng. Thấu hiểu, trong nghề nông thì “nhất nước, nhì phân,…”, do đó triều Trần đặc biệt quan tâm đến vấn đề thủy lợi. Đời vua Trần Thái Tông, vét kênh Trần và Hào từ phủ Thanh Hóa đến Nam Phủ Diễn (Diễn Châu, Nghệ An). Năm 1248, để ngăn nước lũ tràn ngập đồng ruộng, triều đình lệnh các lộ đắp đê phòng lụt (gọi là đê quai vạc) từ đầu nguồn đến bờ biển và đặt chức Hà đê chánh phó sứ để quản đốc. Tháng 02-1255, sai Lưu Miễn bồi đắp đê các sông xứ Thanh Hóa, v.v. Khi công việc nhàn rỗi thì đốc thúc quân lính đắp đê, đập, đào mương ngòi để phòng lụt, hạn. Nhờ phát triển thủy lợi nên kinh tế nhà Trần rất phát triển, đủ đảm bảo huy động cho ba lần đánh giặc và bảo vệ đất nước. Mặt khác, kinh tế nhà Trần phát triển còn do chế độ sở hữu ruộng bắt đầu cởi mở, quan hệ sản xuất có những thay đổi. Theo đó, dân lưu tán, nô tỳ ở các điền trang trước sống lệ thuộc do không có ruộng đất, thì nay có cơ hội mua đất của nhà nước để có đất tư. Nô tỳ dần dần được tự do hơn, được phép xác lập tư nhân trên phần đất mua được hoặc một phần đất khai hoang, lấn biển do chủ trả công cho mình.

Ba là, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân. Dưới triều Trần, có những văn bản dưới luật (chiếu, chỉ) thể hiện rõ sự quan tâm đến mọi mặt đời sống của nhân dân lao động với nội dung cởi mở, khoan hòa. Các vua nhiều lần xuống chiếu giảm tô thuế cho dân, chiêu tập dân khai hoang, lấn biển, lập làng mở đất, v.v. Có lúc, để giải quyết kịp thời khó khăn cho nhân dân, Triều đình trực tiếp bỏ tiền mua thóc của nhà giàu để chẩn cấp cho dân nghèo, hoặc khuyến khích họ tự làm việc ấy, rồi phong ban cho họ chức tước. Thực chất, đây là việc “khoan thư sức dân”, nới sức dân, bảo đảm cho dân được sống no đủ, bình yên, hạnh phúc. Mặt khác, các vua Trần cũng rất quan tâm bảo vệ những quyền lợi chính đáng của người dân, kịp thời xử những vụ tranh kiện đất đai; nhiều vụ xử trực tiếp trên đường vua xa giá, không để án oan, án tồn đọng kéo dài. Có những vụ liên quan đến hoàng thân, quốc thích, nhưng nhà vua vẫn không hề thiên vị, tìm mọi cách trả lại công bằng cho dân, khi biết họ đúng, họ bị hoàng thân, quốc thích hiếp đáp. Như vậy, với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, triều Trần đã xây dựng được một chế độ chính trị vững mạnh, coi trọng pháp trị, trọng dụng nhân tài, lấy chế độ điền trang thái ấp làm nền để phát triển kinh tế, xây dựng một tôn giáo độc lập làm ý thức hệ, hòa đồng các tôn giáo để thống nhất ý chí và đặc biệt lấy việc thân dân, “khoan thư sức dân” để xây dựng, bồi đắp quan điểm, tư tưởng “chúng chí thành thành”, coi đó là “thượng sách để giữ nước”.

Lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta đã cho thấy, để đánh thắng quân xâm lược, các triều đại phong kiến đã phát huy được sức mạnh của toàn dân tộc, hay nói cách khác là đã dựa vào dân, xây dựng được bức tường thành vững chắc nhất: “lòng dân”. Ngày nay, xây dựng đất nước trong thời bình, điều này càng cần hơn bao giờ hết. Vì thế, chúng ta phải thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ: “Thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân. Chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết; tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và giảm nghèo bền vững. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”2. Có như vậy mới phát huy được truyền thống “chúng chí thành thành” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cả thời bình và khi xảy ra chiến tranh.

HÀ THÀNH

________________

1 - Đại Việt sử ký toàn thư, Tập II, Nxb Khoa học xã hội, H. 1998, tr. 82.

2 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 433, 434.

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định thành lập Quân tình nguyện tại Lào, đánh dấu sự phát triển mới của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào; đồng thời, khẳng định đường lối, quan điểm đúng đắn của Đảng ta trong thực hiện nghĩa vụ quốc tế.