Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Năm, 07/04/2011, 15:26 (GMT+7)
Chiến thắng Xuân Lộc - biểu hiện của sự linh hoạt, sáng tạo trong việc chuyển cách đánh
Bị thất bại thảm hại ở Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng, đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn, Mỹ - ngụy quyết “tử thủ” Sài Gòn bằng cách dựng lên các tuyến phòng thủ, nhất là ở những khu vực then chốt vùng ngoại vi; trong đó, thị xã Xuân Lộc được chúng xác định là “cánh cửa thép” phía Đông. Ở đây, địch bố trí một lực lượng lớn gồm: Sư đoàn 18 bộ binh mạnh nhất của Quân đoàn 3, 1 liên đoàn biệt động quân, 1 trung đoàn thiết giáp, 9 tiểu đoàn bảo an của tiểu khu Long Khánh. Đồng thời, chúng tổ chức lực lượng dự bị chiến lược (dù, thủy quân lục chiến) và toàn bộ lực lượng pháo binh của Quân đoàn 3, không quân từ 2 sân bay Biên Hòa, Tân Sơn Nhất sẵn sàng chi viện bảo vệ Xuân Lộc. Đối với ta, ngày 7-4-1975, Thường vụ Trung ương Cục và Quân ủy Miền thông qua Kế hoạch tiến công quân sự trên mặt trận Sài Gòn, giao nhiệm vụ cho Quân đoàn 4 (thiếu Sư đoàn 9) và Sư đoàn 6, chủ lực Quân khu 7 đánh chiếm thị xã Xuân Lộc, tạo thế bao vây, áp sát Sài Gòn.

title
Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh họp chỉ đạo tác chiến. Ảnh tư liệu
Theo kế hoạch ban đầu, ta tổ chức tiến công thẳng vào Thị xã, tiêu diệt Sư đoàn 18 ngụy, giải phóng Xuân Lộc, mở cửa ngõ phía Đông tiến vào Sài Gòn. Nhưng ngay từ ngày đầu tiên, trận chiến đấu đã diễn ra gay go, quyết liệt. Do pháo binh của ta chưa phát huy được tác dụng; trong khi pháo binh và không quân địch đánh phá ác liệt, cộng với một lực lượng lớn quân ngụy đã được tăng cường cho Xuân Lộc1, nên Quân đoàn 4 tổ chức tiến công nhiều lần vào Thị xã nhưng không thành công, bị tổn thất lớn (chỉ riêng trong hai ngày 9 và 10-4, Sư đoàn 341 đã có 1.100 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, bị thương, đạn pháo tiêu thụ lớn, hơn một nửa số xe tăng bị bắn hỏng). Mặt khác, kế hoạch tiến công không thành công do ta chưa dự tính hết sự phát triển phức tạp của tình huống, chưa đánh giá hết tính chất ngoan cố và khả năng kháng cự của kẻ địch ở thế cùng đường, nhưng đang còn sức. Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Miền và Quân đoàn 4 đã kịp tổ chức nghiên cứu đánh giá lại tình hình một cách khách quan, khoa học; nhanh chóng quyết định chuyển phương pháp tác chiến, từ tiến công thẳng vào Thị xã sang bao vây, chia cắt, tiêu diệt viện binh địch, nhằm phát huy sở trường, thế mạnh của ta, khoét sâu điểm yếu và hạn chế tối đa điểm mạnh của địch.

Qua nghiên cứu, ta nhận định: địch tuy bị thiệt hại, đang hoang mang, lúng túng, nhưng lực lượng của chúng còn tương đối mạnh. Chúng quyết tâm bảo vệ Thị xã, bởi Xuân Lộc có vị trí đặc biệt quan trọng trong tuyến phòng thủ Biên Hòa - Bà Rịa - Vũng Tàu. Nếu để mất Xuân Lộc, đồng nghĩa với việc Sài Gòn thất thủ và cũng là “dấu chấm hết” đối với chế độ “Việt Nam cộng hòa”… Mặt khác, ở đây, địch lại có hệ thống công sự, trận địa kiên cố, vững chắc; hệ thống đường giao thông thuận lợi, bảo đảm cho lực lượng dự bị chiến lược của chúng dễ dàng cơ động từ Biên Hòa lên theo đường số 1, từ Bà Rịa ra theo đường số 2, 20 để chi viện, ứng cứu, giải tỏa và rút chạy về Sài Gòn. Tiến công thẳng vào Thị xã, là ta đánh vào nơi địch rất mạnh, lại trong công sự vững chắc, chúng có thể trong đánh ra, ngoài đánh vào; còn ta không phát huy được sở trường và thế mạnh, nên trận chiến đấu khó thành công. Do đó, nhanh chóng chuyển sang bao vây, chia cắt Xuân Lộc với Sài Gòn, kéo viện binh địch ra để tiêu diệt là quyết định hoàn toàn đúng đắn là điều kiện tiên quyết bảo đảm trận chiến đấu giành thắng lợi; đồng thời là điều kiện, thời cơ để các lực lượng phát huy sở trường, thế mạnh tiêu diệt địch, nhất là sử dụng trọng pháo tiến công mãnh liệt vào các căn cứ, sân bay, trận địa pháo, khống chế và tiêu diệt từng cụm pháo binh và một bộ phận lớn địch ngoài công sự; tạo điều kiện, thời cơ cho ta tiến lên giải phóng Xuân Lộc, chọc thủng tuyến phòng thủ phía Đông, tiến vào trung tâm (Sài Gòn) tiêu diệt cơ quan đầu não của chúng.

title
Tượng đài chiến thắng Xuân Lộc - Long Khánh (Ảnh: sưu tầm)
Nhằm bảo đảm giành thắng lợi, Bộ Chỉ huy Mặt trận đã sử dụng lực lượng một cách hợp lý. Rút kinh nghiệm các đợt tiến công trước, ta sử dụng lực lượng của Sư đoàn 6 (Quân khu 7) cùng với lực lượng của Trung đoàn 95 (Sư đoàn 325, Quân đoàn 2), đơn vị có nhiều kinh nghiệm đánh chia cắt chiến trường ở Tây nguyên và đại đội xe tăng mới được tăng cường cho mặt trận đánh chiếm chi khu Túc Trưng, Kiện Tân, tiêu diệt Trung đoàn 52 (Sư đoàn 18) ngụy; đồng thời, có nhiệm vụ đánh địch từ Biên Hòa ra chi viện. Quân đoàn 4 sử dụng pháo binh bắn mãnh liệt vào các vị trí của hai trung đoàn 43, 48 (Sư đoàn 18) và Lữ đoàn 1 dù của địch; đồng thời, các đơn vị bộ binh phát huy thế mạnh của chủ lực Miền, đang triển khai đội hình chiến đấu ở Xuân Lộc - Dầu Giây, thông thuộc địa hình, tiêu diệt viện binh địch từ Biên Hòa đến, Xuân Lộc ra, không cho chúng hợp quân. Cùng với đó, ta sử dụng trọng pháo ở trận địa Hiếu Lâm và hỏa lực mang vác của Đoàn Đặc công 113 liên tục bắn phá sân bay Biên Hòa, nhằm khống chế và hạn chế đến mức thấp nhất không quân địch hoạt động. Thực hiện cách đánh này, ta đã tránh đánh vào nơi địch mạnh, có công sự, trận địa kiên cố, vững chắc, mà đánh địch ở ngoài công sự, nơi ta chuẩn bị trước; phát huy được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, hạn chế điểm mạnh và khoét sâu những điểm yếu cốt tử của chúng. Theo phương án tác chiến của Bộ Tư lệnh Miền, các đơn vị nhanh chóng hoàn tất mọi công tác chuẩn bị, triển khai lực lượng, bày thế trận và sẵn sàng đón đánh địch.

Với tinh thần "quyết chiến, quyết thắng", các đơn vị đã tích cực chiến đấu tiêu diệt lớn quân địch ở vòng ngoài, chia cắt Xuân Lộc với Biên Hòa, Bà Rịa. Trận đánh diễn ra đúng như dự kiến và thế trận đã bày sẵn của ta. Xuân Lộc bị bao vây và toàn bộ các căn cứ của địch trong Thị xã đều bị trọng pháo của ta bắn mãnh liệt. Bị bất ngờ, địch vội vàng điều Lữ đoàn 3 kỵ binh, thiết giáp từ Biên Hòa ra phản kích, ứng cứu theo đường số 20, nhưng chưa kịp đứng chân đã bị lực lượng của Sư đoàn 6 và Trung đoàn 95 được pháo binh chi viện đánh lui, chiếm ngã ba Dầu Giây (mặc dù, lực lượng này vừa hoàn thành nhiệm vụ đánh chiếm xong các vị trí, tiêu diệt Trung đoàn 52 (Sư đoàn 18) ngụy, sau đó mới phát triển tiến công theo đường số 20). Trong lúc đó, Quân đoàn 4 tiếp tục sử dụng pháo binh tiêu diệt các trận địa pháo; đồng thời, chi viện cho bộ binh tiêu diệt địch đến ứng cứu theo đường số 1, chia cắt Xuân Lộc với Biên Hòa, cắt đứt đường số 2 từ Xuân Lộc đi Bà Rịa và tiêu diệt địch từ Xuân Lộc ra ứng cứu cho vòng ngoài. Trước nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn, đêm 20-4, quân địch ở Xuân Lộc rút chạy theo đường số 2 về Bà Rịa đã bị lực lượng của Quân đoàn 4 và các lực lượng vũ trang Quân khu 7 chặn đánh dọc đường, tiêu diệt một bộ phận quan trọng, buộc chúng phải bỏ lại nhiều xe, pháo, súng đạn. Trong trận đánh, chúng ta đã tổ chức phối hợp tác chiến chặt chẽ giữa các lực lượng có hỏa lực mạnh (pháo binh và hỏa lực mang vác) với lực lượng bộ binh tiêu diệt lớn địch ở ngoài công sự và đẩy lùi nhiều đợt phản kích của chúng; bao vây, chia cắt Xuân Lộc, buộc địch phải bỏ chạy về Sài Gòn. Thị xã Xuân Lộc được giải phóng, Quân đoàn 4, Quân đoàn 2, Sư đoàn 3 (Quân khu 5) và các lực lượng vũ trang địa phương hình thành mũi vu hồi chiến dịch rất hiểm ở phía Đông - Đông Nam Sài Gòn, góp phần quan trọng tạo nên thắng lợi vang dội của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Trong tương lai, nếu chiến tranh xâm lược xảy ra đối với nước ta, đó sẽ là cuộc chiến tranh tổng lực, sử dụng vũ khí công nghệ cao, với quy mô, cường độ lớn. Vì thế, ngay trong hòa bình, chúng ta cần phải đẩy mạnh xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) vững chắc. Trong đó, phải chú trọng những địa bàn chiến lược, làm cơ sở phát triển thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Cùng với đó, phải tập trung xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, có tổ chức, biên chế tinh, gọn, hợp lý; đặc biệt coi trọng xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; tập trung đầu tư, nghiên cứu phát triển nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam lên tầm cao mới; ưu tiên phát triển nghệ thuật vận dụng các hình thức chiến thuật, phương pháp tác chiến của các quân chủng, binh chủng, nhất là của các binh đoàn chủ lực đáp ứng yêu cầu của chiến tranh hiện đại. Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc nghiên cứu các cuộc chiến tranh vừa qua trên thế giới, từ đó phát triển nền khoa học nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Chiến thắng Xuân Lộc năm xưa, mà điểm nhấn là chuyển cách đánh kịp thời, sáng tạo là bài học hết sức quý báu đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XNCN ngày nay.

Trung tá, ThS. NGUYỄN KHẮC LUYỆN

Trường Sĩ quan Lục quân 1

         

1-  Địch đã huy động 50% quân chủ lực, 60% pháo binh, hầu hết xe tăng của Quân đoàn 3 và lực lượng dự bị chiến lược tương đương một sư đoàn (cả dù và thủy quân lục chiến); sử dụng từ 60 đến 70 lần chiếc máy bay đánh phá trong một ngày.

 
Ý kiến bạn đọc (0)

Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định thành lập Quân tình nguyện tại Lào, đánh dấu sự phát triển mới của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào; đồng thời, khẳng định đường lối, quan điểm đúng đắn của Đảng ta trong thực hiện nghĩa vụ quốc tế.