Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Năm, 13/04/2023, 20:11 (GMT+7)
Chiến thắng Thượng Lào 1953 - 70 năm nhìn lại

Trong chiến dịch Thượng Lào năm 1953, quân và dân hai nước Việt Nam - Lào đã kề vai, sát cánh bên nhau, anh dũng chiến đấu, giáng cho địch một đòn đích đáng. Thắng lợi của Chiến dịch mở ra cục diện mới, tạo thế chiến lược có lợi cho cách mạng hai nước, nhất là đối với cách mạng Lào, đẩy quân Pháp trên chiến trường Bắc Đông Dương mất dần thế chủ động chiến lược, buộc phải phân tán lực lượng, bị động đối phó.

Thắng lợi của ta trong Chiến dịch Tây Bắc (1952) khiến cho địa bàn chiến lược của địch ở Thượng Lào bị uy hiếp nghiêm trọng. Để cứu vãn tình thế, địch nhanh chóng tổ chức lực lượng, phương tiện phòng thủ khu vực Thượng Lào, hòng giành lại thế chủ động trên chiến trường Bắc Đông Dương. Thực hiện mưu đồ đó, bên cạnh việc ra sức củng cố tập đoàn cứ điểm Nà Sản, chúng tập trung xây dựng Sầm Nưa thành tập đoàn cứ điểm mạnh1 hòng đối phó với các hoạt động tác chiến của ta.

Nắm chắc diễn biến tình hình chiến trường cùng âm mưu và thủ đoạn của địch, mùa Xuân năm 1953, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chính phủ kháng chiến Lào đã thống nhất, quyết định phối hợp mở Chiến dịch Thượng Lào, nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giữ vững quyền chủ động chiến lược, giúp Bạn mở rộng vùng giải phóng, củng cố căn cứ địa cách mạng và động viên nhân dân các bộ tộc Lào đứng lên, kề vai sát cánh cùng nhân dân Việt Nam chống kẻ thù chung. Nhờ chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, phối hợp chiến đấu chặt chẽ, với quyết tâm chiến đấu cao và nghệ thuật quân sự độc đáo, Chiến dịch Thượng Lào giành thắng lợi giòn giã. Sau 70 năm nhìn lại, nhiều giá trị to lớn của Chiến dịch được khẳng định sâu sắc, tường minh và toàn diện hơn.

Trước hết, khẳng định tầm nhìn chiến lược đúng đắn của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh; nghệ thuật tổ chức chỉ huy và điều hành chiến dịch xuất sắc của Bộ Chỉ huy Chiến dịch. Trên nền tảng những thắng lợi quan trọng trong năm 1952, nhằm giữ vững và phát huy quyền chủ động chiến lược, ta chủ trương duy trì thế tiến công liên tục để ngăn chặn địch tái chiếm Tây Bắc, tiến tới tiêu diệt các tập đoàn cứ điểm của chúng, chống càn quét lớn ở đồng bằng và tiến công ra vùng tự do của ta. Thực hiện chủ trương trên, tháng 01/1953, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam họp Hội nghị lần thứ tư, trong đó xác định: “Phương hướng chiến lược của ta là tạm thời tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu để phân tán lực lượng địch và tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng vùng tự do”2. Ở Thượng Lào, mặc dù địch đã tăng cường phòng ngự, nhưng khu vực này bộc lộ nhiều điểm yếu và sơ hở, như: địa hình hiểm trở, dễ bị chia cắt và cô lập khi bị ta tiến công, khả năng tăng viện lực lượng, tiếp tế hậu cần khó khăn; quân ngụy Lào tinh thần yếu kém, khả năng chiến đấu thấp, ta có điều kiện tập trung lực lượng tiêu diệt lớn quân địch. Giải phóng Thượng Lào sẽ có điều kiện giúp Bạn xây dựng hậu phương kháng chiến vững chắc; đồng thời, buộc địch phải phân tán lực lượng của khối chủ lực cơ động để đối phó, ngăn chặn mưu đồ cứu vãn tình hình ở Tây Bắc và bình định vùng đồng bằng Bắc Bộ, làm cho mâu thuẫn giữa tập trung và cơ động của chúng càng thêm sâu sắc. Dựa trên những nhận định và đánh giá chính xác đó, tháng 02/1953, Tổng Quân uỷ thông qua phương án mở chiến dịch Xuân - Hè 1953, tiến công địch ở Thượng Lào. Thắng lợi của Chiến dịch là minh chứng hùng hồn cho sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt, tầm nhìn chiến lược, đúng đắn của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy, Bộ Chỉ huy khi xác định hướng mở và mục đích của Chiến dịch, tạo nên thắng lợi có ý nghĩa chiến lược.

Cùng với đó, nghệ thuật tổ chức chỉ huy và điều hành tác chiến của Bộ Chỉ huy Chiến dịch cũng là nét nổi bật, làm nên chiến thắng Thượng Lào. Cuối tháng 3/1953, kế hoạch tác chiến cơ bản hoàn thành; trong đó, Sầm Nưa được xác định là hướng tiến công chủ yếu, lưu vực sông Nậm Hu và Xiêng Khoảng là hướng phối hợp. Phương châm tác chiến là vận động chiến, nhanh chóng, bí mật hành quân từ xa tới bao vây, khống chế, không cho địch tăng viện hoặc rút lui; tiến công các điểm cao quan trọng ở ngoại vi, kết hợp thọc sâu vào tung thâm, chia cắt, tiêu diệt địch. Tuy nhiên, khi ta cơ động gần đến Sầm Nưa, chưa kịp tiến công thì địch đã rút chạy, Bộ Chỉ huy Chiến dịch quyết định chuyển sang vận động truy kích địch; đồng thời, lệnh cho Đại đoàn 304 đẩy mạnh hoạt động trên Đường số 7 chặn đường rút chạy của chúng về hướng Cánh đồng Chum. Với quyết tâm tiêu diệt địch đến cùng, Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã điều hành nhịp nhàng, phối hợp chặt chẽ giữa các hướng, mũi, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, hoàn thành thắng lợi mục tiêu đề ra.

Hai là, bài học sâu sắc về công tác tổ chức chuẩn bị chiến dịch chặt chẽ, đầy đủ, chu đáo về mọi mặt. Thượng Lào là địa bàn chiến lược quan trọng, địa hình rừng núi, hiểm trở, xa hậu phương, giao thông đi lại, bảo đảm hậu cần khó khăn. Đây là lần đầu tiên một bộ phận lớn chủ lực của ta chiến đấu trên nước Bạn. Vì vậy, quá trình chuẩn bị chiến dịch phải được tiến hành chặt chẽ, chu đáo về mọi mặt; trong đó, huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật và cung cấp hậu cần, kỹ thuật được đặc biệt chú trọng.

Quán triệt tinh thần đó, đầu tháng 3/1953, Tổng Quân ủy triệu tập hội nghị cán bộ từ cấp trung đoàn trở lên, thảo luận, thống nhất nguyên tắc, cách đánh cho các đơn vị. Trên cơ sở đó, các đơn vị tổ chức hội nghị cán bộ từ cấp đại đội trở lên, phổ biến chủ trương, thống nhất nhận thức, xác định quyết tâm cho đội ngũ cán bộ, chỉ huy; tiến hành các đợt chỉnh huấn về kỹ thuật, chiến thuật, đẩy mạnh giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao tinh thần đoàn kết, liên minh chiến đấu Việt - Lào, công tác dân vận khi chiến đấu trên nước Bạn. Cùng với công tác chỉnh huấn, vấn đề cung cấp hậu cần, kỹ thuật cũng được tiến hành khẩn trương, vì khối lượng vật chất bảo đảm lớn, thời gian chuẩn bị ngắn - phải hoàn thành vào cuối tháng 3/1953. Sau khi nhận nhiệm vụ, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh quyết định thành lập Hội đồng cung cấp mặt trận, tổ chức thành hệ thống từ Trung ương đến các liên khu, tỉnh; Ban chi viện tiền phương của các Bộ cũng nhanh chóng được thành lập để tăng cường cung cấp cho chiến trường. Phối hợp với ta, Chính phủ kháng chiến Lào kêu gọi các địa phương trên địa bàn Chiến dịch phát huy cao nhất khả năng của hậu cần tại chỗ. Kết quả, ta huy động, vận chuyển được gần 7.000 tấn lương thực, thực phẩm, 166 tấn đạn, v.v. Nhờ đó, mặc dù phải chuyển từ tiến công sang truy kích địch rút chạy, công tác bảo đảm vẫn đáp ứng yêu cầu của các đơn vị, góp phần làm nên thắng lợi của Chiến dịch.

Ba là, đập tan nỗ lực củng cố Thượng Lào của thực dân Pháp, đánh dấu bước phát triển thế tiến công chiến lược của ta. Trước nguy cơ Thượng Lào bị uy hiếp nghiêm trọng, địch quyết định đặt Thượng Lào dưới quyền chỉ huy của Bộ chỉ huy quân Pháp ở Bắc Bộ. Đồng thời, chúng chia Thượng Lào thành hai khu vực phòng thủ là Mê Kông và Trấn Ninh; trong đó, tập trung xây dựng Sầm Nưa thành một tập đoàn cứ điểm mạnh “kiểu Nà Sản” trên đất Lào, hòng giành lại thế chủ động chiến lược trên chiến trường Bắc Đông Dương. Thực hiện kế hoạch trên, chúng gấp rút tăng cường lực lượng: Sầm Nưa 03 tiểu đoàn, Xiêng Khoảng 01 tiểu đoàn quân đội Vương quốc Lào; cùng với lực lượng tại chỗ, địch tổ chức phòng ngự thành 11 cứ điểm; đồng thời, cho sửa chữa sân bay dã chiến Nà Thông và bãi nhảy dù Nà Viêng. Ngoài ra, chúng sẵn sàng sử dụng lực lượng cơ động ở chiến trường Bắc Việt Nam để ứng cứu, giải tỏa bằng đường không khi cần thiết.

Mặc dù hệ thống phòng ngự được xây dựng kiên cố, vững chắc, nhưng ngay khi phát hiện các đại đoàn chủ lực của ta tiến sang Thượng Lào, tướng R. Salan - Tổng Chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương lập tức ra lệnh rút toàn bộ lực lượng khỏi Sầm Nưa để tránh nguy cơ bị tiêu diệt. Trước tình thế đó, Bộ Chỉ huy Chiến dịch kịp thời chỉ đạo các đơn vị điều chỉnh lực lượng thành các tiểu đoàn, đại đội gọn nhẹ, nhanh chóng bám đuổi, truy kích, tiêu diệt lớn lực lượng địch3. Thất bại ở Thượng Lào không chỉ đẩy lực lượng cơ động của quân đội Pháp trên chiến trường Bắc Đông Dương lún sâu vào thế bị động đối phó, mà còn làm phá sản kế hoạch giành lại quyền chủ động chiến lược của chúng. Về phía ta, Chiến thắng Thượng Lào đánh dấu bước phát triển thế tiến công chiến lược, ta có thể đánh địch trên nhiều hướng, tạo tiền đề triển khai các chiến dịch tiến công tiếp theo nhằm nắm chắc và củng cố quyền chủ động chiến lược, tiến lên giành thắng lợi cuối cùng.

Bốn là, Chiến thắng Thượng Lào 1953 - mốc son của tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, tạo bước phát triển mới của cách mạng Lào. Từ sau chiến dịch Biên Giới năm 1950, tình đoàn kết, liên minh chiến đấu giữa nhân dân ba nước Đông Dương ngày càng phát triển mạnh mẽ. Tháng 3/1951, Hội nghị liên minh nhân dân ba nước Đông Dương thành lập Mặt trận đoàn kết liên minh Việt - Miên - Lào. Nhờ đó, khối đoàn kết thống nhất và liên minh chiến đấu giữa nhân dân ba nước càng được củng cố và phát triển, cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung giành được nhiều thắng lợi. Tuy nhiên, phong trào kháng chiến ở Lào và Campuchia còn nhiều khó khăn, chưa theo kịp nhiệm vụ, khả năng phối hợp tác chiến với ta còn hạn chế. Vì vậy, mùa Xuân 1953, sau khi trao đổi kỹ lưỡng, ta và Bạn quyết định phối hợp mở Chiến dịch Thượng Lào. Mục đích của Chiến dịch phù hợp với điều kiện thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng từng nước nói riêng, cách mạng ba nước Đông Dương nói chung. Đồng thuận với các nhà lãnh đạo Việt Nam, những người đứng đầu Đảng và Chính phủ kháng chiến Lào nhiệt liệt tán thành chủ trương của ta, tích cực phối hợp chiến đấu chặt chẽ. Thắng lợi của Chiến dịch mở ra cục diện mới cho cuộc kháng chiến, cứu nước của nhân dân Lào, tạo cho cách mạng Lào có căn cứ địa rộng lớn4, nối liền với vùng giải phóng của Việt Nam, tạo thế phối hợp chiến lược giữa cách mạng hai nước, đưa cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc phát triển thuận lợi. Chiến thắng Thượng Lào là kết quả của tinh thần quốc tế vô sản, của sự phối hợp chiến đấu giữa quân đội, nhân dân hai nước, trở thành dấu son trong lịch sử đoàn kết chiến đấu keo sơn Việt - Lào.

Chiến thắng Thượng Lào cùng với những thắng lợi quân sự trong năm 1953 đã giáng cho địch những thất bại nặng nề, mở ra bước ngoặt cho cách mạng Lào, tạo sự phát triển về thế và lực để quân và dân hai nước tiến lên đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp. Những bài học kinh nghiệm rút ra từ chiến thắng Thượng Lào 1953 vẫn còn nguyên giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Thiếu tướng, TS. NGUYỄN HOÀNG NHIÊN, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự, Bộ Quốc phòng
_________________

1 - Tăng cường thêm 03 tiểu đoàn (lực lượng khoảng 1.700 tên); xây dựng hệ thống công sự phòng ngự kiên cố, có hàng rào dây thép gai bao quanh, v.v.

2 - ĐCSVN – Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 14, Nxb CTQG, H. 2001, tr. 130.

3 - Loại khỏi vòng chiến đấu 03 tiểu đoàn và 11 đại đội với khoảng 2.800 quân (tương đương 1/5 tổng số quân địch ở Lào).

4 - Giải phóng toàn bộ tỉnh Sầm Nưa, phần lớn tỉnh Xiêng Khoảng và một số huyện dọc sông Nậm Hu thuộc tỉnh Luông Pha Băng và Phong Xa Lỳ.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định thành lập Quân tình nguyện tại Lào, đánh dấu sự phát triển mới của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào; đồng thời, khẳng định đường lối, quan điểm đúng đắn của Đảng ta trong thực hiện nghĩa vụ quốc tế.