Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Hai, 23/05/2022, 08:38 (GMT+7)
Chiến thắng Quảng Trị năm 1972 - tầm vóc và bài học lịch sử

Chiến thắng Quảng Trị năm 1972 đã giáng đòn mạnh mẽ vào nỗ lực thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, làm thay đổi tương quan lực lượng theo hướng có lợi cho ta. Chiến thắng khẳng định tầm nhìn, tư duy chiến lược, sự chỉ đạo sáng suốt của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương; sự phát triển của nghệ thuật tác chiến chiến dịch; tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta.

Năm 1972, thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, quân và dân ta tiến hành cuộc tiến công chiến lược, nhằm thay đổi tương quan lực lượng, tạo lợi thế cho ta trong đàm phán tại Hội nghị Paris. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Tư lệnh Chiến dịch, chiến dịch tiến công Trị - Thiên giành thắng lợi lớn, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị, đánh dấu mốc quan trọng khi ta chọc thủng tuyến phòng thủ vững chắc của địch, mở rộng vùng giải phóng nối liền với hậu phương miền Bắc; giáng đòn mạnh mẽ vào nỗ lực thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ; đồng thời, là minh chứng sống động về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta. Chiến thắng Quảng Trị năm 1972 giúp chúng ta nhìn nhận sâu sắc hơn về tầm vóc, giá trị cũng như bài học lịch sử:

Thứ nhất, khẳng định tầm nhìn, tư duy chiến lược, sự chỉ đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương; tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta. Trong năm 1971, cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ba nước Đông Dương nói chung, Việt Nam nói riêng giành thắng lợi lớn, làm thất bại một bước chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và “Học thuyết Nixon”, buộc chúng phải lui về giữ thế phòng ngự. Không chấp nhận bị động đối phó với các cuộc tiến công của ta, quân địch tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động quân sự và chương trình bình định, kết hợp đánh phá, ngăn chặn tuyến vận tải chiến lược của ta từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Trên cơ sở nắm chắc ý đồ của địch, với quyết tâm “nắm lấy thời cơ, quật địch những đòn quyết liệt hơn nữa, làm cho ngụy quân, ngụy quyền suy sụp, bắt Mỹ phải chịu thua và rút hết quân về nước”1, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định mở Cuộc tiến công chiến lược năm 1972, với hướng tiến công chủ yếu là Trị - Thiên, giải phóng tỉnh Quảng Trị, sau đó phát triển vào Thừa Thiên.

Chiến dịch Trị - Thiên diễn ra cùng thời điểm với các chiến dịch trên hướng Bắc Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ. Để nghi binh, đánh lạc hướng quân địch, Bộ Tổng Tham mưu đã chỉ đạo Sư đoàn 304 sử dụng một số đơn vị hành quân và phát đi các mệnh lệnh giả trên hướng Tây Nguyên. Chính hoạt động đó khiến quân địch khẳng định, Tây Nguyên là hướng tiến công chủ yếu của ta, dẫn đến chúng hoàn toàn bị bất ngờ về cả hướng và thời gian cuộc tiến công chiến lược năm 1972. Sau một thời gian ngắn diễn ra chiến dịch Trị - Thiên, với hai đợt tiến công bằng lực lượng binh chủng hợp thành, ta giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị. Sau khi mất Quảng Trị, quân địch tổ chức bổ sung lực lượng, lập tuyến phòng thủ dọc sông Mỹ Chánh, sử dụng không quân, pháo binh đánh phá ác liệt hậu phương chiến dịch, nhằm ngăn chặn các cuộc tiến công vào Huế, đồng thời tạo bàn đạp tái chiếm Quảng Trị. Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Chiến dịch quyết định chuyển từ tiến công giải phóng Thừa Thiên sang phòng ngự quy mô chiến dịch, bảo vệ Thành cổ và vùng giải phóng, đánh bại nỗ lực tái chiếm Quảng Trị của địch.

Chiến thắng Quảng Trị năm 1972, thể hiện tầm nhìn, tư duy chiến lược của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương trong chỉ đạo điều hành tác chiến; ý chí, khát vọng độc lập, tự do, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta. Tinh thần đó được thể hiện rõ nét nhất trong cuộc chiến 81 ngày, đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, khi mà quân và dân ta phải vượt qua điều kiện thời tiết khắc nghiệt, phải hứng chịu hàng nghìn tấn bom đạn của kẻ thù. Chiến thắng là một trong những lý do quan trọng buộc đế quốc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris và rút quân khỏi Việt Nam; đồng thời cổ vũ mạnh mẽ quân và dân cả nước đẩy mạnh đấu tranh giành thắng lợi to lớn trên các chiến trường.

Thứ hai, giáng đòn mạnh mẽ vào nỗ lực tiến hành chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của địch. Sau ba năm thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” với nhiều kỳ vọng, song các mục tiêu mà quân địch đề ra đều không đạt được, bởi chúng bị quân và dân ta giáng đòn mạnh mẽ, quyết liệt trên các chiến trường. Tình thế đó khiến quân địch ngày càng lúng túng, bị động, tinh thần chiến đấu sa sút, lực lượng phải dàn mỏng, dẫn đến nỗ lực bình định miền Nam của chúng ảnh hưởng nặng nề. Bước sang năm 1972, đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động quân sự nhằm cố gắng giữ vững cục diện chiến trường, không đảo lộn thế chiến lược, đồng thời xúc tiến các hoạt động “ngoại giao nước lớn” hòng cô lập, buộc Việt Nam phải nhượng bộ trong đàm phán tại Paris.

Trên cơ sở những thắng lợi có ý nghĩa chiến lược trong năm 1970, 1971, chúng ta có điều kiện kết hợp chặt chẽ đấu tranh quân sự, chính trị, ngoại giao, tiếp tục phát triển quyền chủ động tiến công giành thắng lợi có ý nghĩa chiến lược lớn hơn trong năm 19722. Theo đó, năm 1972, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định mở cuộc tiến công chiến lược, với hướng chủ yếu Trị - Thiên. Đây là quyết định sáng suốt, tài tình của Trung ương Đảng trong việc lựa chọn chính xác hướng tiến công chiến lược chủ yếu, bởi vì: chiến trường Trị - Thiên có vị trí đặc biệt quan trọng đối với cả ta và địch. Đây là đầu mối giao thông quan trọng nối liền Việt Nam với Trung, Hạ Lào; tuyến đầu trong hệ thống phòng thủ chiến lược của địch, nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Nếu giành thắng lợi trên chiến trường này chúng sẽ gây sức ép với ta tại Hội nghị Paris. Ngược lại, chiến trường Trị - Thiên gần hậu phương miền Bắc, nên ta có thể làm tốt công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho Chiến dịch. Nếu ta chọc thủng tuyến phòng thủ của địch, chiếm được thị xã Quảng Trị, tiến sát bờ Bắc sông Mỹ Chánh, uy hiếp Thừa Thiên sẽ tạo áp lực đối với địch trên bàn đàm phán Hiệp định Paris.

Thực tiễn chứng minh, mặc dù ở chiến trường Trị - Thiên, địch bố trí nhiều lực lượng, phương tiện, xây dựng hệ thống phòng ngự kiên cố, lại tổ chức hỏa lực mạnh khống chế một vùng rộng lớn hai bờ Nam, Bắc sông Bến Hải, nhưng chỉ trong thời gian ngắn, chúng vẫn bị quân và dân ta đồng loạt tiến công phá vỡ tuyến phòng thủ Đường 9 - Bắc Quảng Trị (giải phóng Gio Linh, Cam Lộ ngày 04/4/1972) và tuyến phòng thủ liên hoàn tại Đông Hà, Ái Tử, La Vang, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị.

Chiến thắng giáng đòn mạnh mẽ vào chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”; âm mưu “đàm phán trên thế mạnh” tại Hội nghị Paris mà địch cố tạo ra bằng những thắng lợi trên chiến trường miền Nam, đồng thời tác động nhiều mặt đối với Mỹ và chính quyền tay sai như chúng từng thừa nhận: “Cuộc tiến công 1972 của địch đã làm nổi lên một cách bi thảm nhất sự yếu kém cơ bản của quá trình Việt Nam hóa”3.

Thứ ba, đánh dấu bước phát triển của nghệ thuật tác chiến chiến dịch. Việc Trung ương Đảng quyết định chọn Trị - Thiên là hướng chủ yếu của cuộc tiến công chiến lược trước thời điểm mở màn cuộc tiến công Quảng Trị có 07 ngày là một thách thức lớn đối với Bộ Tư lệnh cũng như các lực lượng tham gia Chiến dịch về thời gian làm công tác tổ chức chuẩn bị và thực hành tác chiến. Để hoàn thành nhiệm vụ chiến lược quan trọng này, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã phát huy trí tuệ tập thể, đoàn kết, linh hoạt, sáng tạo, điều hành công tác chuẩn bị và thực hành tác chiến một cách khoa học, chặt chẽ, đồng thời phát huy được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng tham gia Chiến dịch. Theo đó, Bộ Tư lệnh Chiến dịch sử dụng các đơn vị chủ lực bộ binh, binh chủng phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương triển khai tiến công Quảng Trị trên các hướng: hướng chủ yếu (phía Bắc), thứ yếu (phía Nam), vu hồi (phía Đông) và hướng khác (phía Tây), cùng ưu thế về lực lượng, thế trận, hình thành sức mạnh hiệp đồng binh chủng lớn, tiến công liên tục, đánh bại các biện pháp phòng ngự của địch. Đặc biệt, Chiến dịch thực hiện có hiệu quả phương pháp đột phá liên tục các tuyến phòng ngự kiên cố với xe tăng, thiết giáp làm nòng cốt, đánh đến đâu bám trụ đến đó, chú trọng thọc sâu, chia cắt, kết hợp tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng nhân dân trên địa bàn.

Cùng với đó, công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật phục vụ chiến dịch cũng được chú trọng. Từ tháng 7/1971, Cục Hậu cần B5 được kiện toàn và hình thành một mạng lưới bảo đảm hậu cần rộng khắp, chặt chẽ; Đoàn 559 tổ chức các đợt thi đua vận tải, hoàn thành kế hoạch tạo chân hàng cho các binh trạm ở Nam sông Bến Hải và nguồn hàng dự trữ cho hướng tiến công Trị - Thiên. Khi có chủ trương chuyển hướng tiến công chiến lược, công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cũng được gấp rút hoàn thành, đáp ứng cơ bản yêu cầu tác chiến trước khi Chiến dịch nổ ra. Việc lựa chọn chính xác mục tiêu chủ yếu, sử dụng lực lượng hợp lý, tạo lập thế trận có lợi, sử dụng phương pháp tác chiến phù hợp và làm tốt công tác chuẩn bị trước khi tiến hành chiến dịch thể hiện sự chỉ đạo, điều hành tác chiến chiến dịch sáng suốt, tài tình của Trung ương Đảng mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Tư lệnh Chiến dịch. Ngoài ra còn khẳng định sự phát triển lớn mạnh của bộ đội ta cũng như bước phát triển của nghệ thuật tác chiến chiến dịch và là nét đặc sắc trong Chiến dịch Trị - Thiên giải phóng tỉnh Quảng Trị năm 1972.

Chiến thắng Quảng Trị năm 1972 và cuộc chiến đấu chống địch tái chiếm Quảng Trị khẳng định tầm vóc và để lại nhiều bài học lịch sử nổi bật: (1) Đánh giá đúng tình hình địch, ta, chủ động xây dựng quyết tâm sát với thực tiễn chiến trường, kết hợp chặt chẽ giữa tiến công quân sự với đấu tranh chính trị, ngoại giao trên bàn đàm phán; (2) Lựa chọn chính xác hướng, mục tiêu chiến dịch, sử dụng lực lượng, phương thức tác chiến phù hợp, thực hiện nghiêm sự chỉ đạo chiến lược; (3) Giữ vững sự đoàn kết, tinh thần quyết chiến, quyết thắng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn gian khổ của quân và dân ta. Những bài học trên có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, cần được nghiên cứu vận dụng, phát triển sáng tạo trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Thiếu tướng, TS. NGUYỄN HOÀNG NHIÊN, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự
_______________

1 - ĐCSVN – Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 32, Nxb CTQG, H. 2004, tr. 340.

2 - Ban Chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị – Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - Thắng lợi và bài học, Nxb CTQG, H. 1995, tr. 83.

3 - Gabriel Kolko – Giải phẫu một cuộc chiến tranh - Việt Nam, Mỹ và kinh nghiệm lịch sử hiện đại, Nxb QĐND, H. 2003, tr. 498 - 499.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

"Sự kiện Vịnh Bắc Bộ" năm 1964 và bài học Chiến thắng trận đầu của quân, dân miền Bắc
Ngày 05-8-1964, với việc dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, đế quốc Mỹ đã phát động cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân, hòng đè bẹp ý chí chiến đấu của nhân dân Việt Nam. Song, chúng đã bị quân và dân miền Bắc giáng trả những đòn thích đáng, với những nét nghệ thuật đặc sắc.