Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Hai, 19/10/2015, 07:54 (GMT+7)
Chiến thắng Bình Giã - bước phát triển của chiến tranh cách mạng miền Nam

Khi đề cập đến chiến thắng Bình Giã, cố Đại tướng Hoàng Văn Thái, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đánh giá đây là “… một chiến dịch quy mô nhỏ nhưng có ý nghĩa chiến lược, mở đầu thời kỳ mới của chiến tranh cách mạng miền Nam”1.

Tượng đài Chiến Thắng Bình Giã tại thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức
(Ảnh: baobariavungtau.com.vn)

Trong chiến tranh, Bình Giã thuộc tỉnh Bà Rịa, là địa bàn có nhiều tuyến giao thông thủy, bộ; địch bố trí nhiều căn cứ chiến đấu. Giữa năm 1964, Mỹ - ngụy thiết lập Đặc khu Phước Biên (gồm tỉnh Bà Rịa và Biên Hòa), trực thuộc Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3. Ngoài lực lượng vệ binh, địch còn tăng cường 01 tiểu đoàn biệt động quân (bố trí ở Phú Mỹ), 01 chi đội cơ giới (ở Phước Lễ - Bà Rịa), 02 trung đội pháo 105 mm. Lực lượng cơ động của Quân đoàn 3 ngụy, gồm: 03 tiểu đoàn biệt động quân. Tiểu đoàn bộ binh 3 và Tiểu đoàn thủy quân lục chiến, lữ đoàn dù và Trung đoàn cơ giới số 1 (M.113). Đây cũng là lực lượng trực tiếp chi viện, ứng cứu cho đặc khu Phước Biên.

Về phía ta, lực lượng tham gia Chiến dịch, gồm: 02 tiểu đoàn chủ lực của Quân khu 7, 01 tiểu đoàn chủ lực của Quân khu 6, các đơn vị bộ đội địa phương tỉnh, huyện và du kích các xã trên địa bàn Chiến dịch. Phương châm chiến dịch: kết hợp tiến công quân sự với đấu tranh chính trị, binh vận, tích cực tiêu diệt địch, hỗ trợ cho nhân dân phá “ấp chiến lược”, mở rộng vùng giải phóng. Phương thức tác chiến chiến dịch: đánh điểm diệt viện, đánh địch ngoài công sự là chính. Để trực tiếp chỉ huy và điều hành chiến dịch, Bộ Chỉ huy Miền tổ chức Bộ Chỉ huy tiền phương bên cạnh Ban Chỉ huy chiến dịch.

Chiến dịch Bình Giã diễn ra từ đêm 02-12-1964 đến ngày 03-01-1965, chia làm hai đợt: đợt 1 từ đêm 02-12 đến ngày 17-12-1964; đợt 2 từ đêm 27-12-1964 đến chiều 03-01-1965. Chiến dịch Bình Giã kết thúc thắng lợi, đã loại khỏi vòng chiến đấu 1.700 tên, bắt gần 300 tên, diệt gọn 02 tiểu đoàn chủ lực, 01 chi đoàn xe bọc thép và nhiều đại đội bảo an; phá hỏng 45 xe quân sự, phần lớn là xe M.113; bắn rơi, bắn hỏng 56 máy bay (chủ yếu là máy bay trực thăng), thu khoảng 1.000 súng các loại và 100 máy thông tin. Chiến dịch Bình Giã thắng lợi vượt ra ngoài phạm vi chiến dịch, có ý nghĩa về chiến lược. Thắng lợi đó có nhiều nguyên nhân, nhưng có một số nguyên nhân quan trọng, cũng là những bài học sâu sắc, nổi bật là: hoạt động công tác đảng, công tác chính trị; chuẩn bị hậu cần, kỹ thuật; vận dụng cách đánh độc đáo, sáng tạo, đạt hiệu suất chiến đấu cao.

Đây là chiến dịch tiến công đánh lớn, đánh mạnh và đánh sâu vào hậu cứ của địch, có ý nghĩa rất lớn đối với cách mạng miền Nam. Vì thế, Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền chỉ đạo các đơn vị tham gia Chiến dịch chú trọng toàn diện các yếu tố, nhất là nhân tố chính trị - tinh thần. Trong đó, tập trung xây dựng cho bộ đội ý chí quyết tâm chiến đấu cao, bản lĩnh, tâm lý vững vàng; đồng thời, giáo dục nhiệm vụ, làm cho bộ đội thấy rõ đòi hỏi của chiến trường lúc này là phải tập trung đánh lớn để tiêu diệt một bộ phận chủ lực quân ngụy, hỗ trợ nhân dân nổi dậy phá ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng, phát triển chiến tranh nhân dân, xây dựng căn cứ địa, tạo cục diện mới, thúc đẩy chiến tranh cách mạng miền Nam phát triển.

Theo đó, các đơn vị tập trung quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương, đường lối chiến tranh của Đảng, phát huy trí tuệ, sáng tạo, vượt mọi khó khăn, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao. Trong giáo dục chính trị, tư tưởng, các đơn vị kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng tinh thần đoàn kết, hiệp đồng, ý thức cảnh giác, giữ bí mật, chấp hành kỷ luật chiến trường và thực hiện đúng chính sách trong chiến đấu; kịp thời và kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện tư tưởng ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh. Thường xuyên chăm lo, động viên chiến đấu, cổ vũ chiến trường, phát động phong trào thi đua lập công, đề ra mục tiêu, chỉ tiêu, khẩu hiệu hành động sát hợp với từng đơn vị, từng đợt và từng trận. Từng cá nhân, đơn vị tự viết quyết tâm thư; khẩu hiệu hành động: “Đánh chí cốt”, “Đi là chiến thắng, đánh là dứt điểm”,… sớm lan rộng, trở thành phong trào chung ở các đơn vị tham gia Chiến dịch. Cán bộ, chỉ huy của các đơn vị chủ lực và địa phương luôn bám sát nhiệm vụ, từng đối tượng; cả tuyến trước, tuyến sau, cả trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu, nên đã kịp thời tiếp thêm sức mạnh cho bộ đội. Vì thế, trong chiến đấu, bộ đội đã thể hiện rõ ý chí, tinh thần anh dũng, không sợ hy sinh, gian khổ, không những đã chiến thắng bom, đạn, mà còn “vượt lên” những vũ khí, phương tiện, trang bị hiện đại, như xe tăng, máy bay của địch, góp phần tiêu diệt toàn bộ Chi đoàn thiết giáp số 3 và Tiểu đoàn thủy quân lục chiến số 4 đi ứng cứu, chi viện cho ấp Bình Giã.

Để giành thắng lợi, Bộ Chỉ huy Miền còn đặc biệt quan tâm phát huy khả năng của lực lượng vũ trang và nhân dân để chủ động chuẩn bị hậu cần, kỹ thuật cho Chiến dịch. Phương châm của Quân ủy, Bộ Chỉ huy Miền là kết hợp chặt chẽ hậu cần cấp trên (Miền) và hậu cần tại chỗ, trong đó, “hậu cần tại chỗ” là chủ yếu; đồng thời, tổ chức phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng. Bộ phận hậu cần tiền phương được thành lập, gồm: 200 cán bộ, chiến sĩ và khung vận tải của U50 (Khu A); bộ phận hậu cần chiến dịch, gồm: hậu cần của Quân khu 7, tỉnh Bà Rịa, Đoàn 1.500, Đoàn K10 và nhân dân địa phương, Ban Quân nhu Khu E làm nòng cốt. Bộ phận này bao gồm đủ các cơ quan, 04 đội thu mua, vận tải, 02 bệnh viện dã chiến, 01 đội phẫu thuật lưu động, 01 kho dược và nhiều kho vũ khí, đạn dược. Nhờ sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền các cấp, trong đó có Tỉnh đội Bà Rịa, Đoàn Hậu cần 81, 82, 83 và nhân dân địa phương, hậu cần chiến dịch đã huy động được gần 2.000 dân công; thu mua, vận chuyển và dự trữ được 750 tấn lương thực, thực phẩm (500 tấn tại chỗ, 250 tấn từ Sài Gòn và đồng bằng sông Cửu Long). Lần đầu tiên ở Đông Nam Bộ, hậu cần chiến dịch được tổ chức đồng bộ, có cơ quan chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ; có kho dã chiến dự trữ vũ khí, đạn dược; có tuyến trước, tuyến sau; có đội phẫu thuật lưu động và bệnh viện dã chiến; thiết lập hệ thống thu mua lương thực, thực phẩm liên hoàn, gắn liền các kho cấp phát,... đảm bảo kịp thời mọi mặt cho tác chiến. Bộ Chỉ huy Miền đã kết hợp chặt chẽ giữa hậu cần chính quy với hậu cần nhân dân; hậu cần chiến lược, chiến dịch với hậu cần tại chỗ. Đây là một sáng tạo trong công tác đảm bảo hậu cần, kỹ thuật chiến dịch, cơ sở khoa học để Quân ủy, Bộ Chỉ huy Miền lãnh đạo, chỉ đạo công tác hậu cần, kỹ thuật trong các chiến dịch, trận đánh sau này.

Trước khi mở Chiến dịch, Bộ Chỉ huy Miền chỉ đạo lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ đẩy mạnh hoạt động tiến công địch trên khắp chiến trường. Trong đó chú trọng căn cứ không quân Biên Hòa, nhằm căng, kéo, thu hút sự chú ý của chúng về hướng khác, nghi binh, giữ bí mật và hạn chế tới mức thấp nhất khả năng tham gia của lực lượng không quân địch. Thực hiện nhiệm vụ này, lực lượng vũ trang Miền cùng với nhân dân miền Đông Nam Bộ đồng thời tiến công vào nhiều mục tiêu, phá tan một loạt ấp chiến lược ở huyện Hoài Đức, Đất Đỏ, Long Thành,… cách xa địa bàn mở chiến dịch; giải phóng Phò Trì ven biển Hàm Tân, mở thông tuyến tiếp nhận hàng hóa từ miền Bắc vào bằng đường biển. Đoàn 800 Quân khu 7 thực hiện chia cắt, bao vây và cô lập từng cụm, diệt gọn đoàn xe địch trên đường 15. Riêng pháo binh Miền (U.80) được sự giúp đỡ tận tình, chu đáo của lực lượng vũ trang địa phương và nhân dân, nhất là người dân ở xung quanh căn cứ không quân Biên Hòa, đã bí mật đưa súng, pháo vào áp sát sân bay, tạo lợi thế tiến công, nâng cao hiệu suất chiến đấu. Bị tấn công bất ngờ trên toàn địa bàn, trong đó có căn cứ không quân Biên Hòa - biểu tượng sức mạnh của Mỹ, ngụy bị thiệt hại nặng, gần như tê liệt: hỏng 59 máy bay các loại, nhiều giặc lái, nhân viên kỹ thuật, bảo vệ bị tiêu diệt. Tiến công mạnh trên khắp địa bàn và tiến công vào nơi mạnh nhất, nơi sơ hở của địch là một quyết định đúng đắn, sáng tạo của Quân ủy, Bộ Chỉ huy Miền, làm cho địch phán đoán sai ý định của ta, thậm chí còn điều quân ra xa Bình Giã.

Thắng lợi đó là điển hình của sự phát triển nghệ thuật chiến tranh cách mạng miền Nam, góp phần quan trọng giành thắng lợi Chiến dịch. Bộ Chỉ huy Miền nhận định, khi tăng viện, ứng cứu, giải tỏa, địch sẽ sử dụng tối đa lực lượng không quân để giành ưu thế trên chiến trường. Từ đó, đã chỉ đạo lực lượng phòng không chiến dịch nghiên cứu kỹ địa hình, xác định hướng, đường bay, khu vực, bãi đổ quân; đồng thời chọn vị trí thuận lợi triển khai khí tài phục kích, đón lõng đánh máy bay địch, quân đổ bộ. Với vũ khí, trang bị hiện có và thu được của địch (súng trường, tiểu liên, trung liên và cả trọng liên trên các xe M.113), quân Giải phóng đã thiết lập được thế trận phòng không linh hoạt, dày đặc, nhiều tầng, nhiều lớp bao trùm “đàn quạ sắt” - niềm “kiêu hãnh” của Quân đội Việt Nam cộng hòa. Vì thế, hầu hết các máy bay của chúng đã cất cánh tham gia trận đánh đều “không thể” quay về căn cứ. Trận đầu tiên, ngày 09-12-1964, quân Giải phóng đã bắn rơi 04 máy bay, trong đó 03 trực thăng vũ trang, 01 máy bay trinh sát L.19, bắn hỏng 03 trực thăng vũ trang. Ngày 28-12, địch sử dụng 24 trực thăng vũ trang yểm trợ cho 50 trực thăng chở quân định đổ xuống Đông Bắc Bình Giã để phối hợp với Tiểu đoàn 30 ở hướng Tây đánh chiếm lại Ấp. Nhưng chúng đã rơi vào đúng thế trận bố trí sẵn của ta, nên không thể đổ quân ở hướng Đông Bắc, buộc phải đổ quân sang hướng Đông Nam. Kết quả, ta bắn rơi 18 máy bay, diệt gọn Tiểu đoàn 33 và đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn 30 khi chúng vừa tiếp đất, chưa kịp chấn chỉnh đội hình tiến công, v.v.

Chiến dịch Bình Giã thắng lợi đã khẳng định sự phát triển mọi mặt của chiến tranh cách mạng miền Nam. Thắng lợi đó khiến Bộ Quốc phòng Mỹ phải thú nhận: “Mối thất vọng của Oa-sinh-tơn đối với tình hình quân sự càng tăng lên khi Quân đội Sài Gòn bị một cú thất bại trông thấy trong trận đánh ác liệt ở Bình Giã… Mọi bằng chứng chỉ rõ tình hình sụp đổ cuối cùng của Chính phủ Việt Nam là có thể xảy ra và rõ ràng là có khả năng Việt cộng củng cố một cách thắng lợi quyền lực của họ”2.

Đại tá, ThS. PHẠM ĐỨC TRƯỜNG, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam
_____________________

1 - Lịch sử Bà Rịa - Vũng Tàu kháng chiến (1945 - 1975), Nxb QĐND, H. 1995, tr. 256.

2 - Tài liệu mật Bộ Quốc phòng Mỹ về cuộc chiến tranh Việt Nam, Tập 2, Việt Nam TTX phát hành, H. 1971, tr. 25.

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định thành lập Quân tình nguyện tại Lào, đánh dấu sự phát triển mới của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào; đồng thời, khẳng định đường lối, quan điểm đúng đắn của Đảng ta trong thực hiện nghĩa vụ quốc tế.