Thứ Sáu, 22/11/2024, 22:21 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam
Chiến dịch đổ bộ đường biển Tà Lơn1 là chiến công xuất sắc của Bộ đội Hải quân; biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết chiến đấu giữa quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam – Cam-pu-chia. Thắng lợi của Chiến dịch này đã góp phần bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biên giới, biển đảo Tây Nam của Tổ quốc, tăng cường thế và lực để Quân tình nguyện Việt Nam cùng lực lượng vũ trang cách mạng, nhân dân Cam-pu-chia giải phóng đất nước Chùa Tháp khỏi họa diệt chủng.
Sau năm 1975, Khơ-me đỏ ở Cam-pu-chia ngày càng lộ rõ bộ mặt phản động, tàn bạo cả về đối nội, đối ngoại. Từ tháng 6-1978, chúng đẩy mạnh chiến tranh xâm lấn và chuyển sang thực hiện cuộc chiến tranh xâm lược với mức độ quyết liệt, quy mô nhiều sư đoàn trên toàn tuyến biên giới Tây Nam, tàn sát hàng nghìn dân thường, đốt phá nhiều làng mạc, phá hoại cuộc sống hòa bình của nhân dân ta. Để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc và đáp lại lời kêu gọi tha thiết của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia, trên tinh thần quốc tế trong sáng, quan điểm “giúp bạn là tự giúp mình”, cuối tháng 12-1978, ta tổ chức phản công ở biên giới Tây Nam, nhằm đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của quân Khơ-me đỏ; đồng thời, giúp nhân dân Cam-pu-chia đập tan bộ máy cai trị độc tài phát xít của tập đoàn phản động Pôn pốt - Yêng-xa-ri, giải phóng đất nước thoát khỏi họa diệt chủng.
Nằm trong tổng thể hoạt động tác chiến đó, ngày 22-12-1978, Quân chủng Hải quân được giao đảm nhiệm một hướng chiến dịch quan trọng. Trọng tâm là tổ chức đổ bộ đường biển lên bãi biển Tà Lơn, tiêu diệt, kìm giữ lực lượng phòng thủ bờ biển của địch, bảo vệ bên sườn và phối hợp với bộ đội binh chủng hợp thành tác chiến trên hướng ven biển, đảm trách mũi tiến công đánh chiếm cảng Công Pông Xom, quân cảng Ream, làm chủ vùng biển và ven biển, cắt đứt con đường huyết mạch, chia cắt Đông Nam Cam-pu-chia.
Bãi đổ bộ Tà Lơn dài khoảng 300m, nằm dưới chân núi Tà Lơn thuộc tỉnh Kam-pốt, Cam-pu-chia, ở phía bắc đảo Phú Quốc của Việt Nam, cách thị xã Kam-pốt khoảng 20km về phía Đông, cách cảng Công Pông Xom khoảng 90km về phía Tây; địa hình, thủy văn có nhiều điểm khó khăn cho đổ bộ. Lực lượng địch trong khu vực có Sư đoàn 164 Hải quân, Trung đoàn 17 Biên phòng cùng các lực lượng thuộc đặc khu Công Pông Xom và tỉnh Kô Kông, với tổng số khoảng trên 5.000 quân, 172 tàu thuyền các loại, bố trí phòng ngự rất kỹ lưỡng. Lực lượng của Quân chủng tham gia chiến dịch gồm: Lữ đoàn 127 và Lữ đoàn 101 (Vùng 5); Lữ đoàn 126 Hải quân đánh bộ; Lữ đoàn 125; Hạm đội 171 và một phần lực lượng Vùng 4, với tổng số 16 tiểu đoàn (bộ binh, hải quân đánh bộ, đặc công, hỏa lực, xe tăng - thiết giáp), 160 tàu thuyền các loại. Lực lượng phối hợp chiến đấu có: Trung đoàn 962, Quân khu 9; bộ binh của Quân đoàn 2 và máy bay của Quân chủng Phòng không - Không quân.
Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, công tác chuẩn bị được Quân chủng chỉ đạo tiến hành hết sức khẩn trương. Đến ngày 05-01-1979, các lực lượng tham gia Chiến dịch đã tập kết đầy đủ tại khu vực đảo Phú Quốc, Nam Du, An Thới, sẵn sàng chiến đấu. Thực hiện kế hoạch, đêm ngày 04 và đêm 05-01, các phân đội đặc công của Lữ đoàn 126 bí mật tiền nhập, ém sẵn ở bãi đổ bộ và khu vực xung quanh, thiết lập đầu cầu. Đêm 06-01, cuộc đổ bộ lên bãi biển Tà Lơn chính thức nổ súng. Do giữ được yếu tố bí mật nên cơ bản cuộc đổ bộ lên Tà Lơn thành công, chỉ một phần binh khí kỹ thuật gặp khó khăn, chậm tiến độ, phải điều chỉnh nhiều lần. Phối hợp với hướng đổ bộ Tà Lơn, pháo tầm xa của Vùng 5 từ Phú Quốc, Hòn Đốc bắn chế áp có hiệu quả vào các trận địa hỏa lực của địch trên đất liền và các đảo trong khu vực, ngăn địch chi viện cho Tà Lơn. Cũng trong đêm 06-01, rạng sáng 07-01, các biên đội tàu của Lữ đoàn 127, Hạm đội 171 chiến đấu quyết liệt với các nhóm tàu địch, bắn chìm, bắn cháy nhiều chiếc, đẩy lui các đợt phản kích của chúng, sau đó tổ chức chốt chặn, tuần tiễu vòng ngoài, bảo vệ hai bên sườn đội hình đổ bộ. Để phân tán địch, Quân chủng sử dụng tàu nghi binh tại khu vực Công Pông Xom, sau đó cơ động pháo kích vào quân cảng Ream, tạo thuận lợi cho lực lượng đổ bộ chiến đấu lên bờ và phát triển tiến công. Dù đã có sự chuẩn bị trước, nhưng chúng ta không lường hết những tình huống phức tạp nảy sinh. Do địch kháng cự rất mạnh và bộ binh của Quân đoàn 2 đến muộn so với hiệp đồng, quá trình đổ bộ lại gặp nhiều khó khăn tại bãi, nên lực lượng đổ bộ hầu như phải độc lập chiến đấu và chịu tổn thất. Ngày 07-01, Quân chủng sử dụng lực lượng dự bị (02 tiểu đoàn của Lữ đoàn 101) tiếp tục đổ bộ lên Tà Lơn. Lực lượng này sau đó cùng với các đơn vị của Lữ đoàn 126, bộ binh của Quân đoàn 2 và lực lượng Bạn, được xe tăng, thiết giáp hỗ trợ, tổ chức đột kích tiến công tiêu diệt các mục tiêu ngoại vi và đánh chiếm Công Pông Xom, quân cảng Ream vào ngày 10-01. Mặc dù có những hy sinh, mất mát, nhưng Chiến dịch đã kết thúc thắng lợi. Ta đã đánh bại Sư đoàn 164 Hải quân, Trung đoàn 17 Biên phòng và lực lượng địch phòng thủ trong khu vực; tiêu diệt, bắt sống hơn 2.900 tên; bắn chìm, bắn cháy, phá hủy gần 70 tàu thuyền, làm tan rã cơ bản lực lượng hải quân địch; giải phóng toàn bộ vùng biển, đảo và duyên hải Đông Nam Cam-pu-chia từ Tà Lơn đến quân cảng Ream, kéo sang phía Tây Công Pông Xom, với chiều dài gần 100km, sâu 30-40km.
Đặt trong tổng thể cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và thực hiện nhiệm vụ quốc tế ở Cam-pu-chia, thắng lợi của Chiến dịch đổ bộ đường biển lên bãi biển Tà Lơn có ý nghĩa to lớn về quân sự và chính trị, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu về tổ chức, chuẩn bị và thực hành tác chiến trên biển. Thắng lợi đó là kết quả của việc vận dụng sáng tạo quan điểm chiến tranh nhân dân của Đảng trên chiến trường biển, đảo; thể hiện tinh thần quốc tế thủy chung, trong sáng, đoàn kết chiến đấu chặt chẽ giữa Quân đội và nhân dân Việt Nam với nhân dân và lực lượng vũ trang cách mạng Cam-pu-chia. Đây là lần đầu tiên Quân chủng Hải quân sử dụng lực lượng lớn, tác chiến hiệp đồng quân binh chủng quy mô chiến dịch trên biển, đảo và đất liền, trong điều kiện phức tạp, xa hậu phương. Trong bối cảnh tình hình đầu năm 1979, khi trình độ, kinh nghiệm tác chiến đổ bộ đường biển của bộ đội, khả năng vũ khí, trang bị, phương tiện đổ bộ của Quân chủng còn nhiều hạn chế, việc mở Chiến dịch đổ bộ đường biển Tà Lơn là nỗ lực, quyết tâm rất cao. Với việc giải phóng toàn bộ vùng biển, đảo và duyên hải rộng lớn, giữ vị trí chiến lược quan trọng ở phía Đông Nam Cam-pu-chia, Chiến dịch đã góp phần làm thay đổi thế trận trên chiến trường, tạo thế và lực cho các hoạt động tác chiến trên bộ, trên biển diễn ra sau đó của quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang cách mạng Cam-pu-chia, tiến tới giải phóng hoàn toàn nước Bạn.
Đã 40 năm qua đi, nhưng giá trị lịch sử và những bài học (cả thành công và chưa thành công) rút ra từ Chiến dịch đổ bộ đường biển Tà Lơn đến nay vẫn còn nguyên giá trị, cần được nghiên cứu, vận dụng, phát triển trong điều kiện mới của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong tổ chức các loại hình chiến dịch trên biển, trực tiếp là tác chiến đổ bộ đường biển. Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực, nhất là tình hình trên Biển Đông diễn biến phức tạp, khó lường; nhiệm vụ của Quân chủng rất nặng nề, yêu cầu ngày càng cao. Để thực hiện tốt vai trò là lực lượng nòng cốt trong quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, Quân chủng đã và đang triển khai đồng bộ nhiều chủ trương, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu; trong đó, có việc vận dụng, phát triển những bài học từ Chiến dịch đổ bộ đường biển Tà Lơn 40 năm về trước.
Thắng lợi của Chiến dịch trong điều kiện trang bị rất hạn chế đã cho thấy lòng quả cảm, đức hy sinh và sự kiên cường, bất khuất của lớp thế hệ cha anh. Phát huy truyền thống đó, Quân chủng coi trọng làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng cho bộ đội bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí, quyết tâm chiến đấu cao, niềm tin chiến thắng, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Cùng với xây dựng nền tảng chính trị, tinh thần, Quân chủng quán triệt sâu sắc đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, đẩy mạnh nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, bổ sung, hoàn thiện hệ thống lý luận nghệ thuật quân sự Hải quân, phù hợp với tình hình, nhiệm vụ, sự phát triển về tổ chức, lực lượng, mức độ hiện đại hóa vũ khí, trang bị. Nghiên cứu, vận dụng những kinh nghiệm xương máu trong Chiến dịch đổ bộ đường biển Tà Lơn, kết hợp khảo cứu các cuộc chiến tranh trên thế giới gần đây và nắm bắt những thay đổi về tổ chức, lực lượng, vũ khí, trang bị, phương tiện đổ bộ của nước ngoài, chủ động dự báo đúng âm mưu, thủ đoạn, kịch bản có thể xảy ra trên hướng biển, đảo, làm cơ sở xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các phương án tác chiến đổ bộ và chống đổ bộ đường biển, sẵn sàng chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ. Đặc biệt, Quân chủng tăng cường xây dựng lực lượng, thế trận hải quân trên biển, đảo; quan tâm đúng mức đến xây dựng lực lượng Hải quân đánh bộ, đơn vị tàu vận tải đổ bộ, đảm bảo cho lực lượng này thực sự “tinh, gọn, mạnh, cơ động, linh hoạt, đồng bộ, chuyên sâu”, giỏi về đổ bộ đường biển, chống đổ bộ đường biển, phòng thủ đảo, phòng thủ căn cứ. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị, cụm lực lượng Hải quân đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập theo phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, “sát nhiệm vụ, đối tượng tác chiến, chiến trường, tổ chức biên chế, vũ khí, trang bị”. Tăng cường huấn luyện hiệp đồng chiến đấu giữa hải quân đánh bộ, lực lượng phòng thủ đảo với các lực lượng khác; giữa lực lượng phòng thủ tại chỗ với lực lượng cơ động; huấn luyện đêm, huấn luyện dã ngoại dài ngày trên biển trong điều kiện phức tạp, diễn tập thực binh đối kháng,… nhằm nâng cao trình độ chỉ huy, hiệp đồng cho người chỉ huy và cơ quan, trình độ kỹ thuật, chiến thuật và khả năng chịu đựng sóng gió cho bộ đội. Những tổn thất trong Chiến dịch đổ bộ đường biển Tà Lơn nguyên nhân một phần là do ta chưa làm tốt công tác bảo đảm trinh sát nắm địch, địa hình, bảo đảm hàng hải. Từ bài học đó, Quân chủng yêu cầu các ngành, đơn vị chủ động nghiên cứu xây dựng các phương án bảo đảm tác chiến, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật chu đáo, toàn diện ngay từ thời bình, phù hợp với đặc thù từng khu vực biển, đảo. Cùng với đó, tinh thần đoàn kết quốc tế thủy chung, trong sáng, “giúp bạn là tự giúp mình” của Chiến thắng biên giới Tây Nam và Chiến dịch đổ bộ đường biển Tà Lơn đã và đang được Quân chủng Hải quân chỉ đạo phát huy nhân lên, vận dụng sáng tạo trong hoạt động đối ngoại quốc phòng, đối ngoại hải quân, tạo sức mạnh tổng hợp, đẩy mạnh xây dựng Quân chủng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc từ hướng biển.
Phó Đô đốc PHẠM HOÀI NAM, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân chủng Hải quân
____________
1 - Chiến dịch chính thức diễn ra từ ngày 06-01 đến 10-01-1979 trên khu vực bãi biển Tà Lơn, tỉnh Kam-pốt, Cam-pu-chia.
Bộ đội Hải quân,đổ bộ đường biển,Tà Lơn
Nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh trong Chiến dịch tiến công Tây Sơn Tịnh năm 1966 21/11/2024
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào 29/10/2024
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 - nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng 24/10/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Bu Prăng - Đức Lập năm 1969 27/09/2024
Nghệ thuật chỉ đạo của Đảng về tạo và nắm thời cơ, giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 19/08/2024
Nghệ thuật đánh trận then chốt quyết định trong Chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức năm 1974 15/07/2024
Nhà Lý kết hợp tiến công quân sự với biện pháp ngoại giao để kết thúc chiến tranh, kiến tạo hòa bình 24/06/2024
Chiến dịch Long Khánh năm 1969 - nét đặc sắc của nghệ thuật tập kích 04/06/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Trung - Hạ Lào năm 1954 22/04/2024
Nét nổi bật về nghệ thuật đánh trận mở đầu trong Chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 1954 15/02/2024
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 - nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh trong Chiến dịch tiến công Tây Sơn Tịnh năm 1966