Thứ Bảy, 23/11/2024, 11:22 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam
Cuối năm 1951 đầu năm 1952, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, trực tiếp là Tổng Quân ủy, quân và dân ta đã giành thắng lợi lớn trong Chiến dịch Hòa Bình. Đây là chiến thắng mang ý nghĩa chiến lược về quân sự và chính trị; trong đó nét nổi bật là nghệ thuật tác chiến chiến dịch tiến công.
Bước vào cuối năm 1951, chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương quyết định tập trung lực lượng lớn đánh chiếm Hòa Bình, nhằm bịt chặt con đường giao thông chiến lược từ Việt Bắc xuống phía Nam; bảo vệ phía Tây Nam đồng bằng Bắc Bộ, lập lại “xứ Mường tự trị” để mở rộng phạm vi thực hiện chính sách dùng người Việt đánh người Việt, gây ảnh hưởng chính trị với Mỹ, Anh và bọn bù nhìn. Thực hiện kế hoạch đó, Pháp tiến hành đánh chiếm Hòa Bình và thiết lập hai phân khu: Hòa Bình - Đường số 6 và sông Đà - Ba Vì. Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy quyết định mở Chiến dịch tiến công Hòa Bình, nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, phá tan kế hoạch chiếm đóng của chúng; đồng thời, đẩy mạnh chiến tranh du kích vùng sau lưng địch. Với phương pháp tác chiến “đánh điểm, diệt viện”, ta chỉ đạo các lực lượng ở mặt trận chính diện phối hợp chặt chẽ với mặt trận phía sau ở đồng bằng Bắc Bộ, tiêu diệt nhiều sinh lực địch tiến tới bao vây, cô lập tập đoàn cứ điểm địch tại thị xã Hòa Bình, buộc chúng phải rút chạy trong thế bị động, tạo thuận lợi cho ta giành quyền chủ động về chiến lược. Trải qua hơn hai tháng hoạt động tác chiến, Chiến dịch đã giải phóng khoảng 2.000 km2, tiêu diệt hơn 5.000 tên và bắt sống gần 700 tên; thu giữ nhiều vũ khí, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch. Đặc biệt là, đánh bại âm mưu chiếm đóng vùng tự do, phá tan ý đồ giành thế chủ động chiến lược trên chiến trường Bắc Bộ; nối thông liên lạc giữa Việt Bắc với Liên khu 3 và Liên khu 4, tạo điều kiện cho những thắng lợi quan trọng về sau. Chiến dịch đã đánh dấu bước phát triển về nghệ thuật tác chiến chiến dịch.
1. Kết hợp chặt chẽ giữa tác chiến trên mặt trận chính diện với mặt trận sau lưng địch. Sau khi tập trung dồn quân đánh chiếm Hòa Bình, thực dân Pháp đã gây khó khăn mới cho ta về quân sự, chính trị và kinh tế, nhưng chúng cũng đứng trước mâu thuẫn gay gắt khi quân số có hạn mà phải căng kéo đối phó với nhiều nơi. Trong tình thế đó, nếu ta tổ chức tiến công trên nhiều mặt trận, sẽ khiến địch bị động, cùng lúc phải đối phó trên nhiều hướng. Từ nhận định này, Bộ Tư lệnh Chiến dịch chủ động nghiên cứu tìm chỗ sơ hở để tiêu diệt địch ở chiến trường Hòa Bình, kết hợp với đẩy mạnh tác chiến ở vùng sau lưng địch, khiến chúng đầu đuôi không cứu được nhau, dẫn đến thất bại. Đây là quyết định đúng đắn, sáng tạo, vừa thể hiện tư tưởng chiến lược tiến công, vừa phát huy được cách đánh của ta trong thế trận chiến tranh nhân dân. Thực hiện chủ trương đó, tại mặt trận chính diện, ta tập trung tiêu diệt cứ điểm Tu Vũ, Núi Chẹ - các trọng điểm án ngữ con đường vận chuyển huyết mạch trên sông Đà - kết hợp với đánh địch từ nhiều hướng. Do sợ mất hai cứ điểm này, địch buộc phải điều quân từ phía sau lên, tạo điều kiện cho ta (mặt trận chính diện) tiếp tục tiêu diệt địch ứng cứu. Chớp thời cơ, mặt trận phía sau lưng địch đẩy mạnh hoạt động tác chiến ở Phát Diệm, Hà Nam và một số địa phương đồng bằng Bắc Bộ, diệt nhiều địch, giải phóng đất đai, dìu dắt bộ đội địa phương, dân quân du kích đẩy mạnh phong trào cách mạng, v.v. Như vậy, sự phối hợp nhịp nhàng, ăn khớp trong hoạt động tác chiến của các lực lượng ở mặt trận chính diện với mặt trận sau lưng địch khiến chúng bị động buộc phải nhiều lần điều lực lượng cơ động giữa hai chiến trường, không phát huy được hiệu quả của vũ khí, bị tổn thất lớn, mất thế chủ động, chấp nhận “một thất bại kép” trên cả hai chiến trường. Đó là bước phát triển về nghệ thuật tác chiến chiến dịch trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Mặc dù các chiến dịch trước đó (Hoàng Hoa Thám, Trần Hưng Đạo, Quang Trung), ta cũng có sự phối hợp giữa nội tuyến và ngoại tuyến, song chưa nhịp nhàng, ăn khớp ở phạm vi chiến dịch và từng trận đánh, vì thế chưa đạt được mục tiêu làm đảo lộn thế trận của địch. Trong Chiến dịch Hòa Bình, lực lượng chủ lực đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang địa phương tạo sức mạnh tổng hợp để giành thắng lợi.
2. Chủ động chuyển hóa thế trận chiến dịch linh hoạt; phối hợp chặt chẽ hoạt động tác chiến giữa ba thứ quân, đẩy địch vào thế cô lập và thất bại. Ngay từ đầu, trong mưu đồ đánh chiếm Hòa Bình, địch xác định hai tuyến vận tải chủ yếu cho quân chiếm đóng, đó là tuyến sông Đà và Đường số 6. Tuy nhiên, khi các cứ điểm then chốt của phân khu Sông Đà - Ba Vì bị tiêu diệt, dẫn tới tuyến vận tải sông Đà bị tê liệt, thì Đường số 6 trở thành “yết hầu” cuối cùng của địch. Trong tình thế ấy, nếu ta tiếp tục uy hiếp mạnh, rất có thể địch sẽ dồn quân về thị xã Hòa Bình và tập trung lực lượng càn quét, bảo vệ hành lang Đường số 6 (đoạn phía Nam Thị xã). Từ nhận định đó, Bộ Tư lệnh Chiến dịch quyết định điều chỉnh thế trận, chuyển hướng hoạt động của Chiến dịch xuống phía Nam, và lấy vùng Hòa Bình, Đường số 6 là hướng chính. Theo đó, ta vừa tập trung lực lượng đánh mạnh vào thị xã Hòa Bình, cắt Đường số 6, vừa đẩy mạnh tác chiến vùng địch hậu, chống địch càn quét. Đây là sự chuyển hóa thế trận rất linh hoạt, kịp thời, phù hợp với sự biến chuyển nhanh của tình hình; đồng thời, tạo sức ép lớn từ nhiều phía, buộc địch phải rút chạy mà không cần phải tổ chức các trận công kiên quy mô lớn. Thực hiện chủ trương đó, cùng với tổ chức các trận đánh xung quanh Thị xã, Chiến dịch tập trung lực lượng tiêu diệt địch trên Đường số 6, thực hiện đánh phá giao thông, gây cho chúng nhiều thiệt hại. Chỉ tính riêng Sư đoàn 304, trong 17 ngày đã đánh 10 trận trên đường Số 6, diệt 07 đại đội Âu Phi tinh nhuệ, phá hủy 26 xe cơ giới, 05 khẩu pháo 105 mm, làm chủ nhiều đoạn đường, buộc địch phải tiếp tế bằng đường không, khiến chúng rơi vào tình thế bị động, lúng túng và rối loạn.
Cùng với đó, Đảng ủy Chiến dịch chủ trương đưa một bộ phận lực lượng chủ lực tiến vào vùng địch hậu, phối hợp với bộ đội địa phương, dân quân du kích tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng các căn cứ, khu du kích, phát huy sức mạnh to lớn, rộng khắp của nhân dân phá ngụy quyền, ngụy quân. Ở nhiều địa phương, trong khi bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương phối hợp tiêu diệt những vị trí lớn của địch, nhân dân và dân quân du kích kéo đến uy hiếp, bức hàng, thu vũ khí của bọn hương dũng, tổng dũng, tay sai của Pháp. Như vậy, bằng chuyển hóa thế trận linh hoạt, kịp thời; sự phối hợp chặt chẽ giữa ba thứ quân, ta đã dồn quân Pháp ở Hòa Bình vào tình thế nguy khốn, buộc phải rút chạy, chấp nhận thất bại. Đây cũng là sự phát triển về nghệ thuật tác chiến trong Chiến dịch tiến công Hòa Bình.
3. Vận dụng sáng tạo phương châm “đánh điểm, diệt viện”, đánh địch liên tục để giành thắng lợi. Trong các chiến dịch trước Chiến dịch Hòa Bình chúng ta đã thực hiện phương châm tác chiến này; có chiến dịch đạt hiệu suất chiến đấu cao, nhưng cũng có chiến dịch còn những mặt hạn chế, bất cập. Chẳng hạn, Chiến dịch Biên giới năm 1950, chỉ bằng một trận tiêu diệt cụm cứ điểm Đông Khê, ta đã điều được hai binh đoàn địch (Lơ-pa-giơ và Sác-tông) đến ứng cứu để tiêu diệt, kết thúc thắng lợi Chiến dịch. Trong ba chiến dịch tiếp theo (năm 1951), ta cũng vận dụng nghệ thuật “đánh điểm, diệt viện”, nhưng chưa phát huy được sở trường của các lực lượng, chưa khắc chế được khả năng cơ động và hỏa lực của địch, nên hiệu quả không cao. Từ những bài học kinh nghiệm trên, trong Chiến dịch Hòa Bình, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã vận dụng phương châm “đánh điểm, diệt viện” một cách rất sáng tạo, phù hợp với điều kiện cụ thể và mục đích đề ra. Trên cơ sở nghiên cứu, nắm chắc tình hình địch, ta và địa bàn, Bộ Tư lệnh Chiến dịch xác định: đánh điểm phải tranh thủ đánh sớm, giải quyết trận đánh trong một đêm; đánh viện, phải đồng thời đánh địch cả đường thủy, đường bộ, lực lượng cơ giới và quân dù; không kéo dài trận đánh mà cố gắng giải quyết ngay trong đêm. Cùng với đó, phải chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ mọi mặt, sẵn sàng đánh cả ban ngày cho đến khi hoàn thành mục tiêu đề ra. Quán triệt sâu sắc quan điểm đó, các trận đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch đều được Bộ Tư lệnh Chiến dịch chỉ đạo sâu sát, chặt chẽ, nên đạt hiệu quả chiến đấu cao. Điển hình là trận đánh cứ điểm Tu Vũ, chỉ trong một đêm (10-12-1951), Trung đoàn 88 (Đại đoàn 308) tiêu diệt toàn bộ tiểu đoàn Lê dương địch được tăng cường xe tăng, pháo binh yểm trợ và diệt gọn quân chi viện trong ngày 11-12-1951. Đây là sự phát triển về nghệ thuật “đánh điểm, diệt viện” của Chiến dịch.
Hơn nữa, phương châm “đánh điểm, diệt viện” trong chiến dịch tiến công Hòa Bình còn được thể hiện ở việc đánh điểm nhỏ, diệt viện nhỏ, liên tục đánh địch. Nghệ thuật đó được xuất phát từ chỗ ta chưa đủ trình độ, lực lượng và các yếu tố bảo đảm để đánh tập đoàn cứ điểm có công sự vững chắc như tập đoàn cứ điểm địch ở thị xã Hòa Bình. Cho nên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, tài tình của Bộ Tư lệnh Chiến dịch, ta liên tục tổ chức các trận đánh nhỏ (cả đánh điểm và diệt viện) tiến công vào một số căn cứ xung quanh thị xã Hòa Bình để tiêu hao, tiêu diệt lớn lực lượng địch; đồng thời, kết hợp chặt chẽ với các lực lượng đánh cắt giao thông, khống chế hoàn toàn tuyến sông Đà và Đường số 6. Vận tải chi viện bị cắt, các cứ điểm nhỏ xung quanh thị xã Hòa Bình liên tục bị đánh, lực lượng bị tiêu hao, tinh thần cả tướng lẫn quân đều hoang mang cực độ, buộc quân Pháp phải rút lui, không thực hiện được ý đồ chiếm đóng Hòa Bình. Thắng lợi của Chiến dịch tiến công Hòa Bình buộc Chính phủ Pháp phải thừa nhận: “Và từ đó, bắt đầu tình trạng “ruỗng nát” mỗi ngày một tăng, dần dần làm bất động đại bộ phận đạo quân viễn chinh. Đối phương đã giành thắng lợi căn bản”1.
Về tổng thể, Chiến dịch Hòa Bình là loại hình chiến dịch tiến công. Đây cũng là loại hình tác chiến chiến dịch cơ bản của Quân đội ta trong chiến tranh giải phóng trước đây cũng như chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong tương lai nếu xảy ra đối với nước ta. Vì thế, Chiến dịch Hòa Bình cần được tiếp tục nghiên cứu sâu để vận dụng sáng tạo, hiệu quả trong điều kiện mới.
Thượng tá, ThS. LÊ THANH BÀI - Đại úy, ThS. NGUYỄN QUỐC HÙNG, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam
__________________
1 - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam - Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Tập 5, Nxb QĐND, H. 2014, tr. 465.
Chiến dịch Hòa Bình,nghệ thuật tác chiến
Nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh trong Chiến dịch tiến công Tây Sơn Tịnh năm 1966 21/11/2024
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào 29/10/2024
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 - nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng 24/10/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Bu Prăng - Đức Lập năm 1969 27/09/2024
Nghệ thuật chỉ đạo của Đảng về tạo và nắm thời cơ, giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 19/08/2024
Nghệ thuật đánh trận then chốt quyết định trong Chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức năm 1974 15/07/2024
Nhà Lý kết hợp tiến công quân sự với biện pháp ngoại giao để kết thúc chiến tranh, kiến tạo hòa bình 24/06/2024
Chiến dịch Long Khánh năm 1969 - nét đặc sắc của nghệ thuật tập kích 04/06/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Trung - Hạ Lào năm 1954 22/04/2024
Nét nổi bật về nghệ thuật đánh trận mở đầu trong Chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 1954 15/02/2024
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 - nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh trong Chiến dịch tiến công Tây Sơn Tịnh năm 1966