Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Ba, 18/06/2013, 19:01 (GMT+7)
Kỷ niệm 40 năm chống đế quốc Mỹ phong tòa sông, biển miền Bắc
Bộ đội Hải quân – lực lượng nòng cốt chống phong tỏa sông, biển miền Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Năm nay, quân và dân ta kỷ niệm 40 năm (6-1973 – 6-2013) chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Bộ đội Hải quân là lực lượng nòng cốt góp phần làm nên chiến công vẻ vang đó. Trong hai lần sử dụng không quân và hải quân đánh phá miền Bắc, đế quốc Mỹ đã thả hàng vạn quả thủy lôi, bom từ trường xuống các bến cảng, luồng sông, cửa biển hòng phá hoại tiềm lực kinh tế, quốc phòng của ta; ngăn chặn nguồn tiếp tế của các nước XHCN anh em, nguồn chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam; đồng thời, làm nhụt ý chí chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc của nhân dân ta. Trong quá trình phong tỏa, Mỹ còn cho máy bay, tàu chiến đêm ngày lùng sục, đánh phá liên tục các khu vực trọng điểm, trạm quan sát, gây khó khăn cho ta trong việc phát hiện, xác định vị trí và thực hiện rà phá, tháo gỡ. Song với quyết tâm “đánh địch mà đi, mở luồng mà tiến”, Hải quân nhân dân Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng thuộc: Bộ Tư lệnh Công binh, Viện Kỹ thuật Quân sự, Bộ Giao thông vận tải, Trường Đại học Bách khoa nghiên cứu, chế tạo các thiết bị và đưa ra nhiều giải pháp rà phá thủy lôi, bom từ trường có hiệu quả. Phát huy vai trò lực lượng nòng cốt, Quân chủng đã cùng các lực lượng, địa phương ven biển rà phá, tháo gỡ và làm vô hiệu hóa hàng vạn quả thủy lôi, bom từ trường của Mỹ, mở tuyến, thông luồng thắng lợi, đảm bảo nối liền mạch máu giao thông, phục vụ sản xuất và chi viện chiến trường. Chiến công trong chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển bằng thủy lôi và bom từ trường là chiến công chung của quân dân miền Bắc mà lực lượng Hải quân là nòng cốt, được thể hiện ở một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, chủ động, tích cực huy động lực lượng huấn luyện kỹ thuật, xây dựng thế trận rà phá thủy lôi, bom từ trường. Thấu triệt đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, Quân chủng đã huy động các lực lượng, địa phương trên hướng biển tích cực tham gia nghiên cứu, rà phá thủy lôi, bom từ trường; chủ động tổ chức xây dựng kế hoạch huấn luyện chuyên môn, cử cán bộ có kinh nghiệm xuống giúp các đơn vị, địa phương; chủ trì công tác phối hợp, hiệp đồng trong chuẩn bị, thực hiện các hoạt động chống địch phong tỏa với nhiều thành phần: Quân khu 3, Quân khu 4, các binh chủng, địa phương ven biển và các bộ, ngành có chức năng hoạt động trên biển... Nhờ đó, Quân chủng cùng các đơn vị, địa phương đã thiết lập được thế trận chiến tranh nhân dân chống phong tỏa sông, biển rộng khắp, thống nhất, kịp thời, phát huy sức mạnh chiến đấu của toàn quân, toàn dân trên sông, biển. Riêng Quân chủng đã huy động một lực lượng lớn tham gia, bao gồm: các cơ quan Bộ Tư lệnh, Trung đoàn 171, 172, 125, 128, Trung đoàn đặc công (người nhái) 126, Đội 8 Công binh, Trường Sĩ quan Hải quân, xưởng X46, 48, 56 và các đơn vị K2, K3, K4; đồng thời, xây dựng kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng cán bộ chủ chốt làm nòng cốt để tổ chức chỉ huy các lực lượng và giúp đỡ đơn vị, địa phương rà phá thủy lôi, bom từ trường. Để nâng cao trình độ cho đội ngũ này, Quân chủng tham mưu cho Đảng, Nhà nước mời chuyên gia Liên Xô, Trung Quốc sang huấn luyện trực tiếp. Cùng với đó, Quân chủng tổ chức nhiều cuộc họp liên tịch với lãnh đạo, chỉ huy các quân khu, quân chủng, binh chủng, các cơ quan, tổ chức có hoạt động kinh tế biển của Nhà nước và các địa phương ven biển để trao đổi, triển khai nhiệm vụ chống phong tỏa; mở hàng chục lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức rà phá thủy lôi, bom từ trường. Hàng trăm cán bộ có kinh nghiệm đã được cử đến giúp đỡ các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch, triển khai các tổ, trạm theo dõi, phát hiện và thực hiện rà phá. Ngoài ra, Quân chủng còn chủ động sản xuất hàng trăm bộ máy đo phương vị, phao tiêu, trang bị kịp thời cho lực lượng rà phá thủy lôi của các đơn vị trong Quân chủng, địa phương ven biển và các ngành hoạt động trên biển. Các đơn vị, địa phương ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình đã tổ chức hàng trăm đài, trạm quan sát, trận địa pháo, tổ rà phá, tháo gỡ thủy lôi, bom mìn... Cục Vận tải đường biển, Ty Bảo đảm hàng hải Hải Phòng cũng thành lập lực lượng chuyên trách nghiên cứu rà phá, tháo gỡ thủy lôi, bom từ trường. Nhờ đó, trong thời gian ngắn, lực lượng của Quân chủng cùng các cấp, các ngành, địa phương đã tạo thành thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp chống địch phong tỏa trên sông, biển miền Bắc.

Ống phóng từ KCN lắp đặt trên ca nô do Tổng cục Hậu cần sản xuất.

Hai là, tích cực phối hợp với các lực lượng nghiên cứu, khám phá bí mật vũ khí phong tỏa sông, biển của địch. Nắm chắc tính năng kỹ thuật của các loại vũ khí  (kiểu loại, cấu tạo, nguyên lý hoạt động...) Mỹ sử dụng để phong tỏa sông, biển miền Bắc là vấn đề cấp bách đặt ra đối với Quân chủng lúc bấy giờ. Thực hiện nhiệm vụ trên, Quân chủng vừa xây dựng quyết tâm, ý chí quyết chiến, quyết thắng, vừa giáo dục truyền thống ra quân đánh thắng trận đầu của Quân đội, nhất là của Quân chủng cho cán bộ, chiến sĩ, vừa trực tiếp chỉ đạo các bộ phận tháo gỡ, nghiên cứu thiết kế, chế tạo những thiết bị rà phá chống phong tỏa. Bộ đội Hải quân đã vượt mọi khó khăn, gian khổ, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng để nghiên cứu nắm bắt tính năng, kỹ thuật thủy lôi, bom từ trường của địch. Qua nhiều ngày làm việc miệt mài, tích cực và được sự giúp đỡ nhiệt tình của chính quyền, nhân dân các địa phương; nhất là các đội công binh của các cơ quan quân sự tỉnh, huyện ven biển, các tổ công binh “tiền trạm” của Quân chủng vừa tháo gỡ, đánh dấu, vừa đăng ký làm tài liệu để huấn luyện, tránh hy sinh cho các lần sau. Đây là sự phát hiện rất sáng tạo của Việt Nam. Cuộc đấu trí giữa các chiến sĩ Công binh với kỹ thuật tiên tiến của địch diễn ra hết sức căng thẳng, ác liệt và thắng lợi cuối cùng đã thuộc về Hải quân nhân dân Việt Nam. Những quả thủy lôi hiện đại của đế quốc Mỹ, lần đầu tiên được bộ đội Việt Nam “hóa giải”, tháo gỡ, vô hiệu hóa thành công. Điều đó càng khích lệ tinh thần cho các lực lượng, nhất là bộ đội công binh của Quân chủng tích cực nghiên cứu, tìm hiểu, phát hiện những âm mưu, thủ đoạn mới của Mỹ về phong tỏa sông, biển miền Bắc để chủ động đối phó đạt hiệu quả cao.

Ba là, nghiên cứu, chế tạo các thiết bị rà phá thủy lôi, bom từ trường của Mỹ. Đây là thành tích xuất sắc, yếu tố quan trọng, góp phần quyết định thắng lợi trong chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển. Nghiên cứu từ những mẫu thủy lôi, bom từ trường đã được tháo gỡ, các cán bộ, kỹ sư đầu ngành của Quân chủng Hải quân, Viện Kỹ thuật quân sự, Bộ Tư lệnh Công binh, Trường Đại học Bách khoa phát hiện được cấu tạo, thông số kỹ thuật; sơ đồ hoạt động chức năng, sơ đồ nguyên lý của các loại thủy lôi, bom từ trường. Tháng 9-1967, Quân chủng đã chỉ đạo cơ quan kỹ thuật, Xưởng 46, 56 phối hợp chặt chẽ với Viện Kỹ thuật quân sự, Trường Đại học Bách khoa nghiên cứu chế tạo thành công thiết bị rà phá thủy lôi HDL-9. Đây là thiết bị phóng từ được lắp động cơ đẩy, dùng xuồng cao su kéo trên mặt nước để phóng từ kích nổ thủy lôi, bom từ trường. Được sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, sự hợp tác tích cực của nhiều trung tâm nghiên cứu, sản xuất trong và ngoài quân đội, Quân chủng Hải quân đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thành công nhiều thiết bị rà phá: phóng từ, âm từ và đưa ra nhiều phương pháp quét thủ công hiệu quả...; sản xuất hàng loạt các thiết bị, tàu, xuồng để cung cấp cho lực lượng tham gia chống phong tỏa trên sông, biển miền Bắc. Thành công đó đã kịp thời cung cấp nguồn lực, vật chất đáng kể; đồng thời, góp phần củng cố ý chí, quyết tâm chiến đấu, tạo động lực to lớn cho quân, dân miền Bắc chiến đấu giành thắng lợi trong chống phong tỏa sông, biển của đế quốc Mỹ.

Bốn là, anh dũng, kiên cường, mưu trí, linh hoạt rà quét thủy lôi, bom từ trường bảo đảm thông tuyến, thông luồng trên sông, biển. Đây là hình thức tác chiến hoàn toàn mới đối với quân và dân ta, trong đó, lực lượng Hải quân làm nòng cốt. Chống địch phong tỏa sông, biển miền Bắc, Quân chủng gặp rất nhiều khó khăn do một mặt thiếu thiết bị, dụng cụ chuyên dùng, chưa nắm được tính năng vũ khí của địch; mặt khác, đế quốc Mỹ thực hiện nhiều thủ đoạn thâm độc, xảo quyệt, thường xuyên cải tiến vũ khí, tăng cường đánh phá ngăn chặn. Nhưng ta cũng có những thuận lợi cơ bản, đó là: được sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân chủng và sự đùm bọc, che chở, giúp đỡ của chính quyền và nhân dân các địa phương ven biển...; bộ đội Hải quân dũng cảm, mưu trí, vào trận với tinh thần “sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc”, nhiều cán bộ, chiến sĩ Quân chủng đã bất chấp khó khăn, dưới làn bom, đạn của địch vẫn anh dũng, mưu trí, gan dạ, lặn sâu xuống lòng sông, biển mò tìm, trục vớt, tháo gỡ; áp thiết bị thử nghiệm, bộc phá kích nổ thủy lôi, bom từ trường của địch. Hơn thế, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Hải quân đã dũng cảm, ngoan cường, kiên trì thực hiện bằng những biện pháp thủ công, kéo đi, kéo lại các khí tài thô sơ suốt ngày đêm trên từng khúc sông, luồng lạch để rà phá thủy lôi, bom từ trường. Mặc dù có đồng chí bị thương, hy sinh, tàu hỏng, nhưng với quyết tâm còn người, còn tàu, còn chiến đấu, các anh vẫn bình tĩnh, khắc phục, sửa chữa tàu tiếp tục rà phá... Cùng với đó, cán bộ, chiến sĩ ở các trung tâm nghiên cứu, xưởng sửa chữa tàu, thông tin, ra-đa của Quân chủng ngày đêm miệt mài nghiên cứu, chế tạo được nhiều thiết bị rà phá, quét thủy lôi, bom từ trường có hiệu quả. Vì thế, quân, dân miền Bắc, trong đó lực lượng Hải quân là nòng cốt đã phá hủy hơn 13 nghìn quả thủy lôi và bom từ trường, đánh bại hai cuộc phong tỏa sông, biển miền Bắc của đế quốc Mỹ, mở tuyến, thông luồng thắng lợi, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc của nhân dân ta.

Những năm tới, tình hình thế giới, khu vực sẽ có những biến động mới khó lường, xu thế hợp tác phát triển vẫn là chủ đạo, song việc tranh giành ảnh hưởng và cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc tăng lên, tranh chấp chủ quyền biển đảo trong khu vực sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Quân chủng Hải quân tiếp tục nghiên cứu, vận dụng những kinh nghiệm quý trong chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc bằng thủy lôi, bom từ trường trước đây vào huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu trong điều kiện mới. Cùng với đó, ra sức phát huy sức mạnh tổng hợp xây dựng Quân chủng Hải quân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; đủ các binh chủng, làm nòng cốt cho toàn dân đấu tranh bằng nhiều hình thức để bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc; đồng thời, sẵn sàng đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược từ hướng biển./.

                                                            

Đại tá LÊ BÁ SỔ

Phó Tham mưu trưởng Quân chủng

 

Ý kiến bạn đọc (0)

"Sự kiện Vịnh Bắc Bộ" năm 1964 và bài học Chiến thắng trận đầu của quân, dân miền Bắc
Ngày 05-8-1964, với việc dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, đế quốc Mỹ đã phát động cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân, hòng đè bẹp ý chí chiến đấu của nhân dân Việt Nam. Song, chúng đã bị quân và dân miền Bắc giáng trả những đòn thích đáng, với những nét nghệ thuật đặc sắc.