Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Hai, 11/06/2012, 09:01 (GMT+7)
Bài học về chủ động xây dựng thế trận phòng ngự trong Chiến dịch Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng

 

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng là địa bàn có tầm quan trọng chiến lược, trung tâm chống “chiến tranh đặc biệt” của nước bạn Lào; khu vực tác chiến trọng yếu bảo vệ tuyến vận tải chiến lược từ miền Bắc Việt Nam vào chiến trường ba nước Đông Dương. Đây là khu vực ta và địch giành giật quyết liệt; ta chưa đủ sức giữ, còn địch thì quyết chiếm lại. Vì thế, ta và Bạn quyết định mở Chiến dịch phòng ngự; tập trung mọi nguồn lực, xây dựng Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng thành khu vực phòng ngự; từ đó, đánh bại các cuộc hành binh lấn chiếm của địch, giữ vững vùng giải phóng, thu hút địch, chia lửa cho chiến trường khác.

Khu vực phòng ngự được xây dựng trong phạm vi tứ giác Mường Sủi - Noọng Pẹt - thị xã Xiêng Khoảng - Thẩm Lửng (khoảng 3 nghìn ki-lô-mét vuông), bố trí thành 5 khu vực: Cánh đồng Chum là khu vực phòng ngự chủ yếu, đánh địch trên hướng Nam và Tây Nam; Hin Tặng là khu vực phòng ngự cơ bản; Noọng Pẹt là khu vực phòng ngự thứ yếu; Mường Sủi và thị xã Xiêng Khoảng là những khu vực tác chiến phối hợp đánh địch từ xa nhằm bảo vệ sườn Tây Bắc và sườn Đông của Cánh đồng Chum. Lực lượng tham gia Chiến dịch được tổ chức thành 2 bộ phận: bộ phận chốt giữ trận địa1 và bộ phận cơ động đánh địch trong và ngoài khu vực phòng ngự2. Sau một thời gian ngắn, Liên quân Việt - Lào đã gấp rút chuẩn bị mọi mặt, thiết lập được các cụm điểm tựa có hệ thống công sự, hầm hào dài gần 700 mét; vật chất dự trữ chiến đấu được bố trí ở từng khu vực; hình thành thế trận phòng ngự liên hoàn, vững chắc, có chiều sâu, đảm bảo tác chiến dài ngày. Chiến dịch Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng diễn ra trong thời gian khoảng 5 tháng (từ 21-5 đến 15-11-1972), với 244 trận đánh. Liên quân Việt - Lào đã loại khỏi vòng chiến đấu gần 6.000 tên địch, đánh thiệt hại nặng các binh đoàn cơ động GM21, GM23, GM26 của Quân đội Chính phủ Hoàng gia Lào, 3 tiểu đoàn quân Thái Lan. Địa bàn chiến lược Cánh đồng Chum được giữ vững; thế trận liên hoàn giữa các vùng căn cứ địa của cách mạng Lào được bảo đảm; sườn phía phải của hướng tiến công chiến lược Trị Thiên và Bắc Tây Nguyên của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam được bảo vệ. Chiến dịch Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng giành thắng lợi là do nhiều nguyên nhân; trong đó, nguyên nhân bao trùm và quan trọng nhất là: chủ động xây dựng thế trận phòng ngự, được thể hiện ở một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã phân tích, đánh giá đúng tình hình, hạ quyết tâm chính xác, kịp thời chuyển vào phòng ngự, giành thế chủ động trên chiến trường. Trên cơ sở phân tích các hoạt động của địch, ta nhận thấy một quy luật là chúng thường mở cuộc tiến công lấn chiếm vào lúc ta kết thúc hoạt động mùa khô, gặp khó khăn về vận chuyển, tiếp tế, cơ động. Mặt khác, vào thời điểm bấy giờ, Quân đội Mỹ và bè lũ tay sai muốn giành thắng lợi quân sự trên chiến trường Đông Dương để tạo thế “thượng phong” trên bàn đàm phán và giành ưu thế cho đảng cầm quyền trong năm bầu cử Tổng thống Mỹ. Vì thế, chắc chắn địch sẽ mở cuộc hành binh quy mô lớn, đánh chiếm lại khu vực Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng. Trong cuộc tiến công này, địch có nhiều lợi thế: lực lượng đông, vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại (cả máy bay B-52), chủ động về thời gian và mục tiêu tiến công. Ngoài ra, chúng cũng đã đánh chiếm được một số địa bàn, vị trí quan trọng. Tuy nhiên, địch (quân Hoàng gia Lào và quân Thái Lan) có những điểm yếu cốt tử. Đó là trình độ tác chiến hạn chế, tinh thần chiến đấu giảm sút, khả năng hỗ trợ của Không quân Mỹ cũng có hạn và rất sợ phải tác chiến trong thời gian dài, địa bàn rộng… Về phía ta, có những thuận cơ bản: tinh thần đoàn kết và trình độ tác chiến cao, nhất là những kinh nghiệm vận động tiến công ở khu vực này. Nhưng, ta cũng gặp một số khó khăn nhất thời: một số ít cán bộ, chiến sĩ có tâm lý lo ngại tác chiến kéo dài, gian khổ, ác liệt. Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Chiến dịch kịp thời chỉ đạo các đơn vị tổ chức làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, quán triệt sâu sắc tình hình, nhiệm vụ, làm cho bộ đội nhận thức rõ những điểm mạnh tạm thời và những điểm yếu không thể khắc phục của địch. Nhờ đó, lực lượng tham gia Chiến dịch không những chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tư tưởng, nêu cao ý chí, tinh thần quyết chiến quyết thắng, mà còn khắc phục được những biểu hiện chủ quan, thoả mãn, đánh giá thấp về địch (cho rằng chúng vừa bị thua đau, không còn khả năng tiến công lớn). Các lực lượng đã nhanh chóng chấp hành mệnh lệnh, chuyển vào phòng ngự, chủ động xây dựng phương án tác chiến, tiến công địch.

Hai là, mở Chiến dịch phòng ngự đúng lúc, hoàn thành nhiệm vụ và yêu cầu của chiến lược. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ta đã mở nhiều chiến dịch tiến công, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn, thu hẹp đáng kể vùng chiếm đóng của địch. Tại thời điểm mùa mưa năm 1972 ở Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, do nhiều yếu tố, lực lượng của ta không còn đủ sức để tiếp tục tiến công, phản công tiêu diệt địch, nên phải nhanh chóng chuyển vào phòng ngự, nhằm giữ vững thành quả cách mạng, kìm chân, làm suy yếu, giảm tốc độ tiến công của địch, tạo thế, tạo thời cho các đơn vị chuyển sang phản công, tiến công tiêu diệt địch. Dựa trên phân tích, đánh giá một cách khoa học tình hình tác chiến ở khu vực lúc đó; đồng thời, nhận thấy một số hạn chế của ta lúc bấy giờ là: tư tưởng chỉ đạo, tổ chức phòng ngự còn thiếu chặt chẽ, không rõ ràng; công tác chuẩn bị hệ thống công sự, trận địa, dự trữ vật chất hậu cần, kỹ thuật, thậm chí cả về lý luận tác chiến phòng ngự… không được quan tâm đúng mức. Tuy ta có tổ chức phòng ngự, nhưng vẫn không giữ được trận địa; địch vẫn chủ động tiến công và chiếm được nhiều địa bàn, nhiều vị trí quan trọng. Nhìn chung, xét về tương quan so sánh lực lượng giữa ta và địch ở Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng lúc bấy giờ không có lợi cho ta, nên Bộ Tổng Tư lệnh đã quyết định mở Chiến dịch phòng ngự để bảo vệ khu vực Cánh đồng Chum, củng cố vùng căn cứ giải phóng của Bạn, phục vụ cho yêu cầu đấu tranh chính trị trong tình hình mới. Theo đó, Bộ Tư lệnh Chiến dịch được thành lập, đồng chí Vũ Lập làm Tư lệnh, đồng chí Lê Linh làm Chính uỷ. Để Chiến dịch giành thắng lợi, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã vận dụng sáng tạo tư tưởng cách mạng tiến công của Đảng, không để bị động, phụ thuộc vào hành động của địch; đồng thời, chấp hành kiên quyết, triệt để nhiệm vụ chiến lược là giữ vững khu vực, mục tiêu chủ yếu. Bởi thế, tuy là Chiến dịch phòng ngự, nhưng phải quán triệt tinh thần chủ động, tích cực tiến công, lấy tiến công tiêu diệt địch, kiên quyết chiến đấu giữ vững trận địa làm mục tiêu phấn đấu và phương châm hành động. Đây là tư tưởng phòng ngự tích cực. Nhờ đó, Liên quân Việt - Lào đã anh dũng đánh bại nhiều cuộc tiến công của địch, liên tục tổ chức phản đột kích, giành thắng lợi giòn giã, đặc biệt là các trận ở Nam Cánh đồng Chum,… hoàn thành mục tiêu chiến lược đề ra.

Ba là, xác định đúng hình thức, xây dựng được hệ thống công sự, trận địa liên hoàn, vững chắc ở các khu vực phòng ngự, yếu tố quan trọng thúc đẩy Chiến dịch thắng lợi. Căn cứ vào địa hình khu vực Cánh đồng Chum -Xiêng Khoảng, tương quan lực lượng của hai bên, ý đồ, biện pháp, thủ đoạn tiến công của địch, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã quyết định tổ chức phòng ngự khu vực; đồng thời, bố trí khu vực phòng ngự ở nơi hiểm yếu, có địa hình khống chế quan trọng, lập thế trận phòng ngự “hình tròn” để các lực lượng có thể phối, kết hợp đánh ngăn chặn, đánh lui, đánh bại các cuộc tiến công của địch từ tất cả các hướng: chính diện, vu hồi hay luồn lách thọc sâu vào phía sau trận địa của ta. Mặt khác, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã chỉ đạo các lực lượng, nhất là lực lượng ở khu vực phòng ngự chủ yếu xây dựng hệ thống công sự - vật cản, các trận địa hoả lực, đường cơ động cho các lực lượng (bộ binh, tăng thiết giáp, pháo binh, pháo phòng không…) Cùng với đó, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã chủ động tích trữ vật chất hậu cần, kỹ thuật và khai thác triệt để nguồn lực tại chỗ (lương thực, thực phẩm, nguồn nước, cứu chữa thương bệnh binh…); tổ chức nhiều trận địa nghi binh, nghi trang, nhiều phương tiện phòng hoá, thông tin liên lạc,… bảo đảm cho các đơn vị tác chiến liên tục, vững chắc và hiệu quả.

Bốn là, coi trọng việc nâng cao chất lượng chiến đấu, sử dụng lực lượng hợp lý, bảo đảm tác chiến dài ngày. Ngay từ tháng 02-1972, Quân uỷ Trung ương đã có chủ trương: Sau khi kết thúc Chiến dịch tiến công Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, phải nhanh chóng tổ chức lại lực lượng, chuẩn bị mở Chiến dịch phòng ngự, giữ vững địa bàn chiến lược. Thực hiện quyết định trên, Bộ Tư lệnh Chiến dịch nhận thấy một số khó khăn trước mắt; đó là: bộ đội chưa có kinh nghiệm trong tác chiến phòng ngự, thời tiết khắc nghiệt (mùa mưa), nhất là niềm tin vào thắng lợi của Chiến dịch chưa cao. Nhưng với nghệ thuật tiến hành công tác đảng, công tác chính trị tài tình kết hợp với nhiều biện pháp đồng bộ (bảo đảm ăn, nghỉ, sinh hoạt hằng ngày; điều cán bộ có năng lực, trình độ xuống trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy các đơn vị chiến đấu;…) của Bộ Tư lệnh Chiến dịch, ta đã xây dựng được tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, yếu tố then chốt, quan trọng nhất, quyết định thắng lợi của Chiến dịch. Để nâng cao khả năng tác chiến phòng ngự, Bộ Tư lệnh Chiến dịch còn chỉ đạo các đơn vị tổ chức huấn luyện, diễn tập các phương án tác chiến ngay trong khu vực phòng ngự. Qua đó, rút kinh nghiệm, tìm ra những bài học hay, bổ khuyết, hoàn thiện từng phương án tác chiến, nhằm đối phó có hiệu quả với mọi tình huống có thể xảy ra. Ngoài ra, thường xuyên tổ chức thay phiên, đổi và bổ sung quân ở những chốt, những khu vực phải bám trụ, chốt giữ dài ngày, tạo cho bộ đội có tâm lý thoải mái, được nghỉ ngơi dưỡng sức, không căng thẳng, sẵn sàng vào trận đánh mới cũng là một nguyên nhân dẫn đến thành công của Chiến dịch.

Có thể nói, trong số các loại hình chiến dịch của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chiến dịch phòng ngự chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ, nhưng đều là những chiến dịch có tính ác liệt, quy mô lớn, dài ngày và tổn thương tương đối lớn. Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng giành thắng lợi đã để lại nhiều bài học quý báu, có thể vận dụng sáng tạo trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

 PGS, TS. Nguyễn Mạnh Hà

Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng,

Học viện CT-HC Quốc gia Hồ Chí Minh

                 

1 - Gồm 2 trung đoàn bộ binh được tăng cường 1/3 lực lượng xe tăng và 1/4 lực lượng pháo binh chiến dịch.

2 - Lúc đầu gồm 2 trung đoàn bộ binh và 2/3 xe tăng, 3/4 pháo binh chiến dịch; đến tháng 10-1972 thêm 1 trung đoàn bộ binh

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định thành lập Quân tình nguyện tại Lào, đánh dấu sự phát triển mới của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào; đồng thời, khẳng định đường lối, quan điểm đúng đắn của Đảng ta trong thực hiện nghĩa vụ quốc tế.