Thứ Sáu, 22/11/2024, 20:43 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Cuộc Tổng tiến công chiến lược đã để lại nhiều bài học quý, điển hình là bài học về phát huy sức mạnh tổng hợp của cả nước.
Đoàn quân chiến thắng trước cửa ngõ Sài Gòn (ảnh Tư liệu)
Trên cơ sở phân tích khoa học, toàn diện tình hình địch, ta, Bộ Chính trị hạ quyết tâm chiến lược: Động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ở hai miền Bắc - Nam, khẩn trương hoàn thành mọi công tác chuẩn bị, tạo điều kiện chín muồi tiến hành tổng công kích, giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976; khi thời cơ xuất hiện, giải phóng ngay trong năm 1975. Chiến thắng của Chiến dịch Đường số 14 - Phước Long đã tạo cơ sở quan trọng để Đảng ta hạ quyết tâm giải phóng miền Nam ngay đầu năm 1975. Để biến quyết tâm chiến lược đó thành hiện thực, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương quyết định thành lập Hội đồng chi viện chiến trường, do Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch, nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.
Một lần nữa, sức mạnh tinh thần và ý chí Việt Nam được Đảng ta khơi dậy, thổi bùng thành cao trào thi đua yêu nước. Hưởng ứng hiệu lệnh thiêng liêng của Đảng, cả nước dấy lên nhiều phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp, trong tất cả các lĩnh vực, mọi ngành nghề, mọi tầng lớp và lứa tuổi, với khẩu hiệu “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc”. Các phong trào: “Ba sẵn sàng” và “Năm xung phong”2, với những hình thức, biện pháp linh hoạt, sáng tạo, phong phú, đa dạng, đi vào lòng người, đã góp phần khơi dậy tình cảm sâu sắc, tình “Đồng bào” của cộng đồng người Việt Nam, tạo nên sức mạnh tinh thần, vật chất vô cùng lớn. Hầu hết thanh niên miền Bắc đến tuổi trưởng thành (18 tuổi), kể cả những tín đồ Phật giáo, Công giáo… đều tự nguyện hăng hái tham gia tòng quân cứu nước. Nhiều người là con độc nhất, con cuối cùng của gia đình cũng viết “huyết tâm thư” tình nguyện gia nhập Quân đội, tham gia chiến đấu. Trong thời gian ngắn, đã có gần 300 nghìn cán bộ, chiến sĩ (chiếm 1,02% dân số miền Bắc lúc đó) hành quân thần tốc vào chiến trường; hàng chục vạn nam, nữ thanh niên tham gia phục vụ chiến đấu và chiến đấu. Còn tại miền Nam, do ta làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nên nhân dân càng hiểu rõ âm mưu xâm lược của đế quốc Mỹ, bộ mặt bán nước và sự sụp đổ tất yếu của ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn. Do đó, mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên - nguồn nhân lực tại chỗ quan trọng, càng hăng hái gia nhập Quân giải phóng. Vì thế, đến trước ngày Tổng tiến công, Quân giải phóng đã có hàng triệu người, làm thay đổi tương quan so sánh lực lượng nghiêng hẳn về phía cách mạng.
Bên cạnh việc chuẩn bị lực lượng, mọi nguồn lực bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, vũ khí và phương tiện chiến tranh cho chiến trường đã được huy động tối đa. Bằng sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, với khí thế “Mỗi người làm việc bằng hai”, “Một ngày bằng hai mươi năm”, chúng ta đã vượt mọi khó khăn, gian khổ, đẩy mạnh sản xuất, tạo ra lượng của cải, vật chất dồi dào; mở những tuyến đường chiến dịch, chiến lược, đường ống dẫn nhiên liệu từ Đồng Đăng (Lạng Sơn) vào đến Bù Gia Mập (Thủ Dầu Một). Đồng thời, huy động tối đa mọi phương tiện vận tải3 để vận chuyển kịp thời một số lượng lớn hàng quân sự vào chiến trường. Cùng với đó, lực lượng hùng hậu Thanh niên xung phong, Dân công hoả tuyến được tổ chức để bảo vệ, khắc phục, sửa chữa các tuyến đường chiến lược; xây dựng hệ thống căn cứ, kho, trạm; tiếp nhận, phân phát vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm và thuốc men. Với nghệ thuật chỉ đạo, điều hành và tổ chức chuẩn bị chiến lược tài tình của Đảng, một khối lượng lớn vật chất hậu cần, vũ khí trang bị từ miền Bắc được chuyển vào Nam theo đường bộ, đường biển và đường không, kết hợp với chủ động khai thác nguồn lực tại chỗ, đã bảo đảm tốt nhu cầu thường xuyên cho bộ đội trên các chiến trường và dự trữ chiến lược. Nhờ vậy, khi bước vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, lượng vật chất, kỹ thuật dự trữ ở chiến trường đạt gần 255 nghìn tấn, bố trí đều khắp ở các căn cứ hậu cần chiến lược, chiến dịch. Riêng ở Mặt trận Tây Nguyên, lượng dự trữ bảo đảm đủ cho các đơn vị chủ lực hoạt động liên tục trong cả năm 1975. Trong gần 2 năm (1973 - 1975), ta đã chuẩn bị được một khối lượng vật chất lớn chưa từng có, bằng cả 13 năm trước đó.
Cùng với đó, ta cũng tích cực xây dựng một số quân đoàn chủ lực cơ động mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tác chiến chiến lược trong giai đoạn quyết định của cuộc chiến tranh. Quy luật của chiến tranh là “mạnh được, yếu thua”. Quân nguỵ có Mỹ hậu thuẫn, được trang bị vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại. Do vậy, để chuẩn bị cho trận “quyết chiến chiến lược” đánh đổ hoàn toàn chế độ nguỵ quyền Sài Gòn, chúng ta đã kịp thời thành lập các binh đoàn chủ lực cơ động4, kết hợp với huấn luyện nâng cao khả năng tác chiến hiệp đồng quân binh chủng. Đây là bước phát triển nhảy vọt về chất của Quân đội ta - một trong những nhân tố quyết định thắng lợi trong trận “quyết chiến chiến lược” mùa Xuân 1975. Ngoài ra, Quân giải phóng còn thành lập được nhiều đại đội, tiểu đoàn, bệnh viện dã chiến, đội điều trị (với khoảng 10.000 giường)… Như vậy, chúng ta đã tạo ra những “quả đấm” mạnh ở khắp các chiến trường, sẵn sàng tiến công địch.
Tiếp nối những kỳ tích trên, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng, trí tuệ Việt Nam được phát huy cao độ, tạo thành sức mạnh “vô địch”, đập tan quân địch trong trận “quyết chiến chiến lược”. Biểu hiện cụ thể của sức mạnh trí tuệ Việt Nam là nghệ thuật chỉ đạo chiến lược sắc sảo của Đảng ta. Với việc mở Chiến dịch Tây Nguyên (tháng 3-1975) (trong đó Buôn Ma Thuột là trận then chốt mở đầu Chiến dịch), chúng ta đã đánh đúng vào chỗ hiểm, chỗ sơ hở của địch, nên đã nhanh chóng giải phóng địa bàn chiến lược Tây Nguyên trong thời gian tương đối ngắn. Tây Nguyên vỡ, làm cho hệ thống phòng thủ chiến lược của địch bị suy yếu nghiêm trọng, đặc biệt là làm cho địch hoảng loạn về tinh thần, ý chí chiến đấu, dẫn đến sự sụp đổ không thể tránh khỏi của nguỵ quân, nguỵ quyền Sài Gòn. Bằng tài trí lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh của Đảng, Chiến dịch Huế - Đà Nẵng nhanh chóng giành thắng lợi. Tiếp đó, đêm 28 và ngày 29-4, các binh đoàn chủ lực phối hợp với sự nổi dậy của quần chúng trên các hướng, đã mở cuộc Tổng công kích, tiêu diệt và làm tan rã 5 sư đoàn chủ lực địch, đánh chiếm các căn cứ vòng ngoài, thực hiện bao vây địch chuẩn bị bàn đạp tiến vào nội thành Sài Gòn. Sáng 30-4, các binh đoàn chủ lực với khí thế “Quyết chiến quyết thắng”, tiến đánh sào huyệt cuối cùng của địch. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng với tổn thất ít nhất, thành phố Sài Gòn gần như còn nguyên vẹn. Một thắng lợi chưa từng có trong lịch sử các trận “quyết chiến chiến lược” của dân tộc ta. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh - biểu tượng sáng ngời của nghệ thuật huy động đến mức cao nhất sức mạnh toàn dân tộc, đã kết thúc 30 năm chiến tranh cách mạng, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên mới: độc lập dân tộc và CNXH.
Ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đang thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Thiết nghĩ, bài học về phát huy sức mạnh toàn dân tộc trong cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân 1975 vẫn còn nguyên giá trị. Vấn đề là ở chỗ cần tiếp tục nghiên cứu sâu để vận dụng phù hợp điều kiện mới, nhằm động viên được sức mạnh của cả nước trong thời bình và thời chiến. Đương nhiên, việc chuẩn bị tiềm lực quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc phải được quan tâm thích đáng và cần chủ động tiến hành từ sớm về mọi mặt, từ xây dựng quy hoạch, kế hoạch, phương án tác chiến các cấp, đến tăng cường khu vực phòng thủ, động viên quốc phòng, huy động sức người, sức của,… sẵn sàng đáp ứng yêu cầu bảo vệ đất nước trong mọi tình huống.
Thượng tá, ThS. ĐỖ HẢI ÂU
1 - Đợt 1: từ ngày 19-6 đến 06-7-1973; đợt 2: từ ngày 01 đến 04-10-1973.
2 - Sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng nhập ngũ, sẵn sàng đi bất cứ đâu khi Tổ quốc cần; Xung phong tiêu diệt nhiều sinh lực địch, xung phong tòng quân và tham gia du kích chiến tranh, xung phong đi Dân công hoả tuyến và Thanh niên xung phong phục vụ tiền tuyến, xung phong đấu tranh chính trị và chống bắt lính, xung phong sản xuất nông nghiệp trong nông hội.
3 - Khoảng 60% số phương tiện của các cấp, các ngành (riêng trong Quân đội: gần 7.000 ô tô vận tải các loại, kể cả các xe đặc chủng).
4 - Quân đoàn 1 được thành lập ngày 24-10-1973, tại Ninh Bình; Quân đoàn 2, ngày 17-5-1974, tại Thừa Thiên - Huế; Quân đoàn 4, ngày 20-7-1974, tại miền Đông Nam Bộ; Quân đoàn 3, ngày 26-3-1975, tại Tây Nguyên.
Nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh trong Chiến dịch tiến công Tây Sơn Tịnh năm 1966 21/11/2024
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào 29/10/2024
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 - nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng 24/10/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Bu Prăng - Đức Lập năm 1969 27/09/2024
Nghệ thuật chỉ đạo của Đảng về tạo và nắm thời cơ, giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 19/08/2024
Nghệ thuật đánh trận then chốt quyết định trong Chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức năm 1974 15/07/2024
Nhà Lý kết hợp tiến công quân sự với biện pháp ngoại giao để kết thúc chiến tranh, kiến tạo hòa bình 24/06/2024
Chiến dịch Long Khánh năm 1969 - nét đặc sắc của nghệ thuật tập kích 04/06/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Trung - Hạ Lào năm 1954 22/04/2024
Nét nổi bật về nghệ thuật đánh trận mở đầu trong Chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 1954 15/02/2024
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 - nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh trong Chiến dịch tiến công Tây Sơn Tịnh năm 1966