Thứ Bảy, 23/11/2024, 09:23 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam
Sau khi thành lập “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” - đơn vị tiền thân của Đoàn 559, nhận thấy, nếu chỉ dựa vào đường bộ sẽ khó đáp ứng nhu cầu vũ khí, đạn dược và đưa đón cán bộ hai miền Bắc - Nam, nên tháng 7 năm 1959, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Tiểu đoàn vận tải thủy 603, lấy tên là “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh”. Tập đoàn có nhiệm vụ chủ yếu là: nghiên cứu và tổ chức vận chuyển bằng đường biển chi viện cho chiến trường Nam Bộ. Sau chuyến đi đầu tiên chở 5 tấn vũ khí, thuốc men không thành công, Quân ủy Trung ương quyết định cho Tiểu đoàn 603 ngừng hoạt động; đồng thời, chỉ thị cho Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo các tỉnh ven biển ở miền Trung và Nam Bộ chủ động chuẩn bị bến, bãi, tổ chức đưa thuyền vượt biển ra miền Bắc, vừa thăm dò, nắm tình hình địch, nghiên cứu tuyến vận chuyển trên biển, vừa nhận vũ khí về để cung cấp cho phong trào đấu tranh cách mạng đang phát triển ở miền Nam.
Khi những chuyến thuyền từ các tỉnh Bạc Liêu, Trà Vinh, Bến Tre vượt biển ra Bắc thành công, ngày 23 tháng 10 năm 1961, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn vận tải biển 759 (tháng 7-1959) - đơn vị tiền thân của Lữ đoàn 125 ngày nay. Từ đây, con đường vận chuyển trên biển nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam ra đời, với tên gọi: Đường Hồ Chí Minh trên biển. Từ năm 1961 đến 1975, Đoàn đã thực hiện hàng nghìn chuyến vận tải, cung cấp hàng trăm ngàn tấn vũ khí, hàng hóa và nguồn nhân lực cho lực lượng vũ trang cách mạng hoạt động trên các chiến trường Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ, Liên khu 5. Đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành huyền thoại tô đẹp thêm truyền thống vẻ vang của quân đội anh hùng, dân tộc anh hùng.
Những con tàu không số trên đường vào chiến trường. (Ảnh: tư liệu)
Sau 55 năm nhìn lại, chúng ta càng thấy sự thần kỳ của Đường Hồ Chí Minh trên biển. Đường Hồ Chí Minh trên biển đã để lại nhiều bài học hết sức quý báu; trong đó và trước hết là bài học về xây dựng ý chí quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Có thể khẳng định, không một hoạt động tác chiến nào mà giữa “cái sống, cái chết” lại mong manh như khi thực hiện nhiệm vụ trên các chuyến tàu của Đường Hồ Chí Minh trên biển. Do vậy, chỉ những con người có ý chí quyết tâm cao, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc mới dám nhận và hoàn thành nhiệm vụ đầy khó khăn đó. Vì thế, cấp ủy, chỉ huy Đoàn đặc biệt coi trọng xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu của bộ đội. Trong đó, chú trọng giáo dục lòng căm thù giặc, mong muốn được trực tiếp tham gia chiến đấu; sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc. Trước và trong mỗi chuyến đi, lãnh đạo, chỉ huy tàu đều tổ chức quán triệt rõ nhiệm vụ, kế hoạch thực hiện, mục tiêu đạt được, cách ứng phó với địch; kịp thời động viên cán bộ, chiến sĩ chủ động khắc phục khó khăn, gian khổ, sẵn sàng chấp nhận hy sinh. Vì vậy, các cán bộ, chiến sĩ của Đoàn hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của công việc, xây dựng cho mình ý chí quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao, dẫu biết rằng mỗi chuyến đi họ sẽ là những “cảm tử quân”. Có rất nhiều tấm gương đã anh dũng hy sinh, tiêu biểu như Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và các đồng đội của Tàu 235 khi bị tàu địch bao vây, đã khéo léo lái tàu luồn tránh, thả hàng xuống gần bờ để dân quân ở bến mò vớt sau, rồi cho chúng bám theo tránh xa chỗ hàng đã thả, cho hủy tàu và dũng cảm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Hoặc Tàu 43, do đồng chí Nguyễn Đắc Thắng làm Thuyền trưởng, Trần Ngọc Tuấn làm Chính trị viên cùng 17 thuyền viên, khi bị 14 tàu địch vây đánh, dù thương vong nặng nề, nhưng vẫn ngoan cường chiến đấu làm cho địch bị tổn thất cả tàu và máy bay, đến khi không còn khả năng bảo vệ tàu mới quyết định phá hủy, không để vũ khí lọt vào tay địch, v.v. Trong suốt thời gian tồn tại Đường Hồ Chí Minh trên biển, dù kẻ địch ra sức lùng sục, tìm cách ngăn chặn, dù mưa dông, biển động, có những con tàu ra đi không trở lại, nhiều đồng chí, đồng đội vĩnh viễn yên nghỉ nơi biển cả mênh mông, nhưng bằng ý chí kiên cường bất khuất của người chiến sĩ cách mạng, “Đoàn tàu không số” vẫn tiếp tục hành trình cho đến ngày Bắc -Nam thống nhất.
Hai là, bài học về xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn. Đường Hồ Chí Minh trên biển ra đời và đi vào hoạt động là quyết định đúng đắn, sáng tạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng. Thực vậy, xuất phát từ thực tiễn cách mạng nước ta khi đó đòi hỏi phải chi viện khẩn cấp sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, trong khi vận tải bộ khó có thể đáp ứng đủ, nên Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng cho thành lập Tiểu đoàn 603 để tìm cách vận chuyển vũ khí, thuốc men bằng đường biển. Nhưng khi chuyến đi không thành, qua rút kinh nghiệm nhận thấy, nếu sử dụng thuyền gỗ, chạy bằng buồm để chở vũ khí vào chiến trường bằng đường biển sẽ khó khăn, không an toàn, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng lại cho Tiểu đoàn 603 giải thể và tiếp tục tổ chức nghiên cứu, tìm phương án chắc chắn hơn. Sau khi những chiếc thuyền từ Nam Bộ vượt biển ra Bắc an toàn, Bộ Quốc phòng có quyết định sáng suốt là sử dụng ngay những thuyền viên đó làm nòng cốt để thành lập Đoàn 759, bởi vì họ là những người tinh thông nghề biển, nắm rõ các luồng lạch, cách tuần phòng của quân địch; đồng thời, giao cho Xưởng đóng tàu III (Hải Phòng) xúc tiến việc đóng các tàu sắt từ 50 đến 100 tấn. Sau khi để cho thuyền “Bạc Liêu” đi trinh sát, mở đường từ Bắc vào Nam thành công, Quân uỷ Trung ương mới thông qua Nghị quyết mở đường vận chuyển chiến lược trên biển. Bắt đầu từ đây, Đoàn 759 bước vào một giai đoạn mới và đường biển nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam đã trở thành hiện thực.
Ba là, bài học về công tác bảo vệ bí mật. Trong hoạt động quân sự, yếu tố bí mật có thể quyết định thành bại của một trận đánh hoặc một chiến dịch; đặc biệt, Đường Hồ Chí Minh trên biển càng phải thực hiện tốt công tác này. Vì vậy, để bảo đảm bí mật, giai đoạn đầu, Đoàn 759 được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương, chỉ có một số người của Quân ủy biết. Sở Chỉ huy của Đoàn ở hang đá Thủy Nguyên, Hải Phòng để chỉ huy các chuyến đi hoàn toàn được giữ bí mật, ngay chính quyền địa phương cũng không biết trong đó làm gì. Các thành viên tàu này không được biết hoạt động của tàu khác; trước khi lên đường, cán bộ, chiến sỹ của tàu không được tiếp xúc bạn bè, người thân; phải gửi lại quần áo, tư trang, sổ sách, chứng minh thư và những thứ khác có liên quan đến danh tính; được cấp giấy tờ, căn cước giả và trang bị quần áo bà ba, vải đã sờn giống như dân đánh cá miền Nam. Tàu cũng không mang số hiệu, nên gọi là “tàu không số”, khi đến địa phận của tỉnh nào ở Trung Bộ, Nam Bộ thì sẽ mang biển kiểm soát đúng với địa danh ở đó. Những con tàu đều được thiết kế 2 đáy để ngụy trang: đáy dưới để vũ khí, đáy trên để lưới, câu và các ngư cụ khác. Ngay cả người thợ tham gia đóng tàu cũng không biết tại sao tàu lại có cấu trúc đặc biệt như vậy. Trên tàu, các thủy thủ còn làm những con cá, mực ống giả rất giống với cá, mực khô đang phơi để lừa máy bay trinh sát của địch. Nhằm bảo đảm bí mật tuyệt đối cho mỗi con tàu trên biển; mỗi tàu còn được gắn một khối thuốc nổ đủ để phá tàu nhằm phi tang trong trường hợp bị địch phát hiện vây bắt. Một khâu rất quan trọng trong chuỗi giữ gìn bí mật, đó là việc bố trí bến bãi phải bảo đảm an toàn, kín đáo, có thể giải tỏa hàng hóa nhanh chóng. Thực hiện chỉ thị của Trung tướng Trần Văn Trà, Phó Tổng tham mưu trưởng, các địa phương đã tích cực lựa chọn bến bãi, bố trí lực lượng bốc xếp hợp lý bảo đảm an toàn, bí mật. Ví dụ, tỉnh Bà Rịa lựa chọn bến Lộc An vì vừa gần Phước Hải - Vũng Tàu, vừa có địa hình phức tạp, rừng rậm trải dọc lưu vực sông ra đến biển, địch khó càn quét, còn ta dễ phòng thủ; đồng thời, thành lập Đoàn 1500 tương đương trung đoàn làm nhiệm vụ bảo vệ bến, tổ chức cất giấu phương tiện và vận chuyển hàng hóa vào bờ, v.v.
Bốn là, bài học mưu kế trong tác chiến. Khác với các trận đánh tiêu diệt địch, nhiệm vụ tác chiến của mỗi chuyến đi là khéo léo xử trí các tình huống, sao cho không đụng độ với địch, bảo đảm hàng đến nơi an toàn là thắng lợi. Bởi vì, trong từng chuyến đi, cán bộ, chiến sĩ trên tàu luôn phải sử dụng mưu, kế và thực hiện hàng loạt các biện pháp ngụy trang, nghi binh để lừa địch. Ngay trong chuyến đi trinh sát mở đường, Đoàn 759 phối hợp với Ban Thống nhất Trung ương, Tổng cục Hậu cần chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, dầu mỡ và các giấy tờ giả làm ngư dân Nam Bộ, như: giấy thông hành, căn cước, giấy làm ăn của ghe thuyền. Thuyền trưởng Bông Văn Dĩa trực tiếp kiểm tra tình trạng kỹ thuật của tàu, học thuộc các chỉ thị, nhiệm vụ, mật danh liên lạc của chuyến đi. Trên hành trình vào Nam, gặp tàu Mỹ ở vùng biển Nha Trang, để đối phó với địch, thủy thủ trên tàu đành phải thủ tiêu hết hải đồ, la bàn; bình tĩnh đóng vai dân chài đánh cá bị gió đẩy xa bờ, nên địch không nghi ngờ. Có nhiều chuyến, nhằm vào lúc gió mùa Đông Bắc hoặc nhiều sương mù để tránh tàu tuần tiễu, tuần tra của địch. Có trường hợp tàu bị mắc cạn, cán bộ, chiến sĩ trên tàu phối hợp với bộ phận ở bến huy động thêm lực lượng tích cực cất giấu hàng trước khi trời sáng; nếu trời sáng tàu chưa kịp rời bến, phải ngụy trang che giấu, hoặc cho hủy như Tàu 401 mắc cạn ở bến Lộ Diêu (Bình Định). Sau sự kiện Vũng Rô, yếu tố bí mật, bất ngờ của tuyến đường không còn; địch bố phòng, kiềm toả gắt gao, Đoàn tích cực tìm đường đi mới, xa bờ, qua nhiều vùng biển lạ để tránh địch, có lúc phải mang hàng quay trở về, nhưng chỉ cần chúng sơ hở, tàu của ta sẽ táo bạo cập bến, nhanh chóng bốc dỡ và rút ngay, v.v.
Sự ra đời của Đường Hồ Chí Minh trên biển là một huyền thoại, thể hiện tầm nhìn chiến lược, tư duy sáng tạo của Đảng ta; đồng thời, khẳng định ý chí sắt đá không kẻ thù nào có thể chia cắt hai miền Nam - Bắc; thể hiện niềm tin, khát vọng cháy bỏng về độc lập, tự do, thống nhất đất nước của nhân dân ta. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, những bài học về tổ chức hoạt động của Đường Hồ Chí Minh trên biển vừa cổ vũ động viên, vừa là kinh nghiệm để chúng ta giáo dục truyền thống, ý chí để tiếp tục xây dựng những “con đường Hồ Chí Minh” mới trong tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước./.
Đại tá NGUYỄN CÔNG TÂM
đường mòn trên biển,Hồ Chí Minh,bài học kinh nghiệm
Nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh trong Chiến dịch tiến công Tây Sơn Tịnh năm 1966 21/11/2024
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào 29/10/2024
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 - nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng 24/10/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Bu Prăng - Đức Lập năm 1969 27/09/2024
Nghệ thuật chỉ đạo của Đảng về tạo và nắm thời cơ, giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 19/08/2024
Nghệ thuật đánh trận then chốt quyết định trong Chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức năm 1974 15/07/2024
Nhà Lý kết hợp tiến công quân sự với biện pháp ngoại giao để kết thúc chiến tranh, kiến tạo hòa bình 24/06/2024
Chiến dịch Long Khánh năm 1969 - nét đặc sắc của nghệ thuật tập kích 04/06/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Trung - Hạ Lào năm 1954 22/04/2024
Nét nổi bật về nghệ thuật đánh trận mở đầu trong Chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 1954 15/02/2024
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972 - nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng lực lượng
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh trong Chiến dịch tiến công Tây Sơn Tịnh năm 1966