QPTD -Chủ Nhật, 02/02/2020, 11:26 (GMT+7)
Tham luận tại Tọa đàm "Vững bước dưới cờ Đang quang vinh"
Về vấn đề “Văn hóa Đảng và xây dựng văn hóa trong Đảng”

Cách đây gần 15 năm, tháng 7 năm 2005, Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương có tổ chức một cuộc Hội thảo với chủ đề “Văn hóa đảng và xây dựng văn hóa trong Đảng”. Tại cuộc Hội thảo này, về vấn đề “xây dựng văn hóa trong Đảng” thì không có ý kiến gì khác nhau, nhưng có “văn hóa đảng”, hay “văn hóa của Đảng” không thì đã có một cuộc tranh luận khá gay gắt.

Nay, tại cuộc Tọa đàm với chủ đề “Vững bước dưới cờ Đảng quang vinh” do Viện Lịch sử Đảng (Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), Báo Quân đội nhân dân và Tạp chí Quốc phòng toàn dân phối hợp tổ chức, tôi được mời tham gia và viết tham luận với nội dung “Văn hóa của Đảng và trong Đảng”. Tôi có chút băn khoăn. Có thật sự là có văn hóa của Đảng không? Vậy xin nhắc lại đôi điều tôi đã phát biểu cách đây 15 năm.

Trước hết, đó là văn hóa trong Đảng có đồng nghĩa với văn hóa đảng không?

Đúng là Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) có ghi: “Để đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng về văn hóa, phải xây dựng văn hóa từ trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước...” và Kết luận của Hội nghị Trung ương 10 (khóa IX) có yêu cầu: “Tiếp tục đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống lành mạnh trong xã hội, trước hết là trong các tổ chức Đảng và Nhà nước...”. Nếu nhìn trở lại Nghị quyết Đại hội IX, ta cũng thấy một câu ghi rõ: “Nâng cao tính văn hóa trong mọi hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội và sinh hoạt của nhân dân”. Vậy xây dựng văn hóa trong Đảng là gì? Phải chăng là xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống lành mạnh (tức là có tính văn hóa) trong Đảng? Nhưng đồng nhất việc xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa trong Đảng với việc xây dựng văn hóa Đảng chắc là không hợp lý và chưa chính xác.

Thứ hai, không có văn hóa Đảng, văn hóa nhà nước nhưng có văn hóa lãnh đạo và văn hóa quản lý

Văn hóa lãnh đạo thể hiện ở triết lý lãnh đạo, ở giá trị văn hóa trong lãnh đạo, ở phong cách lãnh đạo; đồng thời, cũng thể hiện ở tác phong, đạo đức và lối sống của cán bộ lãnh đạo hay cơ quan lãnh đạo. Lãnh đạo là dẫn dắt hướng tới một xã hội tốt đẹp hơn, vừa thuận lòng dân vừa hợp với quy luật tiến hóa của lịch sử hay ngược lại? Lãnh đạo là đề ra Cương lĩnh, đường lối, chủ trương, chính sách hay nhất nhất việc gì cũng ôm đồm, cầm tay chỉ việc, can thiệp vào mọi lĩnh vực, lấn sân giữa cơ quan lãnh đạo và cơ quan quản lý, quyền to mà trách nhiệm ít? Lãnh đạo thông qua cơ chế dân chủ, bàn bạc, giáo dục, thuyết phục, nêu gương, nói đi đôi với làm, hay là thông qua cơ chế độc tài, chuyên chế, võ đoán, áp đặt, mệnh lệnh quan liêu, nói mà không làm, nói một đằng làm một nẻo?

Tư tưởng chính trị, bản lĩnh chính trị, tính chiến đấu, tính tổ chức kỷ luật đều là những vấn đề thuộc phạm trù chính trị, tuy trong đó chứa đựng những yếu tố văn hóa. Tư tưởng là một nội dung của văn hóa. Chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh đều là những đỉnh cao của tư tưởng, lý luận cũng đồng thời là giá trị lớn về văn hóa. Tinh thần yêu nước thương dân, xả thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc và vì lý tưởng chủ nghĩa xã hội, truyền thống đoàn kết, nhất trí – đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế - đều là những tố chất chính trị của một Đảng lãnh đạo, cũng đồng nhất là những tố chất văn hóa. Dẫu sao, nếu ta coi đó là những phẩm chất của văn hóa đảng thì e rằng không đúng.

Văn hóa quản lý là gì? Nếu là quản lý Nhà nước thì đó là cai trị theo triết lý nào? Đức trị hay pháp trị? Hay kết hợp cả đức trị và pháp trị (coi trọng cả hai loại công cụ giáo dục, thuyết phục và pháp luật)? Thân dân, trọng dân hay đè nén, áp bức nhân dân? Văn hóa quản lý đòi hỏi bộ máy công quyền phải tuân thủ pháp luật ; cán bộ trong bộ máy nhà nước phải liêm khiết, trong sạch, không tham nhũng, v.v. Quản lý các lĩnh vực khác, cũng phải có những triết lý và đạo đức riêng của nó. Ngay trong lĩnh vực văn hóa, việc tôn trọng và tạo điều kiện thuận lợi cho quyền tự do sáng tạo, sáng chế, phát minh cũng phải được coi là tố chất hàng đầu của văn hóa quản lý. Trong nghiên cứu lý luận, văn hóa quản lý đòi hỏi phải chống lại những biểu hiện thiếu văn hóa là: độc quyền chân lý, áp đặt tư duy và quy kết tùy tiện, v.v.

Thứ ba, về văn hóa lãnh đạo của Đảng và việc xây dựng văn hóa trong Đảng

Xây dựng văn hóa trong Đảng, theo nghĩa rộng, là xây dựng và nâng cao văn hóa lãnh đạo của Đảng với các tố chất văn hóa của lãnh đạo như đã nêu trên. Theo nghĩa hẹp, đó là xây dựng một đội ngũ cán bộ, đảng viên có trình độ văn hóa, làm việc có văn hóa và sống có văn hóa, cụ thể là xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống lành mạnh trong các tổ chức Đảng, nhà nước, v.v.

Tôi không đồng tình với ý kiến cho rằng “văn hóa đảng là bộ phận tiên phong và tiên tiến nhất của văn hóa dân tộc” hay “văn hóa đảng là hạt nhân của nền văn hóa chính trị”. Vì sao? Đảng ta nói: Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và dân tộc. Nhưng không phải vì thế mà suy ra rằng có văn hóa đảng riêng và văn hóa đảng là bộ phận văn hóa tiên phong trong văn hóa giai cấp công nhân, nhân dân lao động hay văn hóa dân tộc.

Mười lăm năm qua, sự nghiệp cách mạng, đổi mới và phát triển của ta không ngừng tiến lên. Nhận thức của chúng ta về văn hóa và vai trò của văn hóa trong đời sống xã hội cũng ngày thêm rộng và sâu hơn. Đường lối xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc có nhiều điều bổ sung. Văn hóa luôn được coi là nền tảng tinh thần của xã hội. Nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa được đặt ngang hàng với nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là then chốt.

Văn kiện các Đại hội X, XI và XII của Đảng, đặc biệt là phần nói về xây dựng và phát triển văn hóa, đều không thấy bất cứ đâu từ “văn hóa đảng” hay “văn hóa của Đảng”.         Đại hội XII nhấn mạnh mục tiêu: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện phải trở thành một mục tiêu của chiến lược phát triển. Đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm, nghĩa vụ công dân.

Văn kiện Đại hội cũng đề cập một cách nghiêm túc việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Về xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế, Văn kiện nêu rõ: chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể, coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Thường xuyên xây dựng văn hóa trong kinh tế, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh vì sự phát triển bền vững của đất nước, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Văn kiện cũng đề ra yêu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng theo hướng vừa bảo đảm để văn hóa, văn học – nghệ thuật, báo chí phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, vừa bảo đảm quyền tự do, dân chủ cá nhân trong sáng tạo trên cơ sở phát huy trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân với mục đích đúng đắn; khắc phục tình trạng buông lỏng sự lãnh đạo hoặc mất dân chủ, hạn chế tự do sáng tạo. Về quản lý nhà nước, cần đẩy nhanh hơn nữa việc thể chế hóa, cụ thể hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về văn hóa, v.v.

Với tham luận ngắn này, tôi muốn bày tỏ sự tin tưởng vào sự đúng đắn của đường lối xây dựng và phát triển văn hóa của Đảng ta và hiệu quả của việc từng bước đưa đường lối ấy vào cuộc sống. Tôi cũng mong đóng góp phần nào vào kết quả cuộc Tọa đàm “Vững bước dưới cờ Đảng quang vinh” của chúng ta hôm nay.

HÀ ĐĂNG, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương

Ý kiến bạn đọc (0)

Diễn văn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
Sáng 03-2, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thành phố Hà Nội tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03-2-1930 - 03-2-2020).