QPTD -Thứ Hai, 03/02/2020, 09:09 (GMT+7)
Tham luận tại Tọa đàm "Vững bước dưới cờ Đang quang vinh"
Những quyết định sáng suốt của Trung ương Đảng trong những năm đầu đổi mới

Trong những năm đầu đổi mới, Đảng ta đã có những quyết định sáng suốt, nổi bật là một số quyết định sau:

 Thứ nhất, đối với những vấn đề mới nảy sinh từ sự biến đổi phức tạp của tình hình thế giới

Nếu như trước đổi mới, việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta được tiến hành trong điều kiện Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa vẫn tồn tại, thì đến năm 1989 chủ nghĩa xã hội ở một loạt nước Đông Âu sụp đổ và đến năm 1991 Liên Xô - thành trì của cách mạng thế giới - cũng tan rã. Trong khi, chủ nghĩa tư bản vẫn tiếp tục có những bước điều chỉnh và phát triển. Tình hình đó làm nảy sinh tâm lý hoài nghi con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân. Vì vậy, các Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6, 7, 8 (khóa VI), Đại hội VII, Hội nghị Trung ương 3 (khóa VII) đã phân tích, chỉ rõ những thành tựu vĩ đại mà Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa đã giành được trong lịch sử, sự khủng hoảng và sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở các nước đó không phải do bản chất của chủ nghĩa xã hội gây ra mà chính là do những sai lầm chủ quan của các Đảng Cộng sản và sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch. Đảng khẳng định: “Chủ nghĩa xã hội hiện đứng trước nhiều khó khăn, thử thách, lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co; song, loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội vì đó là quy luật tiến hóa của lịch sử”1. Vì vậy, đi lên chủ nghĩa xã hội là con đường tất yếu, là sự lựa chọn duy nhất đúng của Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta; đổi mới nhưng không thay đổi mục tiêu con đường đã chọn. Những kết luận đúng đắn, kịp thời của Đảng về chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa tư bản chính là cơ sở để củng cố niềm tin, định hướng chính trị đúng đắn cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta trước khúc quanh của lịch sử.

Thứ hai, đối với những vấn đề liên quan trực tiếp đến tương lai, tiền đồ phát triển của đất nước

Ngay từ Đại hội VI của Đảng (12-1986), cùng với chủ trương đổi mới toàn diện, đồng bộ và triệt để trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, Đại hội cũng xác định cần xúc tiến việc xây dựng cương lĩnh hoàn chỉnh cho toàn bộ cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Sau hơn bốn năm triển khai và tổ chức thực hiện, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã được thông qua tại Đại hội VII của Đảng (6-1991). Bằng việc đưa ra định nghĩa về xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng (với 6 đặc trưng), Đảng ta đã trả lời được câu hỏi chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là gì; còn bảy phương hướng cơ bản chính là nhằm trả lời câu hỏi làm thế nào để xây dựng được chủ nghĩa xã hội. Đồng thời với việc thông qua Cương lĩnh, Đại hội VII của Đảng còn thông qua Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000. Nếu Cương lĩnh  “là ngọn cờ chiến đấu vì thắng lợi của sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, định hướng cho mọi hoạt động của Đảng hiện nay và trong những thập kỷ tới”2, thì Chiến lược  “là phương hướng hành động của nhân dân Việt Nam đến năm 2000 nhằm chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, làm giàu cho mình và cho đất nước”3.

Việc soạn thảo và thông qua hai văn kiện quan trọng nêu trên là một thành công lớn, thể hiện sâu sắc bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần độc lập, tự chủ và sáng tạo của Đảng. Nó đem lại cơ sở cho sự tin cậy và hy vọng của mỗi người chúng ta về tương lai, tiền đồ phát triển của đất nước.

Thứ ba, đối với những vấn đề liên quan trực tiếp đến việc ổn định tình hình kinh tế - xã hội, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng

Trong khoảng thời gian từ 1987 đến 1990, Đảng đã liên tiếp triển khai các nghị quyết mang tính cấp bách nhằm trước hết là giải quyết các vấn đề nóng bỏng của đất nước. Tiêu biểu như: Trên lĩnh vực kinh tế: Tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách trên lĩnh vực phân phối lưu thông; chống lạm phát; đổi mới cơ chế quản lý trong nông nghiệp theo hướng coi hộ xã viên là đơn vị kinh tế độc lập tự chủ, v.v. Trên lĩnh vực đối ngoại và kinh tế đối ngoại, Đảng chủ trương chuyển cuộc đấu tranh từ tình trạng đối đầu sang đấu tranh và hợp tác cùng tồn tại hòa bình. Trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng, Đảng kịp thời phát hiện những diễn biến phức tạp trong cải tổ ở Liên Xô, Đông Âu; những khuynh hướng tư tưởng mới nảy sinh, đặc biệt là tư tưởng đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập của một số phần tử trong nước, trên cơ sở đó đề ra những nguyên tắc chỉ đạo công cuộc đổi mới, những chủ trương đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị, đổi mới công tác vận động quần chúng của Đảng, v.v. Nhờ có những quyết định sáng suốt, kịp thời của Trung ương Đảng, sự cố gắng nỗ lực của Chính phủ và nhân dân cả nước, sau hơn 4 năm đổi mới, tình hình kinh tế - xã hội của nước ta đã có nhiều khởi sắc, từ năm 1989 trở đi nước ta đã tự tức được vấn đề lương thực và có xuất khẩu; tình hình chính trị của đất nước ổn định; quốc phòng - an ninh được củng cố, tăng cường, v.v.

Phát huy những kết quả đạt được sau hơn 4 năm đổi mới, Đại hội VII của Đảng (6-1991) quyết định: Tiếp tục đổi mới toàn diện, đồng bộ, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội bằng những bước đi, hình thức và cách làm phù hợp. Từ năm 1992, Đảng tập trung lãnh đạo ba vấn đề lớn: Đổi mới chỉnh đốn Đảng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bảo đảm cho Đảng lãnh đạo ngang tầm với đòi hỏi của thời kỳ đổi mới; Đổi mới chính sách đối ngoại theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa nhưng phải giữ vững nguyên tắc độc lập, thống nhất và chủ nghĩa xã hội, đổi mới tư duy bảo vệ Tổ quốc theo hướng gắn bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ với bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ là nhiệm vụ quan trọng cấp bách hàng đầu. Năm 1994, Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII nêu lên 4 nguy cơ, thách thức mà cách mạng Việt Nam đang phải đối mặt, trên cơ sở đó, đề ra những chủ trương, giải pháp lớn nhằm tận dụng thời cơ, đẩy lùi nguy cơ, vượt qua thử thách, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng, tiến dần tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Những quyết định sáng suốt, kịp thời của Đảng đối với những vấn đề mới nảy sinh từ sự biến đổi phức tạp của tình hình thế giới và trong nước, là một nhân tố quan trọng bảo đảm cho cách mạng Việt Nam giành thắng lợi, không bị chệch hướng, vững bước tiến lên trên con đường đổi mới vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay đang diễn ra trong bối cảnh của một thế giới đầy biến động, chứa đựng nhiều yếu tố phức tạp, khó dự báo. Bởi vậy, quan tâm dự báo tình hình, kịp thời phát hiện và xử lý đúng đắn những vấn đề mới nảy sinh trên tinh thần kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội vẫn là một vấn đề có tính nguyên tắc, cần được nhận thức và thực hiện đúng đắn để tránh khỏi bị động, thiếu sót, sai lầm.

Đại tá, PGS, TS. NGUYỄN VĂN SỰ, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
____________________

1 - ĐCSVN - C­ương lĩnh xây dựng đất n­ước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự thật, H. 1991, tr 8.

2 - Sđd, tr.22.

3 - ĐCSVN, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội đến năm 2000, Nxb Sự thật, H. 1991, tr.45.

Ý kiến bạn đọc (0)

Diễn văn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
Sáng 03-2, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thành phố Hà Nội tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03-2-1930 - 03-2-2020).