Thứ Bảy, 23/11/2024, 05:38 (GMT+7)
1. Văn nghệ sỹ viết về Đảng là đạo lý, chân lý và cũng là nguyên lý
Bác Hồ lãnh đạo Đảng ta làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vĩ đại nhất trong lịch sử. Đó là mốc son chói lọi, là sự kiện vĩ đại đưa dân tộc Việt Nam từ một nước thuộc địa thành một nước độc lập dưới chế độ dân chủ cộng hòa, chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế hàng ngàn năm, phá tan hai gông cùm nô lệ của Pháp và Nhật, đưa người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ thành người tự do. Thắng lợi này mở ra thời đại mới: một dân tộc bị xâm lược đã tự giải phóng khỏi ách thực dân phát xít, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần đấu tranh của nhân dân các nước thuộc địa đứng dậy chống áp bức xâm lăng đòi quyền tự quyết.
Tinh thần Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đi vào lịch sử và tâm thức dân tộc như một ngọn lửa sáng mãi tinh thần của lòng yêu nước, sự đoàn kết, ý chí quyết thắng, của niềm tin vào Đảng, tin vào con đường chính nghĩa đi lên chủ nghĩa xã hội với mục tiêu cao cả dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh!
Trí tuệ của Đảng ta là đưa cách mạng Việt Nam vào đúng cái mạch của lịch sử, mang tầm thời đại. Đảng ta không chỉ tổng hợp sức mạnh của dân tộc thế kỷ XX mà còn là kết tinh sức mạnh của dân tộc, sự kế thừa và tiếp bước truyền thống. Lịch sử khẳng định lực lượng chính trị nào đưa dân tộc theo đúng quỹ đạo tiến bộ của lịch sử sẽ được lịch sử ủng hộ. Ngày nay chỉ Đảng lãnh đạo mới hoàn thành sứ mạng cao cả đưa nước ta lên đài hạnh phúc sánh vai các cường quốc năm châu. Không có Đảng sẽ không có tương lai cho đất nước này!
Như một lẽ tự nhiên, Đảng đã đổi đời, đã mở ra chân trời lý tưởng, đã khơi nguồn sáng tạo cho văn nghệ sỹ, do vậy viết về Đảng vừa là đạo lý, vừa là chân lý cũng là nguyên lý. Đó là đạo lý dân tộc ăn quả nhớ người trồng cây. Là chân lý về sáng tạo: nâng tầm giá trị văn hóa của dân tộc cũng là nâng tầm văn hóa sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhân dân ta. Là nguyên lý mỹ học: hướng tới cái chân, thiện, mỹ.
2. Lý tưởng của Đảng cũng là lý tưởng của văn nghệ sỹ
Trong bài báo Tổ chức của đảng và văn học đảng, V.I. Lê-nin viết: “Sự nghiệp văn học phải trở thành một bộ phận trong sự nghiệp của toàn thể giai cấp vô sản, phải trở thành “một cái bánh xe nhỏ và một cái đinh ốc” trong bộ máy dân chủ - xã hội vĩ đại, thống nhất, do toàn đội tiên phong giác ngộ của toàn bộ giai cấp công nhân điều khiển. Sự nghiệp văn học phải trở thành một bộ phận khăng khít của công tác tổ chức, có kế hoạch, thống nhất, của Đảng dân chủ - xã hội”1. Đó là bản chất của mối quan hệ giữa văn nghệ và sự nghiệp cách mạng của giai cấp vô sản.
Ngày 25-5-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh có thư Gửi anh em văn hóa và trí thức Nam bộ, có câu: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà, mà anh em văn hóa và trí thức phải làm cũng như là những chiến sĩ anh dũng trong công cuộc kháng chiến để tranh lại quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc”. Cuối thư Người còn khẳng định vai trò “hiểu biết trước” của văn nghệ sỹ: “Anh em văn hóa với trí thức là lớp tiên tri tiên giác, càng phải quyết tâm không chịu làm nô lệ”2.
Hôm nay Đảng ta đang làm theo lời Bác Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi coi văn hóa vừa là động lực vừa là mục tiêu, phát triển văn hóa, đầu tư cho văn hóa, coi trọng vai trò chức năng nhiệm vụ của văn hóa, v.v.
Thiên chức cao quý của văn học, xét đến cùng là nhân đạo hóa con người. Trước năm 1945, thơ Tố Hữu là tiếng thơ của giai cấp cần lao kêu gọi mọi người đứng lên đấu tranh: “Sống đã vì cách mạng anh em ta/ Chết cũng vì cách mạng chẳng phiền hà”. Sau năm 1945, cả dân tộc bước vào thời đại mới, nhà thơ Chế Lan Viên đã cảm ơn Đảng “Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi”. Nên nhớ trước năm 1945 nhà thơ họ Chế không hề có một câu thơ đấu tranh cách mạng, cũng nên nhớ Ông không chỉ là một nhà thơ mà còn là một nhà tư tưởng, một nhà văn hòa, một nhà triết học. Một trí thức lớn như thế không ai có thể xui Ông viết nên những câu thơ rất đỗi thành thực về cuộc đời, về cách mạng trong Ánh sáng và phù sa, Hoa ngày thường chim báo bão, Những bài thơ đánh giặc, v.v.
Ở xã hội ta ngày hôm nay biểu hiện thống nhất của sự gặp gỡ giữa lý tưởng thẩm mỹ chân chính của văn nghệ là nhân đạo hóa con người cùng với mục đích văn hóa chính trị của Đảng.
3. Văn nghệ Việt Nam đã có thế hệ văn nghệ sỹ và những tác phẩm lớn xứng tầm với Đảng
Nhà thơ lớn Tố Hữu - lá cờ đầu của nền văn nghệ cách mạng và dân tộc. Tiếng thơ Tố Hữu sẽ sống mãi vì trong đó kết hợp nhuần nhuyễn, hài hòa những giá trị văn hóa, là tiếng nói yêu thương, là ý chí, là niềm tin của Đảng, cũng là của thời đại và dân tộc. Đó là thơ: Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Hữu Thỉnh, Phạm Tiến Duật, Lưu Quang Vũ, Tạ Hữu Yên,… và các tác phẩm văn xuôi của: Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Nguyễn Khải, Nguyễn Quang Sáng, Ma Văn Kháng, v.v.
Hội hoạ Việt Nam ngang tầm thế giới nhờ chúng ta có cả một thế hệ hoạ sỹ tâm huyết, tài năng với cách mạng, với Đảng, với Nhân dân. Các tác phẩm của các Danh họa: Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Trần Văn Cẩn,…là cả gia tài văn hoá lớn của dân tộc. Những bài hát về Bác Hồ, về Đảng, về cách mạng của Văn Cao, Phạm Tuyên, Chu Minh,… cùng những vở kịch, vở chèo, cải lương, những bộ pham truyện về Đảng của Học Phi, Lộng Chương, Xuân Trình, Hồng Sến, Hữu Phần, Hải Ninh,… sẽ sống mãi cùng lịch sử.
Tâm huyết với Đảng, về Đảng, Tố Hữu nói thay thế hệ nghệ sỹ mình: “Mà nói vậy trái tim anh đó/ Rất chân thật chia ba phần tươi đỏ/ Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều…” là rất đúng, rất thật, rất nghệ thuật với tác phẩm thời đó, lý tưởng thời đó và độc giả thời đó.
4. Tiếp bước dưới cờ Đảng phát huy tinh thần yêu nước sáng tạo những tác phẩm chân chính.
Văn nghệ là vấn đề tư tưởng. Để tác phẩm có tư tưởng người viết phải giàu có, chắc chắn, tươi mới, đúng đắn về tư tưởng. Nghệ sỹ phải yêu đến tận cùng sự thật và cái đẹp kết hợp với sự nhạy cảm chính trị mới thấu hiểu sự thật để thấu cảm tình người và truyền cảm đến nhiều người. Mỗi nghệ sỹ là trí thức rất tiêu biểu phải luôn ý thức là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng của Đảng lấy cây bút và tờ giấy làm vũ khí sáng tạo những hình tượng trong sáng, lành mạnh phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước, vì mục tiêu chân thiện mĩ mà đấu tranh loại bỏ cái lỗi thời, phản động, tiêu cực. Nhưng không tự mình “bẻ cong” ngòi bút, “bẻ cong” lương tâm mình.
Nghệ thuật là cái độc đáo, cái mới, phải hấp dẫn. Không phải cứ viết về Đảng là thể hiện tình yêu, trách nhiệm với Đảng mà có thể là viết về cái tốt, cái tích cực để ủng hộ, phát huy, làm gương. Hết lòng yêu cuộc đời mà phanh phui mặt trái, vạch ra cái xấu, cái thấp hèn để mọi người nhìn thấy cùng lên án mà xa lánh, rời bỏ. Người nghệ sỹ dùng thứ nghệ thuật nội soi tìm ra những tế bào gây bệnh để cơ thể Đảng khỏe mạnh, cường tráng hơn.
Quy luật của nghệ thuật là quy luật của tình cảm. Có ý thức chính trị cao mới tạo tiền đề cho tình yêu, cho tâm huyết - vốn được coi là những điều sống còn của nghệ thuật. Cây nghệ thuật có tươi mát, có sum xuê hoa trái là nhờ được trồng trên mảnh đất của tình yêu. Thiếu tình yêu nghệ thuật nhất định khô héo. Tình yêu luôn tìm đến tình yêu. Người nghệ sỹ có yêu nghệ thuật hết lòng, có đam mê phục vụ công chúng hết lòng thì tự nhiên sẽ được tình yêu của công chúng đáp lại. Tình yêu và tài năng như hai cánh chim, như hai cánh tay trong một cơ thể nghệ thuật. Mất tình yêu tức là sự báo hiệu thui chột, què cụt một tài năng. Tình yêu không tự nhiên có mà do sự giáo dục, do rèn luyện bản lĩnh của một ý thức chính trị nhất định.
Văn học nghệ thuật là lĩnh vực của cái tôi, của cá tính nên “chủ nghĩa cá nhân” rất có điều kiện nảy nở. Có khi nó được ngụy trang tinh vi dưới cái vỏ bọc “cá tính sáng tạo” nên rất khó phát hiện. Đó là tình trạng chạy theo hoặc thích thú với thị hiếu tầm thường của số ít cá nhân nghệ sỹ và một bộ phận công chúng, nên có những nghệ sỹ bỏ qua đặc trưng của văn học nghệ thuật là cái đẹp mà đi vào mô tả những gì gần với bản năng. Đó là “sáng tác” kiểu “ăn xổi” chạy theo số lượng, chiều theo những tâm lý xã hội nhất thời, viết để bán sách, viết để có tên tuổi, v.v. Đó là sự a dua, nói theo những ý kiến trái chiều, nói ngược với những quan điểm chính thống, để được chú ý, v.v.
Văn nghệ sĩ viết về lý tưởng, về chất Đảng cũng chính là cách chủ động đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực văn hóa. Cơ thể con người càng khỏe mạnh thì càng có sức đề kháng trước các yếu tố bất lợi của thiên nhiên, thời tiết.
Cây xanh văn nghệ sỹ hôm nay phải cắm ba chùm rễ sâu vào ba mảnh đất: văn hóa dân tộc/ nhân dân; văn hóa Đảng/cách mạng; văn hóa nhân loại/ nhân văn và vươn cao cành lá lên bầu trời thời đại quang hợp ánh sáng tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh để kết trái tác phẩm phục vụ nhân dân.
PGS,TS. NGUYỄN THANH TÚ ____________
1 - V.I. Lê-nin - Toàn tập, Tập 21, Nxb Tiến bộ, M, 1978, tr. 122, 123.
2 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG. 2002, tr.131.
sáng tác,quảng bá đề tài về Đảng
Khẳng định và bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội trong thời kỳ mới 05/02/2020
Nhận diện và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam 04/02/2020
Thành tựu lý luận và thực tiễn trong 90 năm lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam 04/02/2020
Diễn văn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 04/02/2020
Giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới 04/02/2020
Thanh niên Quân đội vững bước dưới cờ Đảng 03/02/2020
Tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam trong tình hình mới 03/02/2020
Những quyết định sáng suốt của Trung ương Đảng trong những năm đầu đổi mới 03/02/2020
Về vấn đề “Văn hóa Đảng và xây dựng văn hóa trong Đảng” 02/02/2020
Xây dựng Vùng 4 Hải quân vững mạnh về chính trị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ 02/02/2020