QPTD -Thứ Tư, 29/01/2020, 07:41 (GMT+7)
Thanh Hóa chú trọng lãnh đạo công tác quốc phòng, quân sự địa phương

Hòa cùng lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, các thế hệ người dân Thanh Hóa luôn cần cù, sáng tạo trong lao động, anh dũng, quật cường trong chiến đấu, góp phần cùng cả nước lập nên những chiến công hiển hách. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, tỉnh Thanh Hóa đã có những đóng góp to lớn cả về sức người, sức của, góp phần làm nên chiến thắng của dân tộc. Những chiến thắng vang dội trên đất Hàm Rồng, Nam Ngạn, Đò Lèn, Lạch Trường, phà Ghép...; cùng sự hy sinh anh dũng của hơn 56.000 liệt sĩ, công sức, xương máu của gần 47.000 thương binh, bệnh binh và hàng vạn người con ưu tú của Tỉnh là những minh chứng hùng hồn cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thống yêu nước sáng ngời của quân và dân quê hương Thanh Hóa anh hùng.

Những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, tỉnh Thanh Hóa đã có những bước phát triển vượt bậc, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực và đang vươn mình trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của khu vực Bắc Trung bộ nói riêng và cả nước nói chung. Kinh tế của Tỉnh luôn giữ mức tăng trưởng cao, bình quân 11%/năm. Quốc phòng, an ninh được giữ vững và tăng cường; an sinh xã hội, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có nhiều tiến bộ, đoàn kết, thống nhất cao trong Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh kết quả đạt được, Tỉnh phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức; đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là khu vực miền núi, biên giới còn gặp nhiều khó khăn. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên về nhiệm vụ quốc phòng, quân sự chưa thật đầy đủ. Trên địa bàn, các thế lực thù địch ra sức lợi dụng các vấn đề nhạy cảm trong quản lý, điều hành xã hội, vấn đề dân tộc, tôn giáo,… để chống phá. Tình hình tội phạm, tai tệ nạn xã hội trên một số địa bàn diễn biến phức tạp, v.v.

Thực hiện mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 Thanh Hóa cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, thuộc nhóm các tỉnh mạnh của cả nước và sớm trở thành “Tỉnh kiểu mẫu” theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang Thanh Hóa đã và đang nỗ lực thực hiện toàn diện, hiệu quả các mặt công tác; trong đó, quốc phòng, quân sự được xác định là một nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên.

Trước hết, Đảng bộ Tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho các đối tượng, tuyên truyền kiến thức quốc phòng cho toàn dân, làm cho “ý Đảng”, “lòng dân” hòa quyện là một, chung sức xây dựng Thanh Hóa “Giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, văn minh, thanh lịch”. Xuất phát từ đặc điểm, điều kiện địa bàn, kế thừa kinh nghiệm và kết quả đạt được trong những năm qua1, Tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác giáo dục quốc phòng và an ninh, đưa công tác quan trọng này đi vào nền nếp, đạt hiệu quả thiết thực. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp; rà soát đối tượng, lập kế hoạch bồi dưỡng và cử cán bộ tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh theo quy định, nhất là những cán bộ mới được bổ nhiệm các chức danh, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong dòng họ, chức sắc, chức việc các tôn giáo, chủ hộ gia đình trên tuyến biên giới, chủ tàu thuyền tuyến biển. Tiếp tục phát huy các phương tiện thông tin đại chúng và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên ở các cơ quan, đơn vị, địa phương để tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng và toàn dân. Qua đó, làm chuyển biến vững chắc cả về nhận thức và hành động của các tổ chức, lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự; nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, ý thức bảo vệ Tổ quốc của nhân dân.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy chú trọng lãnh đạo kết hợp giữa phát triển kinh tế với tăng cường quốc phòng, an ninh. Nằm cách Thủ đô Hà Nội 150 km về phía Nam, có hệ thống giao thông đường sắt, đường bộ, đường không, đường biển liên hoàn, nên Thanh Hóa rất thuận lợi trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Hiện nay, trên địa bàn Tỉnh đã có hàng trăm dự án được triển khai, với số vốn lên tới hàng nghìn tỷ đồng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn lao động, song cũng phát sinh những phức tạp mới. Thực hiện Quyết định 1629/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về lập Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, thẩm định, giám sát kỹ việc phân vùng, quy hoạch khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng biển, khu đô thị mới, gắn với quy hoạch quốc phòng, an ninh. Trong đó, chú trọng quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch và nông nghiệp nông thôn; gắn quy hoạch với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng theo một kế hoạch thống nhất. Đến nay, các dự án, khu công nghiệp, vùng kinh tế trọng điểm của Tỉnh đã được quy hoạch liên kết chặt chẽ, từ vùng không gian biển Thanh Hóa - Sầm Sơn, Khu kinh tế tổng hợp Nghi Sơn, đến vùng công nghiệp Bỉm Sơn - Thạch Thành, vùng nông - lâm nghiệp Tây Thanh Hóa, hành lang kinh tế Bắc - Nam (gồm các Quốc lộ 1A, 10, đường Hồ Chí Minh, tuyến đường sắt Bắc - Nam), hành lang kinh tế Đông - Tây (các Quốc lộ 47, 45, 217, 15A).

Đối với vùng biển, đảo, Tỉnh chú trọng gắn phát triển kinh tế biển với xây dựng lực lượng, thế trận quốc phòng toàn dân trên biển; tập trung đầu tư nguồn vốn xây dựng đội tàu đánh bắt xa bờ2; trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá và hệ thống cảng biển tại các huyện: Hậu Lộc, Tĩnh Gia, thành phố Sầm Sơn theo hướng bền vững,... hình thành thế trận bờ - biển - thềm lục địa liên hoàn, vững chắc. Đồng thời, đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, như: giao thông, xây dựng, y tế, bưu chính - viễn thông. Các tuyến đường: Bút Sơn - Hoằng Trường (Hoằng Hóa), đường 4B ven biển huyện Quảng Xương, 190 km tuyến chính và gần 200 km đường ngang nối các huyện phía Tây của Tỉnh; 240 km đường liên xã vào các xã đặc biệt khó khăn khu vực miền núi, cùng các bến của Cảng Nghi Sơn; Cảng hàng không Thọ Xuân,... đã được đầu tư nâng cấp và làm mới, tạo mạng lưới giao thông liên hoàn, nối liền các căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu cần - kỹ thuật, khu vực trọng điểm quốc phòng, quân sự, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đáp ứng yêu cầu cơ động lực lượng, phương tiện bảo đảm cho xử lý các tình huống quốc phòng, an ninh.

Công tác quy hoạch và xây dựng thế trận trong khu vực phòng thủ được Tỉnh quan tâm chú trọng. Thực hiện quyết định của Chính phủ về quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng hoàn chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng giai đoạn 2016 - 2020; Quy hoạch thế trận quân sự khu vực phòng thủ giai đoạn 2016 - 2020; điều chỉnh Quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2045, phù hợp với quy hoạch Tỉnh trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2030. Đồng thời, tích cực huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình phòng thủ theo lộ trình đã xác định. Từ năm 2009 đến nay, Tỉnh đã huy động hàng trăm tỷ đồng xây dựng công trình phòng thủ trên đảo, cụm điểm tựa khu vực biên giới, sở chỉ huy cơ bản, đường hầm nguyên khối, trận địa hỏa lực,... tăng cường tiềm lực, thế trận khu vực phòng thủ cấp tỉnh, huyện.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặc biệt chú trọng lãnh đạo xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, sức chiến đấu cao, thực sự là lực lượng chính trị tin cậy, trung thành của cấp ủy, chính quyền và nhân dân; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng, công tác chính sách. Quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng về xây dựng lực lượng vũ trang trong tình hình mới, cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo xây dựng lực lượng vũ trang Tỉnh tinh, gọn, mạnh; cơ cấu, thành phần hợp lý. Trong đó, ưu tiên lực lượng làm nhiệm vụ cơ động, sẵn sàng chiến đấu và xây dựng đội ngũ cán bộ, cơ quan quân sự, công an các cấp vững mạnh toàn diện. Thực hiện tốt các đề án, kế hoạch công tác dân quân tự vệ, dự bị động viên, tuyển quân, tuyển sinh quân sự; xây dựng, hoàn thiện các văn kiện, kế hoạch. Trong nhiệm kỳ vừa qua, Tỉnh đã tổ chức thành công cuộc Diễn tập khu vực phòng thủ Tỉnh; chỉ đạo 27/27 huyện, thị xã, thành phố và 100% xã, phường, thị trấn tổ chức diễn tập tác chiến phòng thủ kết hợp với diễn tập phòng, chống lụt bão, tìm kiếm, cứu nạn, cháy rừng và diễn tập huy động lực lượng, phương tiện, tàu thuyền theo Nghị định 30/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Thông qua diễn tập, cơ chế, quy chế hoạt động của khu vực phòng thủ được bổ sung, hoàn thiện; năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, kết quả thực hiện nhiệm vụ của các lực lượng trong xử lý tình huống quốc phòng, an ninh được nâng cao.

Việc thực hiện Nghị định 77/2010/NĐ-CP (nay là Nghị định 03/2019/NĐ-CP) và Nghị định 133/NĐ-CP của Chính phủ được cấp ủy, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, hiệu quả. Vì vậy, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn luôn được giữ vững, không xảy ra “điểm nóng”, hạn chế được các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, vi phạm trật tự, an toàn giao thông và sự chống phá của các thế lực thù địch. Công tác đối ngoại quốc phòng, đối ngoại nhân dân được lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đúng quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng; duy trì tốt mối quan hệ với chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh Hủa Phăn (Lào), thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực biên giới hòa bình, ổn định, phát triển. Công tác chính sách hậu phương Quân đội, nhất là giải quyết tồn động sau chiến tranh và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được quan tâm thực hiện theo đúng các quyết định của Chính phủ, thu được kết quả tích cực3, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, v.v.

Phát huy kết quả đạt được và truyền thống quê hương cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước, tiếp tục đề cao ý chí tự lực, tự cường, phát huy tiềm năng, thế mạnh, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

ĐỖ MINH TUẤN, Phó Bí thư Tỉnh ủy
________________

1 - Từ năm 2009 đến nay, Tỉnh đã cử 179 lượt cán bộ đối tượng 1, 2 tham gia bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh theo chỉ tiêu trên giao; tổ chức bồi dưỡng cho 12.041 lượt cán bộ đối tượng 3, 4; 103 lượt chức sắc, chức việc các tôn giáo, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức 798 lớp tập huấn cho 111.364 lượt cán bộ chủ chốt, cán bộ trong cơ quan thường trực Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh, cán bộ làm công tác dân quân các cấp.

2 - Đến nay, toàn Tỉnh có trên 7.400 phương tiện tàu thuyền chuyên khai thác trên biển với tổng công suất 576.000CV; trong đó, số phương tiện có công suất từ 90 CV trở lên khai thác xa bờ là hơn 1.800 (chiếm 24,2%); thành lập 882 tổ tàu thuyền an toàn với 5.979 tàu/11.539 thuyền viên trên biển.

3 - Trong 10 năm qua, Tỉnh đã xét duyệt và đề nghị hồ sơ cho 501.051 đối tượng chính sách, chi trả chế độ cho 404.812 đối tượng với số tiền hơn 1.277 tỷ đồng, bảo đảm chặt chẽ, kịp thời. Lực lượng vũ trang Tỉnh đã phối hợp với các ngành, đoàn thể xây dựng, bàn giao 341 căn Nhà tình nghĩa, Nhà đồng đội cho các đối tượng người có công và quân nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở, với trị giá hơn 17 tỷ đồng; phụng dưỡng 35 mẹ Việt Nam Anh hùng, quyên góp 1,7 tỷ đồng vào “Quỹ đến ơn đáp nghĩa” của Tỉnh.

Ý kiến bạn đọc (0)

Diễn văn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
Sáng 03-2, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thành phố Hà Nội tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03-2-1930 - 03-2-2020).