QPTD -Thứ Hai, 18/12/2023, 06:38 (GMT+7)
Quân đội tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc

Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc là chủ trư­ơng chiến l­ược của Đảng, Nhà nước. Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ Tổ quốc, toàn quân tiếp tục bám sát chức năng, nhiệm vụ, làm tốt công tác tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới, tạo sức mạnh tổng hợp bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa từ sớm, từ xa.

Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò chiến lược của khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chủ trì phối hợp với các cơ quan hữu quan tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị (khóa X), Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị trong toàn quân tích cực triển khai thực hiện, bảo đảm phù hợp với từng địa phương, khu vực và cả nước. Toàn quân, trước hết là cơ quan quân sự địa phương đã phát huy tốt vai trò nòng cốt, chủ trì phối hợp, tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện toàn diện các nội dung xây dựng khu vực phòng thủ. Trong đó, chú trọng tham mưu với địa phương tăng cường quản lý nhà nước về quốc phòng; đẩy mạnh kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; xây dựng tiềm lực, thế trận khu vực phòng thủ, quy hoạch, đầu tư xây dựng thế trận quân sự khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc. Hướng dẫn các ngành, địa phương xây dựng kế hoạch động viên cho quốc phòng, kế hoạch bảo đảm nhu cầu quốc phòng năm đầu chiến tranh, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Các đơn vị trong toàn quân đã phát huy vai trò “đội quân công tác”, tích cực thực hiện công tác dân vận, tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, giúp nhân dân xóa đói giảm nghèo, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Đặc biệt, Quân đội đã đẩy mạnh xây dựng, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế - quốc phòng, thiết thực xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, “thế trận lòng dân” vững chắc, nhất là trên các địa bàn trọng điểm, biên giới, biển, đảo, hướng chiến lược của đất nước1. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng nắm, dự báo chính xác tình hình, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp xử lý kịp thời các tình huống quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không để bị động, bất ngờ, v.v. Những việc làm đó đã thể hiện rõ vai trò, ý thức, trách nhiệm chính trị rất cao của Quân đội trong thực hiện chủ trương chiến lược của Đảng, góp phần quan trọng vào xây dựng khu vực phòng thủ ở các cấp. Đến nay, việc xây dựng khu vực phòng thủ đã đạt được những kết quả toàn diện, hết sức quan trọng. Hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý, điều hành xây dựng khu vực phòng thủ của cấp ủy, chính quyền các địa phương được nâng cao. Cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động khu vực phòng thủ tiếp tục được hoàn thiện. Tiềm lực, thế trận, sức mạnh của khu vực phòng thủ, đặc biệt là tiềm lực kinh tế, chính trị - tinh thần, “thế trận lòng dân”, thế trận quân sự trên từng địa bàn và phạm vi cả nước được củng cố, tăng cường. Lực lượng vũ trang địa phương được quan tâm xây dựng “tinh, gọn, mạnh”, có chất lượng tổng hợp, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu cao. Hoạt động của khu vực phòng thủ các địa phương cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, nhận thức của một số cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng khu vực phòng thủ chưa thật đầy đủ, sâu sắc. Việc thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng thành các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai thực hiện còn chậm, chưa hoàn thiện, có lĩnh vực còn bất cập. Công tác tham mưu, kiểm tra, giám sát xây dựng khu vực phòng thủ của cơ quan quân sự có nội dung chưa toàn diện. Việc kết hợp phát triển kinh tế với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh có nơi, có thời điểm chưa được chú trọng đúng mức, còn để sơ hở, thiếu sót. Nguồn lực đầu tư cho xây dựng khu vực phòng thủ của một số địa phương chưa tương xứng với tiềm năng. Công tác phối hợp giữa các lực lượng trong khu vực phòng thủ và chất lượng tổng hợp của lực lượng vũ trang địa phương có mặt chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu, nhiệm vụ; còn bị động, lúng túng trong xử lý các tình huống phức tạp về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, v.v.

Thượng tướng Huỳnh Chiến Thắng phát biểu tại buổi kiểm tra thực hiện Nghị định số 21/2019/NĐ-CP của Chính phủ về khu vực phòng thủ Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: qdnd.vn

Hiện nay, hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế chủ đạo của thời đại, nhưng tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; các nước lớn tăng cường điều chỉnh chiến lược, vừa cạnh tranh, vừa thỏa hiệp, sử dụng sức mạnh mềm can dự sâu hơn vào nội bộ nước khác. Chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, hoạt động ly khai, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, sử dụng vũ lực, kể cả việc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân để răn đe có xu hướng gia tăng; hoạt động khủng bố, tấn công mạng đã, đang là thách thức đối với an ninh toàn cầu. Đối với nước ta, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chống phá bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, kích động tư tưởng ly khai, bạo loạn, nhằm gây mất ổn định, tạo cớ can thiệp từ bên ngoài. Biển Đông và các khu vực có liên quan vẫn tiềm ẩn nhiều nhân tố có thể gây mất ổn định, không loại trừ có những đột biến khó lường. Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đang đặt ra yêu cầu rất cao và đứng trước những thách thức mới, v.v. Để tạo nền tảng bảo vệ vững chắc Tổ quốc “từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy”, đòi hỏi phải tiếp tục đẩy mạnh xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững chắc hơn nữa và Quân đội cần tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong thực hiện chủ trương, nhiệm vụ chiến lược này. Theo đó, toàn quân cần quán triệt, thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp chủ yếu sau:

1. Làm tốt chức năng tham mưu, nâng cao năng lực, hiệu lực quản lý nhà nước về xây dựng khu vực phòng thủ

Các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, trước hết là cấp ủy, người chỉ huy và cơ quan chiến lược tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, nghị định của Đảng, Nhà nước về xây dựng khu vực phòng thủ, nắm vững mục tiêu, quan điểm chỉ đạo. Trên cơ sở đó, làm tốt công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược, chủ động tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng các chủ trương, giải pháp xây dựng khu vực phòng thủ phù hợp tình hình thực tiễn. Trọng tâm là nghiên cứu, tham mưu nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp giữa đảng ủy, bộ tư lệnh các quân khu với các tỉnh (thành) ủy, ủy ban nhân dân tỉnh (thành phố); các tỉnh (thành) ủy, ủy ban nhân dân tỉnh (thành phố) với đảng ủy quân sự, ban chỉ đạo khu vực phòng thủ cùng cấp; cơ chế, quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng thủ quân khu, khu vực phòng thủ, Hội đồng cung cấp khu vực phòng thủ các cấp. Tiếp tục tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo, tạo bước đột phá trong xây dựng tiềm lực, lực lượng, thế trận khu vực phòng thủ, lấy xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, xây dựng xã, phường, thị trấn vững mạnh toàn diện làm nền tảng, nhất là trên các địa bàn chiến lược, xung yếu, đảm bảo thực hiện tốt phương châm: “xã giữ xã, huyện giữ huyện, tỉnh giữ tỉnh” trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị, trực tiếp là cơ quan quân sự tỉnh, thành phố tích cực tham mưu, giúp cấp ủy, chính quyền rà soát, bổ sung chương trình hành động, kế hoạch, đề án thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và các chiến lược chuyên ngành, đảm bảo khả thi, phù hợp đặc điểm của địa phương, cơ sở. Các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng cần tăng cường phối hợp, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai xây dựng khu vực phòng thủ của các địa phương, làm tốt chức năng tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện. Trước mắt, làm tốt công tác chỉ đạo, hướng dẫn sơ kết 05 năm thực hiện Nghị định số 21/NĐ-CP, ngày 22/02/2019 của Chính phủ về khu vực phòng thủ, rút ra bài học kinh nghiệm, nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng, tổ chức hoạt động khu vực phòng thủ trong tình hình mới.

2. Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng và toàn dân, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần khu vực phòng thủ, trọng tâm là “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc

Toàn quân, trước hết là cơ quan quân sự các cấp cần phát huy vai trò cơ quan thường trực Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh, chủ động phối hợp với các ban, ngành của địa phương tham mưu cho cấp ủy, chính quyền đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho các đối tượng và toàn dân, nhất là cán bộ chủ trì trong hệ thống chính trị và các đối tượng đặc thù. Nội dung tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng phải toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm; trong đó, đi sâu quán triệt, làm rõ quan điểm, đường lối quốc phòng, quân sự, chủ trương xây dựng khu vực phòng thủ của Đảng; đối tượng, đối tác, âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; mối quan hệ giữa kinh tế với quốc phòng và những kết quả, kinh nghiệm, mô hình hiệu quả của các địa phương trong xây dựng khu vực phòng thủ,... tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức, trách nhiệm của toàn dân đối với nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ, bảo vệ Tổ quốc.

Các đơn vị Quân đội tiếp tục phát huy vai trò “đội quân công tác”, tích cực thực hiện công tác dân vận, tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh và xung kích tham gia thực hiện các cuộc vận động, chương trình, mục tiêu quốc gia, giúp dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, v.v. Qua đó, củng cố, tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân - dân, xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc, nhất là trên các địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Mặt khác, chủ động phát hiện, đấu tranh với tư tưởng, nhận thức lệch lạc và biểu hiện hình thức trong xây dựng, hoạt động khu vực phòng thủ.

3. Đẩy mạnh tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng, góp phần tăng cường tiềm lực, sức mạnh các khu vực phòng thủ và đất nước

Các cơ quan, đơn vị cần căn cứ vào tình hình cụ thể của từng địa phương, địa bàn, dự án,... chủ động làm tốt công tác phối hợp, tham mưu cho các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, nhất là đề cao trách nhiệm trong rà soát, thẩm định kỹ các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo mỗi bước tăng trưởng kinh tế  - xã hội là một bước củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh trên từng địa bàn và cả nước. Toàn quân tiếp tục quán triệt, đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 820-NQ/QUTW, ngày 17/12/2021 của Quân ủy Trung ương về “Lãnh đạo nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng của Quân đội đến năm 2030”, phát huy vai trò “đội quân lao động sản xuất” trong thời kỳ mới, đưa việc thực hiện nhiệm vụ tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng của Quân đội phát triển lên tầm cao mới, đi vào chiều sâu, thiết thực hiệu quả hơn nữa. Trong đó, tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế - quốc phòng, tạo thế trận kinh tế - quốc phòng vững mạnh trên các địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo; đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Quân đội, nhất là phát triển các tập đoàn công nghiệp quốc phòng, tạo nền tảng nâng cao tiềm lực quốc phòng, hiện đại hóa Quân đội, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc

4. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân vững mạnh, có chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu cao, đủ khả năng làm nòng cốt xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ

Thực hiện mục tiêu đó, toàn quân, trực tiếp là các quân khu, cơ quan quân sự tỉnh, thành phố tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đột phá về công tác tổ chức lực lượng, huấn luyện, xây dựng chính quy và chấp hành kỷ luật, xây dựng lực lượng vũ trang “tinh, gọn, mạnh”, sẵn sàng chiến đấu cao. Quá trình thực hiện, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần quan tâm làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ; không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên; gắn xây dựng các tổ chức đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức với xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất chính trị, tư tưởng kiên định, vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân; giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ; có phương pháp, tác phong công tác khoa học; ý chí, quyết tâm khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu ở các cấp; thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung các kế hoạch, phương án tác chiến và tổ chức huấn luyện, luyện tập chặt chẽ. Tổ chức tốt diễn tập khu vực phòng thủ các cấp; chú trọng gắn kết diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh, thành phố với diễn tập chiến dịch, chiến lược trên từng hướng chiến trường, địa bàn, nâng cao khả năng phối hợp giữa các lực lượng trong xử trí các tình huống quốc phòng, an ninh. Thường xuyên rà soát, bổ sung, điều chỉnh kế hoạch phối hợp giữa các lực lượng Quân sự, Công an theo Nghị định số 03/2019/NĐ-CP của Chính phủ, nắm và dự báo chính xác tình hình và có đối sách xử lý thắng lợi mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ.

Nhận thức sâu sắc chức năng, nhiệm vụ và thấm nhuần chủ trương chiến lược của Đảng, toàn quân tiếp tục phấn đấu thực hiện tốt vai trò nòng cốt, cùng toàn Đảng, toàn dân và hệ thống chính trị xây dựng khu vực phòng ngày càng vững chắc, tạo nền tảng bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Thượng tướng HUỲNH CHIẾN THẮNG, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam
_________________

1 - Các khu kinh tế - quốc phòng đã đón nhận hơn 101.000 hộ dân; xây dựng mới hơn 500 điểm dân cư tập trung với hơn 32.000 hộ; đang tiếp tục hỗ trợ 100.000 hộ theo Quyết định số 139l/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Giúp địa phương phát triển đảng viên mới, xóa được 344 thôn, bản “trắng” đảng viên. Xây dựng, bàn giao cho địa phương 202 tuyến đường giao thông/2.400km, 134 cầu bê tông và cầu treo; 30,000m2 nhà lớp học; 86 công trình cấp nước; 52 công trình cấp điện; 200 công trình thủy lợi, v.v.

Ý kiến bạn đọc (0)

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Quân đội "phải lấy chính trị làm gốc" - ý nghĩa và giá trị hiện thực
Quân đội ta “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc và dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân”. Để hoàn thành xuất sắc sứ mệnh vẻ vang, trách nhiệm nặng nề là: đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân sản xuất, thì việc xây dựng Quân đội thật trong sạch, thật vững mạnh, xứng đáng với danh xưng cao quý mà nhân dân trao tặng “Bộ đội Cụ Hồ”, nhất thiết “phải lấy chính trị làm gốc”