QPTD -Thứ Năm, 07/12/2023, 09:51 (GMT+7)
Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc

Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống cực kỳ quý báu, được hun đúc qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc cũng là đường lối chiến lược, bài học lớn của cách mạng Việt Nam, được Ðảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng. Thực tiễn trong các giai đoạn kháng chiến chống giặc ngoại xâm, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, các tầng lớp nhân dân, không phân biệt thành phần, giai cấp, dân tộc, tôn giáo, đã tập hợp đoàn kết trong Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam trước đây và sau này là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tạo nên sức mạnh tổng hợp, hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang đối với sự nghiệp cách mạng.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập vào thời khắc quan trọng của lịch sử nước nhà với tôn chỉ mục đích: đặt lợi ích dân tộc lên trên hết để tập hợp rộng rãi, tối đa mọi người Việt Nam yêu nước, hình thành động lực, nguồn lực to lớn đưa sự nghiệp cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, khẳng định rõ vai trò, sứ mệnh lịch sử quan trọng, nhân tố có ý nghĩa quyết định làm nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong suốt thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước cũng như công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước.

Đặc biệt hiện nay, với sứ mệnh tập hợp, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng và phát triển đất nước, nâng cao cảnh giác cách mạng, đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội,… mọi hoạt động của Mặt trận ngày càng được cụ thể hóa, gắn với nhiệm vụ chính trị của đất nước, dân tộc và lợi ích của mọi tầng lớp nhân dân; luôn bám sát nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc và coi đó là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cần ra sức phấn đấu thực hiện.

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở Khu dân cư 12, phường Châu Văn Liêm, thành phố Cần Thơ. Ảnh: daidoanket.vn

Theo đó, Mặt trận Tổ quốc các cấp từng bước đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thường xuyên phối hợp với các tổ chức trong hệ thống chính trị, vận động, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân, triển khai sâu rộng và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, các cuộc vận động, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tạo sự đồng thuận, thống nhất và ổn định, từ đó huy động các nguồn lực trong xã hội, tham gia thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điển hình là các cuộc vận động: “Ngày vì người nghèo”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”,… và lời kêu gọi “Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch Covid-19” của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tập hợp, đoàn kết nhân dân, gắn kết cộng đồng, cùng nhau phát triển kinh tế, nâng cao đời sống; chăm lo sự nghiệp giáo dục, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, gia đình chính sách, người có công với cách mạng; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng ý thức “thượng tôn pháp luật”; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị ở cơ sở; phát huy dân chủ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, làm tròn nghĩa vụ công dân1, v.v.

Thông qua việc chủ trì, phối hợp, hướng dẫn các cuộc vận động, các phong trào mang tính toàn dân, toàn diện, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc đối với sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc ngày càng rõ nét, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục giúp cho nhân dân nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, nhất là âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” bạo loạn lật đổ, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” Quân đội; những luận điệu xuyên tạc, bịa đặt; các quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, v.v. Chủ động phối hợp, tham gia với cấp ủy, chính quyền các cấp giải quyết kịp thời, có hiệu quả các mâu thuẫn nảy sinh trong nội bộ nhân dân, giữa nhân dân với các cơ quan nhà nước, giữ vững ổn định chính trị, không để các thế lực địch lợi dụng kích động quần chúng nhân dân chống đối chính quyền, tạo thành “điểm nóng”, v.v.

Thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội2, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ động đề xuất nội dung và xây dựng quy chế phối hợp công tác với Quốc hội, Chủ tịch Nước, Chính phủ. Tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo Hiến pháp, các dự án luật, pháp lệnh, văn bản quy phạm pháp luật, văn kiện trình đại hội đảng các cấp; kiến nghị với Đảng và Nhà nước nhiều nội dung quan trọng trong hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Hoạt động giám sát, phản biện từng bước được mở rộng trên các lĩnh vực liên quan đến dân sinh, kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân với Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; phát huy vai trò của nhân dân trong giám sát đội ngũ cán bộ, đảng viên; tham gia phát hiện, đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực trong xã hội; xây dựng tổ chức đảng, chính quyền và hệ thống chính trị các cấp trong sạch, vững mạnh, gắn bó mật thiết với nhân dân3.

Cùng với đó, hoạt động đối ngoại nhân dân cũng được chú trọng và không ngừng mở rộng, chất lượng, hiệu quả ngày càng nâng lên. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thường xuyên duy trì và phát triển quan hệ với tổ chức nhân dân của các nước láng giềng, các nước thành viên ASEAN và các tổ chức, cá nhân có thiện chí với Việt Nam, nhất là quan hệ với các đối tác truyền thống4. Thông qua hoạt động đối ngoại, đã tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam đang sinh sống, học tập, công tác ở nước ngoài, tạo nguồn sức mạnh tổng hợp, bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”.

Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc các cấp có lúc, có nơi còn chưa hiệu quả, chưa theo kịp yêu cầu của tình hình mới; công tác giám sát, phản biện xã hội có nội dung còn hạn chế; vai trò, trách nhiệm của các tổ chức thành viên và tinh thần dân chủ chưa được phát huy rộng rãi; các quan điểm, chủ trương của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của các giai cấp, tầng lớp nhân dân chưa được thể chế hóa kịp thời, hoặc đã thể chế hóa nhưng chưa được thực hiện nghiêm túc; sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc có lĩnh vực chưa được phát huy tối đa, v.v.

Thời gian tới, dòng chảy chính của thời đại vẫn là hòa bình, hợp tác và phát triển, song dự báo tình hình thế giới và khu vực sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc đổi mới đất nước đạt được những thành tựu quan trọng, mở ra nhiều cơ hội, thuận lợi, nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đan xen; các thế lực thù địch, phản động tiếp tục đẩy mạnh hoạt động chống phá; nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đặt ra yêu cầu mới cao hơn, năng nề hơn, v.v. Vì vậy, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã, đang và sẽ tiếp tục là động lực, nguồn lực to lớn, tạo sinh lực mới để xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới, đòi hỏi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó, tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tăng cường xây dựng, củng cố, tập hợp, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân; chăm lo, phát huy và bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần chú trọng phát huy vai trò nòng cốt trong tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân; thường xuyên mở rộng và đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp, đoàn kết; khơi dậy tinh thần thi đua yêu nước, truyền thống đoàn kết, ý chí cách mạng; củng cố, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, thuần phong mỹ tục; tôn vinh lòng tự hào, tự tôn dân tộc; tinh thần tương thân, tương ái, hướng tới xây dựng từng cá nhân có nhân cách, lối sống tốt đẹp; mọi gia đình ấm no, hạnh phúc; cộng đồng văn minh, tạo nền tảng thiết thực hướng đến mục tiêu xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Kiên quyết đấu tranh chống các hiện tượng kỳ thị dân tộc, nghiêm trị những âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở, theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; đồng thời, đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc cũng như xây dựng và phát triển đất nước.

Hai là, đổi mới, sáng tạo và tổ chức hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh của đất nước. Mặt trận Tổ quốc các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh vận động nhân dân phát huy tinh thần tự lực, tự cường, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, phát huy tài năng, sáng kiến, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng, cùng với Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành vượt qua khó khăn, thách thức, tạo đà tăng trưởng vững chắc cho nền kinh tế, cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân và đóng góp tích cực vào xây dựng các tiềm lực của đất nước, trong đó có tiềm lực quốc phòng, an ninh. Huy động, phân bổ, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong xã hội để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản, toàn diện, vững chắc về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh trên phạm vi cả nước, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Tăng cường tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tích cực tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biên giới, biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Ba là, thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị các cấp với nhân dân. Đây là cơ sở quan trọng để tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân vững tin theo Đảng. Theo đó, Mặt trận Tổ quốc các cấp cần nêu cao dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách để phát huy vai trò của nhân dân trong việc quyết định những vấn đề lớn của đất nước, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Cùng với đó, phát huy vai trò nòng cốt trong giám sát và phản biện xã hội, thường xuyên lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân, trao đổi, đối thoại, học hỏi, tiếp thu ý kiến, giải quyết các khó khăn, vướng mắc và yêu cầu chính đáng của nhân dân; tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân.

Bốn là, tăng cường đoàn kết quốc tế, mở rộng hoạt động đối ngoại nhân dân theo phương châm “chủ động, sáng tạo, hiệu quả”, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước trên thế giới, góp phần mở rộng quan hệ đối ngoại của Đảng, tăng cường ngoại giao của Nhà nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, chính sách ngoại giao của Nhà nước, nhất là trong quan hệ với tổ chức nhân dân của các nước láng giềng, đối tác truyền thống. Vận động, tạo sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam trong giải quyết các vấn đề liên quan đến lợi ích quốc gia - dân tộc, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, giữ vững hòa bình, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ; môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.

Năm là, tiếp tục củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Theo đó, Mặt trận Tổ quốc các cấp cần đổi mới toàn diện các mặt công tác, các lĩnh vực hoạt động, từ việc xây dựng và ban hành chủ trương, đến tổ chức triển khai thực hiện, tăng cường cơ chế phối hợp với các tổ chức thành viên và cấp ủy, chính quyền các cấp. Thường xuyên quan tâm, chăm lo bồi dưỡng nâng cao trình độ kiến thức, năng lực công tác, nhất là kiến thức về quốc phòng, quân sự cho đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp, bảo đảm cho đội ngũ cán bộ thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ tập hợp và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc đối với sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Tự hào với truyền thống và những thành tựu đã đạt được, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò, sứ mệnh lịch sử, tập hợp, cổ vũ và động viên nhân dân phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường; đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong nước và ngoài nước, giữ vững độc lập, thống nhất chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ; thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

ĐỖ VĂN CHIẾN, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
________________

1 - Năm 2020, 2021 huy động nhân dân cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài ủng hộ “Quỹ vaccine phòng Covid-19” gần 26 nghìn tỉ đồng. Tính đến tháng 12/2022, cả nước có trên 83% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; gần 90% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; trên 65% phường, thị trấn đạt chuẩn “văn minh đô thị”; gần 68% xã đạt chuẩn “văn hóa nông thôn mới”; vận động được trên 84.431 tỉ đồng cho Quỹ “Vì người nghèo” và an sinh xã hội 4 cấp; xây mới và sửa chữa được 1.706.839 căn nhà “Đại đoàn kết”, v.v.

2 - Theo Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.

3 - Năm 2023, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ trì, phối hợp giám sát 531.411 cuộc liên quan đời sống dân sinh, trong đó, giám sát xây dựng nông thôn mới 98.420 cuộc, v.v.

4 - Tăng cường phát triển mối quan hệ với: Mặt trận Lào xây dựng đất nước, Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc Campuchia, Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc, Ủy ban Bảo vệ Cách mạng Cuba, Mặt trận Dân chủ thống nhất Tổ quốc Triều Tiên.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Quân đội "phải lấy chính trị làm gốc" - ý nghĩa và giá trị hiện thực
Quân đội ta “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc và dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân”. Để hoàn thành xuất sắc sứ mệnh vẻ vang, trách nhiệm nặng nề là: đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân sản xuất, thì việc xây dựng Quân đội thật trong sạch, thật vững mạnh, xứng đáng với danh xưng cao quý mà nhân dân trao tặng “Bộ đội Cụ Hồ”, nhất thiết “phải lấy chính trị làm gốc”