Thứ Năm, 24/04/2025, 11:02 (GMT+7)
Sự kiện lịch sử Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)
Nhân tố chính trị, tinh thần có vị trí, vai trò rất quan trọng trong chiến tranh, là cội nguồn tạo nên sức mạnh tổng hợp để giành thắng lợi. V.I.Lênin khẳng định: “Trong mọi cuộc chiến tranh, rốt cuộc thắng lợi đều tùy thuộc vào tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường. Lòng tin vào cuộc chiến tranh chính nghĩa, sự giác ngộ rằng cần phải hy sinh đời mình cho hạnh phúc của những người anh em, là yếu tố nâng cao tinh thần của binh sĩ và làm cho họ chịu đựng được những khó khăn chưa từng thấy”(1).
Nhân tố chính trị, tinh thần là sản phẩm của truyền thống đoàn kết chống giặc ngoại xâm, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, được hình thành và phát triển từ nhận thức đầy đủ, sâu sắc về tính chất chính nghĩa của cuộc chiến tranh; là tổng hòa các yếu tố: Giác ngộ mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tình yêu quê hương, đất nước và khát vọng hòa bình... Đó là nội dung cốt lõi trong sức mạnh chính trị, tinh thần của quân và dân ta; là chất keo kết dính các nhân tố để chuyển hóa thành tổng hợp từ đó giành chiến thắng.
Trong chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, Quân khu 4 là một trong những địa bàn trọng điểm, bị chia cắt bởi Vĩ tuyến 17 và trở thành “túi lửa” chiến tranh của cả nước. LLVT và các tầng lớp nhân dân Quân khu 4 đã kiên cường vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh để giành thắng lợi vẻ vang, nhờ quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện, với tinh thần: Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Từ đó, chủ động khắc phục khó khăn, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau cùng hoàn thành nhiệm vụ, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng thành công của công tác xây dựng nhân tố chính trị, tinh thần trong kháng chiến chống Mỹ của Quân khu 4 vẫn còn nguyên giá trị, thấm đẫm bản sắc văn hóa quân sự của vùng đất và con người nơi đây.
Quán triệt và thực hiện chủ trương của Đảng: “Xây dựng hậu phương ta tấn công hậu phương địch. Phải kết hợp đánh bại kế hoạch của địch đang ráo riết tiến hành nhằm ổn định hậu phương của chúng và làm yếu, thu hẹp hậu phương ta. Đánh bại kế hoạch bình định của địch có ý nghĩa cấp bách của nó, không thế thì không xây dựng được hậu phương ta, không làm cho địch rối loạn và bị thu hẹp. Nhưng không xây dựng hậu phương ta cho vững chắc thì cũng không đánh bại được kế hoạch bình định của địch.
Chỉ đạo phải gắn chặt 3 mặt này với nhau, phải quán triệt mối quan hệ đó trong mọi mặt công tác”(2), ngay từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng ủy Quân khu 4 đã có nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng hậu phương vững chắc; đặc biệt là công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, lấy đó là cơ sở để xây dựng nhân tố chính trị, tinh thần trong xây dựng hậu phương Quân khu 4 vững mạnh toàn diện.
Hội nghị Ban Chấp hành Liên khu ủy 4 vào tháng 9/1955 đã khẳng định: “Cấp ủy, chỉ huy các đơn vị đã lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động công tác chính trị, tư tưởng và tổ chức, làm cho bộ đội thấu triệt và thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị số 136-CT-H của Tổng cục Chính trị về bám sát nhân dân, vạch trần âm mưu, thủ đoạn lừa bịp của bọn phản động...”(3). Nghị quyết lãnh đạo của Quân khu ủy năm 1958 chỉ rõ: “Sự lãnh đạo của Đảng trong huấn luyện quân sự phải lấy lãnh đạo chính trị, tư tưởng, lãnh đạo đường lối, phương châm nguyên tắc làm chủ yếu. Hết sức coi trọng vai trò lãnh đạo của chi bộ đảng trong huấn luyện và huấn luyện phải gắn liền với sẵn sàng chiến đấu trong các tình huống”(4). Như vậy, việc xây dựng và phát huy vai trò của các tổ chức đảng, của công tác tuyên truyền, quán triệt đường lối, quan điểm của Đảng về chiến tranh của Đảng ủy Liên khu, Quân khu 4 đã góp phần lãnh đạo tư tưởng, xây dựng nhân tố chính trị, tinh thần. Đây là cơ sở quan trọng có ý nghĩa quyết định việc xây dựng nhân tố chính trị, tinh thần của quân và dân Quân khu 4 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh: “Lòng yêu nước nồng nàn, sự thống nhất về tinh thần và chính trị của nhân dân và quân đội xung quanh Đảng và Chính phủ đã giúp chúng tôi vượt qua những thử thách khó khăn không tưởng tượng được và tạo những điều kiện về chính trị, kinh tế và quân sự để chiến thắng”(5), Quân khu 4 đã tập trung tuyên truyền, giáo dục về tình yêu quê hương, đất nước, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, phát huy truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của Phong trào Xô viết Nghệ-Tĩnh, quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Hàng chục vạn con em Quân khu 4 đã xung phong lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu ở các chiến trường trong nước và quốc tế.
Các đơn vị chủ lực nối tiếp nhau ra trận, đơn vị này lên đường, ở hậu phương, các đơn vị khác lại tiếp tục bổ sung lực lượng, chủ động huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ sẵn sàng ra trận; đồng thời, đã có hàng chục vạn dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong, hàng chục triệu ngày công được huy động để phục vụ chiến đấu, bảo đảm giao thông, vận tải lương thực, thực phẩm, đạn dược chi viện cho các chiến trường, nhân dân Khu 4 đã chịu đựng thiếu thốn, hy sinh, gian khổ, đã cống hiến cả tính mạng, tài sản cho cách mạng.
Vượt qua mọi thách thức khắc nghiệt của chiến tranh, với các địa danh đã đi vào huyền thoại: Thành cổ Quảng Trị, Ngã ba Đồng Lộc, Vĩ tuyến 17...; quân và dân ở các vùng bị địch chiếm đóng đã kiên cường bám đất, bám dân, “một tấc không đi, một ly không rời”, chiến đấu dũng cảm, vừa tiêu diệt sinh lực địch, vừa xây dựng lực lượng, trường kỳ kháng chiến giải phóng quê hương, đồng thời, góp phần chia lửa cho chiến trường miền Nam. Những khẩu hiệu: “Xe chưa qua, nhà không tiếc”, “Nhường nhà để hàng, nhường làng để xe”, “Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường, dũng cảm”, “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”... đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Các phong trào thi đua yêu nước được phát động và diễn ra sôi nổi, rộng khắp trong Quân khu 4, nhất là khi Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động Phong trào thi đua “Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt” (tháng 4-1964) đã trở thành khẩu hiệu hành động, là tình cảm thiêng liêng giục giã, cổ vũ, động viên, xây dựng phong trào thi đua rộng khắp các công trường, nhà máy, ruộng đồng; nhiều phong trào thi đua đã được phát động và đẩy mạnh như: “Hậu phương, tiền tuyến đồng lòng, luôn vì cả nước, với cả nước”, “Gió đại phong”, “Cờ ba nhất”, thanh niên “3 sẵn sàng”, phụ nữ “3 đảm đang”, Mặt trận Tổ quốc kêu gọi “Toàn dân đoàn kết chống Mỹ”, quân và dân tuyến lửa Vĩnh Linh bất khuất, “Một tấc không đi, một ly không rời”, các cháu thiếu niên, nhi đồng với Phong trào “Vâng lời Bác làm nghìn việc tốt”... đã đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân tạo nên sức mạnh “dời non, lấp biển”, kiên cường chiến đấu bảo vệ quê hương.
Quân và dân Khu 4 đã mưu trí, dũng cảm, ngoan cường chiến đấu, phục vụ chiến đấu dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù, thực sự là hậu phương vững chắc, là cầu nối đảm bảo huyết mạch giao thông chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.
Ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân Khu 4 đã góp phần tạo nên sức mạnh chính trị, tinh thần, đồng thời, là nét văn hóa đặc sắc vốn có của con người vùng đất “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị của Quân khu 4 đã khơi dậy, khai thác và phát huy nét văn hóa đặc sắc vốn có của người dân Khu 4 và nâng nó lên một tầm cao mới, góp phần tạo ra sức mạnh chính trị, tinh thần to lớn để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao phó.
Để có được sức mạnh chính trị, tinh thần to lớn đó, Quân khu 4 luôn quan tâm chăm lo xây dựng mối quan hệ đoàn kết gắn bó máu thịt giữa quân với dân. Cán bộ, chiến sĩ LLVT không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh để giải phóng quê hương, bảo vệ nhân dân; ngược lại, các tầng lớp nhân dân coi cán bộ, chiến sĩ như con em ruột thịt của mình, hết lòng cưu mang, chở che, giúp đỡ, xây hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ; mưu trí che giấu, bảo vệ bộ đội, dân công khi bị địch vây ráp; tận tình, chu đáo cứu chữa, chăm sóc họ khi bị ốm, bị thương. Mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng nhân dân vẫn hết lòng thương yêu chiến sĩ “Hạt gạo cắn đôi, bát cơm sẻ nửa”. Dọc đường hành quân, bộ đội, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong luôn nhận được sự động viên, giúp đỡ kịp thời, hiệu quả, bởi những “quán cơm quân nhân, quán nước quân nhân”. Đó chính là nét đặc trưng văn hóa nhân văn cao đẹp của đất và người Khu 4 với cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu.
Sức mạnh nhân tố chính trị, tinh thần của Quân khu 4 trong giai đoạn này được hình thành, phát triển thông qua nhiều hoạt động, gắn kết chặt chẽ với việc xây dựng, phát triển các nhân tố khác tạo ra sức mạnh tổng hợp để khắc sâu quyết tâm: Quyết đánh, quyết thắng kẻ thù xâm lược. Nhân tố chính trị, tinh thần là cội nguồn sức mạnh để Quân khu 4 đóng góp sức người, sức của, trở thành hậu phương vững chắc, cùng cả nước giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; đất nước tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ, sâu rộng công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; chuẩn bị và tiến hành Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ (2025-2030), tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; quyết liệt triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Quân đội tiếp tục thực hiện mục tiêu xây dựng theo hướng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”. Các thế lực thù địch, phản động ráo riết chống phá cách mạng nước ta; trong đó, chúng xác định địa bàn Quân khu 4 là một trọng điểm. Vì vậy, việc nghiên cứu kế thừa và phát huy những kinh nghiệm về phương pháp tập hợp, tuyên truyền, vận động toàn quân, toàn dân, xây dựng nhân tố chính trị, tinh thần của Quân khu 4 trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, để vận dụng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là đòi hỏi cấp thiết, do vậy, Quân khu 4 cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức về nhân tố chính trị, tinh thần, kết hợp chặt chẽ với xây dựng khu vực phòng thủ, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng khu vực phòng thủ và xây dựng nhân tố chính trị, tinh thần là một yêu cầu khách quan, có ý nghĩa quan trọng để xây dựng “thế trận lòng dân”, phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc để bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng khu vực phòng thủ nói chung, xây dựng nhân tố chính trị, tinh thần nói riêng phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là những quan điểm mới về quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Đảng ta xác định, mọi hoạt động quốc phòng, an ninh, đối ngoại phải “bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc, trên cơ sở bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ thành quả cách mạng, sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ nền văn hóa và uy tín, vị thế quốc tế của đất nước; bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội,... giữ vững, củng cố, tăng cường môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước; đóng góp tích cực vào gìn giữ hòa bình khu vực, thế giới”(6).
Vì vậy, quán triệt, vận dụng quan điểm của Đảng về xây dựng khu vực phòng thủ nói chung, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần nói riêng trên địa bàn Quân khu 4 cần có quyết tâm cao và nhiều giải pháp đồng bộ, khả thi. Với đặc thù địa bàn rộng, tiếp giáp với 7 tỉnh của Lào. Các tỉnh phía Tây có địa hình rừng núi hiểm trở, cơ sở hạ tầng và kinh tế chưa đồng bộ, kém phát triển; trình độ dân trí chưa đồng đều, có nơi còn chậm phát triển; nạn buôn bán ma túy, di cư tự do qua biên giới, truyền đạo trái pháp luật diễn biến phức tạp... Đây là địa bàn trọng điểm mà các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo” để chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối đoàn kết của nhân dân hai nước Việt Nam-Lào. Do đó, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên địa bàn phải bám sát thực tiễn, luôn chủ động, sáng tạo, tiến hành thường xuyên, liên tục, sát với từng đối tượng, không để bị động, bất ngờ trước mọi tình huống, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 tiếp tục coi trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác quán triệt, thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về công tác đối ngoại quốc phòng, tạo sự đồng thuận, thống nhất của cấp ủy, chính quyền các địa phương trong phối hợp với địa phương nước bạn ở khu vực biên giới tổ chức giao lưu, kết nghĩa để chia sẻ, hiểu biết, trao đổi, giúp đỡ lẫn nhau, góp phần tạo môi trường hòa bình, hữu nghị, đoàn kết, hợp tác cùng phát triển, xây dựng tuyến biên giới Việt Nam-Lào ổn định. Kịp thời phát hiện và xử lý tốt những vấn đề nảy sinh, không để các thế lực thù địch tạo cớ gây điểm nóng về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, góp phần xây dựng tiềm lực tổng hợp và thế trận phòng thủ vững chắc nơi biên giới.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò, nội dung xây dựng nhân tố chính trị, tinh thần trong tình hình mới. Tập trung tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy các cấp về phát triển kinh tế-xã hội gắn với quốc phòng, an ninh và đối ngoại; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu, biện pháp giảm nghèo bền vững,... Phát huy vai trò nòng cốt, LLVT Quân khu 4 tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, nâng cao nhận thức cho bộ đội và nhân dân về nhiệm vụ chính trị của đơn vị, truyền thống đơn vị, Quân đội, dân tộc; mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào, về vai trò, vị trí quan trọng của nhiệm vụ xây dựng tuyến biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. Qua đó, tạo đồng thuận của cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương để xây dựng nhân tố chính trị, tinh thần ngày càng vững chắc, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp của mỗi địa phương trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.
Hai là, tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị các cấp vững mạnh toàn diện.
Trên cơ sở quán triệt thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Quân đội là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất; LLVT Quân khu 4 có vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, an ninh quốc phòng và giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn. Để xây dựng hệ thống chính trị các cấp, nhất là hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, các cơ quan, đơn vị trong LLVT Quân khu tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng địa bàn vững mạnh toàn diện; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận biên phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, xây dựng “thế trận lòng dân” ở cơ sở; tích cực tham gia phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Đồng thời, tham mưu, đề xuất các biện pháp nâng cao năng lực quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của chính quyền các cấp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, nhất là ở khu vực biên giới. Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ trong quản lý, điều hành, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội gắn với quốc phòng, an ninh. Cấp ủy, chính quyền các địa phương cần tập trung xây dựng vững mạnh toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, trong đó, tập trung nâng cao năng lực cụ thể hóa nghị quyết của cấp trên vào tình hình thực tiễn của địa phương. Ở từng cấp cần nắm chắc tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân, dự báo được những nguy cơ tiềm ẩn nơi biên giới, như: Xuất, nhập cảnh trái phép, buôn lậu, hoạt động chống phá chính quyền, kích động, lôi kéo, gây chia rẽ đồng bào các dân tộc của các thế lực thù địch,... để có những chủ trương, biện pháp quản lý phù hợp, kịp thời. Qua đó, xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ba là, phát huy vai trò nòng cốt, chuyên trách của LLVT Quân khu trong xây dựng nhân tố chính trị, tinh thần.
Xây dựng nhân tố chính trị, tinh thần là trách nhiệm của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị; trong đó, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân là những lực lượng nòng cốt và chuyên trách. Đây là lực lượng thực hiện nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ gắn bó với địa bàn và các hoạt động của Quân khu. Các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện tốt chủ trương của Đảng ủy Quân khu về “Xây dựng cụm cơ sở an toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu”. Đối với mỗi quân nhân, nhân tố chính trị, tinh thần là sự tác động từ những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, được bắt nguồn từ truyền thống đạo đức, văn hóa của dân tộc Việt Nam, trong đó chủ nghĩa yêu nước là thang giá trị cao nhất. Sự giác ngộ về nghĩa vụ, trách nhiệm, vinh dự của người quân nhân cách mạng, về lòng dũng cảm và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về tình đồng chí, đồng đội và sự đoàn kết toàn quân một ý chí là những nội dung cần được tăng cường giáo dục cho quân nhân trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế và đấu tranh giai cấp trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa hiện nay.
Các đơn vị trong Quân khu phải thường xuyên quan tâm tiến hành tốt công tác dân vận, nhất là ở địa bàn vùng sâu, biên giới; tiếp tục duy trì tốt các tổ, đội công tác xây dựng cơ sở ở các xã biên giới, tập trung giải quyết các vụ việc xảy ra trên địa bàn, vận động đồng bào các dân tộc không di cư tự do, không trồng cây thuốc phiện; tích cực phát hiện, tố giác tội phạm qua biên giới; xây dựng, củng cố các trung đội dân quân cơ động vững mạnh. LLVT Quân khu tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân địa phương trong tuyển chọn, tiếp nhận thanh niên nhập ngũ để tham gia bảo vệ Tổ quốc, nhất là con em đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó, quan tâm bồi dưỡng, xây dựng nguồn cán bộ, lực lượng chính trị cho địa phương. Tổ chức hiệu quả các hoạt động, chương trình giao lưu, kết nghĩa đối với nhân dân địa bàn nơi đóng quân, phát huy tốt vai trò, ảnh hưởng của các già làng, trưởng bản, các chức sắc tôn giáo trong tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.
Bốn là, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới đất liền
Cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn Quân khu cần bám sát thực tiễn, phát hiện những vấn đề nảy sinh về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại,... để có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường củng cố khu vực phòng thủ vững chắc, tạo hành lang, “phên giậu” nơi biên giới: Chắc về phòng thủ, mạnh về kinh tế và thân thiện với nước láng giềng, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và phát triển.
Tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt chủ trương của Đảng, quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt đề án quy hoạch, phát triển các khu kinh tế-quốc phòng dọc các khu vực biên giới; nhất là ở địa bàn chiến lược, địa hình hiểm trở, khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, mật độ dân số thấp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Trong đó, tập trung xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, hệ thống cấp nước sinh hoạt, các hoạt động chế biến, bảo quản sau thu hoạch, trung tâm giống cây trồng, vật nuôi, làm tốt công tác khuyến nông, khuyến lâm, hỗ trợ vốn sản xuất, trồng và chăm sóc, bảo vệ rừng, xây dựng các trạm xá quân-dân y kết hợp,... tham gia đẩy mạnh phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát, giúp nhân dân giảm nghèo bền vững; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với lực lượng chuyên trách đấu tranh, ngăn chặn hoạt động móc nối chống phá của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định an ninh biên giới, xây dựng “thế trận lòng dân” khu vực biên giới vững chắc trong tình hình mới.
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, nhất là từ khi cách mạng Việt Nam có Đảng lãnh đạo, việc xây dựng và phát huy nhân tố chính trị, tinh thần luôn là vấn đề có tính nguyên tắc, quy luật phổ biến trong phương pháp cách mạng của Đảng nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bài học thành công và những đóng góp có tính quyết định của nhân tố chính trị, tinh thần trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta nói chung và của quân và dân trên địa bàn Quân khu 4 nói riêng là minh chứng hùng hồn nhất về nghệ thuật phát huy nhân tố chính trị, tinh thần của Đảng; thành công này là bài học kinh nghiệm quý báu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Vì vậy, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu vận dụng trong xây dựng nhân tố chính trị, tinh thần của cả dân tộc nhằm tập hợp, khơi dậy và phát huy sức mạnh nội sinh của toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Trung tướng TRƯƠNG THIÊN TÔ, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam __________________
(1) V.I.Lênin-Toàn tập, tập 41, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2005, tr.147
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 27, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.404
(3), (4) Lịch sử Đảng bộ Quân khu 4 (1954 -1975), NXB Quân đội nhân dân, 2009, tr.25, tr.42-43
(5) Hồ Chí Minh-Toàn tập-Tập 10, NXB CTQG, H.2011, tr.110-111
(6) Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 44-NQ/TW của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, 2023
Nguồn: qdnd.vn
Nhân tố chính trị,tinh thần,hậu phương Quân khu 4,kháng chiến chống Mỹ,cứu nước,giá trị,vận dụng
Từ vai trò của các binh đoàn chủ lực trong Chiến dịch Hồ Chí Minh đến xây dựng các quân đoàn tinh, gọn, mạnh hiện nay 24/04/2025
Chủ tịch nước: Vai trò kiến tạo hòa bình của ngoại giao Việt Nam được thể hiện xuyên suốt 23/04/2025
Đại tướng Phan Văn Giang tri ân các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội 23/04/2025
Sự chỉ đạo chiến lược tài tình của Đảng - Nhân tố quyết định thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 23/04/2025
Chương trình giao lưu nghệ thuật - Tọa đàm thanh niên “Viết tiếp bản hùng ca toàn thắng” 23/04/2025
Chương trình chính luận nghệ thuật “Hẹn ước Bắc - Nam” 23/04/2025
Mùa Xuân đại thắng và khát vọng vươn mình 22/04/2025
Nhân tố chính trị - tinh thần trong tiến công chiến lược 1975 và vấn đề xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị trong tình hình mới 22/04/2025
Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu 21/04/2025
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết thăm, động viên các khối diễu binh, diễu hành 21/04/2025
Sức mạnh chiến tranh nhân dân - Nhân tố làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975
Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu
Vai trò của Bộ đội Đặc công trong Đại thắng mùa Xuân 1975 và vấn đề xây dựng lực lượng đặc công trong tình hình mới
Quân và dân Đồng bằng sông Cửu Long trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975
Giải phóng Trường Sa - Chiến công có ý nghĩa chiến lược trong giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Gặp mặt cán bộ công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975
Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đại biểu cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, cựu dân quân tự vệ