QPTD -Thứ Hai, 22/07/2013, 09:42 (GMT+7)
Viết theo yêu cầu bạn đọc
Xã hội hóa công tác giám định ADN cho liệt sĩ

Gần 300 hài cốt liệt sĩ (HCLS) được giám định ADN miễn phí trong 2 năm qua và đầu năm 2013, hơn 1.000 thân nhân liệt sĩ ở 36 tỉnh, thành phố được lấy mẫu sinh phẩm để giám định ADN cho hơn 1.000 liệt sĩ nguyên là cán bộ, chiến sĩ Mặt trận 31 (hiện an táng tại Nghĩa trang Hữu nghị Việt - Lào ở huyện Anh Sơn, Nghệ An). Đây là những kết quả tích cực mà Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ (HTGĐLS) Việt Nam phối hợp với Viện Pháp y Quân đội (PYQĐ), Viện Công nghệ sinh học (CNSH) Việt Nam và Viện Kỹ thuật hóa sinh (KTHS) Bộ Công an tiến hành. 

Cán bộ Hội HTGĐLS Việt Nam cùng các kỹ thuật viên đang lấy mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ Mặt trận 31 khu vực Hòa Bình. Ảnh: Hoàng Liêm

 

Những tấm lòng tri ân liệt sĩ 

Đầu tháng 4-2013, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội giao cho Hội HTGĐLS Việt Nam phối hợp với các cơ quan chức năng và các địa phương tổ chức lấy mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ nguyên cán bộ, chiến sĩ Mặt trận 31 hy sinh tại Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng (Lào), hiện đang an táng tại Lô A5, A6, A7 Nghĩa trang Liệt sĩ Hữu nghị Việt - Lào, phục vụ cho việc giám định ADN, xác định danh tính liệt sĩ. 

Xác định rõ trách nhiệm và cũng là một dịp để “tri ân liệt sĩ”, Hội HTGĐLS Việt Nam đã chỉ đạo các chi hội, phối hợp chặt chẽ với Ban liên lạc thân nhân liệt sĩ Mặt trận 31, cấp ủy, chính quyền các địa phương, rà soát lại địa chỉ thân nhân của các liệt sĩ trên địa bàn 105 huyện, thuộc 36 tỉnh, thành phố trong cả nước. Từ ngày 28-5 đến 05-7-2013, Hội cùng đội ngũ kỹ thuật viên của Viện PYQĐ, Viện CNSH Việt Nam và Viện KTHS đến từng địa phương lấy mẫu sinh phẩm từ các thân nhân liệt sĩ. Kết quả đã lấy được 911 mẫu, đạt 88,9% so với số liệt sĩ thực tế cần lấy mẫu sinh phẩm. Ngày 16-7-2013, toàn bộ số mẫu này đã được Hội HTGĐLS Việt Nam bàn giao cho Viện PYQĐ. 

Để có kinh phí hỗ trợ công tác giám định ADN cho các liệt sĩ, thời gian qua, Hội HTGĐLS Việt Nam đã tiếp nhận những tấm lòng thơm thảo từ các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân; tiêu biểu như: Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) ủng hộ gần 2 tỷ đồng, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam gần 2 tỷ đồng, TP Hồ Chí Minh 2 tỷ đồng, Tổng công ty Đông Bắc 1 tỷ đồng… Nguồn ủng hộ này giúp Hội có nguồn kinh phí tiến hành giám định ADN cho 300 hài cốt liệt sĩ trong 2 năm qua và hơn 1.000 hài cốt liệt sĩ nguyên là cán bộ, chiến sĩ Mặt trận 31; giúp 250 gia đình tìm được hài cốt người thân của mình qua giám định ADN và làm những việc khác. 

Những thông tin hướng dẫn cần thiết

Tuy nhiên, trong quá trình xác minh thân nhân các liệt sĩ, cán bộ Hội HTGĐLS Việt Nam được bà Phùng Thị Tiếp ở xã Thái Sơn (Hàm Yên, Tuyên Quang), chị gái của liệt sĩ Phùng Minh Văn, cũng như nhiều thân nhân các liệt sĩ phản ánh rằng: Phần lớn thân nhân các liệt sĩ chưa biết rõ thủ tục, quy trình tiến hành giám định ADN cho các liệt sĩ, nên không biết gửi hồ sơ về đâu. Đề cập về vấn đề trên, ông Nguyễn Hùng Phong, Phó chủ tịch thường trực Hội HTGĐLS Việt Nam, cho biết: 

- Hội đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, như đưa hướng dẫn lên trang mạng: trianlietsi.vn; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng... Ngoài ra, hội cũng đã có công văn gửi Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), hội Cựu chiến binh các địa phương đề nghị tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn để nhân dân và thân nhân các liệt sĩ được biết, nhưng phải thừa nhận hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn.

Về quy trình giám định ADN cho các liệt sĩ để có độ chính xác cao, theo ông Phong, thân nhân các gia đình liệt sĩ cần tuân thủ những quy định chặt chẽ từ việc lấy mẫu hài cốt và mẫu sinh phẩm từ người thân của liệt sĩ. 

Liên quan đến vấn đề này, căn cứ vào hướng dẫn của Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH); Viện CNSH, Viện PYQĐ, Hội HTGĐLS Việt Nam đã tổng hợp danh sách, hướng dẫn thủ tục và cách lấy mẫu giám định ADN cho liệt sĩ. Hướng dẫn của hội ghi rõ: Hội chỉ tiếp nhận các trường hợp giám định HCLS nếu có đủ các điều kiện: Có đơn đề nghị của thân nhân liệt sĩ (thân nhân có chứng minh thư nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân phù hợp), được ủy ban nhân dân xã (phường) xác nhận; có giấy báo tử liệt sĩ (bản sao có chứng thực của xã, phường) hoặc trích lục thông tin về liệt sĩ do đơn vị hoặc bộ chỉ huy quân sự tỉnh (thành phố) cấp. Trường hợp mất giấy báo tử, thân nhân liệt sĩ có thể đến Sở LĐ-TB&XH tỉnh, thành phố xin sao lục lại; có vị trí ngôi mộ nghi ngờ là của liệt sĩ (ví dụ: số mộ 1, hàng 2, lô 3, Nghĩa trang liệt sĩ A… hoặc ở đồi M, thôn H, xã K, huyện X… , gia đình đã liên hệ, được ban quản lý nghĩa trang hoặc chính quyền địa phương đồng ý cho mượn mẫu phẩm về giám định, thể hiện bằng biên bản bàn giao cho mượn xương cốt liệt sĩ). Nếu thông tin được xác định do đồng đội cũ thì phải xác định rõ họ tên, địa chỉ của người cung cấp thông tin (có xác nhận của chính quyền xã, phường nơi người cung cấp thông tin cư trú).

Cách lấy mẫu hài cốt của liệt sĩ là khâu quan trọng nhất trong toàn bộ quá trình giám định, vì vậy thân nhân liệt sĩ cần chú ý các yêu cầu sau: Đối với hài cốt còn nguyên vẹn thì lấy từ 1 đến 2 chiếc răng (ưu tiên các răng còn được cố định trong xương hàm); đối với hài cốt không nguyên vẹn thì lấy khoảng 2x2cm xương ống hoặc 2x2cm xương còn cứng (các xương xốp, như: xương sọ, xương sườn, xương bàn tay, bàn chân… rất khó làm giám định, tỷ lệ thành công không cao); mẫu HCLS phải được bảo quản trong túi ni-lon có niêm phong và xác nhận của Sở LĐ-TB&XH, ngoài phong bì ghi rõ: Đề nghị xác định danh tính đối với liệt sĩ (họ và tên, nguyên quán, ngày tháng năm sinh).

Sau khi tiến hành lấy mẫu hài cốt liệt sĩ, phải lấy mẫu sinh phẩm của thân nhân liệt sĩ làm đối chứng. Mẫu sinh phẩm phải lấy ít nhất của 2 trong số những người thân có mối quan hệ huyết thống theo dòng mẹ hoặc theo dòng cha của liệt sĩ, cụ thể: Theo dòng mẹ của liệt sĩ, có thể lấy mẫu của hai trong số những người là mẹ liệt sĩ, bà ngoại của liệt sĩ; cậu, dì của liệt sĩ; anh chị em cùng mẹ với liệt sĩ; anh em con dì, con già với liệt sĩ; con của chị gái, em gái của liệt sĩ; con của chị gái, em gái của con dì, con già với liệt sĩ. Nếu không còn các đối tượng nói trên theo dòng mẹ thì lấy mẫu của ông nội liệt sĩ; bố đẻ của liệt sĩ. 

Mẫu sinh phẩm của thân nhân liệt sĩ có thể là móng tay hoặc móng chân; tóc (phải lấy cả chân tóc). Mẫu phải bảo quản trong túi ni-lon đặt trong bì thư, ngoài ghi rõ họ tên người được lấy mẫu, tuổi, nguyên quán, trú quán và quan hệ với liệt sĩ, điện thoại liên hệ. 

Sau khi có đủ các điều kiện trên, thân nhân liệt sĩ sẽ được Hội HTGĐLS Việt Nam cấp giấy giới thiệu để gia đình đưa mẫu phẩm đến Viện CNSH hoặc Viện PYQĐ tiến hành giám định. Thời gian hoàn thành việc giám định ADN từ 30 đến 90 ngày. Gia đình được hỗ trợ 100% kinh phí một lần giám định ADN đối với mỗi liệt sĩ cần xác định danh tính. 

Với những việc làm trên, thiết nghĩ, mỗi HCLS được giám định ADN, mỗi một tấm lòng góp sức, chung tay cùng Hội HTGĐLS Việt Nam là một cách tri ân thiết thực đối với những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.

ĐÌNH THƯỜNG – DUY THÀNH

Nguồn: qdnd.vn

 

Ý kiến bạn đọc (0)