Thứ Năm, 21/11/2024, 00:32 (GMT+7)
Biển đảo Việt Nam Tư liệu
Năm 1889, tại Paris, thủ đô nước Pháp, Liên minh nghị viện thế giới đã được thành lập theo sáng kiến của hai nghị sĩ đồng thời cũng là hai chiến sĩ đấu tranh cho hoà bình là Frederic Passy – người Pháp và William Randal Cremer - người Anh. Ý tưởng ban đầu của hai nghị sĩ này là mong muốn biến Liên minh nghị viện thế giới thành một phong trào tiên phong đấu tranh vì hòa bình. Ngay từ khi thành lập, mục tiêu của IPU là tạo nên một cơ chế như là trọng tài quốc tế. Nhưng cùng với thời gian và diễn biến của tình hình thế giới, phạm vi hoạt động của IPU đã được mở rộng vì các vấn đề liên quan đến hòa bình đã trở thành yêu cầu cấp thiết và rõ nét. Phấn đấu cho nền hòa bình thế giới, IPU hướng tới việc củng cố cơ sở pháp lý tạo nền tảng cho các mối quan hệ quốc tế. Xuất phát từ sự nhìn nhận các yếu tố kinh tế, xã hội, tư tưởng trong nhiều trường hợp là nguyên nhân tạo nên sự căng thẳng giữa các quốc gia, tổ chức thế giới của các nghị viện dần dần đã tiếp cận và dành sự quan tâm ngày càng nhiều hơn đối với các vấn đề mang tính toàn cầu.
Ban đầu Liên minh nghị viện thế giới xác định hai nhiệm vụ trọng tâm là:
- Bày tỏ chính kiến của các nghị sĩ về tất cả các vấn đề quốc tế qua đó thúc đẩy việc tìm kiếm các giải pháp bằng con đường nghị viện.
- Phấn đấu nhằm củng cố các thể chế dân chủ và đề ra các chính sách, các sáng kiến và khuyến nghị nhằm phát triển thể chế nghị viện cũng như cải thiện các chức năng hoạt động và nâng cao uy tín của thể chế này.
Quá trình hình thành và phát triển của IPU đã chứng minh vai trò của tổ chức, từ lúc ban đầu chỉ đơn giản là một Hiệp hội của các nghị sĩ, IPU đã trở thành một tổ chức liên nghị viện của cả thế giới.
IPU đóng một vai trò rất quan trọng trong nhiều lĩnh vực của đời sống quốc tế, là cội nguồn của phong trào đưa đến việc thành lập Hội quốc liên, sau đó là Liên hợp quốc, là nhân tố quan trọng cho việc hình thành Tòa án quốc tế La-Hay sau này. IPU luôn tạo ra cơ hội đưa ra những đề xuất, sáng kiến mới thúc đẩy sự nghiệp vì hòa bình và hợp tác quốc tế. Do những đóng góp tích cực của mình, tám nhân vật hoạt động nổi tiếng của Liên minh nghị viện thế giới đã được nhận giải thưởng Nobel vì hòa bình trong thời gian từ 1901 đến 1927. Ngay trong thời kỳ hai cuộc chiến tranh thế giới, mặc dù buộc phải gián đoạn hoạt động, nhưng dưới những hình thức khác nhau IPU vẫn đấu tranh không mệt mỏi cho sự nghiệp hòa bình và sự xích lại gần nhau giữa các dân tộc.
Hơn một thế kỷ qua, IPU là biểu tượng của sự thống nhất và hoạt động ngoại giao nghị viện giữa các nhà lập pháp của tất cả các quốc gia trên thế giới, là nơi tập trung đại diện của tất cả các xu hướng chính trị. Vì vậy IPU có thể được ví như một trạm quan sát đặc biệt sự tiến triển của các trào lưu tư tưởng chính trị của thế giới.1
Điều 1 Quy chế Liên minh Nghị viện thế giới xác định bản chất và mục đích của tổ chức:
1. Liên minh Nghị viện thế giới là tổ chức quốc tế của cơ quan lập pháp các quốc gia có chủ quyền.
2. Là trung tâm đối thoại Nghị viện trên toàn thế giới, kể từ năm 1889, Liên minh Nghị viện thế giới hoạt động vì hoà bình, hợp tác giữa các dân tộc và vì nền tảng vững chắc của các thể chế đại diện. Vì mục đích đó, Liên minh cần:
(a) Đẩy mạnh tiếp xúc, phối hợp và trao đổi kinh nghiệm giữa Nghị viện và Nghị sĩ của tất cả các quốc gia;
(b) Xem xét các vấn đề quốc tế cùng quan tâm và thể hiện quan điểm của Liên minh về các vấn đề đó nhằm hỗ trợ các Nghị viện và Nghị sĩ có những hành động cụ thể;
(c) Góp phần bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trong phạm vi toàn cầu, trên cơ sở tôn trọng và coi quyền con người là nhân tố cơ bản của nền dân chủ nghị viện và phát triển;
(d) Góp phần nâng cao kinh nghiệm hoạt động, củng cố và phát triển phương thức hoạt động của các thể chế đại diện.
3. Cùng chung mục tiêu với Liên hợp quốc, Liên minh hỗ trợ các nỗ lực và hợp tác chặt chẽ với tổ chức này. Liên minh cũng hợp tác với các tổ chức Liên nghị viện khu vực, các tổ chức quốc tế, tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ cùng phấn đấu vì lý tưởng chung.
Nguồn: ipu132vietnam.vn
IPU
Diễn biến Chiến dịch Huế - Đà Nẵng năm 1975 21/08/2022
Thực hiện giãn cách xã hội 19 tỉnh, thành phía Nam theo Chỉ thị 16 19/07/2021
Quốc hội phê chuẩn hai hiệp định EVFTA và EVIPA 08/06/2020
Nghị quyết của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư 01/10/2019
Luật Quân nhân chuyên nghiệp, Công nhân và Viên chức quốc phòng 21/12/2015
Cơ cấu tổ chức Liên nghị viện thế giới 26/03/2015
Dấu ấn lịch sử trong hoạt động đối ngoại của Quốc hội Việt Nam 25/03/2015
Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân 17/12/2014
ASEAN đặt mục tiêu tiến tới một tổ chức liên kết và ràng buộc hơn 10/08/2014
Nghị quyết của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý 06/06/2014