QPTD -Thứ Tư, 25/03/2015, 09:40 (GMT+7)
Dấu ấn lịch sử trong hoạt động đối ngoại của Quốc hội Việt Nam

Ðại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU - 132) được Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức tại thủ đô Hà Nội trong một năm đất nước có nhiều ngày kỷ niệm trọng đại. Sự kiện này là dịp để Việt Nam và Quốc hội Việt Nam củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với các đối tác quan trọng và các nghị viện thành viên của IPU.

Với chủ đề "Mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015: Biến lời nói thành hành động", IPU - 132 là dịp để các vị lãnh đạo nghị viện đến từ khắp các châu lục thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ (MDGs) mà các thành viên Liên hợp quốc (LHQ) đã cam kết từ năm 2000, hướng tới thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs), đồng thời định các vấn đề toàn cầu cấp bách khác mà thế giới đang phải đối mặt.

Kể từ khi thành lập đến nay, IPU góp phần quan trọng thúc đẩy, hỗ trợ các nỗ lực toàn cầu, phối hợp chặt chẽ với LHQ và các cơ quan, Chương trình của LHQ. Gần đây đã có ba hội nghị những người đứng đầu cơ quan lập pháp trên thế giới và hàng loạt hội nghị, hội thảo của IPU thảo luận, bàn biện pháp giải quyết những vấn đề toàn cầu về hòa bình và phát triển; dân chủ và quyền con người; tăng cường và thúc đẩy sự tham gia của nghị viện vào quản trị quốc gia, phòng, chống HIV/AIDS, chống biến đổi khí hậu,...; tổ chức các phiên điều trần nghị viện hằng năm trước LHQ và các cuộc họp chuyên ngành khác vào dịp LHQ họp thường kỳ cũng như các hội nghị quốc tế đặc biệt. Từ năm 2002, IPU đã trở thành Quan sát viên thường trực tại Ðại hội đồng LHQ và có một Ủy ban Thường trực về vấn đề LHQ với sự tham gia của đại diện tất cả các Nhóm địa chính trị.

Thực tiễn nhiều năm qua cho thấy, IPU đóng góp quan trọng trong việc kiến tạo và củng cố hòa bình thế giới, thúc đẩy đối thoại, phát triển luật pháp quốc tế và đẩy mạnh dân chủ; đồng thời, tạo không gian đối thoại mở cho các nghị viện. Thông qua sáng kiến của IPU, các nghị sĩ đã thúc đẩy phát triển nền ngoại giao nghị viện với quan niệm mang tính cách mạng: Chủ nghĩa đa phương. Trong những năm 1970 và 1980, IPU đóng vai trò quan trọng trong quá trình hòa dịu ở châu Âu, thúc đẩy quan hệ cấp nhà nước giữa các quốc gia, thu hẹp khoảng cách bất đồng giữa hai khối Ðông - Tây trong suốt thời kỳ Chiến tranh lạnh. Hoạt động của IPU tác động mạnh đến việc giải tỏa các cuộc xung đột ở nhiều nơi. IPU khẳng định đối thoại chính trị là giải pháp tốt nhất trong việc tạo ra các quyết định được tất cả các bên chấp nhận và tạo điều kiện cho hòa bình lâu dài.

IPU đã thông qua Tuyên ngôn về Dân chủ năm 1997, xác định các tiêu chí cho Nghị viện dân chủ là "đại diện, minh bạch, dễ tiếp cận, có trách nhiệm và hiệu quả". IPU đã triển khai nhiều hoạt động góp phần thúc đẩy bảo vệ quyền con người, bình đẳng giới, tăng cường kết nối toàn cầu, đổi mới cơ cấu tổ chức và phương thức hợp tác với các tổ chức quốc tế... IPU đã làm việc tích cực để thúc đẩy hòa bình và ổn định thông qua đối thoại, đàm phán và ủng hộ các nền dân chủ mới.

Ngày nay, hòa bình, hợp tác và phát triển là xu thế chủ đạo của thế giới nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn, căng thẳng và các cuộc xung đột vũ trang, tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố, vũ khí hủy diệt đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế. Vì thế, ngăn ngừa chiến tranh, gìn giữ hòa bình, chống khủng bố, xử lý các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống sẽ vẫn là yêu cầu cấp thiết mà IPU phải đối mặt. Ngoài ra, tăng cường kết nối với cử tri, bảo đảm quyền con người, bình đẳng giới, chống đói nghèo, bảo vệ môi trường, chống dịch bệnh, thúc đẩy quản trị tốt và tiếp tục đổi mới cơ cấu tổ chức, hoạt động vẫn là những lĩnh vực quan tâm hàng đầu của IPU.

Năm 1979, Quốc hội Việt Nam trở thành thành viên của IPU. Hơn 35 năm qua, Quốc hội nước ta đã chủ động tham gia và đóng góp tích cực tại các kỳ họp đại hội đồng thường niên và nhiều hội nghị chuyên đề của IPU; đăng cai tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề của IPU, như: hội nghị khu vực châu Á - Thái Bình Dương về "Tăng cường vai trò của Nghị viện trong việc bảo vệ trẻ em" năm 2006; hội thảo khu vực châu Á - Thái Bình Dương về "Vai trò của Nghị viện trong phòng chống HIV/AIDS" năm 2009. Quốc hội nước ta đã được bầu làm Chủ tịch Nhóm địa chính trị khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Năm 2006, trực tiếp điều phối các hoạt động chung của 27 Nghị viện thành viên IPU tại khu vực này. Năm 2007, Ðại hội đồng IPU-117 đã nhất trí bầu đại diện của Quốc hội Việt Nam vào Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2007 - 2011 và bầu làm Phó Chủ tịch IPU năm 2009. Qua đó, chúng ta có điều kiện đóng góp trực tiếp và thiết thực hơn vào hoạt động của IPU.

Với Việt Nam, năm 2015 là năm then chốt thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng lần thứ XI, chuẩn bị Ðại hội toàn quốc lần thứ XII của Ðảng, đánh giá 5 năm triển khai Cương lĩnh Ðại hội Ðảng lần thứ XI, trong đó có chủ trương đối ngoại "độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế"... Bên cạnh đó, có nhiều ngày kỷ niệm lịch sử trọng đại, như: Kỷ niệm 85 năm thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam, 70 năm thành lập nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sự kiện Quốc hội Việt Nam đăng cai và tổ chức Ðại hội đồng IPU-132 vào đầu năm 2015, có ý nghĩa sâu sắc trong hoạt động đối ngoại nói chung, hoạt động ngoại giao nghị viện nói riêng. Đây là một điểm nhấn quan trọng trong nền ngoại giao nghị viện nước ta, đồng thời là dịp để Việt Nam, Quốc hội Việt Nam củng cố, phát triển và làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị, hợp tác với các đối tác quan trọng, các nghị viện thành viên của IPU.

Với phương châm chu đáo, trọng thị, thiết thực, tiết kiệm và hiệu quả, công tác chuẩn bị về mọi mặt cho Ðại hội đồng IPU-132, Việt Nam đã tích cực triển khai trong suốt hơn một năm qua. Dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo cấp Nhà nước do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng làm Trưởng ban, cùng sự tham gia của lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ban, ngành ở trung ương và Thủ đô Hà Nội, Ban Tổ chức Ðại hội đồng IPU-132 đã được thành lập, với năm Tiểu ban để chuẩn bị cho IPU-132, từ công tác nội dung đến thông tin, tuyên truyền, lễ tân, an ninh, an toàn, y tế và hậu cần, tài chính bảo đảm cho thành công của IPU- 132.

Là nước chủ nhà, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam sẽ đảm đương cương vị Chủ tịch Ðại hội đồng IPU-132 và điều hành các phiên họp toàn thể của Ðại hội đồng. Ðoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam có trách nhiệm tham gia đầy đủ các hoạt động chính thức, các hoạt động bên lề trong khuôn khổ kỳ họp và các hoạt động song phương khác cũng với tư cách của nước chủ nhà.

Ðại hội đồng IPU-132 sẽ bàn thảo và ra Nghị quyết về các chủ đề "Chiến tranh mạng - Mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh thế giới"; "Ðịnh hình cơ chế mới về quản trị nước: Thúc đẩy hành động của Nghị viện về vấn đề nước"; "Luật pháp quốc tế trong vấn đề chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và quyền con người" và sẽ thông qua báo cáo về sự hợp tác giữa IPU và LHQ. Ngoài ra, còn có hội nghị Nữ nghị sĩ IPU và diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU.

Ðăng cai tổ chức IPU-132 chính là cơ hội để Việt Nam nói chung và Quốc hội Việt Nam nói riêng tiếp tục triển khai thực hiện chính sách đối ngoại "là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế"; không ngừng mở rộng, tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với nghị viện và nhân dân các nước, các tổ chức quốc tế. Cho đến nay, đã có hơn 170 đoàn đại biểu của nghị viện các nước, các tổ chức thành viên liên kết, khách mời với hơn 1.500 người; trong đó, có 100 đoàn do các vị Chủ tịch, Phó Chủ tịch nghị viện dẫn đầu tham dự Ðại hội đồng IPU-132; rất nhiều đoàn đại biểu đề nghị được thăm song phương Việt Nam.

Ðây còn là cơ hội để chúng ta thể hiện vai trò tích cực, có trách nhiệm đối với IPU; đồng thời, cũng là dịp để đáp lại sự ủng hộ, tình cảm và sự quý trọng của bạn bè quốc tế đã dành cho Việt Nam. Bạn bè quốc tế có dịp chứng kiến một Việt Nam hòa bình, ổn định, năng động đang tích cực hội nhập quốc tế và thúc đẩy làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với các nước, các tổ chức quốc tế.

Ðặc biệt, Ðại hội đồng IPU-132 dự kiến sẽ ra Tuyên bố Hà Nội, một văn kiện chính trị - ngoại giao về các vấn đề lớn toàn cầu, có ý nghĩa quan trọng, phản ánh kết quả kỳ họp Ðại hội đồng IPU lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Tuyên bố Hà Nội còn là thông điệp hòa bình, hữu nghị của Quốc hội và nhân dân Việt Nam gửi Quốc hội và nhân dân các nước trên thế giới, ghi dấu ấn sâu đậm về đất nước và con người Việt Nam - một điểm nhấn ấn tượng trong lịch sử của diễn đàn liên Nghị viện toàn cầu nói chung và hoạt động ngoại giao nghị viện của Quốc hội Việt Nam nói riêng.

Thành công của Ðại hội đồng IPU-132 chắc chắn góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại hòa bình, hữu nghị, rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế của Ðảng và Nhà nước ta, thể hiện vị thế và uy tín của nước ta, làm nên một bước mới trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam.

TS. NGÔ ÐỨC MẠNH

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Ðối ngoại của Quốc hội, Trưởng Tiểu ban Thông tin, Tuyên truyền IPU-132.
______________________

IPU có lịch sử hơn 125 năm trưởng thành, phát triển. Ðược thành lập năm 1889 từ phong trào hòa bình, chống chiến tranh do các nghị sĩ Uy-li-am Ran-đơ Crem-mơ (người Anh) và Phrê-đê-rích Pa-xi (người Pháp) khởi xướng. Là diễn đàn thường trực đầu tiên về đàm phán chính trị đa phương. Đến nay, IPU đã trở thành tổ chức hợp tác liên nghị viện lớn nhất thế giới, với 166 Nghị viện quốc gia thành viên và 10 thành viên liên kết, là trung tâm đối thoại ngoại giao nghị viện toàn cầu.

Nguồn: nhandan.com.vn

Ý kiến bạn đọc (0)