Thứ Năm, 21/11/2024, 00:24 (GMT+7)
Biển đảo Việt Nam Tư liệu
CƠ CẤU TỔ CHỨC
Điều 8 Quy chế Liên minh Nghị viện thế giới xác định: Liên minh Nghị viện thế giới gồm Đại hội đồng, Hội đồng Điều hành, Ban Chấp hành và Ban thư ký.
ĐẠI HỘI ĐỒNG
Đại hội đồng gồm các Nghị sĩ được các Nghi viện thành viên chỉ định là đại biểu. các đại biểu gồm các nam và nữ nghị sĩ trong đoàn đại biểu và cố gắng đảm bảo đại diện bình đẳng giữa nam và nữ.
Số lượng đại biểu của mỗi Nghị viện thành viên tham dự kỳ họp thường niên lần thứ Nhất của Đại hội đồng trong mọi trường hợp không được vượt quá tám đại biểu đối với Nghị viện của các nước có số dân dưới một trăm triệu người, hoặc quá muời đại biểu đối với Nghị viện của các nước có số dân từ một trăm triệu người trở lên. Số lượng đại biểu tham dự kỳ họp thường niên lần thứ Hai không quá năm hoặc bảy người đối với Nghị viện của các nước có số dân từ một trăm triệu người trở lên. Đoàn đại biểu nào chỉ gồm các nghị sĩ cùng giới đương nhiên phải giảm bớt một người1.
Đại hội đồng thảo luận các vấn đề thuộc phạm vi của Liên minh Nghị viện thế giới và đưa ra những khuyến nghị thể hiện quan điểm của tổ chức mình về những vấn đề đó2.
Chương trình nghị sự của Đại hội đồng do Hội đồng điều hành thông qua trên cơ sở khuyến nghị Ban chấp hành được gửi cho các Đoàn đại biểu quốc gia khoảng 2 - 3 tháng trước khi khai mạc kỳ họp. Thời gian trước mỗi kỳ họp hội nghị, các Đoàn có thể đăng ký những điểm bổ sung vào chương trình nghị sự.
Phiên toàn thể của Đại hội đồng tập trung thảo luận về tình hình chính trị, kinh tế và xã hội trên thế giới.
Các chủ đề cụ thể trong chương trình nghị sự được thảo luận tại bốn ủy ban liên quan sau:
1. Ủy ban về các vấn đề Chính trị, An ninh quốc tế và Giải trừ quân bị.
2. Ủy ban về các vấn đề Lập pháp, Tư pháp và Quyền con người.
3. Ủy ban về các vấn đề Kinh tế và Xã hội
4. Ủy ban Giáo dục, Khoa học, Văn hóa và Môi trường.
HỘI ĐỒNG ĐIỀU HÀNH
Hội đồng Điều hành gồm đại diện của tất cả các Nghị viện thành viên Liên minh, mỗi Nghị viện ba nghị sĩ. Nhiệm kỳ của Uỷ viên Hội đồng Điều hành bắt đầu từ kỳ họp Đại hội đồng lần này đến kỳ họp Đại hội đồng kế tiếp. Tất cả các Uỷ viên Hôi đồng điều hành đều phải là nghị sĩ đương nhiệm3.
Mỗi năm Hội đồng Điều hành có hai cuộc họp vào dịp các kỳ họp Đại hội đồng IPU. Thông thường Hội đồng Điều hành tổ chức họp vào ngày đầu và ngày cuối của mỗi kỳ Đại hội đồng IPU. Chủ tịch Hội đồng có thể triệu tập các kỳ họp bất thường nếu thấy cần thiết, hoặc khi Ban Chấp hành hay 1/4 thành viên Hội đồng yêu cầu.
Chức năng và quyền hạn của Hội đồng Điều hành4:
- Ấn định chương trình hoạt động và ngân sách hàng năm của tổ chức, quyết định kết nạp hay đình chỉ tư cách thành viên chính thức và thành viên liên kết IPU, lập danh sách Quan sát viên. Hội đồng quyết định nội dung các kỳ họp Hội nghị IPU, bầu Ban Chấp hành IPU, đề cử Tổng thư ký IPU, thông qua Điều lệ và những kiến nghị sửa đổi Quy chế của Hội đồng Điều hành IPU.
- Hội đồng quyết định việc tổ chức các cuộc họp khác của IPU bao gồm cả việc thành lập các ủy ban lâm thời để xem xét các vấn đề đặc biệt, đồng thời ấn định thủ tục làm việc và cho ý kiến về kết luận của các ủy ban này. Các ủy ban, các cơ quan hỗ trợ được thành lập theo quyết định của Hội đồng là:
1. Ủy ban về Quyền con người của các nghị sĩ.
2. Ủy ban vì sự phát triển bền vững.
3 . Uỷ ban về các vấn đề liên quan Trung Đông.
4. Nhóm làm việc hỗ trợ cho vấn đề Síp.
5. Ủy ban thúc đẩy việc tuân thủ Luật pháp quốc tế về nhân đạo.
6. Hội nghị của các bên liên quan trong tiến trình an ninh và hợp tác Địa Trung Hải.
7. Hội nghị nữ nghị sĩ.
BAN CHẤP HÀNH
Ban Chấp hành gồm Chủ tịch Hội đồng Điều hành, mười lăm thành viên thuộc các Nghị viện khác nhau và Chủ tịch Uỷ ban Điều phối Hội nghị nữ nghị sĩ5.
Ban Chấp hành là cơ quan hành chính của Liên minh Nghị viện thế giới
Ban Chấp hành có các nhiệm vụ xem xét đơn xin gia nhập Liên minh của các Nghị viện quốc gia và thông báo kết quả cho Hội đồng Điều hành; xác định thời gian và nội dung các phiên họp của Hội đồng; đề đạt với Hội đồng về chương trình hoạt động, ngân sách hàng năm của Liên minh; kiến nghị chương trình nghị sự của các Hội nghị liên minh; giới thiệu cho Hội đồng Điều hành các ứng cử viên chức Tổng thư ký IPU; yêu cầu Hội đồng Điều hành bổ sung ngân sách nếu dự toán ngân sách không đủ để trang trải chi phí thực hiện chương trình và các công tác hành chính của Liên minh; chủ định kiểm toán viên để kiểm toán các tài khoản của Liên minh; quy định bảng lương và phụ cấp cho cán bộ của Ban thư ký; thông qua Điều lệ ban Chấp hành; thực hiện các nhiệm vụ mà Hội đồng Điều hành uỷ quyền.6
BAN THƯ KÝ
Ban thư ký Liên minh gồm toàn bộ nhân viên của tổ chức đặt dưới sự chỉ đạo của Tổng thư ký Liên minh do Hội đồng Điều hành bổ nhiệm
Ban thư ký là cơ quan thường trực của Liên minh. Ban thư ký có nhiệm vụ quản lý hồ sơ về các Nghị viện thành viên và tích cực vận động các Nghi viện khác gia nhập Liên minh; Ủng hộ, khuyến khích hoạt động của các Nghị viện thành viên và đóng góp của họ vào việc phối hợp các hoạt động này ở cấp độ kỹ thuật; Chuẩn bị nội dung cần được Hội nghị Liên minh Nghị viện thế giới xem xét và cung cấp kịp thời các tài liệu cần thiết; Thực hiện các quyết định của Hội đồng Điều hành và Đại hội đồng; Dự kiến chương trình hoạt động và dự toán ngân sách trình Ban Chấp hành xem xét; Thu thập và phổ biến thông tin có liên quan đến cơ cấu tổ chức và chức năng của các thể chế đại diện; Duy trì liên lạc giữa Liên minh với các tổ chức quốc tế, đảm bảo sự có mặt của Liên minh tại các hội nghị quốc tế khác; Bảo quản hồ sơ lưu trữ của Liên minh7.
Ngoài ra IPU còn có Hiệp hội các Tổng thư ký nghị viện (ASGP). ASGP là một cơ chế tư vấn của IPU. Thành viên của ASGP gồm các Tổng thư ký hay Phó tổng thư ký của nghị viện hoặc các Tổ chức liên nghị viện. Trong trường hợp đặc biệt, ASGP có thể chấp nhận sự tham gia của một viên chức cao cấp do Tổng thư ký nghị viện đề cử. ASGP thực hiện chức năng nghiên cứu pháp luật, cơ chế hoạt động và thủ tục của các nghị viện, đảm bảo và khuyến khích sự hợp tác giữa các cơ quan phục vụ của các nghị viện khác nhau. Hoạt động của ASGP và các cơ chế tư vấn quốc tế của IPU mang tính chất bổ trợ được thực hiện trên cơ sở hợp tác và phối hợp chặt chẽ với nhau. ASPG hoạt động trên nguyên tắc tự chủ và mỗi năm tổ chức hai phiên họp cùng thời gian và cùng địa điểm với các kỳ họp Đại hội đồng IPU. Trong trường hợp đặc biệt, Ban Chấp hành Hiệp hội sẽ quyết định tổ chức cuộc họp vào thời điểm và địa điểm khác.
Các Uỷ ban Thường trực hỗ trợ công việc của Đại hội đồng. Số lượng uỷ ban và quy chế hoạt động của các uỷ ban do Hội đồng Điều hành quyết định. Thông thường, các Uỷ ban Thường trực có nhiệm vụ soạn thảo các báo cáo hoặc các dự thảo nghị quyết của Đại hội đồng và thực hiện các chức năng khác nêu trong Quy chế của Ban Chấp hành. Hội đồng Điều hành cũng có thể đề nghị các uỷ ban này tiến hành nghiên cứu và báo cáo về một vấn đề cụ thể trong chương trình nghị sự của Đại hội đồng. Hội nghị nữ Nghị sĩ, Uỷ ban về Nhân quyền của Nghị sĩ, Diễn đàn Nghị sĩ trẻ họp cùng thời gian với các kỳ họp của Đại hội đồng IPU, có Quy chế riêng do Hội đồng điều hành thông qua.
Các nhóm địa chính trị: Các thành viên Liên minh Nghị viện thế giới có thể thành lập các Nhóm địa chính trị. Mỗi nhóm quyết định phương thức làm việc tốt nhất phù hợp với sự tham gia trong các hoạt động của tổ chức này. Nhóm thông báo cơ cấu, danh sách thành viên và Điều lệ của mình với Ban thư ký. Các thành viên thuộc nhiều nhóm địa chính trị khác nhau thông báo với Tổng thư ký nhóm địa chính trị nào mà họ đại diện để giới thiệu ứng cử viên vào các chức vụ trong Liên minh.
____________
1- Điều 10 Quy chế Liên minh Nghị viện thế giới.
2- Điều 12 Quy chế Liên minh Nghị viện thế giới.
3- Điều 18 Quy chế Liên minh Nghị viện thế giới.
4- Tài liệu tham khảo “Quốc hội Việt Nam với quan hệ nghị viện đa phương: thực trạng và xu thế phát triển”, Trung tâm thông tin - Thư viện và Nghiên cứu khoa học, Văn phòng Quốc hội, 2005.
5- Điều 23 Quy chế Liên minh Nghị viện thế giới.
6- Theo Điều 24 Quy chế Liên minh Nghị viện thế giới.
7- Điều 25 Quy chế Liên minh Nghị viện thế giới.
Nguồn: ipu123vietnam.vn
IPU
Diễn biến Chiến dịch Huế - Đà Nẵng năm 1975 21/08/2022
Thực hiện giãn cách xã hội 19 tỉnh, thành phía Nam theo Chỉ thị 16 19/07/2021
Quốc hội phê chuẩn hai hiệp định EVFTA và EVIPA 08/06/2020
Nghị quyết của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư 01/10/2019
Luật Quân nhân chuyên nghiệp, Công nhân và Viên chức quốc phòng 21/12/2015
Lịch sử hình thành và phát triển Liên nghị viện thế giới 26/03/2015
Dấu ấn lịch sử trong hoạt động đối ngoại của Quốc hội Việt Nam 25/03/2015
Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân 17/12/2014
ASEAN đặt mục tiêu tiến tới một tổ chức liên kết và ràng buộc hơn 10/08/2014
Nghị quyết của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý 06/06/2014