Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 24/03/2016, 14:23 (GMT+7)
Kinh nghiệm quản lý, huấn luyện chiến sĩ mới ở Sư đoàn 312

Huấn luyện chiến sĩ mới là bước khởi đầu mang tính bản lề, tạo cơ sở hình thành kỹ năng quân sự, phẩm chất, bản lĩnh của người quân nhân cách mạng. Thực hiện tốt nhiệm vụ này sẽ trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội.

Đại tá Đỗ Minh Xương kiểm tra, động viên chiến sĩ mới
trước giờ ra thao trường

Với nhận thức đó, công tác huấn luyện chiến sĩ mới được Sư đoàn 312 đặc biệt quan tâm, xác định là nội dung quan trọng trong nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và có nhiều chủ trương, biện pháp thiết thực, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Vì vậy, nhiều năm qua, kết quả huấn luyện chiến sĩ mới của Sư đoàn luôn đạt khá, giỏi; bảo đảm an toàn tuyệt đối. Các đơn vị huấn luyện chiến sĩ mới không có trường hợp đào ngũ, vắng mặt trái phép hay vi phạm kỷ luật phải xử lý. Đây là nền tảng, bước chuẩn bị vững chắc để xây dựng đơn vị vững mạnh, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Từ thực tiễn thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, Sư đoàn rút ra một số kinh nghiệm chủ yếu sau:

Một là, thường xuyên giáo dục, quán triệt nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ về nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới. Sự thống nhất về nhận thức là cơ sở của hành động. Huấn luyện chiến sĩ mới luôn là nhiệm vụ khó khăn, vất vả, yêu cầu đặt ra rất cao. Vì vậy, làm tốt công tác giáo dục, quán triệt, tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động, xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ động cơ, trách nhiệm đúng đắn, phát huy sức mạnh tổng hợp của tập thể, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nhận rõ điều đó, Sư đoàn luôn chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về nhiệm vụ này. Nội dung giáo dục tập trung chủ yếu vào làm rõ vị trí, ý nghĩa của công tác huấn luyện chiến sĩ mới; quán triệt các chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên, cũng như nhiệm vụ, kế hoạch và các nội dung, mục tiêu, yêu cầu trong huấn luyện chiến sĩ mới của Sư đoàn, v.v. Để đạt hiệu quả cao, Sư đoàn vận dụng linh hoạt các hình thức, biện pháp giáo dục, quán triệt; thực hiện giáo dục, quán triệt sâu, kỹ, toàn diện cho các đối tượng, trong đó coi trọng đơn vị trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới và cán bộ chỉ huy cấp phân đội. Đi liền với đó, Sư đoàn phát huy vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong lãnh đạo, vai trò của hệ thống chỉ huy và các tổ chức, đoàn thể trong thực hiện. Hằng năm, Đảng ủy Sư đoàn và tổ chức đảng các cấp có liên quan đều ra nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới. Nghị quyết xác định rõ chủ trương, biện pháp lãnh đạo, các mục tiêu, yêu cầu, chỉ tiêu trong huấn luyện và các khâu đột phá, v.v. Đặc biệt, Sư đoàn yêu cầu cấp ủy, chỉ huy các cấp chỉ rõ những điểm còn tồn tại, hạn chế trong huấn luyện của năm trước cùng biện pháp khắc phục; đồng thời, phân công trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Bằng cách làm đó, nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới ở Sư đoàn luôn được quán triệt và thực hiện chặt chẽ, sát sao, hiệu quả.

Hai là, chủ động làm tốt công tác chuẩn bị huấn luyện chiến sĩ mới. Thực tiễn cho thấy, chuẩn bị huấn luyện là nội dung quan trọng, tác động trực tiếp đến kết quả huấn luyện chiến sĩ mới. Bởi vậy, Sư đoàn luôn chủ động chuẩn bị sớm, dành nhiều thời gian để đơn vị chuẩn bị. Công tác chuẩn bị được Sư đoàn chỉ đạo tiến hành toàn diện; trong đó, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ được xác định là khâu then chốt. Thực hiện vấn đề này, trước mỗi đợt huấn luyện chiến sĩ mới, Sư đoàn chỉ đạo rà soát, lựa chọn cán bộ có năng lực, kinh nghiệm biên chế vào khung đơn vị huấn luyện; đồng thời, mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng cán bộ theo phân cấp, chú trọng đội ngũ cán bộ trung đội, tiểu đội trực tiếp quản lý, huấn luyện chiến sĩ mới. Nội dung bồi dưỡng hướng vào củng cố, nâng cao trình độ, năng lực tổ chức quản lý, chỉ huy bộ đội, thống nhất nội dung, phương pháp huấn luyện, phương pháp nắm tình hình, tiến hành công tác tư tưởng, phổ biến kinh nghiệm trong huấn luyện, quản lý, rèn luyện kỷ luật, cũng như biện pháp khắc phục khâu yếu, mặt yếu của năm trước. Song song với đó, Sư đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động chuẩn bị kế hoạch, chương trình huấn luyện, mô hình, học cụ, thao trường, bãi tập và nhất là củng cố cơ sở vật chất, chuẩn bị chu đáo nơi ăn, ở của bộ đội,… nhằm phục vụ tốt nhất cho nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới ngay từ ngày đầu. Vừa qua, để đảm bảo cho huấn luyện chiến sĩ mới năm 2016, Sư đoàn đã triển khai làm mới hơn 60% đồ dùng huấn luyện; củng cố, bổ sung, mở rộng hệ thống thao trường, bãi tập, bảo đảm mỗi đại đội có 01 bãi tập bắn súng AK bài 1, 01 bãi ném lựu đạn, đánh thuốc nổ; mỗi tiểu đoàn có 01 thao trường huấn luyện tổng hợp. Sư đoàn cũng chủ động liên hệ với địa phương trên địa bàn để mượn địa điểm phù hợp cho huấn luyện một số khoa mục, kịp thời giải quyết khó khăn về thao trường khi quân số huấn luyện tăng cao.

Không chỉ tích cực chuẩn bị tại đơn vị, Sư đoàn còn chú trọng phối hợp với các địa phương để làm công tác chuẩn bị đón nhận chiến sĩ mới. Hiện nay, việc tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ do các địa phương thực hiện “tròn khâu”. Tuy nhiên, sau khi có chỉ tiêu giao, nhận quân, Sư đoàn đã chủ động cử cán bộ về các địa phương giao quân, phối hợp rà soát, tham mưu cho địa phương sàng lọc ngay từ đầu những trường hợp không đủ tiêu chuẩn nhập ngũ. Đây là cách làm hiệu quả, giúp Sư đoàn sớm nắm được nguồn, chủ động sắp xếp, ổn định quân số, tổ chức biên chế, tạo cơ sở để quản lý và triển khai huấn luyện được ngay.

Thực hành huấn luyện thuốc nổ cho chiến sĩ mới

Ba là, coi trọng phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp phân đội trong quản lý, rèn luyện, huấn luyện chiến sĩ mới. Xa rời vòng tay của gia đình, môi trường xã hội, bước vào quân đội - môi trường “lao động đặc biệt” với kỷ luật tự giác, nghiêm minh, là thử thách không dễ dàng đối với mỗi tân binh. Chính vì lẽ đó, đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ trung đội, tiểu đội - những người hằng ngày, hằng giờ trực tiếp cùng chiến sĩ mới sinh hoạt, học tập, rèn luyện,… có vai trò hết sức quan trọng, có thể ví như “khuôn mẫu” để chiến sĩ noi theo. Từ thực tế đó, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn hết sức quan tâm xây dựng, kiện toàn khung đơn vị huấn luyện chiến sĩ mới; lựa chọn, sắp xếp những cán bộ có kinh nghiệm, năng lực quản lý, chỉ huy, phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao vào các khung huấn luyện này. Sư đoàn cũng chú trọng làm tốt việc quán triệt, giao nhiệm vụ, xây dựng ý chí, quyết tâm, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực toàn diện cho cán bộ trực tiếp tham gia huấn luyện. Đồng thời, đặt ra yêu cầu cao đối với họ trên các mặt công tác và có chính sách động viên, khen thưởng thích đáng, v.v. Sư đoàn yêu cầu cán bộ đơn vị huấn luyện chiến sĩ mới phải bám sát kế hoạch, tiến trình biểu huấn luyện, sâu sát bộ đội, bám thao trường, bãi tập. Mọi hoạt động của bộ đội phải luôn có cán bộ trực tiếp quản lý, chỉ huy, kiểm tra, đôn đốc. Cán bộ tiểu đội, trung đội, đại đội thực hiện “4 cùng” với chiến sĩ, gương mẫu đi đầu trong mọi công việc trên tinh thần “lấy tình thương, trách nhiệm làm chuẩn mực, hiệu quả huấn luyện làm thước đo” và đề cao việc giáo dục bộ đội thông qua việc làm cụ thể của mình. Bên cạnh đó, Sư đoàn có biện pháp phòng ngừa và kiên quyết đấu tranh, xử lý những hành vi quân phiệt, kể cả trong lời nói và hành động vi phạm nhân cách quân nhân, v.v. Bằng sự gần gũi, quan tâm, chia sẻ, nhất là việc “làm gương” của cán bộ các cấp, các đơn vị huấn luyện chiến sĩ mới của Sư đoàn đều có môi trường cởi mở, dân chủ, đoàn kết, thống nhất cao. Điều đó giúp chiến sĩ mới nhanh chóng hòa nhập với đơn vị, tạo cho họ niềm tin, động lực để phấn đấu, rèn luyện, hoàn thành nhiệm vụ được giao.       

Bốn là, làm tốt công tác chính trị tư tưởng; kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với rèn luyện kỷ luật, giữa gia đình với đơn vị trong huấn luyện chiến sĩ mới. Đây là kinh nghiệm và cũng là biện pháp quan trọng được Sư đoàn thực hiện trong nhiều năm qua. Ngay sau khi tiếp nhận chiến sĩ mới, cùng với nhanh chóng ổn định biên chế, nơi ăn ở, Sư đoàn chú trọng trước hết đến việc tiến hành công tác tư tưởng, đảm bảo cho chiến sĩ mới xác định rõ nhiệm vụ, yên tâm gắn bó với đơn vị. Theo đó, Sư đoàn tăng cường tổ chức phổ biến, quán triệt nhiệm vụ, quy định của đơn vị, kết hợp với giáo dục truyền thống, tuyên truyền kết quả huấn luyện chiến sĩ mới của năm trước,… nhằm xây dựng niềm vinh dự, tự hào, trách nhiệm cho bộ đội. Đồng thời, chỉ đạo đơn vị xây dựng bầu không khí đoàn kết, thân tình giữa cán bộ với chiến sĩ, chiến sĩ với chiến sĩ, chống bè phái, cục bộ địa phương, chia rẽ gây mất đoàn kết. Quá trình tiến hành, Sư đoàn vận dụng đa dạng hình thức, phương pháp giáo dục, tuyên truyền, nhất là phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ chính trị, hệ thống phát thanh nội bộ, pa-nô, khẩu hiệu, phòng Hồ Chí Minh. Nhiều đơn vị còn tổ chức các buổi giao lưu chiến sĩ cũ với chiến sĩ mới, giao lưu văn hóa giữa các vùng quê. Các trung đội thành lập Tổ rà soát chất lượng chính trị, tranh thủ thời gian làm công tác chuẩn bị để gặp gỡ, nắm tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh gia đình, mối quan hệ xã hội của chiến sĩ và các bạn cùng nhập ngũ; thông qua đó, có biện pháp quản lý và làm tốt công tác tư tưởng trong đơn vị.

Cùng với giáo dục chính trị, động viên tư tưởng, xây dựng động cơ, ý thức trách nhiệm cho chiến sĩ mới, công tác huấn luyện, quản lý, rèn luyện kỷ luật được Sư đoàn xác định là nội dung trọng tâm. Nhằm duy trì nền nếp, chính quy ngay từ giờ đầu, tuần đầu, Sư đoàn yêu cầu đội ngũ cán bộ mẫu mực làm gương; đồng thời, hướng dẫn, uốn nắn kiên trì, tỉ mỷ, cụ thể cho bộ đội từng nội dung, từ cách xưng hô, chào hỏi, đến ăn, mặc, sắp đặt nội vụ, vệ sinh, chấp hành chế độ công tác trong ngày, tuần, v.v. Hiện nay, chiến sĩ mới có nhận thức, trình độ văn hóa cao hơn trước, đó là thuận lợi trong công tác quản lý, giáo dục, huấn luyện. Cũng vì thế, về mặt phương pháp Sư đoàn có sự điều chỉnh phù hợp. Việc rèn luyện kỷ luật, Sư đoàn chỉ đạo thực hiện kiên quyết, nhưng mềm dẻo, hạn chế mệnh lệnh hành chính, kết hợp với giáo dục thuyết phục, nhằm không tạo áp lực căng thẳng và hướng chiến sĩ mới vào tự giác chấp hành là chính. Đối với công tác huấn luyện, Sư đoàn chú trọng tính chính quy ngay từ đầu. Các đơn vị bám sát phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng kết hợp huấn luyện lý thuyết với thực hành, lấy thực hành là chính; huấn luyện từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp; phát huy đội mẫu; tổ chức cho bộ đội ôn kỹ, chia nhỏ tập nhiều để nắm chắc nội dung, thành thục động tác. Để nâng cao chất lượng huấn luyện, Sư đoàn gắn huấn luyện quân sự với giáo dục chính trị, huấn luyện với rèn luyện kỷ luật, xây dựng chính quy; duy trì nền nếp hội thao ngày, tuần, tháng và chế độ kiểm tra, thanh tra, rút kinh nghiệm trong huấn luyện. Mặt khác, Sư đoàn tích cực tổ chức các hoạt động ngoại khóa bổ trợ cho huấn luyện; tăng cường công tác động viên, cổ vũ trên thao trường, bãi tập, phát huy vai trò của “Đôi bạn cùng tiến”, cũng như kịp thời biểu dương, khen thưởng đối với chiến sĩ mới đạt thành tích xuất sắc trong huấn luyện, v.v. Nhiều năm qua, Sư đoàn còn duy trì có hiệu quả việc giữ mối liên hệ với địa phương và gia đình quân nhân; định kỳ thông báo tình hình chấp hành kỷ luật, kết quả công tác của chiến sĩ về địa phương và gia đình. Đồng thời, nắm và thông tin cho chiến sĩ mới biết về tình hình địa phương, gia đình. Thông qua đó, phát huy tốt vai trò của địa phương, gia đình trong việc phối hợp với đơn vị động viên, giáo dục con em, nhất là những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn.

Năm là, quan tâm chăm lo bảo đảm tốt đời sống sinh hoạt, sức khỏe cho bộ đội. “Thực túc binh cường”, nên Sư đoàn xem đây là biện pháp hữu hiệu góp phần củng cố vững chắc tư tưởng; đồng thời, tạo nền tảng thể lực để bộ đội vượt qua khó khăn, vất vả, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Theo đó, các đơn vị ưu tiên đảm bảo tốt nhất điều kiện sinh hoạt, ăn, ở cho chiến sĩ mới. Mọi tiêu chuẩn, chế độ đều được công khai, bảo đảm đầy đủ, kịp thời. Công tác nuôi dưỡng bộ đội được Sư đoàn đặc biệt quan tâm, đảm bảo cho bộ đội ăn ngon, ăn đúng, ăn đủ tiêu chuẩn, định lượng. Bộ đội huấn luyện trên thao trường luôn có đủ nước uống; chiến sĩ được tắm nước nóng khi trời lạnh. Quân y các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn vệ sinh phòng bệnh, phòng dịch, vệ sinh môi trường; đồng thời,  bám sát bộ đội trong mọi hoạt động, kịp thời thăm khám, điều trị khi bộ đội ốm đau, mỏi mệt. Với nỗ lực đó, quân số khỏe tham gia huấn luyện của Sư đoàn luôn đạt trên 98,5%; đơn vị không để dịch bệnh xảy ra, không có chiến sĩ say nóng, say nắng, v.v.

Những kinh nghiệm và cũng là những biện pháp trên đây đã và đang được Sư đoàn 312 thực hiện trong huấn luyện chiến sĩ mới năm 2016. Với nhận thức đúng, quyết tâm cao và kinh nghiệm quý báu, Sư đoàn sẽ tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quan trọng này.

Đại tá ĐỖ MINH XƯƠNG, Sư đoàn trưởng

Ý kiến bạn đọc (1)

Em gửi anh Đỗ Minh Xương
22/05/2021 10:29
Anh Xương ơi! em là vũ Thế Tụy nhập ngũ 8/1993 Trung đoàn 209 thời gian về Phố cò anh là Đại đội trưởng, anh Đán là Đại đội phó chính trị, anh Hoan Đại đội phó, em làm liên lạc cho các anh, em vẫn nhớ ngày anh bị ngã xe anh phải nằm viện, trời nắng em đi bộ từ Trung đoàn 209 đến BV để thăm anh, nhiều lần em bị anh mắng nhưng em rất quý anh và luôn nghĩ anh là người sẽ rất thành công trên con đường Binh nghiệp. Em rất vui khi biết được anh đang là một sỹ quan cấp cao trong QĐND Việt Nam với hàm Thiếu tướng, em tin tưởng rằng với con người của anh, với trình độ của anh, anh còn tiến xa hơn nữa! Vũ Thế Tụy quê Thái Bình nhập ngũ 8/93
Vũ Thế Tụy
Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.